Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

NHỮNG LÂU ĐÀI PHÁP PHÒ

NHỮNG LÂU ĐÀI PHÁP PHÒ 
FB Dương Quốc Chính - Hôm trước mình đã viết tút về ngôi nhà Pháp phò do người dân “tự thiết kế”, mấy hôm nay lại thấy báo đăng 1 lâu đài khác do 1 ông chủ lò gạch cũng “tự thiết kế”. Cái gọi là “tự thiết kế”, với tư cách là KTS, mình đảm bảo là nói phét. Bởi vì với toà nhà rất phức tạp về chi tiết, các chi tiết tương đối chuẩn theo thức cổ điển (khi nhìn thoáng qua), thì đảm bảo là không có người dân thường nào tự thiết kế được. 

Thực ra những ngôi nhà dạng này đều là sự cóp nhặt của thợ và chủ nhà. Thường chủ nhà đi chụp ảnh các chi tiết kiến trúc hoặc lấy từ phim ảnh, sách báo, đưa cho các nhóm thợ. Thợ cũng góp các bản vẽ từ “kho bản vẽ” mà họ thu thập được từ trước. Các bên cùng phối hợp mới ra được cái nhà, chứ chả có chủ nhà nào thiết kế, tức là có đầy đủ bản vẽ như hồ sơ thiết kế của 1 công ty thiết kế được.
Ngay như mình là KTS, nhiều khi tự chế bản vẽ cơ điện và kết cấu với các công trình đơn giản, mà còn chả dám nhận là tự thiết kế, vì mình đâu có chuyên môn thiết kế kết cấu, điện, nước, điều hoà. Đây chủ nhà bô bô tự khoe là tk nguyên toà lâu đài.

Việc người dân tự khoe khoang chuyện đó lên mạng XH đã đáng lên án 1, thì báo chí cũng làm như vậy thì đáng lên án 10. Bởi vì đây là 1 việc vi phạm pháp luật XD. Người dân chỉ được phép tự thiết kế nhà có quy mô dưới 3 tầng và/hoặc nhỏ hơn 250m2 sàn (quy mô vừa đủ cho nhà dân). Đằng này nguyên toà “lâu đài” với chiều cao lẫn diện tích đều vượt xa quy định kia. Báo chí đăng tin theo kiểu ca ngợi ngôi nhà như vậy khác gì khuyến khích người dân vi phạm pháp luật?

Nhà báo viết bài cũng chẳng biết gì về kiến trúc nên toàn thấy ca ngợi thứ công trình hổ lốn về phong cách. Cái cổng toà nhà thì nhang nhác kiến trúc Khmer/Thái, mái vòm thì kiểu nhà thờ bên Ý, đầu cột hoa lá kiểu Conic, trần sơn nhũ vàng kết hợp quạt trần Panasonic, nội thất thì sập gụ, tủ chè, salon khảm trai kiểu Đồng Kỵ, phòng thờ thì cửa bức bàn thượng song hạ bản. Toàn bộ ngôi nhà thì thiên về màu vàng choé của chùa Khmer phối với màu nâu gụ của nội thất địa chủ VN.

Tóm lại, đây là thứ kiến trúc dân gian mới hổ lốn Đông Tây kết hợp cùng. Thế mà báo chí đăng lên để câu view không có 1 lời phê phán.

Lẽ ra việc định hướng thẩm mỹ này là trách nhiệm của Hội KTS VN và các trường ĐH đào tạo KTS. Nhưng có lẽ họ bất lực trước trào lưu kiến trúc dân gian tự thiết kế này. Người dân xây nhà nhỏ, dưới 250m2 sàn không có thiết kế còn thông cảm được.

Nhưng xây nguyên toà “lâu đài” mà hồn nhiên tự thiết kế. Đừng nghĩ đơn giản là người ta có tiền thì xây sao thì xây. Đây là ô nhiễm thị giác cho người khác. Nhất là khi báo chí lại còn phát tán thêm cái sự ô nhiễm đó.

Dân VN nhiều người có tý tiền thì muốn xây nhà hay đầu tư nội thất kiểu cổ điển phương Tây để được tự đóng vai vua chúa mấy trăm năm trước bên châu Âu. Khi không có kiến thức về thẩm mỹ, về mỹ học, thì người ta đâm đầu vào bắt chước qua phim ảnh, sách báo và lấy chuẩn mực của vua chúa, quý tộc châu Âu làm chuẩn mực. 

Không hiểu sao 1 đất nước được giáo dục lòng căm thù bọn thực dân, nhưng lại dễ dàng bị nô lệ bởi kiến trúc thực dân. Đảng và quân đội là chống thực dân ghê nhất nhưng lại là thế lực nệ cổ, yêu thích kiến trúc thực dân nhất. Thế mới éo le.

Từ ngày mình mới đi làm, thời mà các khi đô thị Linh Đàm, Định Công mới hình thành, là mới bắt đầu trào lưu nhà Pháp. Nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy kiến trúc ở Linh Đàm, Định Công còn đỡ kệch cỡm, trưởng giả hơn thứ kiến trúc lâu đài bây giờ nhiều lần. Nhưng nhìn lại lần nữa thì thấy nhà Pháp cổ xịn ở các khu phố Tây ở HN hay SG lại còn nhã nhặn hơn nhiều so với hàng fake ở Linh Đàm, Định Công! Tức là nhà lâu đài bây giờ còn cổ hơn cả nhà Pháp cổ xịn! Thực ra 1 số biệt thự quanh hồ Halais và quảng trường Ba Đình còn hiện đại hơn biệt thự Pháp phò bây giờ thiết kế. Tiếc là các công trình đó lại không được người dân bây giờ đánh giá cao để bắt chước.

Kiến trúc Pháp thuộc mình thấy đáng giá nhất ở Đông Dương là phong cách Indochine. Điển hình nhất của kiến trúc này là Bảo tàng Lịch sử VN (nguyên là Viện Viễn đông bác cổ), đại học Đông Dương (nay là khoa Hoá ĐH KHTN và ĐH Dược HN) và Sở Tài chính Đông Dương (nay là Trụ sở cũ của Bộ NG). Rất nhiều công trình biệt thự ở HN, SG cũng thiết kế theo phong cách này. Đây là sự phối hợp hài hoà giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc VN hay VN lai TQ (bảo tàng Mỹ thuật SG - nhà chú Hoả). 

Kiến trúc Đông Dương là sự bản địa hoá kiến trúc Pháp để nó phù hợp hơn với văn hoá, khí hậu, công năng của Đông Dương và người VN. Đáng tiếc rằng kiến trúc Pháp fake ngày nay không hề phát huy được phong cách kiến trúc Đông Dương mà toàn là thứ sao chép thô kệch của kiến trúc, nội thất cổ điển châu Âu để thoả mãn tâm lý thích nhập vai làm vua chúa của giới trưởng giả VN. Có thể nói là KTS Pháp và KTS VN do Pháp đào tạo ngày xưa còn có ý thức bảo tồn và phát huy, phối hợp kiến trúc thuộc địa và VN còn hơn KTS VN hiện nay.

Nhiều người biện luận cho sở thích nhà cổ của mình là không lo nó lạc hậu vì nó đã quá cổ rồi!!! Nhưng cần biết rằng nhà cổ và nội thất cổ cách đây mấy trăm năm sẽ không thể phù hợp với công năng và tiện nghi ở hiện đại. Hơn nữa, để chạy theo hình thức cổ điển, thường đối xứng, dẫn tới công năng bị gượng ép (công năng không đối xứng nhưng hình thức buộc phải đối xứng). Mình không hiểu người ta bày cái chân nến (phải bày 1 đôi) trên bàn thì có thắp nến kết hợp với đèn led được không?!

Kiến trúc Pháp cổ có rất nhiều thứ mâu thuẫn nặng với phong thuỷ kiểu như sảnh chính thẳng với cầu thang (tối kị với phong thuỷ), người ta phải chế cháo đủ kiểu để hạn chế nên càng trở nên khiên cưỡng. Thế là kiến trúc lâu đài bây giờ trở thành 1 nồi lẩu thập cẩm Đông Tây kim cổ kết hợp đình chùa nhưng lại đang là mốt của giới trưởng giả ít học.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét