Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

(2) Thịnh vượng & Dân chủ

Thịnh vượng & Dân chủ
III. Dân chủ dẫn đến thịnh vượng
Năm 2012, Daron Acemoglu (Gs. Kinh tế tại M.I.T.), và James A. Robinson (nhà Khoa học Chính trị và Gs. Kinh tế tại Harvard) xuất bản cuốn Why Nations Fail, gây tiếng vang khá lớn trong cách nhà khoa bảng về kinh tế và xã hội. Trong tập sách dày hơn 400 trang, một công trình khảo cứu trong 15 năm, hai giáo sư dẫn chứng những số liệu và sự kiện lịch sử nhằm chứng minh tương quan nhân quả giữa dân chủ và thịnh vượng. Trước hết, hai ông bẻ gãy những lập luận trước đây giải thích tình trạng kinh tế của các nước nghèo chậm tiến. 
Hai giáo sư khẳng định, “Đối với những nước nghèo, họ nghèo không phải vì (1) hoàn cảnh địa lý hay vì (2) nền văn hóa, hoặc vì (3) những nhà lãnh đạo không biết dùng chính sách nào để làm cho dân giàu nước mạnh.”

1. Về địa dư, Acemoglu và Robinson bác bỏ lập luận của Montesquieu khi ông ta cho rằng những nước ở miền nhiệt đới vì khí hậu quá nóng nên làm việc mau mệt và từ đó sinh lười biếng. Mà lười biếng thì không siêng học hỏi, không ham làm nên gây ra nghèo. Hoàn cảnh địa lý làm những nước này mãi mãi nghèo. Theo Montesquieu, các nước vùng hàn đới thì khá nhất, tiếp theo là ôn đới, và sau cùng là các xứ nhiệt đới về mức độ thịnh vượng, giàu có. Montesquieu lập luận rằng chính hoàn cảnh địa dư giúp dân chúng phát triển dễ dàng nhưng ông không sống lâu để thấy các nước trong vùng nhiệt đới như Singapore, Malaysia, Botswana phát triển mạnh vào hậu bán thế kỷ 20 và cho đến tận bây giờ, nâng cao nếp sống của người dân, mặc dù những nước này nằm gần đường xích đạo, khí hậu nóng bức quanh năm. Hoàn cảnh địa dư khắc nghiệt của Singapore mới đáng chú ý: hòn đảo Sư tử gần 6 triệu dân thiếu nước trầm trọng, phải nhập cảng 250 triệu ga-lông nước mỗi ngày, chiếm 60% lượng nước cần dùng cho dân chúng. Với khí hậu và hoàn cảnh địa lý nghiệt ngã nhưng Singapore vẫn là một trong những nước tiên tiến tại châu Á hiện nay. Như thế, địa dư chẳng ảnh hưởng gì đến sự thịnh vượng của quốc gia đó cả.
2. Về nền văn hóa, hai Giáo sư cũng bác bỏ lập luận của nhà xã hội học Đức nổi tiếng, Max Weber, khi ông cho rằng cuộc Cải Cách Tin Lành (Protestant Reformation, 1517-1648) là điểm cốt lõi, làm bàn đạp cho sự thịnh vượng ở Âu-châu về sau. Weber đi xa hơn khi cho rằng sự kiện không chỉ đơn thuần là tôn giáo mà còn liên quan đến niềm tin, giá trị tinh thần, và đạo đức. 

Vậy thì có ai dám khẳng định chính nền đạo lý Khổng giúp cho nền kinh tế phát triển hiện nay của Trung hoa Đại lục? Không, triết lý Khổng đã chết thảm từ ngày Mao thiết lập chế độ cộng sản trên đất Đại lục, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), khi giới trí thức bị trù dập và thủ tiêu dã man và đạo lý Khổng bị bêu rếu và tận diệt một cách có hệ thống. Xã hội bị vùi dập tơi tả qua các cuộc cách mạng do Mao đề xướng. Đời sống người dân cơ cực, tệ hơn thời trước cuộc cách mạng tháng Mười, 1949. Riêng cuộc Đại Nhảy Vọt (1958-1962) ngạo mạn của Mao đã gây ra nạn đói khủng khiếp dẫn đến hàng chục triệu người chết đói; riêng theo nghiên cứu của nhà sử học Trung hoa Yu Xiguang, số người chết đói lên đến 56 triệu. Đời sống của dân Trung hoa Đại lục chỉ được nâng cao sau ngày Mao chết, khi Đặng Tiểu Bình cởi bỏ dần dần các quy luật kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lê trong lãnh vực nông nghiệp rồi kỹ nghệ và áp dụng nền kinh tế thị trường; công nhận quyền tư hữu, cho phép các đảng viên tự do làm giàu. Rõ ràng, triết lý Khổng, giá trị tinh thần và đạo đức Khổng hoàn toàn không liên quan gì đến sự thịnh vượng của Trung hoa Đại lục ngày nay, nhưng chính là sự nới lỏng thể chế chuyên chính ở thượng tầng bằng cách tôn trọng một số quyền tự do của người dân, đặc biệt quyền tư hữu, dẫn đến sự cởi mở cho phép kinh doanh, buôn bán.

Trước 1954, người dân Việt Nam hãnh diện có một lịch sử bốn nghìn năm văn hiến, hấp thụ vững vàng nền văn hóa cổ truyền của cha ông. Sau khi vĩ tuyến 17 chia cắt Nam và Bắc, hai miền theo hai chế độ trái ngược nhau. Từ năm 54 đến 75, đời sống của dân chúng miền Nam tuy vất vả nhưng khá ổn định. Nền kinh tế của miền Nam Việt nam tương đối phát triển, cho dù đang trong thời kỳ chiến tranh. Ngành nông nghiệp thu hoạch cao, bảo đảm sự tiêu dùng trong nước kể cả xuất cảng. Các công xưởng, kỹ nghệ mọc lên, tạo công ăn việc làm cho người dân. Kỹ nghệ chế tạo xe hơi là một niềm hãnh diện của nền kinh tế miền Nam. Nếu tính toàn cõi Đông Nam Á, sau Nhật và Trung hoa Đại lục thì miền Nam Việt nam là quốc gia thứ ba chế tạo và ráp đặt thành công chiếc xe hơi mang tên La Dalat vào cuối thập niên 1960, mặc dù ruột là động cơ Citroen của Pháp, (trong khi Đại hàn mãi đến 1975 hãng Hyundai mới sản xuất chiếc Pony đầu tiên, với động cơ Mitsubishi của Nhật). Tiện nghi trong gia đình đầy đủ, từ tủ lạnh đến máy thu thanh, đến truyền hình màu. Trong khi đời sống của dân miền Bắc quá nghèo khổ; bữa ăn thường lửng bụng, tiện nghi trong đời sống thiếu thốn. Chẳng phải người dân hai miền có chung một nền văn hóa đấy sao? Vậy mà đời sống người dân lại hoàn toàn khác xa nhau. Như thế, nền văn hiến bốn nghìn năm chẳng liên quan gì đến sự thịnh vượng cả.

Còn nền văn hóa Cao Ly thì sao? Nam Hàn giàu mạnh, đời sống dân chúng hưởng thụ đầy đủ tiện nghi, còn dân Bắc Hàn ngày chẳng đủ ăn, đã có thời chết đói hàng triệu người, và nguy cơ nạn đói vẫn treo lơ lửng trên đầu dân chúng mỗi ngày. Người dân cả hai miền cùng thụ hưởng một nền văn hóa đấy thôi. Bên trời Âu, đời sống của dân Tây Đức cao hơn hẳn đời sống của dân Đông Đức, tuy cả hai cũng hấp thụ một nền văn hoá như nhau. Ngay tại Hoa kỳ cũng có sự khác biệt lớn lao như vậy. 

Nogales, một thành phố cách nhau bởi một biên giới, một bên thuộc bang Arizona – Hoa kỳ, bên kia thuộc bang Sonora – Mễ-tây-cơ. Dân cư hầu như cùng một chủng tộc, lai Tây-ban-nha, hoặc thổ dân, chung một tổ tiên, cùng một ngôn ngữ, chung một địa dư. Dân chúng hai bên biên giới chịu chung một khí hậu, nét ẩm thực giống nhau, thưởng thức âm nhạc như nhau. Thế mà hai sự thịnh vượng lại khác nhau hoàn toàn; từ thu nhập lợi tức đến tiện nghi, từ giáo dục đến trình độ học vấn, từ kinh tế đến sức khỏe, từ môi sinh đời sống đến an toàn xã hội… tất cả là một sự khác biệt rõ rệt. Đời sống của người dân Nogales thuộc Mễ-tây-cơ thua kém rất xa so với đời sống của người dân Nogales thuộc Hoa kỳ. Rõ ràng nền văn hóa chẳng đóng một vai trò cốt yếu nào cho sự phát triển kinh tế của đất nước.



3. Sự hiểu biết nông cạn về kinh tế của nhà cầm quyền. Acemoglu và Robinson bác bỏ lập luận của nhiều kinh tế gia – nổi bật là Lionel Robbins – cho rằng kinh tế là một bộ môn khoa học phức tạp nên nhiều vị nguyên thủ thiếu hiểu biết; do đó không biết cách đẩy mạnh nền kinh tế quốc gia. 

Trước hết, kinh tế đúng là bộ môn phức tạp, nhưng không đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có bằng cấp hoặc một kiến thức vững vàng về kinh tế, vì còn cả một nội các gồm những người tài giỏi. Những kẻ am tường về kinh tế sẽ đề ra những phương án và những đề nghị thích hợp để giúp đất nước phát triển. Điều ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế không phải là vì kém hiểu biết nhưng chính là thể chế mà các nhà lãnh đạo duy trì và bảo vệ.

Hai Giáo sư dẫn chứng trường hợp của Ghana, quốc gia giành được độc lập từ Anh quốc năm 1957. Kwame Nkrumah thiết lập nền cộng hòa nhưng lại tuyên bố ông ta làm tổng thống mãn đời. Thời gian đầu, Nkrumah có hai chuyên viên cố vấn kinh tế: Tony Killick, và Sir Arthur Lewis (đoạt Nobel về kinh tế 1979) sẵn lòng giúp Ghana phát triển nhưng Nkrumah vẫn xây dựng kinh tế hạ tầng theo cách của ông. Chẳng hạn như Nkrumah cho xây nhà máy thuộc da cách nhà máy giết gia súc 500 dặm, nhà máy làm giày lại cách đó 200 dặm nữa, và cuối cùng là thị trường tiêu thụ giày cách chỗ thuộc da thêm 200 dặm về phía Nam. Kinh tế gia Killick đề nghị nên xây dựng các nhà máy liên quan đến sản phẩm gần với nhau để tránh phí tổn vận chuyển, giúp giảm thiểu giá thành, tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường rộng lớn. Nghe hợp lý nhưng Nkrumah không chấp nhận và vẫn xây dựng theo kế hoạch đã duyệt. Sau này, Killick mới hiểu là sở dĩ Nkrumah cho xây nhà máy cách xa nhau chỉ vì quyền lợi chính trị. Xây mỗi nhà máy ở một thành phố là để làm vừa lòng thủ lãnh của thành phố đó, giúp Nkrumah kiếm phiếu cho những lần bầu cử trong tương lai. Kofi Busia, người kế vị, cũng xây dựng nhà máy và các dự án kinh tế giống như Nkrumah; nghĩa là chỉ vì lợi ích chính trị. Tất cả những dự án kinh tế khác của Ghana cũng hoàn toàn dựa trên lợi ích chính trị, và kết quả là Ghana đến giờ này vẫn là một quốc gia nghèo đói.

Theo hai giáo sư, “trở ngại chính trong việc áp dụng các chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế không phải vì sự kém hiểu biết của các nhà lãnh đạo mà chính là những động lực và hạn chế mà họ đối diện từ các tổ chức chính trị và kinh tế trong xã hội của họ.”

Một ví dụ khác, tuy kiến thức về kinh tế của những người cầm đầu quốc gia không bao nhiêu nhưng cấu trúc chính trị trong xã hội mới là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển, và dẫn đến thịnh vượng. Trung hoa Đại lục là một trong những quốc gia đổi mới từ một thể chế kinh tế gây ra nghèo nàn và đói kém ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người sang một chính sách kinh tế cởi mở hơn, tự do hơn. Đảng cộng sản Trung hoa cuối cùng hiểu được rằng cơ cấu làm chủ tập thể trong nông nghiệp và công nghiệp chỉ tạo ra thảm họa cho đất nước. Đặng Tiểu Bình, người đứng đầu đảng cộng sản sau khi Mao chết, với tầm kiến thức về kinh tế không khá hơn Mao bao nhiêu chỉ vì hoàn toàn trưởng thành trong môi trường cộng sản, nhưng có một quyết định táo bạo về cải cách chính trị. Ông và các đồng chí cùng chung tư tưởng đổi mới, đã đánh bại các đảng viên giáo điều và bảo thủ trong nội bộ đảng cộng sản để hoàn tất một cuộc cách mạng chính trị, thay đổi hoàn toàn sự lãnh đạo và hướng đi của đảng. Chỉ cần một thời gian ngắn, những cải cách kinh tế này đã tạo ra của cải vật chất dồi dào vượt bực trong nông nghiệp và không bao lâu sau đó, nền công nghiệp phát triển mạnh. Tất cả những thành quả to lớn đạt được kéo dài mãi đến tận ngày nay bắt đầu từ cuộc cách mạng chính trị ngay trong nội bộ đảng. Rõ ràng sự cải cách cơ cấu chính trị đã quyết định sự chuyển đổi từ nền kinh tế chủ nghĩa cộng sản sang nền kinh tế thị trường ở Đại lục, và dẫn đến thịnh vượng chứ không phải vì họ Đặng có nhiều vốn liếng hiểu biết về nền kinh tế tự do hoạt động thế nào.

Sau khi bác bỏ những lập luận không còn hợp thời nữa, hai giáo sư giới thiệu hai thể chế chính trị đặc trưng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Acemoglu và Robinson chia thể chế chính trị của những nước này làm 2 nhóm khác nhau: (hai giáo sư dùng thuật ngữ nên xin lỗi độc giả không tìm được danh từ Việt thích hợp)

- nhóm "extractive" thường gọi là nhóm lợi ích, gồm một số người rất nhỏ nắm giữ quyền lực và hưởng tất cả bổng lộc; tất cả tài nguyên và của cải quốc gia đều bị thâu tóm và nằm trong tay nhóm này. Chữ “extractive” có nghĩa là chiết ra, rút ra… nên xin đặt tên là “nhóm bòn rút” hoặc “nhóm lợi ích.” Nền chính trị này gọi là thể chế bòn rút hay thể chế độc tài.

- nhóm "inclusive" gồm đại đa số người dân (masses, grassroots). Trái ngược với “nhóm bòn rút,” lợi ích và của cải vật chất quốc gia nằm trong tay toàn dân. Tinh thần dân chủ thuộc nhóm này. Chữ “inclusive” có nghĩa là bao gồm, bao thể cả quần chúng… nên xin đặt là “nhóm quần chúng.” Nền chính trị này gọi là thể chế quần chúng hay thể chế dân chủ.

Thể chế kinh tế quần chúng hỗ trợ nhu cầu vật chất của hầu hết người dân. Thể chế này có tính năng bảo vệ quyền sở hữu, bảo đảm một hệ thống luật lệ không thiên vị và cung cấp một thị trường bình đẳng, trong đó mọi người được tự do trao đổi, tự do buôn bán và kinh doanh. Chính tự do và bình đẳng khuyến khích người dân chọn nghề nghiệp thích hợp với kỹ năng của bản thân, phát triển các kỹ năng đó qua giáo dục, và tích luỹ kinh nghiệm để đầu tư hoặc kinh doanh. Trái lại, thể chế bòn rút – như tên gọi – thâu tóm tất cả mọi lợi nhuận và quyền lợi kinh tế về riêng một nhóm nhỏ; chính nhóm này thống trị quyền lực chính trị và kiềm chế tất cả mọi hoạt động kinh tế và xã hội ảnh hưởng đến lợi ích của họ. 

Sự khác biệt rõ ràng giữa hai thể chế này chính là cấu trúc thượng tầng chính trị. Một bên là quyền lực và quyền lợi nằm trong tay nhóm lợi ích, rất nhỏ. Còn một bên là tất cả tài nguyên đều thuộc về đại đa số quần chúng. Ngoài ra còn một sự khác biệt khác rất quan trọng giữa hai thể chế chính là sự phá huỷ sáng tạo (creative destruction). Đây là đặc tính thiết yếu trong thị trường tự do để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chúng ta nên dành một vài dòng để hiểu rõ nhân tố cốt tử quyết định sự tiến triển của nền kinh tế tư bản.

Joseph Schumpeter, một nhà kinh tế lỗi lạc, đề cập đến sự phá huỷ sáng tạo lần đầu tiên vào năm 1942 trong cuốn "Capitalism, Socialism and Democracy." Schumpeter cho rằng trong một nền kinh tế phát triển, luôn có những phát minh hoặc sáng kiến để tăng năng suất, và chính những kỹ thuật mới sẽ thay thế kỹ thuật lỗi thời. Nói nôm na, phá huỷ sáng tạo nghĩa là sự sáng tạo cái mới sẽ phá huỷ cái đương thời, (xin xem thêm phần phụ chú để hiểu rõ hơn quá trình này).

Theo Schumpeter, đây chính là động lực của sự phát triển công nghiệp và một khía cạnh đặc trưng không thể thiếu của chủ nghĩa tư bản. Nhờ phá huỷ sáng tạo, kinh tế tiến triển liên tục dẫn đến sự cải thiện không ngừng mức sống cho người dân. Điều dễ hiểu là phát minh mới sẽ tạo ra sản phẩm mới, tốt hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn – như máy vi tính thay thế máy đánh chữ – nhưng sáng kiến (innovation) của doanh nhân cũng dẫn đến sự phá hủy sáng tạo vì chính sự đổi mới khiến kỹ thuật, kỹ năng và thiết bị cũ trở nên lỗi thời – như iPod của Steve Jobs năm 2001 thay thế máy Walkman của Sony (Nhật) và MPMan của SeaHan (Nam Hàn) và kỹ nghệ tải nhạc của Napster và MySpace. 

Không ai chối cãi được rằng thể chế bòn rút vẫn thúc đẩy nền kinh tế tiến triển. Tổng sản lượng của thể chế độc tài Liên Xô tăng đều đặn 6% từ 1928 - 1960. Cùng một thể chế độc tài toàn trị, nền kinh tế Trung hoa Đại lục tăng trưởng trên dưới 10% mỗi năm kể từ thập niên 1990. Trong vòng 4 thập niên với chính sách đổi mới, tổng sản lượng Trung hoa Đại lục vượt hẳn các cường quốc, chỉ thua Hoa kỳ. Trong khi nền kinh tế tư bản phưong Tây chỉ mong tổng sản lượng tăng trưởng cao hơn mức lạm phát 3% hàng năm là xem như thành công, nên con số 6% tăng trưởng của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, và 10% của Đại lục phải nói là phép mầu. Nền kinh tế phát triển đều đặn tạo niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản càng thêm mãnh liệt đến nỗi Nikita Khrushchev, năm 1956, dám tuyên bố với giới ngoại giao Tây phương, “chúng tôi sẽ chôn sống các ông,” hàm ý chế độ tư bản sẽ bị tiêu diệt. Ngay cả cơ quan CIA cũng thành lập một ban đặc trách nghiên cứu nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vào cuối thập niên 1960, đã nhiều lần các nhà kinh tế Tây phương tự hỏi có nên bắt chước khuôn mẫu nền kinh tế của Liên Xô; nghĩa là có nên bãi bỏ nền kinh tế tự do và tập trung quyền hành kinh tế vào tay chính phủ như Liên Xô đã làm và thành công. Sách giáo khoa kinh điển đều nói về hiện tượng kinh tế Xô-viết. Nổi bật nhất là Paul Samuelson (đoạt Nobel về kinh tế 1970) viết cuốn Economics: an Introductory Analysis vào năm 1948 dùng để giảng dạy trong các trường đại học. Cuốn sách được hiệu đính và xuất bản tất cả 17 lần. Trong ấn bản lần thứ 7, năm 1961, Samuelson ghi nhận tổng sản lượng của Xô-viết chỉ bằng gần một nửa so với tổng sản lượng Hoa kỳ, nhưng ông tiên đoán nền kinh tế Xô-viết sẽ vượt Hoa kỳ sớm nhất vào năm 1984, và trễ nhất vào năm 1997. Khi nền kinh tế Xô-viết bắt đầu khựng lại và xuống dốc, trong ấn bản năm 1980, Samuelson vẫn tiếp tục “tiên tri” nền kinh tế Xô-viết sẽ vượt Hoa kỳ vào năm 2002, và trễ nhất 2012. Điều mỉa mai là mãi cho đến nay, năm 2020, cuốn sách vẫn được lưu hành và dùng để tham khảo, ngay cả Samuelson cũng không hề đính chính hoặc hiệu đính lời tiên đoán. Ông chỉ viết bài đăng trên một tạp chí và đổ lỗi cho “thời tiết xấu” tại Liên Xô gây ra mất mùa nên tiên đoán của ông không thành sự thật.



Sau khi khối Liên Xô tan rã (1991), các nhà quan sát mới nhận ra một điều nền kinh tế khối Xô-viết tăng trưởng đều đặn không phải vì sự phá hủy sáng tạo – cải tiến kỹ thuật – nhưng chính là vì sự tái phân bổ lực lượng lao động từ nông thôn về thành thị và tích lũy vốn thông qua việc tạo ra các công cụ và nhà máy mới. Trước 1930, hơn 80% dân Nga sống ở vùng nông thôn. Với chủ trương kỹ nghệ hóa, Stalin phân bổ lực lượng lao động ồ ạt vào các công xưởng tại các thành thị và, dĩ nhiên, không một ai được phép từ chối dưới chế độ toàn trị. Với nhân lực hùng hậu dồn vào ngành kỹ nghệ, và thừa hưởng những phát minh khoa học đương thời, nền kinh tế của chế độ Xô-viết tăng trưởng đều đặn 6% mỗi năm.

Nhưng đến đầu thập niên 1980, nền kinh tế của Xô-viết chậm lại, ngưng trệ, rồi sụp đổ. Nguyên nhân chính là sự phá hủy sáng tạo. Trong một thời gian dài, Liên Xô hầu như không có một phát minh hay sáng kiến nào để thúc đẩy nền kinh tế. Lãnh vực duy nhất mà Liên Xô cố gắng duy trì một số sáng kiến là công nghệ quân sự và không gian vũ trụ. Thành quả đáng ngưỡng mộ mà Liên Xô đạt được là đưa chú chó đầu tiên, Leika, và phi hành gia đầu tiên, Yuri Gagarin, vào không gian. Cũng nên nhắc đến một di sản khác Liên Xô để lại cho nhân loại: khẩu AK-47 – một sáng chế gần như tuyệt hảo – được dùng trong khắp các chiến trường trong suốt thời Chiến tranh Lạnh. 

Sau khi khối Xô-viết sụp đổ, nền kinh tế của Trung hoa Đại lục vươn lên. Thế giới chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế phi thường đi kèm với sự gia tăng chưa từng thấy về thu nhập thực tế và mức sống. Thật vậy, sự cải cách chính trị của họ Đặng đã mang lại sự tăng trưởng khổng lồ về mức sống cho một số lượng người dân lớn nhất trong lịch sử loài người. Năm 1978, với dân số gần 1 tỷ, nhà nước Đại lục tuyên bố đã giảm được nghèo – những người có thu nhập dưới 38 đô la mỗi năm – từ 250 triệu xuống còn khoảng 80 triệu người. Từ 1978 đến 1994, thu nhập ròng bình quân đầu người hàng năm của nông dân tăng gấp ba lần, lên 146 đô la; thu nhập ròng của dân đô thị tăng hơn gấp đôi, lên $380. Trong những năm 1960 và 1970, giấc mơ của người dân Đại lục là đồng hồ đeo tay, máy thu thanh, xe đạp và máy may. Đây là “bốn vật dụng lớn” dưới thời bao cấp của Mao. Vào giữa thập niên 1980 và 1990, giấc mơ của dân chúng Đại lục cao hơn, đắt tiền hơn: tivi màu, tủ lạnh, máy ghi âm và máy giặt tự động. Ngày nay, người Đại lục khao khát máy điều hòa không khí, máy thu hình, xe gắn máy và một số người khác mơ đến một ngôi nhà lầu khang trang, và một chiếc xe hơi.

Hai giáo sư Acemoglu và Robinson phân tích về hiện tượng kinh tế tăng trưởng vượt bực của Đại lục, giấc mơ của các cường quốc. Mức tăng trưởng trung bình 10% từ 1990-2012 là một kỳ công. Giống như Liên Xô vào đầu thập niên 1930, phần đông dân Đại lục sống ở nông thôn. Vốn tư bản bắt đầu đổ vào Đại lục từ đầu thập niên 1990, riêng năm 1995 đổ vào một kỷ lục 35 tỷ, và các công xưởng dần dần mọc lên như nấm, thu hút dân từ nông thôn đổ dồn về thành thị. Kết quả của sự phân bổ lực lượng lao động tự nguyện là hàng trăm triệu dân lao đầu vào các nhà máy kiếm sống nhờ sự cải cách chính trị của họ Đặng, cho phép quyền tư hữu. Kế hoạch kỹ nghệ hóa, đặc biệt kỹ nghệ nặng – như Liên Xô vào gần giữa thế kỷ trước – và sự thừa hưởng các phát minh cũng như sáng kiến đương thời khiến tổng sản lượng của Đại lục tăng vọt từ vài trăm tỷ năm 1980 lên trên 14 nghìn tỷ năm 2019. 

Acemoglu và Robinson tiên đoán nền kinh tế Đại lục sẽ đi đến một kết thúc như Liên Xô; nghĩa là chậm lại, ngưng trệ, và sụp đổ nếu cấu trúc thượng tầng chính trị không thay đổi triệt để. Tất cả vì nền kinh tế thiếu sót sự phá hủy sáng tạo. Kẻ thù số một của nền kinh tế Trung Quốc là sự tê liệt chính trị. Bằng mọi giá phải giữ ổn định chính trị. Vì thế, các tập đoàn kinh tế quốc doanh không bao giờ chấp nhận sự phá hủy sáng tạo chỉ vì ảnh hưởng đến lợi ích của một vài cá nhân. Ngoài những đảng viên nằm trong nhóm bòn rút, hầu hết tất cả những người dân ở Đại lục đều khao khát tự do sáng tạo để giữ nền kinh tế thịnh vượng, nhưng chính hệ thống chính trị sẽ không bao giờ cho phép người dân thực hiện việc tái cấu trúc mang lại lợi ích chung.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước Đại lục có thể tồn tại qua sự phá hủy sáng tạo không? Thưa không, bởi vì nhóm lợi ích cố thủ và đánh bại mọi ý tưởng thay đổi. Hai giáo sư nêu ra một vài lý do:

- Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi phải đổi mới, và đổi mới không thể tách rời khỏi sự phá hủy sáng tạo, thay thế cái cũ bằng cái mới trong lĩnh vực kinh tế nhưng đồng thời làm mất ổn định quan hệ quyền lực chính trị. Bởi vì nhóm lợi ích thống trị các thể chế độc tài bòn rút rất sợ sự phá hủy sáng tạo, nên bằng mọi cách sẽ chống lại. Vì thế, bất kỳ sự tăng trưởng nào nảy sinh dưới các thể chế độc tài bòn rút chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

- Thứ hai, những kẻ thống trị trong các thể chế bòn rút được hưởng lợi rất nhiều bằng mồ hôi và xương máu của đại đa số quần chúng. Vì thế, quyền lực chính trị dưới các thể chế độc tài là một điều thèm muốn khao khát mãnh liệt khiến nhiều nhóm và cá nhân tìm mọi cách loại trừ nhau để chiếm chỗ ngồi cao nhất. Kết quả là sự đấu tranh nội bộ diễn ra gay gắt, khốc liệt khiến xã hội dưới các thể chế độc tài luôn theo hướng bất ổn chính trị.

Khi các mô hình kích thích nền kinh tế cạn kiệt, nền kinh tế sẽ chậm lại như khối Xô-viết vào đầu thập niên 1980 (theo biểu đồ trên). Với tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại ở mức 3,7% hàng năm trong giai đoạn 1970-1975 và tệ hơn, 2,6% trong giai đoạn 1975 đến 1980, nền kinh tế Xô-viết trì trệ là điều không thể tránh khỏi. Dĩ nhiên, khi so sánh hai nền kinh tế của Liên Xô và Đại lục thì mức tăng trưởng của Đại lục đa dạng hơn. Nền kinh tế Đại lục không chỉ dựa vào vũ khí hoặc công nghiệp nặng như Liên Xô, và các doanh nhân Đại lục rất khéo léo biết cách buôn bán và sản xuất các sản phẩm thực dụng vừa túi tiền ra toàn thế giới. Nhưng nếu nhìn vào biểu đồ tăng trưởng trung bình 10% của Đại lục (bên trên), thì kể từ năm 2012, sự tăng trưởng đang chậm dần xuống gần 5%. Dấu hiệu đầu tiên của tiến trình thoái hóa: chậm, ngựng trệ, và sau cùng là có thể sụp đổ. Riêng năm 2020, do cơn đại dịch, các nhà quan sát tiên đoán nền kinh tế Đại lục sẽ mang số âm.

Acemoglu và Robinson giải thích tại sao nền kinh tế của các nước độc tài thất bại. Thưa, chính là thể chế, là cấu trúc thượng tằng chính trị. Thể chế chính trị quyết định các luật lệ cho thể chế kinh tế. Những nước tiêu biểu như Zimbabwe và tập đoàn Mugabe; Sierra Leone và Sir Albert; Somalia và Kediye; Uzbekistan và dòng họ Karimov, thuộc khối Xô-viết trước đây, lần lượt gây ra thảm bại về kinh tế cho đất nước họ chỉ vì những kẻ này duy trì thể chế độc tài, tiêu diệt sức sáng tạo của người dân. Hai giáo sư còn đưa ra những thể chế tại các nước Trung Mỹ, cũng như những nước Đông Âu, thuộc khối Xô-viết. Cụ thể là Ba Lan, một trong những nước thành công của nền dân chủ sau khi khối Xô-viết sụp đổ. Ngày nay, xã hội Ba Lan có sự phân phối thu nhập tương đối ngang nhau, người dân được giáo dục và đào tạo theo đúng kỹ năng, lực lượng lao động đáp ứng sự đòi hỏi của nền kinh tế, tạo nên nền tảng của tầng lớp trung lưu sinh động. Ngược lại, so với Belarus, cũng tuyên bố độc lập sau khi khối Liên Xô tan rã, Alexander Lukashenko nắm giữ quyền hành và duy trì chế độ độc tài từ 1994 đến nay. Lukashenko được mệnh danh là kẻ độc tài cuối cùng tại Âu châu. Bất hạnh cho dân Belarus, vừa thoát được chế độ toàn trị cộng sản lại rơi vào một thể chế độc tài bòn rút khác. Kết quả là nền kinh tế Belarus ngày nay vẫn không khá hơn dưới thời cộng sản bao nhiêu. 

Sự phá hủy sáng tạo rất cần thiết cho nền kinh tế phát triển, nhưng rõ ràng không thể nào thực hiện dưới chế độ độc tài bòn rút. Chính nền dân chủ bảo đảm sự tự do kinh tế dẫn đến sự phá hủy sáng tạo – điều kiện cốt yếu cho nền kinh tế phát triển. Đài Loan và Nam Hàn là hai ví dụ cụ thể. Nền kinh tế của 2 nước này phát triển đều đặn dưới chế độ độc tài, như Liên Xô và Trung hoa Đại lục. Nhưng nếu Đài Loan và Nam Hàn không chuyển đổi sang thể chế dân chủ thì nền kinh tế sẽ dẫn đến cùng một kết thúc như Liên Xô: chậm lại, ngưng trệ, và sụp đổ. May mắn là Đài Loan thiết lập nền dân chủ vào năm 1996, và Nam Hàn vào năm 1993, bảo đảm các quyền căn bản và người dân toàn quyền kinh doanh trong thị trường tự do. Sự phá hủy sáng tạo của nền kinh tế của Đài Loan và Nam Hàn dẫn đến sự phát triển bền vững mãi đến ngày nay. Đến đây, không thể không nhắc đến biến cố Thiên An Môn năm 1989, khi các sinh viên Đại lục đứng lên đòi chuyển đổi thể chế độc tài sang nền dân chủ tự do. Mặc dù có sự đồng tình của Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nhưng thật không may cho tầng lớp sinh viên khao khát tự do, nhóm lợi ích thẳng tay dập tắt ngọn lửa dân chủ bằng súng đạn và xe tăng. Nếu tinh thần dân chủ Thiên An Môn năm đó thành công, chẳng ai có thể đoán được tương lai đất nước Đại lục sẽ ra sao nhưng chắc chắn người dân có hoàn toàn tự do để mưu cầu hạnh phúc bằng chính kỹ năng của mỗi người. Sức sáng tạo trong mọi lãnh vực chắc chắn nở rộ và nền kinh tế sẽ vươn lên bền vững chứ không chậm lại như những năm vừa qua, và có cơ nguy sụp đổ trong một tương lai gần.

IV. Lời kết

Quyền lực chính trị là một hấp dẫn khó cưỡng vì nó mang lại danh vọng và bổng lộc làm thỏa mãn lòng tham vô đáy. Lord Acton nói, “Quyền lực có xu hướng làm hư hỏng, và quyền lực tuyệt đối thì đồi bại hoàn toàn.” Chính vì thế, quyền lực tuyệt đối dưới chế độ độc tài thường gây ra những thảm họa về xã hội và thảm bại về kinh tế. 

Thể chế độc tài tập trung quyền lực trong tay một số người, và hầu hết của cải vật chất xã hội cũng bị bòn rút vào tay của nhóm này. Trái lại, thể chế dân chủ bảo đảm các quyền tự do cho người dân, khống chế lòng tham của một vài cá nhân hay một nhóm người có quyền lực, và giúp người dân thăng hoa. Sức sáng tạo của người dân chỉ được phát triển dưới chế độ dân chủ, khi hiến pháp bảo đảm các quyền tự do căn bản trong xã hội và nền kinh tế. Nói đơn giản và dễ hiểu, nếu hai quốc gia có nguồn tài nguyên như nhau nhưng luật lệ khác nhau, người dân của quốc gia có luật lệ hỗ trợ sẽ phát triển tốt hơn người dân của quốc gia có luật lệ cản trở.

Lấy một tiêu chuẩn để đo lường sức sáng tạo của người dân dưới thể chế độ dân chủ và chế độ độc tài. Những phát minh, khám phá, và công trình sáng tạo cống hiến cho nhân loại trong các lãnh vực khoa học được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel hàng năm. Nhìn lại các giải thưởng Nobel từ năm 1901 đến 2015: Pháp đoạt 69, Đức đoạt 108, Anh đoạt 132, và Hoa kỳ đoạt 383, và Đại lục chỉ đoạt 8; trong đó có 4 nhà khoa học sinh ra tại Đại lục nhưng rời quê hương từ lúc nhỏ, học hành và trưởng thành tại ngoại quốc, 2 người đoạt giải Văn chương, 1 người đoạt giải Hòa bình (vì đấu tranh cho nền dân chủ), chỉ duy nhất một người về lãnh vực khoa học là Tu Youyou. Bà sinh ra và hấp thụ hoàn toàn sự giáo dục dưới chế độ độc tài, và là nhà khoa học và phụ nữ Đại lục đầu tiên đoạt giải Nobel Y khoa. Như thế, trong suốt 40 năm (1980-2020), tuy nền kinh tế phát triển vượt bực nhưng Đại lục hầu như không có phát minh nào cống hiến cho nhân loại hoặc sáng kiến nào đáng giá để thúc đẩy nền kinh tế. Nền văn minh đầu tiên của nhân loại phát xuất từ Trung hoa và là một trong 5 cái nôi văn minh của thế giới. Dân Đại lục thông minh, cần cù, và nhiều sáng tạo. Nhưng tất cả tài năng đều không thể phát triển chỉ vì sống dưới một thể chế độc tài, và chính cấu trúc thượng tầng chính trị đã bóp nghẽn sức sáng tạo của người dân. 

Rõ ràng thể chế chính trị quyết định tất cả mọi lãnh vực trong xã hội, kể cả sự sống còn của người dân. Tuy một vài thể chế độc tài bòn rút vẫn thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhưng chỉ trong ngắn hạn. Thể chế dân chủ bảo đảm một nền kinh tế bền vững - điểm then chốt ở đây là sự bền vững, lâu dài, và mãi mãi. Quyền lợi của nhóm bòn rút sẽ làm thui chột sức sáng tạo của người dân, gây bất bình và mâu thuẫn trong quần chúng. Một khi quần chúng bất mãn, nền kinh tế sẽ dẫn đến ba giai đoạn: chậm lại, ngưng trệ, và sụp đổ.

*
Phụ chú:

Tiến trình phá hủy sáng tạo rất cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhà kinh tế Joseph Schumpeter khẳng định đó là điểm cốt lõi trong nền kinh tế tư bản. Chính các phát minh và sáng kiến đã cải tiến, đôi khi thay thế, hệ thống sản xuất và nhờ đó nền kinh tế tiến triển. Bắt đầu từ cuộc Cách mạng Kỹ nghệ (1760), nền kinh tế tư bản phát triển vững vãng chính là nhờ sự phá hủy sáng tạo. Sự sáng tạo kỹ thuật mới sẽ thay thế kỹ thuật lỗi thời. Sản phẩm sẽ tốt hơn, rẻ hơn. Nhờ đó, đời sống có nhiều tiện nghi hơn, và mức hưởng thụ cao hơn.

Lấy một vài ví dụ qua dòng thời gian:

- Phát minh xe lửa thay thế sự chuyên chở bằng ngựa, trâu bò. Xe hơi thay thế xe lửa. Máy bay cải tiến ngành chuyên chở, du lịch…v...v.

- Sáng kiến “sản xuất dây chuyền” của Henry Ford trong ngành chế tạo xe hơi giúp rút ngắn thời gian sản xuất nhưng đồng thời loại bỏ nhiều công việc khác liên hệ

- Băng từ tính VHS và cassette thay thể đĩa hát, CD thay thế VHS, và cuối cùng DVD và Blu-ray

- Walkman của Sony làm mưa gió vào cuối thập niên 80, và MPMan vào cuối thập niên 90, và sau cùng sáng kiến iPod thay thế Walkman & MPMan, thay thế cả lối thưởng thức nhạc và kỹ nghệ mua nhạc

- Phát minh hệ thống mạng toàn cầu thay thế lối thư từ kéo dài cả mấy trăm năm. Nó cũng loại bỏ nhiều công việc liên quan đến nhiều lãnh vực. Máy điện thoại di động loại bỏ điện thoại nhà…v..v

- Kỹ nghệ thuê mướn phim DVD được thay thế bằng cách kết nối với một trung tâm bằng mạng và xem trực tiếp. Tất cả các hệ thống thuê mướn phim đã bị loại trừ, chỉ còn mỗi Netflix tồn tại 

Schumpeter khẳng định chính sự phá hủy sáng tạo là nhân tố cần thiết để tạo ra một năng suất mới, một thị trường mới. Nhờ đó nền kinh tế cứ vươn lên mãi.

20.06.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét