Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Cựu TT Phúc không liên quan việc xây sân golf ở Đak Đoa?

Cựu TT Nguyễn Xuân Phúc không liên quan việc xây sân golf ở Đak Đoa?
20 tháng 4 2021 - 
Nhiều người bênh vực cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương cho phép công ty FLC xây sân golf ở Gia Lai và đổ lỗi cho cựu Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Mới đây, báo chí và cộng đồng mạng tại Việt Nam xôn xao chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện đã là chủ tịch nước, đồng ý cho công ty FLC xây sân golf trên đất rừng. Tuy nhiên, sau đó nhiều người cho rằng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới là người ký quyết định trên, còn ông Phúc vô can.
Ai chủ trương? Ai ký?
Cụ thể, hôm 5/4, báo Vietnam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) của Công ty CP Tập đoàn FLC.

Theo đó, dự án có quy mô 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác, diện tích đất chưa có rừng là 18,08 ha. Dự án nằm trên một phần khu vực rừng thông được trồng khoảng từ năm 1976 đến nay và không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Quyết định này đã gây bức xúc trong dư luận, nhiều người cho rằng đây là hành động "đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế".

Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần qua, nhiều người lên tiếng cho rằng quyết định phê duyệt trên là do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký trước khi mãn nhiệm. Vào lúc quyết định được công bố, ông Phúc không còn chịu trách nhiệm điều hành chính phủ nữa.

Facebook ông Lưu Trọng Văn, người có hơn 86.000 lượt theo dõi, viết rằng vào ngày 1/4 ông Phúc đã được miễn nhiễm chức vị Thủ tướng nên không còn quyền điều hành chính phủ từ ngày đó. Người này còn đưa ra ảnh chụp vản bản quyết định phê duyệt dự án sân golf Đắk Đoa được ông Trịnh Đình Dũng ký vào ngày 1/4.


NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH
Văn bản về quyết định phê duyệt xây dựng sân golf Đắk Đoa

Ông Lưu Trọng Văn phân tích rằng trong hai ngày làm việc không có thủ tướng điều hành, các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam không sử dụng quyền ký. Ông kết luận:

"Như vậy, quyết định ông Trịnh Đình Dũng ký trao 174 ha rừng cho FLC của ông Quyết làm sân golf ở Gia Lai ngay ngày thứ nhất chính phủ không có thủ tướng điều hành. Với các thông tin trên thì ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim chủ tịch nước, không phải liên đới chịu trách nhiệm về việc trao 174 ha rừng ở Gia Lai làm sân golf mà dư luận đang rất bất bình."

Người này còn cho biết thêm rằng theo thông tin ông biết được, ông Phúc đã không chấp nhận dự án biến rừng thành sân golf này từ trước và "bức xúc" khi biết thông tin dự án đã được phê duyệt.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Tuổi Trẻ cũng ghi rằng ngày 1/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa ở Gia Lai do tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Trên các trang mạng, thông tin được đưa theo chiều hướng đây là quyết định của cá nhân ông Trịnh Đình Dũng trước khi mãn nhiệm.

Tuy nhiên, theo thông tin chính thống của cơ quan ngôn luận thuộc Chính phủ Việt Nam được công bố sau đó, việc cho phép FLC làm sân golf ở rừng thông Đak Đoa là chủ trương của Chính phủ. Ông Phúc, khi đang làm thủ tướng, đã đồng ý chủ trương này.

Báo Chính phủ nói gì?

Khi những thông tin tranh cãi trên gây nên ồn ào, báo điện tử Chính phủ đã lên tiếng chính thức.

Theo đó, kênh thông tin chính thức của chính phủ nói rằng quá trình dự án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng và việc phê duyệt này không phải "một sớm, một chiều" là xong.

Báo này viết rằng cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo về vấn đề lấy môi trường đánh đổi kinh tế: "Thủ tướng đã có ý kiến giao Bộ NN & PTNT nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung báo chí phản ánh."

"Bộ NN & PTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của Dự án sân golf Đak Đoa cũng như tổ chức Hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai Dự án."


Rừng thông Đắk Đoa

Bên cạnh đó, cơ quan ngôn luận của chính phủ còn khẳng định rằng, theo quy định tại Điều 30 của Luật Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf, không phân biệt quy mô nguồn vốn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, kênh này cũng ghi rõ sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020".

"Về trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha," trang này đưa tin.

Điều này thể hiện rằng, việc phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa là chủ trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như của chính phủ, còn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người ký.

Một quyết định nhân danh chính phủ thì không thể là hành vi của một cá nhân lợi dụng lúc giao thời tranh tối tranh sáng được.

Quan ngại về vấn đề môi trường

Save Tam Đảo, một trang Facebook chuyên về môi trường, nêu ý kiến:

"Với bản đồ quy hoạch như công bố của FLC thì tuyệt nhiên đây không phải là du lịch sinh thái. Không có nơi đâu du lịch sinh thái lại nhân tạo toàn bộ một cánh rừng để biến nó thành sân golf, biệt thự cả. Không phủ nhận dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên về dài hạn và tính bền vững lại không có nếu như không chỉ Gia Lai mà ở các tỉnh thành khác không tập trung vào giáo dục, tri thức và phát triển kinh tế dựa vào phát minh."

Jang Kều, nhà sáng lập tổ chức Nhà Chống Lũ và là người nổi tiếng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, viết trên Facebook cá nhân:

"Con số thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, hiện cả nước có 75 sân golf đang hoạt động, chỉ riêng FLC đã sở hữu đến 30 dự án sân golf. Không chỉ có vậy, FLC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ sở hữu khoảng 100 sân golf trên khắp cả nước. Trong đó dự án sân golf Đak Đoa 174 ha mà 155 ha đất rừng là dự án số 30 của tập đoàn này."

Tháng 12/2020, khi dự án được đề xuất, báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá nói trên và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56797477

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét