Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Chuyện chọn ông Diên & công tác nhân sự của Đảng

Ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc, phương án bố trí nhân sự lãnh đạo các ban bệ của Đảng và Quốc hội, bộ ngành của Chính phủ lộ ra trên mạng, tôi đã nghĩ ngay điều vẫn nghĩ từ lâu: công tác nhân sự của Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng kém nhất kể từ năm 1975 đến nay. Tôi rất đồng ý với TS Hà Hoàng Hợp cho rằng “Từ Đại hội VII đến giờ, không có một ai không phải Đảng viên mà được làm tổ trưởng hay trưởng phòng, đừng nói đến thứ trưởng, bộ trưởng. Nhưng trước đây Việt Nam có Phó Thủ tướng không phải đảng viên, ví dụ như ông Phó Thủ tướng Phan Kế Toại hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đầu tiên Phan Anh cũng không phải Đảng viên.” - ông Hà nói và cho rằng Đảng đang “đi theo kiểu tiến của Đảng nhưng là bước lùi của xã hội”. Theo suy nghĩ của tôi, công tác nhân sự của Đảng kém đến nỗi ông Trọng phải cố làm Tổng bí thứ 3 nhiệm kỳ liên tiếp và đều trong tình trạng quá tuổi (đều vi phạm quy định của đảng). Thậm chí ông ốm yếu đi không vững nhưng vẫn bị ép làm Tổng bí thư cho 5 năm nữa, đến tận năm 2026. Nguyên nhân là không chuẩn bị được người thay thế. Rõ ràng trách nhiệm chính thuộc về Tổng bí thư (trưởng tiểu ban nhân sự các đại hội) và Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính. Không chỉ thiếu nhân sự cho chức Tổng bí thư, thiếu cả nhân sự cho chức Thủ tướng nên Trưởng ban tổ chức trung ương phải tự mình đảm nhiệm cương vị này, một điều chưa từng có trong lịch sử Đảng. Tệ hại hơn, đến quy hoạch người thay thế cho ông Chính cũng không có. Cuối cùng người ta phải bắt hai bà già ra làm Trưởng ban tổ chức trung ương (bà Trương Thị Mai) và Trưởng ban tổ chức chính phủ (bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ nội vụ kiêm Phó Trưởng ban tổ chức trung ương). Đặt tất cả công tác nhân sự, công tác quan trọng nhất và vất vả nhất của Đảng và Chính phủ, trong tay hai bà già, thì không biết rồi Đảng, Chính phủ và đất nước sẽ đi về đâu ? Là một Đảng viên và là một cựu công chức chính phủ, thực sự tôi rất lo lắng cho Đảng, Chính phủ và đất nước. Là một người đàn ông, tôi rất buồn cho hơn 4 triệu đảng viên đàn ông (trong tổng số 5 triệu đảng viên của Đảng). Họ không biết nhục hay sao mà bắt hai bà già phải cõng những việc nặng nhọc như thế ? Họ không quan tâm đến đất nước và nhân dân hay sao mà lại để công tác nhân sự của Đảng tụt dốc thảm hại đến thế ?
Chuyện chọn tân Bộ trưởng Công thương & công tác nhân sự của Đảng
2021-04-14 - 
Các diễn đàn mạng xã hội nóng bỏng trong suốt tuần qua khi ông Nguyễn Hồng Diên, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đồng thời là một cựu bí thư tỉnh ủy lâu năm của tỉnh Thái Bình, được trao chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công thương. Những nghi ngại về chuyên môn năng lực của ông nhiều và ồn ào đến mức mà ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại Bộ này, ông đã phải lên tiếng phân trần về những khó khăn, bỡ ngỡ của mình. Vì sao việc bổ nhiệm ông Diên lại làm dư luận dậy sóng và người ta nhìn thấy điều gì về công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam qua trường hợp này?
Ông Nguyễn Hồng Diên (bên trái) tại buổi nhận 
nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công thương ngày 12/4/2021
“Nay được giao trọng trách mới, công việc mới, không tránh được khó khăn bỡ ngỡ ban đầu. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Bộ Công Thương là bộ có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm hầu hết các ngành trọng yếu của nền kinh tế, trong đó có nhiều lĩnh vực phức tạp nhạy cảm. Ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển đất nước, đặc biệt là quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá của đất nước. Chưa có một vị bộ trưởng nào từ trước đến nay, hoặc từ nay về sau có thể giỏi giang, thông thạo mọi lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý và tôi cũng không phải ngoại lệ" – Trích phát biểu của tân Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại lễ nhận chức ngày 12/4/2021.

Vì sao dân Việt bức xúc?

Bộ Công thương được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là cỗ xe tam mã của nền kinh tế vì bộ này phụ trách toàn bộ hoạt động thương mại tiêu dùng trong nước, sản xuất đầu tư cho đến xuất khẩu của cả nước. Việc ông Nguyễn Hồng Diên, một người trưởng thành từ phong trào đoàn và công tác Đảng quê lúa Thái Bình, được chọn làm người điều khiển cỗ xe tam mã này đã thu hút sự chú ý của công luận nhiều hơn bất cứ vị trí nhân sự nào của Chính phủ mới. Các status trên Facebook của những Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu hay cựu nhà báo Trần Thị Sánh – những người đầu tiên lên tiếng về vấn đề này đã thu hút hàng trăm đến cả ngàn bình luận. Mặc dù tân Bộ trưởng Diên có bằng cử nhân sử học, cử nhân kế toán tổng hợp và tiến sĩ hành chính công và đã từng lên tới chức Bí thư tỉnh ủy Thái Bình rồi Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhưng dư luận vẫn hoài nghi rằng liệu một cán bộ đường lối, lãnh đạo một tỉnh thuần nông, có thể dẫn dắt bộ kinh tế quan trọng nhất của đất nước hay không?


Giới quan sát cho rằng những hoài nghi và bức xúc của người dân về việc bổ nhiệm ông Diên là điều dễ hiểu. Trao đổi với RFA, TS Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho rằng hầu hết những lo lắng, bức xúc của người dân Việt Nam là đúng vì thương mại và công nghiệp là hai ngành kinh tế trọng yếu, gắn với cuộc sống của   tất cả mọi người. Người dân vốn đã không những không được tham gia vào quá trình lựa chọn nhân sự Chính phủ lại phải đón nhận một vị  bộ trưởng lạ lẫm, hiếm khi xuất hiện ở diễn đàn Quốc hội hay trước báo giới và cũng không được biết đến với thành tích nổi trội gì.

“Phải đến 90% những lời họ [dư luận] bàn rất là đúng. Thành tích của ông Diên khi làm bí thư Thái Bình không rõ ràng lắm. Người ta lo là phải” – ông Hợp nói và cho biết trong thời gian ông Diên làm Bí thư Tỉnh ủy, Thái Bình tuy có phát triển nhưng không nhiều, thành công lớn nhất của tỉnh khi đó là việc xây dựng đường cao tốc nối với Hải Phòng, Nam Định và Quảng Ninh nhưng tiếc rằng“đó lại không phải là công chủ yếu của ông Bí thư Nguyễn Hồng Diên”.

Phần lớn các băn khoăn, nghi ngại đều tập trung vào việc ông Diên không có chuyên môn liên quan tới ngành mà ông sẽ dẫn dắt. Ông Hợp cho rằng phản ứng này cũng là điều rất tự nhiên vì việc bổ nhiệm một người không có chuyên môn liên quan là một điều khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Việc đưa một người có bằng cấp về chính trị lên chức bộ trưởng kinh tế ở Việt Nam là một chuyện khá kỳ lạ. Ít nhất là từ khi có đổi mới (1986), người lên làm bộ trưởng thường phải có kiến thức, kinh nghiệm và sự phù hợp về mặt ngành mà bộ đó thể hiện.” – ông Hợp nói.

Chuyên gia này cho rằng một người ở cấp Bộ trưởng không nhất thiết phải có chuyên môn chuyên sâu về ngành, thậm chí ở nhiều quốc gia phát triển, bộ trưởng chỉ cần là có năng lực lãnh đạo, quản lý giỏi và hiểu biết xu thế đất nước và thế giới mà không cần có chuyên môn liên quan. Mặc dù vậy, ông cũng nhìn nhận rằng thuyên chuyển một người chỉ chuyên làm công tác Đảng sang công tác Chính phủ là một rủi ro.

“Chỉ làm công tác Đảng không, đưa ngay sang công tác bộ sẽ có rủi ro. Làm chính khách Đảng khác xa làm chính khách của nhánh hành pháp [hoạt động Chính phủ] vì công tác Đảng tập trung vào việc giúp cho Đảng đảm bảo tính chính danh chính trị. Ngành hành pháp có nhiệm vụ khác hẳn, ngoài chuyện đảm bảo chính danh của Đảng, nó còn hàng chục tiêu chuẩn hoàn toàn khác, đặc biệt  phải đảm việc thực hiện tốt nhất hiệu quả nhất đường lối phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng đặt ra” - ông Hợp nói.

Bộ Công thương rất quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện dưới sự quản lý của Bộ này còn rất nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ vấn đề nhiệt điện than, vấn đề độc quyền của Tập đoàn điện lực Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng và các nhà máy có đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc gây thất thoát, lỗ hàng nghìn hàng nghìn tỉ đồng… Một bộ không chỉ làm kinh tế đối nội mà còn cả kinh tế đối ngoại trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương. Người đứng đầu bộ từ trước đến nay đã để bao nhiêu vấn đề, không xử lý được, rất phức tạp mà nay có ông tân bộ trưởng không có nền tảng kinh tế kỹ thuật thì rõ ràng gây ra sự bức xúc và hoài nghi trong công chúng. Người lãnh đạo một bộ như vậy, có đủ tầm để xử lý các vấn đề bất cập cũng như hoạch định một chính sách phát triển bền vững về công nghiệp cũng như thương mại  trong quan hệ đối nội cũng như trong quan hệ quốc tế hay không? Đây là câu hỏi rất lớn và mọi người rất lo ngại vì thủ lĩnh của một ngành không nhất thiết phải chuyên sâu lĩnh vực nào nhưng trường hợp ông Diên lại xuất phát từ công tác Đoàn thành niên, công tác Đảng, không gắn gì đến kinh tế thương mại cả.  Nó cho thấy rằng kể cả ông ta có một đội ngũ chuyên gia hay các nhà nghiên cứu tư vấn các vấn đề về chính sách liệu ông có năng lực để hiểu những vấn đề đó không và có biết lắng nghe để ra các quyết sách đúng hay không? –TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển.

Ông Hợp cho rằng ông Diên sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời gian tới, ngoài việc lo xử lý các vấn đề tồn tại mà các bộ trưởng tiền nhiệm để lại, ông cần đưa ra được biện pháp để đổi mới nhân sự, tổ chức, quy chuẩn công việc, đổi mới cách tiếp cận các xu thế, hội nhập quốc tế để Việt Nam có thể thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết và trên hết và quan trọng nhất là  “làm sao cho ngành công nghiệp và thương mại phát triển ở mức cao nhất” và Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2030. Vị chuyên gia này cũng nói rằng, những thách thức to lớn này không chỉ của riêng ông Diên mà còn là thách thức của Thủ tướng, người tổng tư lệnh của các bộ ngành.

Với quan sát của nhiều người về tính cách của Thủ tướng mới  Phạm Minh Chính mới, thì có thể nếu ông Bộ trưởng nào đó làm việc không tốt thì 6 tháng đến 1 năm ông ấy có thể đề nghị Bộ Chính trị thay hoặc thuyên chuyển công tác. Xin lưu ý theo Bộ luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, Thủ tướng không có quyền chọn bộ trưởng cũng không có quyền cách chức hay thay đổi Bộ trưởng. Tất cả là do BCHTW phê chuẩn, dựa trên dự kiến và bàn bạc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư – TS Hà Hoàng Hợp, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS)


Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - nơi diễn ra cuộc bầu chọn các thành viên Trung ương và Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN/AFP

Trông người ngẫm ta

TS Hà Hoàng Hợp cho rằng nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn thường bổ nhiệm chính khách không có chuyên môn kinh nghiệm gắn với bộ ngành nhưng khác với ở Việt Nam, những chính khách này được bầu chọn và đào tạo kỹ lưỡng. Tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất là chính khách phải là người được cử tri bầu lên, nghĩa là đã phải tranh cử, thuyết phục và chứng minh trình độ, năng lực của mình. Khi đảng cầm quyền muốn chính khách này giữ một chức vụ trong nội các thì đích thân Thủ tướng phải đề cử, giải thích vì sao đề cử và bản thân người được đề cử phải điều trần. Ở một số nước, quốc hội thậm chí không chỉ phê chuẩn mà còn tiến hành bầu thành viên nội các, đưa ra vài người để chọn một.

Ông cho rằng thực tế việc bổ nhiệm ông Diên và nhiều thành viên Chính phủ ở Việt Nam rất khác với những gì đang diễn ra trên thế giới.

“Khi Thủ tướng mới đưa ra danh sách 12 bộ trưởng mới để phê chuẩn, Quốc hội chỉ dành có mấy tiếng để bàn thì làm sao mà đủ được. Lẽ ra phải dành ra mấy ngày, xét từng người một.”  - ông Hợp nói và cho biết, trước đó việc chọn ông Diên và các bộ trưởng khác tại hội nghị Trung ương 13 của Đại hội khóa XII cũng diễn ra khá đơn giản.

“Người ta chỉ định thẳng là ông này sẽ đưa ra bầu ở Đại hội Đảng khóa XIII và nếu ông ấy trúng sẽ được đề cử làm bộ trưởng” – ông Hợp nói và cho biết mặc dù ngày 2/1/2020, BCHTW Đảng đã thông qua quy định số 214 để chọn những người nắm các chức vụ khác nhau nhưng không ai có thể trả lời được tổ chức Đảng này đã căn cứ vào tiêu chuẩn gì để cho rằng những người như ông Diên sẽ là bộ trưởng tốt và vì sao đưa ông ấy vào Bộ Công thương chứ không phải làm một bộ khác.

000_96M2E7.jpg
Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Diên làm Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: TTXVN/AFP

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng việc lựa chọn nhân sự giữ chức ở những chức vụ quan trọng ở Việt Nam có rất nhiều điểm bất cập. Việc lựa chọn nhân sự ở Đại hội Đảng là một công việc khép kín, người dân và cả Đảng viên quần chúng cũng không được tham khảo ý kiến và việc lựa chọn không hẳn gắn với thành tích của cá nhân.

“Người dân và cả Đảng viên bình thường - có đến 90% trong số 5 triệu Đảng viên -  là không có được tiếng nói liên quan đến vấn đề nhân sự. Không hề có việc lấy ý kiến trong toàn thể Đảng viên chứ chưa nói tới trong nhân dân” – ông Giao nói và cho biết không chỉ không có thói quen tham khảo ý kiến mà Đảng cũng không có thói quen lắng nghe ý kiến quần chúng.

“Tôi ví dụ một ông dự kiến được làm bộ trưởng. Ngoài xã hội người dân rất nhiều điều bất cập về ông ấy, về tham nhũng, con cái, gia đình, nhiều chuyện thế nhưng những tiếng nói dư luận đó hầu như không được lắng nghe và người ta vẫn quyết, vẫn bầu theo cái gọi là quy trình của họ thôi”- ông Giao nhận định và cho rằng trường hợp của ông Diên có thể coi là một ví dụ về việc bổ nhiệm không dựa trên năng lực, trình độ của người được bổ nhiệm.

000_8ZJ7CF.jpg
Đảng Cộng Sản Việt Nam và người dân. Ảnh AFP

“Quy trình này họ không hướng đến những người làm được việc mà chỉ là hình thức rồi sau đó là tìm kiếm sự đồng thuận trong một nhóm có quyền quyết định ai ngồi vào vị trí nào, kể cả vị trí tứ trụ.” – ông Giao nói và cho rằng nếu tiếp tục để cho công tác nhân sự chủ chốt của đất nước phụ thuộc vào ý chí của một nhóm người, không có sự tham gia rộng rãi của các Đảng viên và người ngoài đảng cũng như không có hoạt động bầu cử, tranh cử, công khai minh bạch, Việt Nam sẽ khó có thể chọn được những người tài có tâm huyết phát triển đất nước.

Quy trình nhân sự sơ cứng và bế tắc

Mặc dù lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và sử dụng người tài nhưng trên thực tế quy trình tuyển chọn nhân sự của Đảng hiện nay đang ngăn cản Việt Nam chọn được những người có năng lực nhất.

Theo TS Hà Hoàng Hợp, Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng và Chính phủ chỉ được tuyển chọn trong số các Đảng viên hiện có, nghĩa là khoảng 5 triệu người tương đương với 5% dân số. Ông cho biết người ngoài Đảng không có cơ hội được cất nhắc vào các vị trí cấp phòng trở lên và càng lên cao, tiêu chuẩn càng nhiều, khiến số lượng ứng cử viên càng ít đi.

“Đảng chỉ sự dụng người tài trong số Đảng viên. Bây giờ đến mức độ là Bộ trưởng phải là Ủy viên BCHTW, đảng viên thường cũng không được” – ông nói và cho rằng những quy định này đang làm mất đi cơ hội cho Chính phủ Việt Nam vì không có gì đảm bảo số Đảng viên hiện tại giỏi giang hay tinh túy hơn những người ngoài Đảng.

000_1BM518.jpg
Việt Nam có gần 100 triệu dân và 5 triệu Đảng viên nhưng chỉ có Đảng viên mới được lựa chọn đảm nhiệm các vị trí cấp phó phòng trở lên trong hệ thống Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa - AFP

Ông cho rằng nếu so với trước thì thấy rõ việc sử dụng người tài của ĐCSVN từ Đại hội Đảng VII đến nay (1991), đã có “những bước lùi rất lớn”.

“Từ Đại hội VII đến giờ, không có một ai không phải Đảng viên mà được làm tổ trưởng hay trưởng phòng, đừng nói đến thứ trưởng, bộ trưởng. Nhưng trước đây Việt Nam có Phó Thủ tướng không phải đảng viên, ví dụ như ông Phó Thủ tướng Phan Kế Toại hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đầu tiên Phan Anh cũng không phải Đảng viên.” - ông nói và cho rằng Đảng đang “đi theo kiểu tiến của Đảng nhưng là bước lùi của xã hội”.

TS Hoàng Ngọc Giao cũng bày tỏ lo lắng về quy định chỉ bổ nhiệm Đảng viên cho cấp trưởng phó phòng trở lên. Ông cho rằng quy định này dẫn tới hai tình huống: Một là làm những người ngay thẳng, trung thực, có trình độ nản lòng, không muốn vào Đảng vì con đường thăng tiến quá áp đặt, mệt mỏi. Hai là quy định này tạo khe hở cho những kẻ cơ hội, thậm chí có cả tội phạm, tìm cách vào Đảng để thăng tiến. Ông cho rằng tình huống 2 là một điều rất nguy hại cho đất nước và đơn cử gần đây đã phát hiện ngay trong chính Bộ Công thương, có một ông vụ phó có tội phạm về kinh tế mà bằng cách nào đó vẫn vào được Bộ.

 “Nếu không giải quyết được câu chuyện công khai minh bạch, lựa chọn người tài với sự tham gia của toàn dân thì dù Đảng có lãnh đạo nhưng bộ máy của nhà nước có lẽ càng ngày càng yếu đi và sự phát triển của đất nước và dân tộc sẽ bị chậm lại” - TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển

Trao đổi với RFA, GS Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng quy trình bổ nhiệm nhân sự và chế độ một đảng cầm quyền hiện nay đang ngăn cản Việt Nam lựa chọn những người có năng lực nhất cho các vị trí cấp bộ trong Chính phủ.

“Câu hỏi đặt là làm thế nào có thể tìm thấy những người tốt nhất trong một quốc gia một đảng nơi mà các định chế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thống trị và dành đặc quyền cho Đảng viên?”- ông đặt vấn đề và cho rằng giáo dục có thể dễ dàng giúp  người ngoài Đảng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới nhưng họ khó tìm được nơi để tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng được những yêu cầu của các vị trí cấp cao trong Chính phủ.

000_8ZX9MC.jpg
Mặc dù có quy định tuổi về hưu nhưng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN tại Đại hội Đảng XIII. Ảnh AFP

Theo ông, một khía cạnh khác của quy trình tuyển chọn nhân sự “sơ cứng” của Đảng đang mang lại những bất lợi cho việc lựa chọn nhân sự cấp cao cho Việt Nam, đó là việc đưa ra những hạn chế về tuổi, giới hạn tuổi nghỉ hưu bắt buộc hay hạn chế đối với việc thăng tiến nhanh như yêu cầu phải phục vụ trong Ủy ban Trung Ương  ít nhất một nhiệm kỳ mới có thể vào được Bộ Chính trị và phục vụ trong Bộ Chính trị một nhiệm kỳ đầy đủ mới đủ điều kiện là ứng cử viên cho một trong bốn vị  trí lãnh đạo tứ trụ.

“Vai trò thiết yếu của Bộ Công thương có nghĩa là bất kỳ phe phái nào của Đảng có thể kiểm soát Bộ này đã có một công cụ thiết yếu để thúc đẩy các chương trình nghị sự về kinh tế và chính trị của họ.” – Trích bài viết đăng trên trang Fulcrum của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS)

“Cuối cùng, chủ nghĩa đảng phái cho dù dưới cái tên nào cũng làm tồi đi việc lựa chọn những nhân sự tốt nhất cho các vị trí đứng đầu Chính phủ” – ông Thayer nói và khẳng định rằng Việt Nam khó có thể chuyển sang hệ thống chọn nhân sự dựa trên giá trị nếu không đổi mới hệ thống một đảng của mình đồng thời tạo cơ hội cho những người ngoài Đảng tham gia vào các vị trí cấp cao của Chính phủ.

Rất khó hình dung Việt Nam sẽ chuyển sang hệ thống chọn người dựa trên giá trị mà không cần đổi mới hệ thống một đảng của mình để có thể tạo cơ hội cho những người trong khu vực tư nhân có năng lực quản lý và chuyên môn xuất sắc có thể được lựa chọn vào các vị trí cấp cao của Chính phủ.  Có một số bộ mà không thể tìm tài năng trong khu vực tư nhân như quốc phòng, ngoại giao, công an và tư pháp nhưng có thể hợp lý nếu những người ngoài Đảng với năng lực kỹ trị có thể đứng đầu các bộ như tài chính, công thương, giao thông, xây dựng, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ và tài nguyên môi trường – GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/appointment-of-new-minister-of-industry-and-trade-and-party-personnel-issues-04142021103515.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét