Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Sài Gòn dừng 2 BOT chuyển sang dùng ngân sách

TP HCM dừng hai dự án BOT chuyển sang dùng ngân sách: bước lùi tạm thời?
RFA 2020-06-10 Đối với Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, BOT ở Việt Nam là sự bế tắc mà còn rất lâu chính phủ Hà Nội mới có thể giải quyết hoàn tất: “Việt Nam không có kinh tế thị trường, luật pháp Việt Nam không minh bạch và không có tam quyền phân lập. Như vậy học ở thế giới vấn đề các trạm BOT này chỉ có ý nghĩa khi có 3 yếu tố mà tôi vừa nêu. Nếu không có được cái đó thì các trạm BOT vẫn là những con cá mập hả miệng rất to ăn tiền người dân mà người dân buộc phải chấp nhận, không có con đường nào khác.”


Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6 thông báo tại buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố với các sở ngành cho hay đã quyết định dừng 2 dự án làm theo hình thức BOT để chuyển qua dùng vốn ngân sách.

Hai dự án vừa nêu là dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai ở quận Bình Thạnh và cầu Tân Kỳ Tân Quý tại quận Bình Tân.

Phát biểu tại buổi họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho hay Sở Kế hoạch - Đầu tư đang nghiên cứu hướng giải quyết để làm việc với chủ đầu tư trong tháng 6.

Trao đổi với RFA vào tối 10/6, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già tại Sài Gòn cho rằng tình trạng BOT là căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam. Trong trường hợp chuyển đổi hình thức đầu tư lần đầu xảy ra tại thành phố lớn nhất phía nam, ông cho rằng đây chỉ là cách thức đối phó của chính quyền:

“Bất cứ dự án đầu tư nào cũng có 3 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, đầu tư và kết thúc đầu tư. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư có nhiều khau, trong đó đó quan trọng nhất là vấn đề đất đai mà người cộng sản Việt Nam họ gọi dưới mỹ từ là giải phóng mặt bằng. Điều này là điều không thể thay đổi được. Đối với hai dự án cầu đường Bình Triệu và Tân Kỳ Tân Quý thì tôi cho rằng đây là hình thức người cộng sản gọi là ‘vận dụng sáng tạo’. Cả 2 (dự án) đều có chung một điểm là hiện nay đều vướng vào vấn đề giải phóng mặt bằng. Như vậy chủ đầu tư không có chức năng đó và thế là họ đẩy về cho nhà nước mà đương nhiên nhà nước nắm quyền lực trong tay, đất đai ở Việt Nam là của nhà nước. Như vậy họ có thể giải quyết được vấn đề này, phát sinh một vấn đề xung đột bấy lâu nay là dân oan. Tiếp tục dẫn đến chuyện mất đất vì họ đền bù bằng giá rẻ mạt thì không thể nào người dân chấp nhận nên họ dùng vũ lực cưỡng chế, cưỡng chiếm đất của người dân. Sau khi xong rồi họ có thể chuyển lại cho các chủ đầu tư thực hiện tiếp.”

Giải thích rõ hơn về lập luận vừa đưa ra, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng chuyển đổi dự án về cho thành phố chỉ để giải quyết việc mặt bằng chứ thành phố không thể hoàn thành dự án là do ngân sách không còn. Ông dẫn lời bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định là ‘ngân sách như một dòng sông đã khô cạn’. Không chỉ riêng ngân sách chung, mà cả ngân sách của riêng thành phố Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự theo lời nhà báo Nguyễn Ngọc Già:
Ngân sách thành phố cũng cạn kiệt luôn vì chính ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch thành phố cũng đã khẳng định rõ ngân sách thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại chỉ có 18%, họ phải nộp đi hết 82%. Bây giờ trong tình huống hiện nay, trong bối cảnh dịch virus Vũ Hán đang tác động mãnh liệt trên toàn thế giới, vấn đề GDP như vậy thì ngân sách thành phố về số tuyệt đối chắc chắn phải giảm và số tương đối đa bị đóng đinh 18% rồi thì ngân sách ở đâu mà đầu tư?”
Từng giữ chức nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương trong nhiều năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá tình hình ngân sách và quyết định của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“Hiện nay ngân sách cả nước khó khăn nhưng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nguồn thu tương đối khá và tôi chắc rằng thành phố Hồ Chí Minh muốn thúc đẩy nhanh dự án này nên chuyển sang dựa vào ngân sách. Trên cơ sở đó thành phố Hồ Chí Minh có thể đề nghị tăng thêm giữ lại nguồn thu tại thành phố Hồ Chí Minh và giảm mức hiện nay đang điều động ngân sách từ thành phố Hồ Chí Minh cho các tỉnh khác. Còn nếu để BOT thì phải có nguồn vốn tư nhân lâu dài rất lớn, chi tiền triệu mà lại thu từng cắc nên khỏan thu lâu dài. Vì vậy tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh muốn thúc đẩy nhanh nên có sự chuyển đổi như vậy.”
Dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai được thành phố Hồ Chí Minh ký kết với Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) năm 2018 với tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa hơn 1.300 tỷ đồng.
Đến nay, CII đã hoàn thành thi công một nhánh cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 và chi một phần tiền đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm.
Phía thành phố sẽ dùng ngân sách hoàn trả nhà đầu tư các khoản đã chi trong dự án khi đàm phán kết thúc hợp đồng BOT. Do đó, CII sẽ không tổ chức trạm thu phí ở chân cầu Bình Triệu.
Trong khi đó, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO triển khai từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Dự án được nói có tổng chiều dài 83 m, rộng 16 m và đoạn đường dẫn dài 225 m.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công khi công trình đạt 70% khối lượng xây lắp.
Sau khi dừng thực hiện dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý, IDICO sẽ không được kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1, quận Bình Tân.
Truyền thông trong nước khi tường thuật về nội dung buổi giám sát ngày 10/6 cho hay việc chuyển đổi hình thức 2 dự án vừa nêu được thành phố đưa ra sau khi kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng các dự án này không phù hợp theo Nghị quyết 437 của Quốc hội là không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu.
Nhiều bình luận trên các diễn đàn bày tỏ thắc mắc nếu đã vi phạm việc dựng trạm BOT trên tuyến đường đã có sẵn như vậy, trách nhiệm cho sai phạm này sẽ thuộc về bên chủ đầu tư hay phía chính quyền thành phố?
Trả lời thắc mắc được nhiều người quan tâm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay cần phải thu thập thêm thông tin sau khi chủ đầu tư và đại diện thành phố gặp nhau bàn thảo. Trường hợp xử lý sẽ được xem xét nếu thực hiện không đúng văn bản quy phạm pháp luật và gây ra hậu quả:
“Trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đối với những công trình này bây giờ mình phải dừng lại để xem xét lại thì lúc đó mới xử lý một cách có trách nhiệm được. Bây giờ khi phát hiện qua kiểm toán thấy rằng nó không đúng với nghị quyết của Quốc hội thì dừng lại và làm việc với chủ đầu tư. Nếu có xảy ra thiệt hại thì lúc đó mới quy trách nhiệm trong quy định pháp luật Việt Nam có đầy đủ những khung đó. Bây giờ chỉ mới là bước đầu tiên là dừng lại thôi.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, dù hai dự án BOT cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai và cầu Tân Kỳ Tân Quý đã được bàn giao lại cho thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thành, nhưng để ngân sách được chi tiêu hợp lý trong công tác xây dựng thì cần phải minh bạch chi phí hơn nữa:
“Vấn đề ở đây là cần có hội đồng thẩm định và ban giám sát độc lập, cả hội đồng thẩm định cũng phải độc lập và chuyên nghiệp thì mới có kết quả tốt. Nếu chúng ta không có những cơ quan giám sát độc lập thì lúc bấy giờ có thể tay phải thi công mà tay trái chi tiền, sẽ rất phức tạp.”
Còn đối với Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, BOT ở Việt Nam là sự bế tắc mà còn rất lâu chính phủ Hà Nội mới có thể giải quyết hoàn tất:
“Việt Nam không có kinh tế thị trường, luật pháp Việt Nam không minh bạch và không có tam quyền phân lập. Như vậy học ở thế giới vấn đề các trạm BOT này chỉ có ý nghĩa khi có 3 yếu tố mà tôi vừa nêu. Nếu không có được cái đó thì các trạm BOT vẫn là những con cá mập hả miệng rất to ăn tiền người dân mà người dân buộc phải chấp nhận, không có con đường nào khác.”
Phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trước đây đã giao cho các sở ngành rà soát lại các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư bao gồm cả BOT và BT.
Hai dự án BOT cầu đường Bình Triệu giai đoạn hai ở quận Bình Thạnh và cầu Tân Kỳ Tân Quý tại quận Bình Tân được nói là những dự án được thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên chấp nhận chủ trương chuyển đổi hình thức dự án BOT sang vốn ngân sách nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét