Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Dân cần lên tiếng

Dân cần lên tiếng
FB Ts. Phạm Đình Bá - Ở nơi tôi ở bên Gia Nã Đại, rất nhiều người dân chủ động trong việc xem xét coi vấn đề nào là quan trọng đối với họ và nói lên ý kiến ​​của họ để đảm bảo chính phủ lắng nghe ý kiến ​​của họ. Khi họ làm vậy, họ uốn nắn để chính phủ thực hiện những thay đổi quan trọng liên hệ đến đời sống của họ, góp phần vào cải thiện đời sống của nhiều người. 
Ở đây, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước dân vì nếu không, dân sẽ bỏ phiếu để thay đổi chính phủ bốn năm một lần. Khả năng của công dân để tác động đến những thay đổi của chính phủ là thực sự cần thiết để chính phủ làm việc vì dân. 

Ở đây có hai mục quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Mục đầu tiên là quy tắc mỗi người một phiếu trong việc lựa chọn chính phủ. Mục thứ hai là chính phủ phải nghe dân và đạt được sự ủng hộ của đa số người dân.

Ở đây, cuộc sống hàng ngày của dân bị ảnh hưởng bởi nhiều cấp chính quyền, bao gồm hội đồng quản trị của trường học nơi trẻ em theo học, chính quyền thành phố nơi đưa ra các quyết định như sửa chữa đường và giá nước uống, chính quyền tỉnh nơi đưa ra các quyết định như quyết định về chăm sóc sức khỏe, và chính phủ liên bang nơi đưa ra quyết định như quyết định về thời điểm tiến hành chiến tranh với một quốc gia xâm lăng khác. Tất cả các cấp chính quyền này đều do người dân lựa chọn bốn năm một lần.

Đây là một ví dụ về việc chủ động của dân ở đây trong các vụ việc có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân. Chiều nay tôi đi làm về thì nhận được cái tin e-mail từ “change.org” (tạm gọi là “cấu-tạo cho thay-đổi.”) với nội dung tóm tắc như sau: “Bá - Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc trì hoãn liều vắc xin COVID thứ hai từ 8-12 tuần khiến bệnh nhân ung thư không được bảo vệ khỏi vi rút. Nhiều tỉnh ở Gia Nã Đại đã chọn cách trì hoãn liều vắc xin thứ hai 4 tháng, bất chấp hướng dẫn của nhà sản xuất.” Laura, người khởi xướng đơn khởi kiện cho biết: “Gia đình tôi, cũng như rất nhiều người khác, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh ung thư và cảm thấy vô vọng khi chúng tôi cố gắng điều hướng một hệ thống y tế về vấn đề nầy mà dường như hệ thống nầy đang chống lại chúng tôi, không phải cho chúng tôi”. Laura đang kêu gọi “ … giảm khoảng cách giữa các liều vắc xin cho bệnh nhân ung thư. Bạn có thể giúp đỡ bằng cách thêm chữ ký của bạn”.

Công dân Laura qua mạng “cấu-tạo cho thay-đổi.” đã gom góp được 58 chữ ký và cô ta mong muốn có được 100 chữ ký để nạp vào hộp ý kiến cho chính phủ tiểu bang. Tôi nhận được e-mail nầy và quyết định không ký tên ủng hộ cô ta. Tôi biết theo dữ liệu khoa học thì giảm khoảng cách giữa các liều vắc xin không làm giảm hiệu lực cọng hưởng của cả hai liều. Tôi hiểu cô ấy lo lắng quá mức và cảm phục việc cô ấy phản biện công khai trên mạng là từ niềm tin và kiến thức của cô ấy.

Trông người lại nghĩ đến ta. Tôi xin lấy 2 ví dụ sau đây để có thể so sánh sự khác biệt trong phản biện giữa dân ta và dân người trong việc đóng góp ý kiến đến việc chung. Tôi nghe nói nhà nước ở Huế đang đôn đốc thực hiện di dời dân cư trong khu vực Kinh thành Huế (1). Theo kế hoạch, đến tháng 9 năm 2021 sẽ hoàn thành thực hiện di dời hơn 3.500 hộ dân thuộc giai đoạn 1 của đề án. Bài báo nói là Uỷ ban Nhân dân Huế tổ chức các cuộc đối thoại mở với người dân nhưng bài nầy không đưa ra phản biện của dân.

Tôi đã ráng tìm kiếm Google (dùng các cụm từ “dời dân”, “Huế”, kết quả có khoảng 110,000 bài có thể liên hệ) thì thấy rất ít nguồn đăng tin phản biện và ý kiến từ dân. Báo chí tường thuật về vụ việc nầy một chiều – lúc nào cũng “giải phóng mặt bằng” để “việc thu hồi đất di tích để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” (2). Ngay cả trang mạng của “Luật Sư Việt Nam” cũng đăng theo chiều của các báo chính (3).

Chỉ có 1 trang của Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia) từ nước ngoài mới có vài phát biểu từ dân. Trang nầy trích lời một cụ bà sinh sống mấy mươi năm ở gần Đại Nội Kinh Thành Huế chia sẻ: “Mình cũng không biết nữa. Họp ở trên, mấy ông mới nói ở trên chứ còn ở dưới dân họ đã biết chuyện chi mô. Đây là mình nghe người ni nói người tê nói mình nghe rứa thôi…” (4). Điều ngạc nhiên nhất cho tôi là một vấn đề liên hệ đến hơn 3.500 hộ dân mà chỉ có 1 bài trong hàng hàng lớp lớp bài từ báo chính nhắc đến ý kiến của dân. So sánh chuyện nầy với chuyện của công dân Laura ở Gia Nã Đại nêu trên thì thấy có sự khác biệt giữa mức độ phản biện từ dân ở hai nơi.

Một thí dụ nữa là chuyện gần đây về 221 người nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai từ 2020 đến nay (5). Báo Tuổi Trẻ online lấy tựa là “Những người nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai nói gì?” nhưng chỉ giới hạn việc phản biện từ 3 người: 1 bác sĩ không nêu tên, 1 người nhà của 1 nhân viên dịch vụ và ông Đỗ Văn Thành, trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai. Theo bài nầy, có 48 người nghĩ việc có trình độ từ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư nhưng bài nầy không đăng ý kiến phản biện của những người nầy.

Tôi đã ráng tìm kiếm Google (dùng các cụm từ "Bệnh viện" "Bạch Mai" "nghỉ việc" "bác sĩ", kết quả có khoảng 229,000 bài có thể liên hệ) thì thấy rất ít nguồn đăng tin phản biện và ý kiến từ những người nghỉ việc, mà có phản biện thì lại không có tên. Báo Soha có đăng phản biện của 1 bác sĩ không nêu tên: 'Môi trường không còn phù hợp, cuối tuần phải báo cáo kiểm điểm'. Theo bác sĩ nầy "Chúng tôi làm khoa học, đào tạo, làm chuyên môn nhưng hàng tuần lại yêu cầu lên kế hoạch công việc, cuối tuần phải làm báo cáo kiểm điểm. Nếu báo cáo để rút kinh nghiệm thì không sao, nhưng báo cáo kiểu này khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, hình thành tình trạng sát phạt nhau", bác sĩ này chia sẻ thêm và cho rằng, việc thay đổi đối với bất cứ đơn vị nào cũng là tốt nhưng phải phù hợp, lấy con người làm trung tâm (6).

So sánh chuyện nầy với chuyện của công dân Laura ở Gia Nã Đại nêu trên thì thấy có sự khác biệt giữa mức độ thậm thụt trong phản biện từ tầng lớp ưu tú ở nước ta với việc phản biện minh bạch của người dân thường như cô Laura. Tôi muốn hỏi đảng đã làm gì mà đến tầng lớp ưu tú nhất trong nước cũng phải dè dặt trong cách phản biện của họ với những vấn đề rõ ràng là quan trọng cho đời sống của họ?

Ở Gia Nã Đại, mọi công dân thường lên tiếng về những vấn đề quan trọng trong đời sống của họ. Họ loại trừ những cán bộ được họ bầu vào chính phủ khi các cán bộ nầy không lắng nghe họ. Ở đây, chính phủ không thể bịt miệng dân. Theo tôi hiểu, ở bên nhà, các phương tiện truyền thông chính và các phóng viên làm việc cho cổng thông tin chính tự kiểm duyệt về những vấn đề nhạy cảm cho đảng. Giới tinh hoa của xã hội ngại không lên tiếng, mà có nói thì không nói ra tên. Dân thì học cách giữ im lặng mặc dù họ phải cần phản biện lại cán bộ khi những người nầy làm thiệt hại đến cuộc sống của họ.

Khi tôi còn ở nhà, tôi đã phản biện với trường đại học mà tôi đang học năm thứ ba, mặc dù việc ấy khiến tôi bị đuổi học (nhìn lại thì không hối hận gì cả). Viết đến đây thì tôi lại nhớ một gương sáng nữa. Là một sinh viên của Học Viện Hành Chánh Quốc gia, tốt nghiệp hạng ưu, Nguyễn Anh Tuấn dễ dàng có một chỗ đứng tốt trong bộ máy cầm quyền nhưng anh đã hai lần từ chối vào đảng mặc dù có sự mời gọi chính thức (7). Thay vì trở thành đảng viên, Tuấn chọn con đường khó khăn đầy chông gai có thể liên lụy đến bản thân và gia đình, đó là con đường tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ phú cường.

Tôi viết mấy giòng nầy để xin đóng góp là không có gì sai cả khi phản biện với đảng về những vấn đề quan trọng đối với bạn, nhất là khi quyền lợi của bạn bị xâm hại. Bạn thử nghĩ điều nầy - cánh cửa của cái lồng nô lệ mà đảng đã cố xây dựng từ 70 năm nay không chắc là không mở. Cánh lồng nô lệ nầy có thể mở toang ra khi mọi người từ chối không im lặng. Có thể điều duy nhất bạn cần làm cho bản thân là bước khỏi cái lồng nô lệ đó. Để làm đẹp đời sống của từng người, để ngóc đầu lên và hiên ngang đi vào tương lai, xin bạn vui lòng bước ra khỏi cái lồng nô lệ của đảng đi! Tôi xin chân thành cám ơn bạn trước!!

1 nhận xét:

  1. Bai viet nham nhi ,dich ten nuoc khac it nguoi hieu :Gia na dai -la nuoc ma chi co ke tam than moi hieu .

    Trả lờiXóa