Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Các nước viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ để cứu người

Khủng hoảng Covid ở Ấn Độ hiện nay là bài học nhãn tiền dành cho sự chủ quan của các quan chức chính phủ VN. Sài Gòn và các nơi khác ở VN nên tạm dừng một số lễ hội lớn cũng như kế hoạch bắn pháo hoa dịp 30/4. Du lịch không tập trung quá đông người ở một điểm vẫn nên được thực hiện. Quan chức chính phủ nên nghiêm chỉnh thực hiện quy định 5K...
Covid: Các nước viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ để giảm tình trạng thiếu oxy
Covid-19: Ấn Độ lây nhiễm ở mức kỷ lục, cạn oxi cho bệnh nhân. Các nước trên thế giới quốc tế đang nỗ lực giúp đỡ Ấn Độ khi quốc gia này bị thiếu oxy trầm trọng trong bối cảnh ca nhiễm Covid gia tăng đột biến. Vương quốc Anh đã bắt đầu gửi máy thở và những máy tạo oxy. Các thành viên EU cũng sẽ gửi viện trợ. Mỹ đang dỡ bỏ lệnh cấm gửi nguyên liệu thô ra nước ngoài, tạo điều kiện cho Ấn Độ sản xuất nhiều vaccine AstraZeneca hơn.
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng, đang ngồi và văn bản cho biết 'Covid: Bệnh nhân chết vì thiếu oxy khi đại dịch ở Delhi tăng đột biến 25 tháng 4 năm 2021 003 Covid-19: Các bệnh viện ở Delhi cạn kiệt nguồn cung cấp oxy 23 tháng 4 năm 2021 2:39 Covid-19: An Độ lây nhiễm kỳ lục, cạn oxi cho bệnh nhân 22 tháng 4 năm 2021 Covid-19: Lo ngại dịch từ Campuchia, VN siết chặt biên giới 23 tháng 4 năm 2021'
Delhi, thủ đô của Ấn Độ đã kéo dài thời gian phong tỏa khi các bệnh viện quá tải tiếp tục từ chối không nhận thêm bệnh nhân. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cho hơn 500 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc để tăng cường nguồn cung.

Trong khi đó nước láng giềng Bangladesh thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới với Ấn Độ từ thứ Hai để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ấn Độ ghi nhận thêm 349.691 ca nhiễm trong 24 giờ, tính đến sáng Chủ nhật, với 2.767 tử vong. Nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực sự có thể cao hơn nhiều.

Vương quốc Anh viện trợ những gì?

Lô hàng viện trợ đầu tiên rời Vương quốc Anh hôm Chủ nhật và sẽ đến Ấn Độ vào thứ Ba. Các chuyến hàng tiếp theo sẽ được gửi đi vào cuối tuần.

Hàng viện trợ của Vương quốc Anh gồm 495 máy tạo oxy - có thể lấy oxy từ không khí khi hệ thống oxy của bệnh viện cạn kiệt - cũng như 120 máy thông khí không xâm nhập và 20 máy trợ thở bằng tay.

"Chúng tôi sát cánh với Ấn Độ như một đồng minh và đối tác trong suốt thời gian rất đáng lo ngại này của cuộc chiến chống lại Covid-19," Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong một văn bản.

Sự gia tăng ca nhiễm khiến ông Johnson phải hủy chuyến viếng thăm Ấn Độ theo kế hoạch và đưa ra lệnh cấm đi lại. Các quốc gia khác, gồm UAE, Canada, Đức và Hà Lan cũng đã cấm các chuyến bay từ Ấn Độ.

Còn Mỹ và những nước khác thì sao?

Nhà Trắng nói sẽ ngay lập tức cung cấp nguyên liệu sản xuất vaccine cho các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ.

"Cũng giống như Ấn Độ đã gửi viện trợ đến Hoa Kỳ khi các bệnh viện của chúng tôi bị quá tải trong giai đoạn đầu của đại dịch, chúng tôi nhất quyết sẽ giúp đỡ Ấn Độ trong thời điểm cần thiết," Tổng thống Joe Biden nói.

Tuyên bố của ông Biden diễn ra sau khi các quan chức Ấn Độ và Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với nguyên liệu thô cho vaccine, được ban hành vào tháng Hai.

Washington cũng bị chỉ trích vì trì hoãn quyết định gửi vaccine thặng dư ra nước ngoài. Hoa Kỳ có hàng triệu liều vaccine AstraZeneca chưa được sử dụng, và vẫn chưa được chấp thuận sử dụng ở nước này.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci nói việc gửi những liều thuốc này đến Ấn Độ đang được cứu xét.

Mỹ cũng sẽ cung cấp thiết bị y tế và đồ bảo hộ. Pháp trong khi đó nói rằng sẽ cung cấp oxy.


Một bệnh nhân trên xe xích lô máy chờ được phép vào bệnh viện ở thành phố Ahmedabad

Tại Bỉ, Ủy ban châu Âu nói họ cũng có kế hoạch gửi oxy và thuốc men. Người đứng đầu Ủy ban, Ursula von der Leyen, cho biết đang "tập hợp các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ của Ấn Độ".

Nước láng giềng của Ấn Độ là Pakistan - quốc gia có quan hệ căng thẳng với Delhi trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ - tình nguyện cung cấp thiết bị và vật tư y tế, và Thủ tướng Imran Khan đã tweet lời cầu nguyện cho một "sự phục hồi nhanh chóng".

Tổ chức Edhi của nước này cũng đề nghị gửi một đội 50 xe cứu thương đến Ấn Độ.


Tình hình Ấn Độ hiện giờ ra sao?

Tại Delhi - một khu vực có khoảng 20 triệu dân - bệnh viện đã kín chỗ và đang không nhận bệnh nhân mới. Ít nhất hai bệnh viện đã chứng kiến cảnh bệnh nhân qua đời sau khi hết oxy.

Trên mạng xã hội, thân nhân của người bị bệnh đang cầu cứu, hỏi nhau về địa chỉ bệnh viện, nguồn cung cấp oxy và máy thở.

Một số tuyến đường bên ngoài các cơ sở y tế hiện đầy người bệnh nặng, thân nhân lo tìm cáng khiêng và nguồn cung cấp oxy, trong lúc cầu xin nhân viên bệnh viện cho người nhà họ được vào chữa trị.

Trong khi đó, công suất xét nghiệm cũng đã quá tải và các lò hỏa táng đang phải hoạt động suốt ngày đêm.

Jayant Malhotra, một người làm việc tại một lò hỏa táng ở Delhi, nói với BBC:

"Tôi chưa bao giờ thấy một tình huống kinh hoàng như vậy. Tôi không thể tin rằng chúng tôi đang ở thủ đô của Ấn Độ. Bệnh nhân không được cung cấp oxy và họ đang chết như con vật."

Những cảnh tương tự đang diễn ra ở các thành phố lớn khác. Tổng cộng Ấn Độ đã xác nhận gần 17 triệu ca nhiễm và 192.000 tử vong. Một số tiểu bang và vùng lãnh thổ đã áp đặt chế độ phong tỏa và các hạn chế khác.



Các quan chức y tế nói ngày càng có nhiều biến thể đang làm gia tăng số ca lây nhiễm, bao gồm cả biến thể ở Anh được tìm thấy ở Delhi và biến thể được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10.

Chính phủ của Thủ tướng Modi ngày càng bị chỉ trích vì sự thiếu sẵn sàng của Ấn Độ cho làn sóng thứ hai. Các cuộc tụ họp tôn giáo lớn và các cuộc biểu tình chính trị đã được phép diễn ra.

Hôm Chủ nhật, trong một bài phát biểu trên đài phát thanh, ông Modi nói: "Chúng ta rất tự tin, tinh thần phấn chấn sau khi vượt qua thành công đợt sóng đầu tiên, nhưng cơn bão này đã làm rung chuyển đất nước".

Chính phủ Ấn Độ xác nhận họ đã yêu cầu Twitter chặn các tweet chỉ trích cách xử lý cuộc khủng hoảng của chính quyền, nói rằng các tweet này chứa thông tin sai lệch và vi phạm luật pháp Ấn Độ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56883687

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét