BÀ NỘI
- Ối giời ơi, đã bảo bà đừng ra phòng khách nữa cơ mà, khổ tôi không cơ chứ!Oanh vừa lau sofa vừa la ầm ĩ. Bà Năng lủi thủi vào phòng, lặng lẽ lấy chiếc áo cũ ra lau chỗ mình vừa ngồi.
- Thôi, bà không phải lau, để đấy đi, người đâu mà đi đến đâu bẩn đến đấy!
Oanh thoăn thoắt đi vào phòng bếp:
- Cái gì đây, đường đâu mà đổ tung toé ra chân tủ thế này. Ối giời ơi, kiến bám đen bám đỏ rồi! Chắc lại mọ mẫm ra đây chứ gì, đúng là người đâu mà!
Oanh lấy bình xịt kiến rồi lấy giẻ lau nền nhà, cô tất tả chuẩn bị cơm trưa.
Lan đứng trên cầu thang tầng hai chứng kiến hết toàn bộ những gì mà mẹ đối xử với bà nội, người mẹ mà Lan vô cùng thần tượng, một người phụ nữ hiện đại năng động có địa vị xã hội. Đặc biệt hơn trong cuộc sống hàng ngày mẹ lúc nào cũng là chuẩn mực trong cử xử và dạy bảo hai chị em Lan. Em không dám đi xuống nhà, vội vàng lên phòng đóng kín cửa, em ngạc nhiên và thất vọng vô cùng khi chứng kiến tất cả những sự việc vừa xảy ra. Em sợ phải đối diện với mẹ, sợ để cho mẹ biết em đang ở nhà và nhất là biết việc mẹ vừa làm.
Từ khi ông nội mất, bố mẹ Lan đón bà nội về ở cùng, đến nay cũng gần sáu tháng. Lan và bé Huyền vô cùng yêu quý nội, thi thoảng xuống ngủ cùng nội, nghe nội kể chuyện ngày xưa thời bố Lan còn bé, chuyện chú Hoàng và bố Lan tranh nhau nửa củ khoai nướng rượt nhau ngã gẫy cả răng còn bị ông nội đánh đòn. Bà nội còn là một kho tàng cổ tích tuyệt vời, mặc dù năm nay đã học đến lớp mười một rồi nhưng vẫn muốn rúc vào nách nội cùng với cái Huyền háo hức nghe những câu chuyện ngày xưa và câu chuyện cổ tích như những chai mật ong ngọt lịm.
Lan đứng trên cầu thang tầng hai chứng kiến hết toàn bộ những gì mà mẹ đối xử với bà nội, người mẹ mà Lan vô cùng thần tượng, một người phụ nữ hiện đại năng động có địa vị xã hội. Đặc biệt hơn trong cuộc sống hàng ngày mẹ lúc nào cũng là chuẩn mực trong cử xử và dạy bảo hai chị em Lan. Em không dám đi xuống nhà, vội vàng lên phòng đóng kín cửa, em ngạc nhiên và thất vọng vô cùng khi chứng kiến tất cả những sự việc vừa xảy ra. Em sợ phải đối diện với mẹ, sợ để cho mẹ biết em đang ở nhà và nhất là biết việc mẹ vừa làm.
Từ khi ông nội mất, bố mẹ Lan đón bà nội về ở cùng, đến nay cũng gần sáu tháng. Lan và bé Huyền vô cùng yêu quý nội, thi thoảng xuống ngủ cùng nội, nghe nội kể chuyện ngày xưa thời bố Lan còn bé, chuyện chú Hoàng và bố Lan tranh nhau nửa củ khoai nướng rượt nhau ngã gẫy cả răng còn bị ông nội đánh đòn. Bà nội còn là một kho tàng cổ tích tuyệt vời, mặc dù năm nay đã học đến lớp mười một rồi nhưng vẫn muốn rúc vào nách nội cùng với cái Huyền háo hức nghe những câu chuyện ngày xưa và câu chuyện cổ tích như những chai mật ong ngọt lịm.
Trước đây, khi ông nội còn sống, một năm Lan chỉ về thăm ông bà được vài ba lần cùng bố mẹ những dịp lễ tết hoặc nhà có giỗ có việc. Hai chị em bận học, hai đứa đều học trường chuyên nên thời gian nghỉ rất hiếm. Mỗi lần được về quê thăm ông bà nội Lan thích lắm, không muốn về thành phố nữa. Lần nào về hai chị em cũng theo nội xắn quần lội ao mò ốc, ra khu ruộng trước nhà nội bì bõm trải nghiệm cảm giác lội chân ngập bùn. Đêm đến kê chõng tre ra sân ngắm trăng uống nước, nghe ông nội kể chuyện ma, vừa thích thú vừa sợ hãi, cho đến khuya ông giục đi ngủ mới thôi, hai đứa lại tranh nhau nằm hai bên bà nội, tranh nhau sờ ti rồi cười rúc rích đến tận lúc mệt rồi ngủ lúc nào không biết.
Bà nội lên ở cùng, Lan vui lắm, cái Huyền cũng vậy, đi đâu hai đứa cũng mua quà về cho bà nội, có món gì ăn lạ và ngon cũng mua về cho bà nội thưởng thức, bà nội vui và yêu hai đứa lắm. Bố Lan là công an, thường xuyên phải đi công tác, đợt này bố đi gần mười ngày, ở nhà chỉ có mấy mẹ con bà cháu toàn phụ nữ. Thời gian này gần cuối năm thi liên tục, cả hai chị em Lan bận rộn với bài vở, cũng không dành thời gian nhiều cho bà. Hai đứa đi học gần như kín lịch. Bà nội hơn một tháng nay bị tai biến nhẹ, tai nghễng ngãng hơn, tay trở nên run rẩy nên hay đánh rơi đồ, bà nội còn bị lẫn lộn trong sinh hoạt cá nhân nữa. Có hôm nội còn đem muối cho hết vào bình nước lọc, Lan uống phát hiện ra mới biết bà nội bị lẫn như vậy.
Lan thương bà nội vô cùng, nghĩ đến gương mặt sợ sệt, dáng đi run rẩy khi bị mẹ quát to mà Lan ứa nước mắt. Đến bữa cơm trưa, hôm nay cái Huyền không về vì lớp đi dã ngoại, còn mình Lan, mẹ và bà nội. Lan ở lỳ trên phòng không xuống, Lan không biết mình sẽ đối mặt với mẹ như thế nào, bà nội cũng không ăn cơm vì bảo mệt. Chút nữa mẹ đi làm Lan sẽ rẽ qua hàng bánh cuốn đầu ngõ mua cho bà nội, món mà bà thích vì rất mềm và dễ ăn.
Tối đến, khi Lan xuống tầng tìm cục sạc dự phòng, đi qua phòng mẹ, Lan bất chợt nghe cuộc điện thoại mẹ nói chuyện với bố: Mẹ bình thường, hơi quên chút thôi, anh yên tâm, sáng nay em vừa cắt thuốc bổ cho mẹ, mẹ đang uống rồi...
Gì cơ, đúng là không thể tin được, mẹ có thể nói những lời ấy với bố sao, còn những lời mẹ quát bà nội trưa nay thì sao, thuốc nào mà bà nội đang uống, mẹ cắt khi nào...hàng ngàn câu hỏi dồn dập trong đầu Lan, mẹ là người như vây ư! Em thất vọng đi về phòng mà quên mất đi tìm cục sạc để ngày mai em đi chụp kỉ yếu với lớp.
Sáng Lan còn chưa dậy mẹ đã lên gõ cửa:
- Lan, dậy chưa con! Lan uể oải:
- Con dậy rồi, có việc gì ạ!
- Sáng nay đi học con cầm mấy ấm thuốc mẹ cắt cho bà ngoại gửi qua chỗ cậu nhé!
- Sáng nay con đi chụp ảnh kỷ yếu, con không đi qua đường nhà cậu!
Thì ra mẹ cắt thuốc cho bà ngoại chứ không phải bà nội. Bỗng nhiên Lan thấy xót xa và thương bà nội rất nhiều.
Bà ngoại Lan là người gốc Hải Phòng, lấy ông ngoại từ năm mười bảy tuổi, ông là người buôn chuyến, ngoại theo ông bôn ba khắp nơi rồi lập nghiệp tại Hà Nội, ông bà rất giỏi mới gây dựng được cơ ngơi khang trang với một chuỗi siêu thị tại sáu tỉnh thành. Năm nay bà ngoại gần bảy mươi tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn và điều hành siêu thị cùng với cậu. Lan không quý bà ngoại như bà nội, bà ngoại cũng ít có thời gian dành cho các cháu, đặc biệt chưa bao giờ bà ngoại kể chuyện cổ tích hay những câu chuyện ngày xưa như bà nội. Nhà ở gần nhưng Lan và Huyền cũng ít sang vì bà ngoại cũng không có nhiều thời gian.
Mặc dù bà ngoại không thiếu thứ gì nhưng mẹ Lan lúc nào cũng mua cho bà ngoại đủ thứ, mẹ đi chơi, đi công tác hay đi chợ thôi có thứ gì hay hoặc thức ăn nào ngon bổ đều mua gửi cho bà ngoại. Từ trước tới nay như vậy nên Lan cũng không mấy quan tâm để ý, nhưng hôm nay thì khác. Nghĩ lại tất cả những gì mà Lan biết em thấy mẹ thật là thiên vị, câu chuyện hôm qua mẹ quát bà nội và một phần nội dung mẹ nói chuyện với bố , Lan thất vọng vô cùng, em cố tìm ra lý do để biện minh cho mẹ, để những việc em chứng kiến chỉ là hiểu nhầm...
Lan xuống phòng, bà nội ngồi trầm ngâm trong góc giường.
- Bà nội ăn sáng chưa, sáng nay mẹ nấu gì vậy!
- Bà nội chưa ra khỏi phòng con ạ, sao hôm nay con đi học muộn vậy?
- Sáng nay con đi chụp ảnh kỷ yếu ạ! Bà nội ra ăn sáng đi!
Lan ra phòng ăn xem sáng nay mẹ nấu gì, không thấy gì, em mở tủ cũng không thấy. Không nhẽ mẹ không nấu đồ ăn sáng cho bà nội sao, Lan thường đi học sớm nên không ăn sáng ở nhà. Bỗng dưng em thấy nóng bừng cả mặt. Em quay vào:
- Bà nội ơi, ra phố ăn sáng cùng con đi!
Em vừa nói vừa cầm tay kéo bà nội đi, bà cười:
- Cha bố mày, bà không đói đâu, đi đi cho kịp giờ!
- Không sao đâu bà !
Lan kéo xe ra chở bà nội đi, cũng lâu rồi hôm nay em mới có thời gian đưa bà ra ngoài, bà ôm cứng lấy em cứ sợ ngã và đụng vào người đi bên cạnh. Lan cười như nắc nẻ, thấy bà thật đáng yêu quá. Lan đùa rủ bà :
- Hay hôm nay bà đi chụp ảnh kỷ yếu với tụi con nhé!
- Cha tổ bố con, bà chụp sao được, chụp về đêm giật mình chết đấy!
- Hihi, thật như vậy sao bà!
- Ừa!
Lan tủm tỉm:
- Kệ bà , con đưa bà đi luôn!
- Ối, thôi thôi, cho bà về không có...
Bà nội bỏ lửng câu nói, Lan gặng hỏi:
- Có sao bà, bà sợ mẹ con nói ạ!
- À, không, bà ra ngoài sợ mẹ con lo lắng!
Lan lặng người, bà thật tốt, mẹ như vậy mà bà vẫn bảo vệ mẹ.
Chợt trong đầu Lan loé lên một ý định, bất ngờ Lan quật tay lái.
- Ơ, con đi đâu đấy, về đường kia chứ!
Lan phì cười:
- Bà cũng nhớ đường quá cơ!
Bà cười:
- Ừ thì bà thấy bên kia đường giống lúc đi hơn.
- Bà ôm chặt lấy con nhé!
- Ơ, nhưng con đi đâu!
- Chút nữa bà sẽ nhận ra, chắc bà sẽ vui ạ!
Lan ra bến xe, gửi xe rồi hai bà cháu bắt xe đi. Bà kinh ngạc:
- Con đưa bà đi đâu!
- Bà yên tâm, con không bắt cóc bà đâu mà lo, ba tiếng nữa bà sẽ biết!
Bà hơi hoang mang gương mặt phảng phất lo lắng:
- Cho bà về thôi, bà mệt!
Hai bà cháu lên xe, Lan chọn cho bà ngồi ngay ghế đầu, em vừa xoa bóp vai cho bà vừa động viên:
- Bà cứ ngồi nghỉ ngơi, con mát xa cho bà chút là đến thôi.
Xe chuyển bánh, bà dường như đã lờ mờ nhận ra sự quen thuộc qua những câu chuyện khách trên xe trao đổi, nhất là hướng tiến đến của xe, con đường về quê. Bà lặng thinh, một chút xúc động khi ngôi làng quen thuộc dần hiện ra, bóng nắng đã đứng, xe đỗ ngay tại bến đầu làng, nơi con đê xuống dốc đi vào khoảng 200m là đến nhà. Con đường bê tông hắt nắng tương đối nóng nhưng nội vui hay sao ấy mà bước đi xăm xăm. Hai bà cháu không hành lý nên cũng rảnh tay mà bước. Mấy người nhìn thấy bà đi qua cổng kêu lên:
- Bà thằng Su về thăm quê à, nắng quá, vào mời nước đã, lâu lắm rồi đấy!
- Chào các bà, tôi về đã, chiều vào chơi nhé!
Lan thấy mắt bà sáng lên, gương mặt rạng ngời. Thêm hứng khởi nên bà bước nhanh hơn, chẳng mấy chốc căn nhà nhỏ đầy màu xanh mát mẻ thân thuộc hiện ra. Chiếc khoá lâu ngày hoen gỉ, ôi không có chìa khoá. Lan trèo cổng vào, em lấy gạch đập bung chiếc khoá cho bà vào. Khoá nhà Lan cũng phải đập, cũng may, lâu ngày bị gỉ nên đập cũng dễ dàng. Nghe tiếng động, mấy nhà hàng xóm chạy sang, em và bà phải nói dối là mất chìa khoá. Mọi người xúm vào quét dọn nhà cửa giúp hai bà cháu. Chú Hùng nấu cơm mời hai bà cháu ăn. Bà vui lắm, như cá gặp nước, quên luôn cả cái ngột ngạt ở Hà Nội.
Đến chiều tối, thấy mẹ gọi cho Lan cuống quýt hỏi bà đi đâu, Lan bảo em không biết, em xin phép mẹ cho em về muộn, nếu muộn quá em sẽ ở lại nhà bạn sáng mai sẽ về. Mẹ bảo Lan về ngay để đi tìm bà nội, Lan bảo: Mẹ gọi cho bố đi!
Lan chợt nghĩ đến cảnh mẹ sẽ rối lên, gọi cho tất cả mọi người, thậm chí cho công an để tìm nội. Kệ, bỗng dưng Lan thấy mình thật chai lỳ. Lan muốn mẹ nếm trải cảm giác lo lắng, bà nội vẫn bình yên vui vẻ không sao là được.
Ngày mai Lan cũng chưa về, bố gọi cho Lan, giọng vô cùng nghiêm trọng, bố phải bỏ dở chuyến công tác để tìm bà, Lan chợt chột dạ, to chuyện rồi. Lan nói cho bố biết nội vẫn an toàn và vui vẻ ở quê. Bố cúp máy khi đang nói dở với Lan. Em gọi lại bố không nghe, Lan lo lắng hoang mang. Em không dám nói cho bà biết, suốt từ lúc bố gọi điện cho đến chiều Lan bồn chồn lo lắng, hết ra lại vào, hết đứng lại ngồi. Thấy thái độ của Lan như vậy, bà nội hỏi:
- Con lo việc ở lớp à, thôi về đi, bà ở lại chơi ít hôm rồi về đón bà . Con đã điện cho mẹ rồi chứ!
- Vâng, bà yên tâm!
Lan bấm bụng động viên bà, thực ra ruột Lan đang như có lửa đốt. Gần đến chiều tối thì xe bố về đến trước cổng, cả bố mẹ và cái Huyền, Lan chạy ra mở cổng, vừa xuống xe bố đã tát cho Lan một cái nổ đom đóm mắt. Lan choáng váng.
- Sao con làm thế, con có biết con làm như vậy hậu quả thế nào không!
Lan bất ngờ, em khóc: Bố hỏi mẹ con ấy!
Bà vội chạy ra:
- Sao thế, chưa về đến nhà đã đánh con, mọi việc là do mẹ đấy, mẹ thấy nhớ nhà nên bảo Lan nó đưa mẹ về.
- Không phải do bà, là do con, con tự ý đưa bà về, bà đừng có cái gì cũng bảo vệ mọi người như vậy rồi khổ!
Lan nói rồi nhìn sang mẹ.
- Con nói vậy nghĩa là sao!
- Con nói rồi, bố hỏi mẹ con ấy!
Nói rồi em chạy vào nhà, bố quay sang mẹ, mẹ cúi xuống tránh cái nhìn của bố , bà cũng không nói thêm gì, cả ba cùng lặng lẽ vào nhà.
Mẹ lặng lẽ làm bữa tối, cả nhà không ai nói với nhau một câu nào. Ăn xong, Lan vào buồng ngủ sớm, mấy bác hàng xóm sang chơi tận khuya mới về. Quá nửa đêm Lan tỉnh dậy, em mở điện thoại có một tin nhắn của mẹ: Mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi con!
Lan ứa nước mắt, quay lại ôm bà thật chặt, em hít hà mùi hương lá bưởi từ những lọn tóc trắng như cước của bà. Em yêu bà , em mơ màng chìm vào giấc ngủ cùng với những câu chuyện cổ tích ngọt lịm như những chai mật ong mà bà nội vẫn thường hay kể.
Tác giả: Đan Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét