Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Đội kỵ binh gây phản cảm, ko phù hợp Việt Nam

Cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân mấy chục năm qua mà nhân dân vẫn chưa sợ thì họ nghĩ thêm trò cưỡi ngựa cho dân sợ vì nhờ ngồi trên lưng ngựa mà công an trở nên “oai nghiêm”, “dũng mãnh”, “oai phong” như báo chí, truyền hình Việt Nam mô tả. Được biết ngựa này nhập từ Mông Cổ, đây là xứ lạnh. Thời Nguyên Mông giặc Tàu sang xâm chiếm nước ta đã khốn khổ vì ngựa bị dịch tràn lan do không chịu được khí hậu nóng và ẩm. Sau này quân Nguyên Mông cũng không dám đánh sang Ấn Độ cũng vì lý do khí hậu này. Nay VN lại nhập khẩu ngựa Mông Cổ, sợ rằng chỉ một thời gian nữa, nếu không cho chúng sống trong phòng điều hòa, nếu không nuôi chúng như nuôi công tử, thì chắc sẽ chết hết.
Image may contain: 1 person, outdoor
Image may contain: 1 person, riding on a horse, horse and outdoor
Image may contain: one or more people, people walking, outdoor and text
Đội kỵ binh gây phản cảm, không phù hợp hoàn cảnh Việt Nam
08/06/2020 - 
Những hình ảnh đội kỵ binh cảnh sát cơ động vừa được giới thiệu lần đầu tiên trước các quan chức hàng đầu chính phủ Việt Nam hôm 8/6 đang làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đội kỵ binh này không phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, đặc biệt trong lúc kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chưa kể điều kiện khí hậu, cơ sở hạ tầng với hệ thống giao thông chằng chịt, ô nhiễm môi trường và những yếu tố văn hoá khác đều “không ủng hộ” ý tưởng có một đội kỵ binh.
Đội Cảnh sát cơ động kỵ binh diễu hành trong buổi ra mắt trước Lăng Ba Đình, Hà Nội, vào ngày 8/6/2020. Ảnh chụp màn hình VOV.

Buổi lễ “ra mắt” đội kỵ binh trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều quan chức cấp cao khác đã được báo chí, truyền hình Việt Nam quay phim, chụp ảnh rầm rộ với những từ ngữ mô tả phổ biến như “oai nghiêm”, “dũng mãnh”, “oai phong”..., trong khi nhiều ý kiến trên mạng xã hội lại tỏ ra thất vọng về diện mạo của đội kỵ binh và châm biếm vấn đề vệ sinh của đội binh mới ra đời này.

“Đội kỵ binh ở Hà Nội tạo ra hình ảnh rất phản cảm, lố bịch vì ngựa có dáng dấp rất nhỏ”, blogger – nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói với VOA từ Hà Nội. “Thứ hai là vấn đề tổ chức của đội ngũ lực lượng kỵ binh, việc vệ sinh rất kém. Trong một buổi lễ trước mặt các quan chức nhà nước mà nó xả chất thải ra làm bẩn hết cả đường phố, trông rất là… Thứ ba là trang phục. Người cưỡi ngựa phải có loại trang phục riêng. Nhưng ở đây, đội kỵ binh Hà Nội thì vẫn mặc nguyên bộ đồ như bình thường người ta hay dùng trong các cuộc trấn áp hoặc khi di chuyển trên các phương tiện cơ giới. Người kỵ binh cảnh sát cơ động điều khiển ngựa mà lại đội mũ bảo hiểm có gắn kính trông rất buồn cười, rất phản cảm”.

Báo chí trong nước đưa tin, giống ngựa Mông Cổ trong đội kỵ binh “được đánh giá có ngoại hình nhỏ nhưng rất bền bỉ, chạy nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam”. Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa tin thêm rằng ông Phúc, bà Ngân và các đại biểu quốc hội đã “tán thưởng màn ra mắt” do Bộ trưởng Công an Tô Lâm chủ trì.

Bộ Công an cho biết đội kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, vừa được thành lập vào ngày 15/1/2020. Phát biểu với báo chí, ông Lâm nói rằng đội cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ phục vụ bất kể công việc gì, thậm chí là sử dụng trong lễ tân nhà nước, nghi thức quốc gia, phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát”.

“Kể cả khi có nhu cầu về sử dụng ngựa thì cần phải lựa chọn giống ngựa trông oai phong và mạnh mẽ hơn, chứ những con ngựa này trông rất lùn và yếu. Đã sử dụng vào việc để cho nó có hình thức mà hình thức chán như vậy thì trông rất tệ”, ông Nguyễn Lân Thắng đưa ra nhận xét với VOA.

Riêng về mục tiêu sử dụng đội kỵ binh để “trấn áp tội phạm”, ông Nguyễn Lân Thắng nói rằng ông “chưa nghĩ ra được người ta sẽ trấn áp như thế nào” với điều kiện đường phố chật hẹp như ở Việt Nam.

“Người ta có thể sử dụng rất nhiều phương tiện khác để vây bắt tội phạm. Sử dụng ngựa không giống như khi mình sử dụng ô tô, xe máy, vốn không cần phải chăm sóc kỹ càng. Trong khi sử dụng ngựa thì nào là chất thải, nào thì cỏ, nào thì nơi buộc ngựa khi không di chuyển… những cái đó rất phức tạp. Một người cưỡi ngựa mà phải 2, 3 người phục vụ những chuyện đằng sau như thế thì rất phức tạp và lằng nhằng”.

Theo Bộ Công an, việc thành lập đội kỵ binh cảnh sát cơ động được thực hiện sau khi Việt Nam đã “học tập, trao đổi kinh nghiệm” với các nước về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA, “không phải cái gì cũng thích hợp với Việt Nam, đặc biệt trong chuyện này”.

Bà Lê Hoài Anh nói việc một số nước phương Tây như Anh, Pháp, Canada… có đội kỵ binh là vì nét văn hoá đặc biệt từ chế độ quân chủ lâu đời ở các quốc gia này. Các đội kỵ binh hiện vẫn được giữ lại như một hình thức lưu giữ nét văn hoá này, mặc dù bà tỏ ra nghi ngờ về mức độ hiệu quả và lợi ích của đội quân này trong khi chi phí dành cho nó là một con số không nhỏ.

“Vả lại, những con đường ở bên đó rộng và lớn, nhưng ở Việt Nam thì đường sá không ra đâu vào đâu và đồng thời Việt Nam không có văn hoá đấy, nhìn thấy không thích hợp và hoàn toàn không có lợi ích gì cả. Có nhiều cái còn không tốt cho môi trường ấy chứ. Bây giờ không gọi là kỵ binh nữa mà gọi là ị binh”.

Nữ doanh nhân gốc Hà Nội nói thêm rằng thời điểm ra mắt đội kỵ binh cũng không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam khi chính phủ và người dân đang phải vật lộn để vực dậy nền kinh tế đã bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

“Kinh tế thì đang xuống. Người Việt Nam, nhất là trong thời điểm này, lại phải bỏ một số tiền ra để mua ngựa rồi lại phải nuôi đội kỵ binh và nuôi ngựa. Đó là một việc rất tốn kém mà kết quả mang đến chắc chắn là sẽ không được như ý”, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói, đồng thời dẫn chứng dự án mua xe đạp cho Cảnh sát cơ động trước đây.

“Rồi bây giờ xe đạp cũng bỏ đi rồi. Tôi không tin rằng là ngựa sẽ thọ được lâu”, bà Lê Hoài Anh nói thêm.

Bộ Công an cho biết loại ngựa sử dụng trong đội kỵ binh, vốn được tiếp nhận từ tháng Một năm nay, là giống ngựa tốt, đã được thuần hoá, huấn luyện và có khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt.

Vẫn theo bộ này, một nguyên nhân khác dẫn đến việc nghiên cứu và thành lập đội kỵ binh cảnh sát cơ động là do “sự manh động, phức tạp của tội phạm cũng như tình trạng bạo loạn, chống người thi hành công vụ diễn ra trong thời gian gần đây”.

“Tôi thì chưa đối mặt với việc bị giải tán biểu tình bằng ngựa bao giờ, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một trong các công cụ thôi”, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam nói với VOA. “Ở Việt Nam, người ta luôn nuôi một đội băng đỏ, an ninh chìm nổi để giải tán biểu tình rất hiệu quả. Chưa kể là họ còn sử dụng lực lượng băng đỏ, những người gọi là lực lượng dư luận viên chuyên phá rối, quấy rối những trận biểu tình. Lực lượng đó còn nguy hiểm hơn ngựa rất nhiều”, ông Thắng nói thêm.

Theo báo Nhân dân, đội kỵ binh “sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân”.

1 nhận xét:

  1. Chi phí giá cả nhập ngựa về có bị đội giá không thế . Vãi !

    Trả lờiXóa