Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Phải thu hồi QĐ 525/TTg do Trịnh Đình Dũng “ký trộm”

Phải thu hồi QĐ 525/TTg do Trịnh Đình Dũng “ký trôm”
Thao Ngoc 24/4 - Mặc dù tên chính thức của dự án là ‘Sân golf Đak Đoa’, song kỳ thực trong đó sẽ bao gồm 60 căn biệt thự nghỉ dưỡng, một khu resort 80 phòng, một khách sạn 360 phòng và một trung tâm hội nghị hơn 30 nghìn m2. Mà đây chỉ mới là giai đoạn 1 dự án. Giai đoạn 2 dự án sẽ mở rộng chiếm trọn 500ha rừng thông cổ thụ để phân lô bán nền nhà liền kề, như trong thông báo và phối cảnh mà FLC đưa ra.
Lâu nay nhà nước ta đang phát động phong trào trồng rừng rất rầm rộ. Ngày 5/4/2021,Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Rừng là vàng. Chặt một cây cũng phải thắp hương bái lạy rừng”.

Nhất là sau những vụ lũ lụt và sạt lở kinh hoàng tại các tỉnh miền Trung vừa qua, gây tổn thất nặng nề về người và của. Như vụ sạt sở tại Rào Trăng 3 vào tháng 10/2020, mà đến nay còn 11 người bị vùi lấp chưa tìm được, thì công việc trồng rừng lại càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Trong khi chủ trương trồng rừng đang là vấn đề rất cấp bách, vì diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, chất lượng rừng ngày càng nghèo nàn và cạn kiệt, thì đầu tháng 4 vừa qua, một quyết định của chính phủ cho phép phá 156 ha rừng tại xã Đak Đoa(Gia Lai) làm sân golf làm người dân hết sức ngỡ ngàng.

Báo Vietnam.net ngày 5/4/2021 có bài: “Chuyển mục đích gần 156ha rừng sản xuất làm sân golf Đak Đoa ở Gia Lai”

Theo đó: “Ngày 1/4/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư”.Theo phê duyệt, dự án sân golf Đak Đoa được thực hiện tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Mục tiêu đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế”.
(https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/chuyen-muc-dich-gan-156ha-rung-san-xuat-lam-san-golf-dak-doa-725031.html)

Quyết định này hoàn toàn đi ngược lại chủ trương trồng và phát triển rừng hiện nay của nhà nước, gây nên sự phẫn nộ cực độ trong nhân dân.

Chúng ta hãy tìm hiểu xem, cái Quyết định số 525/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, gây phẫn nộ này đã ra đời như thế nào?

Chiều 31/3/2021, phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Theo thông báo thì đây là buổi làm việc cuối cùng của ông Phúc trên cương vị thủ tướng.

Trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công thư gửi các Phó Thủ tướng và Văn phòng CP thông báo: "Không xử lý công việc của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/4/2021, chờ Quốc hội bầu thủ tướng mới”.

Ngày 1/4, TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng trình QH miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Thứ 6 ngày 2/4, buổi sáng QH họp bãi nhiệm thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ngày 3 và 4 tháng 4 là thứ bảy, chủ nhật, CP không làm việc.
Chiều 5/4/2021 QH bầu ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng.

Ngày 7/4/2021, thủ tướng Phạm Minh Chính trình QH miễn nhiệm phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Như vây là chính phủ có 4 ngày không có thủ tướng, trong đó có 2 ngày nghỉ là thứ bảy và chủ nhật.

Theo Luật Tổ chức CP các ngày đó, các phó thủ tướng còn làm việc được quyền kí các QĐ tồn đọng, nhưng không được quyền ký các QĐ mới.

Vậy là QĐ của ông Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho phép FLC phá 156 ha rừng, được ký vào ngày 1/4/2021, ngày thứ nhất chính phủ chưa có thủ tướng điều hành.

Rõ ràng đây là hành động “hốt cú chót”, là “chuyến tàu vét” vào lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Điều buồn cười là sau khi bị dư luận lên án mạnh mẽ việc “ký trộm” này, một số báo ra sức biện bạch rằng, nào là ký đúng quy trình, nào là đầu tư sẽ giữ lại phần lớn rừng thông, chỉ di chuyển một số ít cây, nào là sẽ trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án..v.v.

Thế nhưng trong Quyết định 2170 của Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, trong đó FLC chỉ cam kết giữ lại 50% diện tích rừng hiện trạng và được Bộ TN-MT đồng ý.

Nói rằng Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng? Làm sao một mảnh rừng trồng mới lại có giá trị tương đương với một cánh rừng thông cổ thụ đã 50 năm tuổi, cả về mặt cảnh quan lẫn chức năng sinh thái?

Rồi đây không phải chỉ một ít cây mà một diện tích rất lớn rừng thông sẽ bị xoá sổ để nhường chỗ cho những bãi cỏ sân golf và các công trình phụ trợ.

Nên biết rằng: Mặc dù tên chính thức của dự án là ‘Sân golf Đak Đoa’, song kỳ thực trong đó sẽ bao gồm 60 căn biệt thự nghỉ dưỡng, một khu resort 80 phòng, một khách sạn 360 phòng và một trung tâm hội nghị hơn 30 nghìn m2.

Mà đây chỉ mới là giai đoạn 1 dự án. Giai đoạn 2 dự án sẽ mở rộng chiếm trọn 500ha rừng thông cổ thụ để phân lô bán nền nhà liền kề, như trong thông báo và phối cảnh mà FLC đưa ra.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT, quan điểm của Chính phủ khi lập quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng quỹ đất hoang hoá, khó canh tác, đất trống đồi trọc.

Với các danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp như rừng thông Glar với đồi cỏ hồng thì “không thể cấp phép làm sân golf”.

Nói về tinh thần tận tụy làm việc đến tận những phút cuối cùng của ông Trịnh Đình Dũng, Báo Thanh Niên ra ngày 23/4/2021 có bài (đã bị gỡ):”Số dự án được phê duyệt tăng vọt cuối nhiệm kỳ”.

Cụ thể, ngoài ngày 6/4, một ngày trước khi QH miễn nhiệm, ông Trịnh Đình Dũng ký liền 4 dự án, trong tháng 3/2021, ông cũng ký 17 dự án, kỷ lục trong nhiệm kỳ.

Tháng 2/2021, là tháng có thời gian nghỉ tết Nguyên đán, chỉ có 15 ngày làm việc chính thức, nhưng ông Trịnh Đình Dũng cũng ký đến 12 dự án. Các ngày 23/2 và 26/2, mỗi ngày có 3 dự án được ông Dũng phê duyệt.

Hiệu suất làm việc của ông trong những ngày cuối nhiệm kỳ cao một cách đáng ngạc nhiên nếu so với thống kê những năm trước đó. Riêng số dự án ông ký trong 65 ngày cuối cùng (36 dự án) chiếm đến 1/3 so với tổng số dự án được ông ký trong cả nhiệm kỳ (107 dự án)”.

Nhà báo Trần Thị Sánh, trên trang cá nhân của mình đã phải thốt lên: “Lo ngại biến đất nước thành của riêng… Vụ việc Phó TT Trịnh Đình Dũng ký quyết định giao 175 ha rừng cổ thụ ở Gia Lai cho ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC làm sân golf đang làm nóng lên dư luận và khiến người ta lo ngại rằng sẽ có một ngày đất đai, tài nguyên của đất nước bị biến thành của riêng, biến thành đất nước riêng của Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết...

Đi dọc từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, lên Tây Nguyên…chỗ nào đẹp nhất, đất vàng, đất bạc nhất là những dự án ngàn tỷ, triệu tỷ của hai ông chủ này. Ở xứ mình, không gì nhanh giàu, nhanh thành đại gia bằng buôn đất, làm dự án đất đai, đổi đất lấy hạ tầng…”

Giáo sư Mạc Văn Trang đề nghị thu hồi cái QĐ số 525/TTg, do Phó TT Trịnh Đình Dũng “ký trộm” vào ngày 01/4/202, vì ngày 31/3, TT Phúc đã tuyên bố chính phủ ngưng ký các quyết định, chờ bàn giao chính phủ mới. Phải xử lý ông Dũng về tội “ký trộm làm cú vét”.

Xin mượn ý của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng để nói rằng: “Không được biến những ngày cuối nhiệm kỳ của chính phủ thành chuyến tàu vét để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực của đất nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét