Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Vui tê tái, buồn tưng bừng

Vui tê tái, buồn tưng bừng
Ở Việt Nam có nhiều chuyện vô cùng ngược đời, đến mức một ông bộ trưởng truyền thông phải thốt lên: "Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm". Tất nhiên, ông nói với hàm ý người Việt quá giỏi, hơn đứt toàn dân thiên hạ. Cũng với tư duy như trên, cả dân tộc như lên đồng khi mở mồm là kêu: "Việt Nam vô địch"...
lộ trình xe buýt 45 hà nội tuyến time city đi bến xe nam thăng long
Nhưng câu chuyện tôi muốn nói hôm nay lại theo nghĩa khác. Có nhiều chuyện như bây giờ còn quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang trên xe buýt hay không ? Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 8/5/2020, có quy định: "Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng". Nếu hiểu đúng tiếng Việt thì có nghĩa là không bắt buộc đeo khẩu trang tại công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng; vì dù các nơi đó đều là nơi công cộng nhưng trước đó lại có từ "ngoài", tức là "trừ ra" các nơi đó. Thực tế từ đầu tháng 5/2020, trường đại học nơi tôi dạy và tất cả các trường đại học lớn khác đều không yêu cầu sinh viên giãn cách và đeo khẩu trang.


Những câu văn tối nghĩa thế này đầy rãy trong các văn bản của nhà nước, kể các trong các đạo luật; đến mức Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương ngay tại diễn đàn Quốc hội đã thẳng thừng tuyên bố: "Luật của ta xử thế nào cũng được".

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là do văn chương tối nghĩa nên mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều hiểu theo cách có lợi cho mình. Người dân thì hiểu như trên, tức là Thủ tướng Chính phủ sáng suốt không bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Thực tế khắp nơi công cộng trên cả nước đều không còn bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng và chính quyền chỉ khuyến nghị người dân nên đeo để tự bảo vệ mình. Hơn nữa, tính từ ngày 8/5 đến nay, cả nước đã qua hơn 2 tháng không phát hiện người dân trong nước bị Covid mới. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/5/2020 đã trở nên lạc hậu; nhiều điểm cấm nay đã được tháo gỡ như cho phép các rạp chiếu phim, quán karaoke, vũ trường hoạt động trở lại... Thế nên nhiều người dân quên không mang khẩu trang ra phố thì vẫn đi bình thường. Hầu hết các tuyến xe buýt ở Hà Nội đều không đòi hỏi hành khách phải đeo khẩu trang trên xe.

Ngược lại một số hãng xe buýt lại không hiểu hoặc cố tình không hiểu tinh thần Thông báo của Thủ tướng và tình hình hiện nay đã khác xa so với cách đây 2 tháng. Công ty cổ phần xe điện Hà Nội và Công ty TNHH Bắc Hà là những trường hợp điển hình. Dọc theo tuyến đi, loa trên xe vẫn nhắc nhở hoặc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và lái xe thẳng thừng đuổi những hành khách quên mang khẩu trang xuống xe. Nhiều lần tôi đã chứng kiến cảnh hành khách van xin nhân viên trên xe để được ở lại, nhưng thái độ của nhân viên rất hách dịch khiến đa phần trong số họ phải ngậm ngùi xuống xe giữa chừng.

Chúng ta đều biết tất cả các công ty vận chuyển hành khách công cộng ở Hà Nội đều được nhà nước cấp tiền trợ giá, dựa trên cơ sở lấy chi phí di chuyển mỗi lượt chạy (bao gồm: cả lãi ngân hàng hay biến động giá nhiên liệu…) trừ đi doanh thu bán vé. Hiệu số của phép trừ này sẽ được Nhà nước cấp bù, và gọi đó là trợ giá. Theo Sở GTVT TP Hà Nội, tính bình quân, hiện tiền trợ giá chiếm khoảng 55% trong giá vé xe buýt tại thành phố, tức là rất cao. Do cơ chế bao cấp nên hoạt động của các doanh nghiệp xe buýt không khác gì các doanh nghiệp nhà nước con cưng, tức là coi khách hàng như cỏ rác, thích mắng thì mắng, thích đuổi thì đuổi. 




Nhân viên xe buýt phần nhiều là vô học. Tôi thường đi xe buýt số 45 đến Trung tâm thể thao Ba Đình. Các bác đi cùng đều là cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu khẳng định 80% nhân viên xe buýt 45 là vô học. Tuy nhiên, họ lại được chính quyền coi trọng hơn cả cán bộ công chức vì đụng vào họ không khác gì đụng vào công an, tức là bị quy ngay tội "chống người thi hành công vụ". Vì thế không khó hiểu khi họ không coi khách hàng là người mà xem như thú vật buộc phải chở. Cũng vì đã có tiền bao cấp của nhà nước nên họ không cần chở nhiều cho tốn xăng dầu, nhất là chở loại già chờ chết được thành phố ưu ái cho đi buýt miễn phí như tôi. Bớt được hành khách nào là tiết kiệm được thêm chút tiền chia nhau cuối tháng.


Còn một điều bất cập nữa là phí đường dây nóng gọi đến các tổng đài tiếp nhận phản hồi của hành khách, người dân đối với các tuyến xe buýt rất cao, không khác gì ngăn chặn họ gọi điện phản ánh. Ví dụ phí đối với số 19006836 của thành phố Hà Nội là 2000 đồng / phút, đối số 19001296 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco là 1000 đồng / phút. Đáng buồn hơn nữa là mỗi khi gọi tới đều phải nghe thông tin hướng dẫn dài dòng rồi mới chuyển tiếp cuộc gọi sang chờ người nhận, trong khi chờ mãi không thấy người nghe để trả lời đâu. Quá chán nản mỗi khi muốn phản ánh điều gì đó cho các công ty buýt.

Nghĩ cũng buồn vì có lần tôi lên tiếng phản đối lái xe và nhân viên vì chậm chuyến cả tiếng đồng hồ hay không chịu xuất bến dù đã quá giờ 5-10 phút, vì mắng hành khách như hát hay, vì bỏ bến, vì đuổi hành khách quên không mang khẩu trang, vì ép giục người già lên xuống xe khẩn trương..., có bác bảo tôi đừng làm thế kẻo họ cấm không cho đi xe buýt suốt đời giống như ngành hàng không. Đúng là thế thật. Ở cái quốc gia cái gì cũng vô địch thế giới này, với quyền lực tuyệt đối trong tay, họ có thể làm thế thật. Đầu tiên là cấm vĩnh viễn không được sử dụng dịch vụ hàng không, tiếp đến là cấm vĩnh viễn không được sử dụng dịch vụ xe buýt. Có lẽ rồi cấm vĩnh viễn không được sử dụng dịch vụ điện, nước, điện thoại..., rồi cấm vĩnh viễn không được mua xăng, mua nhà... vì dám phê phán, phản đối họ lợi dụng vị thế độc quyền để làm những việc hại dân của họ.

Viết đến đây tôi lại nhớ khi xưa tôi hay viết Việt Nam là một xã hội lộn ngược; chúng ta như đang sống trong nhà gương dị dạng. Gày thành béo; béo thành gầy. Do đó chính sách thế này thì kết quả thế khác chứ không theo luật nhân quả như ở phương Tây.

Có bác bảo tôi, ở Việt Nam thì phải quen với "vui tê tái và buồn tưng bừng". Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đọc diễn văn ca ngợi đất nước đã và đang phát triển rực rỡ, toàn mầu hồng, và động viên người dân phải vui tươi phấn khởi, tin tưởng tương lai tiếp tục tươi sáng hơn nữa dưới sự lãnh đạo sáng suốt và quang vinh của họ. Thì người dân phải cố mà vui, dù trong lòng thì vô cùng tê tái.

Ngược lại khi có những ông quan to lăn ra chết, lãnh đạo tổ chức quốc tang, tỏ lòng thương tiếc, đau buồn vô hạn, thì dù người dân có vui tưng bừng, thì cũng phải cố giả vờ buồn. Tương tự như thế, vụ tiêu diệt được nhóm phản động ở Đồng Tâm là một niềm "vui tê tái", trong khi đám tang của tướng Trần Độ cách đây 18 năm có thể được coi là "buồn tưng bừng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét