Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Ba Xá Với Chú Sáu Dân

Nhìn lại cuộc đời, mình tự thấy chưa bao giờ khâm phục một quan chức cộng sản nào dù họ to chức tới đâu vì suy cho cùng nếu không có họ thì đất nước đã tốt hơn rất nhiều. Có chăng đối với một số người tốt với mình thì mình quý và chơi thân, thế thôi; chứ bảo khâm phục thì mình chưa bao giờ. Đối với ông Kiệt, cả thập niên 1980, mình rất ghét vì trong thời gian làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (1982-1988), ông công khai chính sách địa phương chủ nghĩa bằng cách ưu tiên phân bổ các nguồn lực và các ưu đãi khác cho miền Nam, nhất là miền Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính sách giá cũng ưu tiên cho Đồng bằng sông Cửu Long vì Ủy ban Kế hoạch nhà nước thực hiện chính sách giá thấp với hàng công nghiệp và khai khoáng (do miền Bắc sản xuất) và hàng viện trợ từ khối các nước XHCN, trong khi lại thực hiện chính sách giá cao đối với hàng nông sản (do Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất). Đặc biệt, nhà nước áp dụng cơ chế 1 kg phân đạm đổi lấy 3 kg thóc, hàng triệu tấn phân đạm được đưa vào Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nông dân trồng lúa không trả lại thóc cho Nhà nước theo cam kết và ông Kiệt vẫn coi như không có việc gì xảy ra... Điều này dẫn đến hiện tượng trái ngược với quy luật là nửa nước phía Bắc sản xuất công nghiệp lại nghèo hơn nửa nước phía Nam sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau này ông Kiệt làm Thủ tướng đã làm được rất nhiều việc tốt cho đất nước, lại là người đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc và kêu gọi lãnh đạo nên đối thoại với những người bất đồng chính kiến, vì "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng", thì tôi rất kính trọng ông. Rất mong lãnh đạo VN có được nhiều người như ông. Tiếc rằng cũng như nhiều quan chức cấp cao khác, ông cũng gần như chỉ dám thể hiện quan điểm của mình sau khi đã nghỉ hưu.
Ba Xá Với Chú Sáu Dân
FB Tâm Chánh 10-6-20 - Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt mất đã nhiều năm. Sinh thời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng tấm tắc: “Sáu Dân làm thủ tướng mấy năm làm được nhiều việc hơn cả mấy mươi năm tôi làm thủ tướng”. Công tích được thừa nhận như thế nhưng ông Kiệt cũng còn nhiều việc đeo đuổi dang dở.
Không rõ những dang dở ấy có được xem là di nguyện cần tiếp tục thực hiện không. Vì nếu được thực hiện thì quả ông là một nông dân để lại nhiều di sản quí báu cho các lớp hậu bối nắm giữ quyền bính.

Gần đây TPHCM ra ý khôi phục lại tên đường Lê Văn Duyệt, vị tổng trấn Gia Định danh tiếng, làm tôi nhớ những lần ông rủ rê làm tủ sách danh nhân Nam Bộ. Ông quày quả với việc đánh giá lại những nhân vật lịch sử có công lao lớn với Nam Bộ, từ các chúa Nguyễn, triều Nguyễn, đến Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản. Hay những người cùng thời mà ông suy tư về họ trong sự khâm phục, kính trọng: cụ Cao Triều Phát, nhà nho Phạm Thiều, cụ Ca Văn Thỉnh, ông Bùi Công Trừng, ông Ung Văn Khiêm, ông Ba Bường, ông Bảy Trấn... Lúc đó ông mới rời cương vị thủ tướng. Những cuộc họp như thế nhiều khi kéo dài đến đêm, ông có ý kiến gợi ý, thảo luận rạch ròi, để có một kế hoạch làm sách khả thi với các chuyên gia và nhà xuất bản Trẻ.

Nhiều lần tôi được nghe ông kể ấn tượng về không khí tranh luận ở đại hội II mà ông, khi đó hãy còn thanh niên nhưng đã là phó bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu, được ra Việt Bắc tham dự. Ông kể: “Dù nhiều khi không hiểu mấy về nội dung, nhưng thấy các anh như Bùi Công Trừng thảo luận ở đại hội, có khi tranh luận tay đôi với cây lý luận của đảng như đồng chí Trường Chinh, hay thậm chí với Bác Hồ, mình mê mẩn”. Cũng như nhiều dịp ông nói: “Mình chăn trâu, theo Việt Minh cùng lắm là mất cái quần tà lỏn. Bác Cao Triều Phát một đại điền chủ theo Việt Minh sẵn sàng mất mát địa vị, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả gia nghiệp.” Ông kiên quyết không nhận phân công là người đứng đầu Việt Minh ở Bạc Liêu thời kháng chiến từ lí lẽ ông cho là chính đáng đó. Có lẽ ông cũng dặn dò không đặt tên ông làm tên đường cũng chính từ kiểu định vị ngôi thứ khẳng khái với những tiền bối, đàn anh mà ông ngưỡng vọng như vậy.

Có một điều đáng tiếc, tôi riêng nghĩ, nếu ông còn sống, sau khi có nghị quyết xác định kinh tế tư nhân là chủ đạo, ông sẽ ủng hộ cho sự đánh giá lại công bằng với tầng lớp địa chủ, cũng như đóng góp của họ với sự phát triển của Nam Bộ. Có lúc tôi có cảm giác như ông đang khích lệ cánh nhà báo tìm hiểu, đóng góp tư liệu và cách nhìn cho hướng tiếp cận này. Làm chút đỉnh đó cũng là trả bớt lần hồi món nợ sòng phẳng với người xưa.

Có những việc dở dang, kì thực ông đã tiến hành thất bại, là theo đuổi mục tiêu dân chủ hoá, mà tiên quyết là dân chủ trong đảng.

Năm đó ông vừa ốm dậy đã ngồi xe từ Nam ra Bắc để qua mỗi tỉnh gặp lãnh đạo từng tỉnh thuyết phục kiến nghị của ông nhằm thực hiện ý tưởng đại hội toàn quốc bầu trực tiếp tổng bí thư.

Ra tới Hà Nội ông cho gọi tôi ra khu nhà nghỉ Hồ Tây.

Ông hãy còn đang mệt nhưng thấy phấn chấn khi kể chặng đường “du Bắc”, nhiều lãnh đạo tỉnh tỏ ra ủng hộ đề nghị của ông.

Trong hôm đó ông có lịch đến gặp các vị lãnh đạo cấp cao để thuyết phục. Trưa bữa sau ông gọi tôi đến trong dáng vẻ mệt mỏi. Ông dặn rủ mấy anh em báo chí chiều tới để ông trình bày quan điểm của mình sau khi đã thuyết phục không thành người có chức phận. Tôi gọi cho mấy anh trực tiếp tác nghiệp chính trị ở Đại Đoàn Kết, Lao Động, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên mà tôi biết. Nhưng quá trưa thư kí của ông Kiệt gọi báo huỷ buổi gặp chiều. Tôi hiểu cuộc gặp đó khó có thể như ý khi sáng hôm sau là đại hội toàn quốc chính thức khai mạc.

Vừa rồi đọc tin Quảng Ninh đề nghị cho phép Quảng Ninh được bầu bí thư tỉnh uỷ trực tiếp sau khi 100% đảng bộ cơ sở trong tỉnh đã bầu trực tiếp bí thư thành công. Không biết đại hội toàn quốc sắp tới có tiến hành được việc bầu trực tiếp tổng bí thư hay không. Vì như ông Kiệt tiên quyết, đổi mới chính trị chỉ có thể thành công khi được khởi đầu trong đảng, từ chính người lãnh đạo cao nhất của đảng.

Một việc được ông gửi gắm, cũng mới trong mùa Covid này tôi cất được mối lo. Xin được chia sẻ như một cảm xúc tiêng tư về chú Sáu Dân.

Số là cô gái con của một cán bộ giúp việc cho chú trong diện chương trình 300 của thành uỷ ra trường đã nhận nhiệm sở ở quận 5. Chức trách của cô gái này theo ông mô tả là bưng trà rót nước. Ông hỏi: “Bên báo có công việc gì thích hợp với sự năng động và học hành của nó?”. Tôi báo cáo sếp và được sếp tiếp nhận cô gái ấy.

Đúng là cô ấy năng động nhưng cũng thẳng thừng và không dễ bắt nạt. Lăn lê bò toài qua đủ công việc, qua Úc học tiếp, rồi về lại gắn bó với với cơ quan, làm từ văn phòng, truyền thông, cho tới truyền hình. Sau đó đi làm mướn ở những chỗ mà cô ấy cảm thấy tự do với những hiểu biết về tiếp thị của mình. Rồi cũng ra kinh doanh riêng trong lĩnh vực dịch vụ. Mới đây “con nhỏ không dễ bắt nạt ấy” vừa sinh con, điều mà bạn bè ai cũng chia sẻ như một thành tựu nổi bật, hơn tất cả kết quả từ tài năng và sự tận tuỵ với công việc của cô ấy mà đồng nghiệp ai cũng công nhận.

Chú đâu có qui hoạch cô gái ốm tong teo ấy vô thành uỷ phải không?

Vậy là coi như cô ấy đã tự hoàn thành nhiệm vụ mà chú gửi gắm cho cháu rồi. Nên thay mặt cả nó, xin xá với chú ba xá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét