‘Thảm kịch’ COVID-19 như Ấn Độ có thể xảy ra ở Việt Nam ?
FB Tường Vân • Liệu Việt Nam có là một “ốc đảo an toàn” giữa “biển dịch” COVID-19 đang “cuộn sóng” ở Đông Nam Á – châu Á hay không? Trong khi thảm kịch COVID-19 đang diễn ra từng ngày tại Ấn Độ, Việt Nam cần rất cẩn trọng với từng lựa chọn của mình. Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng ở mức kỷ lục của thế giới trong 5 ngày liên tiếp với hơn 315.000 - 352.000 ca mỗi ngày từ 22/4 đến 26/4. Điểm dịch lớn thứ hai thế giới này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu giường bệnh, đặc biệt là thiếu oxy nghiêm trọng. Nhiều bệnh viện Ấn Độ buộc phải từ chối nhận bệnh nhân.Cảnh hoả táng bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)
Thảm kịch quốc gia đang diễn ra tại Ấn Độ được nhìn rõ nhất ở các nghĩa địa và lò thiêu, với những hình ảnh đau lòng về những bệnh nhân chết ngạt trên đường đến bệnh viện vì thiếu oxy, các lò thiêu quá tải, phải mang xác người bệnh ra vườn đốt. Người dân Ấn Độ đang trải qua những ngày bùng phát dịch bệnh tồi tệ.Nhiều phân tích đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này tại Ấn Độ. Loại virus đột biến kép đang lây lan nhanh chóng tại Ấn Độ cùng những diễn biến dịch bệnh phức tạp tại các nước trong khu vực Đông Nam Á đặt ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn xâm nhập dịch vào Việt Nam khiến Việt Nam cần rất cẩn trọng trước làn sóng mới của COVID-19.
Chủ quan, buông lỏng các tiêu chí và biện pháp an toàn về phòng dịch
Khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào năm 2020, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh phong toả toàn quốc vào tháng 3. Động thái này của chính phủ và ý thức chú trọng của người dân đã giúp Ấn Độ thành công trong việc kiểm soát số ca mắc bệnh.
Tuy nhiên, con số ca mắc mới trong ngày từ đỉnh điểm 100.000 ca vào tháng 9/2020 giảm xuống chỉ còn dưới 10.000 ca vào đầu tháng 2/2021 đã khiến cả chính phủ và người dân Ấn Độ chủ quan, buông lỏng các hệ thống và tiêu chí an toàn phòng dịch.
Ngay từ tháng 1/2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyến bố chiến thắng của Ấn Độ trước virus Corona. Ông đã nói trong một cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng chiến thắng này của Ấn Độ là không thể so sánh với bất cứ nơi nào khác.
Tới tháng 3, Bộ trưởng Y tế của Ấn Độ cũng đưa ra tuyến bố về sự kết thúc dịch bệnh tại đất nước của ông.
Những tuyên bố này của chính phủ Ấn Độ và các động thái đi kèm đã khiến giới chức và cả người dân Ấn Độ buông lơi các tiêu chí an toàn về phòng dịch. Nhiều người dân đã không còn đeo khẩu trang theo hướng dẫn phòng dịch COVID-19. Nhiều sự kiện cộng đồng tập trung tới hàng nghìn, hàng triệu người diễn ra tại các bang.
Các trận đấu cricket với hàng chục nghìn khán giả lấp đầy các sân vận động được phép diễn ra và rạp chiếu phim hoạt động hết công suất.
Hôm Thứ Hai (12/4), hàng nghìn tín đồ đã tham gia lễ hội tắm sông Hằng (thuộc lễ hội Kumbh Mela) ở Haridwar (bang Uttarakhand) giữa làn sóng dịch bệnh đang diễn ra trong nước. Không thể xác định được con số chính xác đã có bao nhiêu người tham gia lễ hội Kumbh Mela có kết quả dương tính với COVID-19 kể từ khi lễ tắm được bắt đầu vào ngày 11/3. Tuy nhiên, Giáo sư SK Jha – Giám đốc Bệnh viện Uttarakhand cho biết, có khoảng hơn 1.600 trường hợp tham gia lễ hội đã được xác nhận mắc COVID-19 từ ngày 10 – 14/4.
Hôm Thứ Năm (15/4), báo cáo y tế của Ấn Độ đã lần đầu tiên ghi nhận con số hơn 200.000 ca mắc COVID-19 một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này.
Lễ tắm sông Hằng tại Haridwar ngày 11/3/2021.
Hàng nghìn người tham gia lễ hội. (Ảnh: PRAKASH SINGH/AFP via Getty Images)
Ấn Độ cũng vẫn tiến hành các cuộc bầu cử theo nhiều giai đoạn từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 với số lượng người tham dự lớn ở 5 bang: Tây Bengal, Tamil Nadu, Kerala, Assam và Puducherry.
Ấn Độ cũng vẫn tiến hành các cuộc bầu cử theo nhiều giai đoạn từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 với số lượng người tham dự lớn ở 5 bang: Tây Bengal, Tamil Nadu, Kerala, Assam và Puducherry.
Cơn ‘sóng thần’ COVID-19 đánh vỡ hệ thống y tế
Ấn Độ từ lâu được coi là trung tâm sản xuất dược phẩm của thế giới. Nước này sản xuất tới 60% vaccine toàn cầu, trong đó có 90% lượng vaccine sởi mà WHO sử dụng.
Ấn Độ cũng “chạy đua” với ĐCSTQ trong “cuộc chiến vaccine” nhằm tranh thủ những lợi thế về địa – chính trị, nhưng quốc gia này lại để một “lỗ hổng” rất lớn trong hệ thống y tế chăm sóc người dân nước mình và đã chủ quan không tính đến kịch bản COVID-19 bùng phát trở lại.
Làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ là cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất của nước này trong thời gian gần đây. Cuộc khủng hoảng đã phơi bày sự thiếu hụt lớn số lượng các y bác sĩ, giường bệnh và các trang thiết bị y tế.
Ở các quốc gia có Chỉ số phát triển con người cao (theo tiêu chí của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP), trung bình có 5.5 giường bệnh, 3 bác sĩ và 8.1 y tá trên 1.000 dân; ở các quốc gia có chỉ số thuộc nhóm thấp nhất sẽ có khoảng 0.7 giường bệnh, 0.21 bác sĩ và 0.6 y tá cho 1.000 dân.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, theo dữ liệu Y tế Quốc gia năm 2019, quốc gia này chỉ có trung bình 0.55 giường bệnh trên mỗi 1.000 dân. Mặc dù vậy, có tới 12 bang (chiếm 70% tổng dân số của Ấn Độ) có chỉ số giường bệnh thấp hơn mức trung bình này của quốc gia. Như bang Bihar thiếu giường bệnh nghiêm trọng khi chỉ có 0.11 giường bệnh cho 1.000 dân. Ngay như thủ đô Delhi cũng chỉ có 1.05 giường bệnh cho 1.000 dân, bang Tamil Nadu có 1.1 giường bệnh cho 1.000 dân.
Trong tổng số 713.986 tổng số giường bệnh có trên toàn quốc, chỉ có 5 – 8% là giường ICU (khoảng 35.699 – 57.119 giường). Và chỉ có khoảng 50% trong số giường ICU này có máy thở (tức chỉ có khoảng 17.850 – 25.556 máy thở trên toàn quốc).
Khi làn sóng dịch bệnh bùng nổ, hệ thống y tế này đã bị “phá vỡ” trước sự gia tăng đột biến của các ca bệnh. Số lượng giường bệnh, bình dưỡng khí, máy thở cũng như số lượng các y bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có 2.8 giường bệnh/1.000 dân (năm 2020), 0.86 bác sĩ/1.000 dân (năm 2018), 1.8 điều dưỡng trên một bác sĩ – thấp nhất khu vực Đông Nam Á (năm 2018, và đa số có trình độ trung học – chiếm 66,9%, trong khi tối thiểu phải có từ 3 – 3,5 điều dưỡng trên một bác sĩ).
Các chỉ số về nhân lực y tế này của Việt Nam có khả quan hơn so với Ấn Độ. Việt Nam cũng đang có khoảng hơn 6.000 máy thở cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, với những biến thể mới của virus có khả năng lây lan nhanh và nhiều yếu tố tiềm ẩn, Việt Nam cần nâng cao mức cảnh báo dịch bệnh hơn nữa.
Các ca nhập cảnh khiến an toàn cộng đồng trở nên mong manh
Cùng với Đài Loan, Việt Nam trở thành một “hiện tượng” trong bối cảnh dịch bệnh lây lan trên thế giới. Với làn sóng nhập cảnh từ Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan, Việt Nam đang tăng cường tuần tra, kiểm soát các ca nhập cảnh qua đường biên giới trên bộ, trên biển và đường hàng không, đặc biệt là các ca nhập cảnh trái phép.
Viện Pasteur TPHCM đã giải trình tự gen của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam. Kết quả cho thấy 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 của SARS-CoV-2 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi) có tốc độ lây lan rất mạnh.
Trong tháng 4, Việt Nam ghi nhận nhiều ca nhập cảnh qua đường hàng không là các chuyên gia Ấn Độ được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Theo các chuyên gia, biến thể virus B.1.167 đột biến kép đang gây bùng phát dịch rất mạnh ở Ấn Độ, vì vậy việc phòng dịch COVID-19 tại Việt Nam từ đường nhập cảnh càng cần được thắt chặt hơn.
Hôm 26/4, Sở Y tế Yên Bái đã xác nhận một người Việt (là nhân viên Khách sạn Như Nguyệt 2 tại TP Yên Bái) nhiễm COVID-19 trong khu cách ly, có tiếp xúc với đoàn chuyên gia người Ấn Độ nhập cảnh hôm 18/4. Đây là ca bệnh đầu tiên lây nhiễm tại Việt Nam, làm đứt đoạn chuỗi hơn 30 ngày Việt Nam không có ca lẫy nhiễm trong nước.
Một số quốc gia như: Anh, Australia, New Zealand, Canada, Pakistan đã áp dụng các hạn chế mới đối với du khách đến từ Ấn Độ, bao gồm lệnh đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ.
Không chủ quan trước “làn sóng” dịch mới
Ngành Y tế Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng thiết lập ngay bệnh viện dã chiến tại một số tỉnh thành, đặc biệt tại khu vực Tây Nam Bộ, đồng thời đưa ra nhiều cảnh báo về “làn sóng dịch thứ tư”.
Một số tỉnh thành cũng đã nâng mức cảnh báo về phòng dịch nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là, không thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cho đến nay, một số tỉnh thành của Việt Nam như: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị… đã dừng việc tổ chức bắn pháo hoa trong dịp 30/4 nhằm phòng dịch COVID-19.
Cho đến nay, một số tỉnh thành của Việt Nam như: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị… đã dừng việc tổ chức bắn pháo hoa trong dịp 30/4 nhằm phòng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn là rất lớn do kế hoạch du lịch, di chuyển của một bộ phận lớn người dân trong kỳ nghỉ, chưa kể đến các lễ hội, sự kiện tập trung đông người đã được các Sở Văn hoá – Thể thao lên kế hoạch từ trước, mặc dù đã có sự điều chỉnh, giảm bớt do lo ngại dịch COVID-19.
Việc duy trì các hoạt động kinh tế nhằm bảo đảm nguồn thu tài chính và an toàn trước tình hình mới của dịch bệnh thực sự khiến Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn. Như ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM đã nói trong cuộc họp về phòng dịch COVID-19 hôm 26/4: “Dứt khoát dừng bắn pháo hoa, lỡ có chuyện gì ân hận không kịp”.
Tường Vân
Việc duy trì các hoạt động kinh tế nhằm bảo đảm nguồn thu tài chính và an toàn trước tình hình mới của dịch bệnh thực sự khiến Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn. Như ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM đã nói trong cuộc họp về phòng dịch COVID-19 hôm 26/4: “Dứt khoát dừng bắn pháo hoa, lỡ có chuyện gì ân hận không kịp”.
Tường Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét