Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Hình thức kỷ luật của Đảng và tác dụng thực tế!

Đoạn này hay: Bởi vì quan không gương mẫu, bị phạm tội, lỗi lầm nhưng không bị cách chức, không bị mất chức mà vẫn giữ chức, thậm chí còn tiến chức làm cho người dân không tin tưởng vào pháp lý và đạo lý xã hội”. Việc cụ Tổng không gương mẫu, vi phạm hàng loạt điều lệ và quy định của Đảng để tiếp tục là Tổng bí thư khóa thứ 3 là một ví dụ điển hình.
Hình thức kỷ luật của Đảng và tác dụng thực tế!
RFA 2021-03-10 - “Tất cả đều nói để lừa bịp nhau chứ hoàn toàn là ngẫu hứng cá nhân, hoặc bè cánh, hoặc gọi là ‘đấu thầu’. Đặt lại câu hỏi rằng anh Trọng, Tổng Bí thư, thì Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình rồi một loạt cán bộ cao cấp khác bị kỷ luật được đề bạt trong thời nào? Chính trong thời anh ấy nắm quyền lực cao nhất, chịu trách nhiệm trước nhất mà anh ấy để như thế, vẫn nói hay nói đẹp được thì đúng là ngụ quan suôn sẻ.”
Công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Bùi Văn Thành 8/3/2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vào ngày 8/3 công bố quyết định bổ nhiệm ông Bùi Văn Thành – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy An giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên. Chỉ sáu ngày trước đó, tức ngày 2/3, ông Bùi Văn Thành đã bị Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo vì có những vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín bản thân và tổ chức đảng, cơ quan.

Cụ thể, theo kết luận của UBKT, ông Bùi Văn Thành đã thiếu trách nhiệm nêu gương trong việc lập các thủ tục chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của người con ruột không đúng đối tượng và trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Thành còn cho phép em vợ nuôi chim yến không đúng trình tự thủ tục và quy hoạch vùng nuôi chim yến.

Ngoài ra ông Bùi Văn Thành còn để cho Phó Chủ tịch UBND huyện này quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhiều trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như thiếu kiên quyết chỉ đạo xử lý vi phạm về đất đai ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An.

Với những sai phạm như vừa nêu, và chỉ một thời gian ngắn sau khi bị kỷ luật cảnh cáo nhưng ông Thành vẫn được chuyển sang chức vụ Phó Giám đốc Sở của tỉnh Phú Yên, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trao đổi với RFA tối 10/3, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ của Tổng Cục 2, tình báo quốc phòng, rời bỏ Đảng hơn 10 năm nhận định vì sao có tình trạng như trên xảy ra:

“Tôi thấy rằng thật ra kỷ luật hay không kỷ luật cũng không có tác dụng gì vì khi người ta đã muốn sử dụng, hoặc cất nhắc, hoặc đã nằm trong ý đồ của người ta rồi thì người ta chỉ làm cho có thôi.”

Vì vậy, ông Vũ Minh Trí cho rằng sự việc xảy ra đối với ông Chủ tịch UBND huyện Tuy An chỉ là chuyện bình thường vì trong thực tế đã từng có những quan chức cấp cao hơn bị kỷ luật nhưng sau được cất nhắc đề bạt. Ông dẫn chứng:

“Ví dụ như Trương Tấn Sang cũng từng bị kỷ luật khi là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cuối cùng vẫn được ra làm Thường trực Ban Bí thư rồi lên Chủ tịch nước. Hoặc giả như Vũ Đức Đam khi làm Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã bị kỷ luật nhưng sau đó lại được điều chuyển đi và bây giờ đang làm Phó Thủ tướng.”

Trong Điều lệ Đảng tại Khoản 2 Điều 35 có quy định các hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm bốn mức độ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Trong đó, tùy vào từng đối tượng, mức độ, hành vi, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng… Đảng viên sẽ bị kỷ luật theo từng hình thức khác nhau.

Khoản 6 Điều 39 Điều lệ Đảng cũng quy định quyết định kỷ luật Đảng có hiệu lực ngay sau khi công bố.

Từ Sài Gòn, Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang nhận xét rằng ở Việt Nam, người dân không có tiếng nói gì trong nhận xét lỗi lầm hay những yếu kém của đảng viên nên tình trạng quan chức dù bị kỷ luật vẫn được thuyên chuyển vị trí cao hơn thường xuyên diễn ra.

Một đại biểu cầm phiếu bầu các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội đảng. AFP

Do đó, theo ông Trần Bang, khi quan chức có nhiều sai phạm như cả nhà làm quan, cấp dưới phạm lỗi, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng nhưng cấp trên vẫn lên cấp, lên chức chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông nói:

“Đối với người dân sẽ có tác dụng người dân mất tin tưởng vào lãnh đạo và quan tồi bại thì người dân phải tìm cách đối phó, quan tham thì dân gian, dẫn đến suy đồi đạo lý của toàn xã hội.

Bởi vì quan không gương mẫu, bị phạm tội, lỗi lầm nhưng không bị cách chức, không bị mất chức mà vẫn giữ chức, thậm chí còn tiến chức làm cho người dân không tin tưởng vào pháp lý và đạo lý xã hội.”

Còn theo ông Vũ Minh Trí, không riêng việc kỷ luật đảng mà ngay cả việc khen thưởng đều chỉ mang tính hình thức như hiện nay chỉ chứng tỏ rằng:

“Tất cả đều nói để lừa bịp nhau chứ hoàn toàn là ngẫu hứng cá nhân, hoặc bè cánh, hoặc gọi là ‘đấu thầu’.

Tivi người ta cứ bật thì mình phải nghe, loa đài cứ nói thì phải nghe thì nào là chặt chẽ, nghiêm chỉnh, kiên quyết không đưa người này người kia.

Đặt lại câu hỏi rằng anh Trọng, Tổng Bí thư, thì Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình rồi một loạt cán bộ cao cấp khác bị kỷ luật được đề bạt trong thời nào? Chính trong thời anh ấy nắm quyền lực cao nhất, chịu trách nhiệm trước nhất mà anh ấy để như thế, vẫn nói hay nói đẹp được thì đúng là ngụ quan suôn sẻ.”

Mới đây nhất, vào sáng 9/3, ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tuyên Quang vừa nhận được quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với sai phạm ông gây ra vào tháng 1 vừa qua.

Quan không gương mẫu, bị phạm tội, lỗi lầm nhưng không bị cách chức, không bị mất chức mà vẫn giữ chức, thậm chí còn tiến chức làm cho người dân không tin tưởng vào pháp lý và đạo lý xã hội. - Trần Bang

Cụ thể, ông Đạt được báo nhà nước đưa tin cho hay đã sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính, điều khiển ô tô khi trong hơi thở có nồng độ cồn ở mức phạt kịch khung, không chấp hành kiểm tra, có biểu hiện chống đối, cản trở lực lượng cảnh sát giao thông...

Quy định 102 năm 2017 khẳng định rằng kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, đoàn thể hoặc các hình thức xử lý khác của pháp luật…

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, dù việc kỷ luật đảng là trong nội bộ đảng đó nhưng trong thực tế cũng tác dụng:

“Nếu họ không ưa nhau thì đấy là cái họ làm lý do để loại nhau ra khỏi ekip, nhưng nếu họ cần nhau thì những khuyết điểm đó lại trở thành móc xích để dính kết nhau. Tức ai cũng có lỗi, tôi định móc ông lỗi này thì ông giơ lỗi kia ra, hai người bắt tay nhau. Hai người phạm tội thành một băng đảng dễ hơn chuyện không ai có lỗi.”

Ông Trần Bang cho rằng những hình thức kỷ luật trong đảng như cảnh cáo hay cách chức… dù không ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội nhưng lại trở thành con bài rất hay trong việc chạy chọt để lên cấp, lên chức, móc nối với nhau hoặc loại trừ lẫn nhau.

Mạng báo Thanh Niên hôm 8 tháng 3 loan tin Thanh Tra Chính phủ vừa có văn bản phúc đáp kiến nghị của cử tri tại một số địa phương. Những kiến nghị đó được gửi đến trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 diễn ra từ 20/10 đến 17/11 năm 2020. Tuy nhiên đối với kiến nghị cụ thể của cử tri Long An rằng việc ông cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải, với những sai phạm liên quan đến dự án Thủ Thiêm mà chỉ bị cách chức nguyên bí thư là chưa nghiêm minh, quyết liệt; Thanh tra Chính phủ Hà Nội chưa trả lời được lý do vì sao.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/party-discipline-and-real-effect-03102021140059.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét