Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

(1) Thịnh vượng & Dân chủ

Thể chế độc tài tập trung quyền lực trong tay một số người, và hầu hết của cải vật chất xã hội cũng bị bòn rút vào tay của nhóm này. Trái lại, thể chế dân chủ bảo đảm các quyền tự do cho người dân, khống chế lòng tham của một vài cá nhân hay một nhóm người có quyền lực, và giúp người dân thăng hoa. Sức sáng tạo của người dân chỉ được phát triển dưới chế độ dân chủ, khi hiến pháp bảo đảm các quyền tự do căn bản trong xã hội và nền kinh tế. Nói đơn giản và dễ hiểu, nếu hai quốc gia có nguồn tài nguyên như nhau nhưng luật lệ khác nhau, người dân của quốc gia có luật lệ hỗ trợ sẽ phát triển tốt hơn người dân của quốc gia có luật lệ cản trở.
Thịnh vượng & Dân chủ
Sơn Nghị - ...Thể chế chính trị quyết định tất cả mọi lãnh vực trong xã hội, kể cả sự sống còn của người dân. Tuy một vài thể chế độc tài bòn rút vẫn thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhưng chỉ trong ngắn hạn. Thể chế dân chủ bảo đảm một nền kinh tế bền vững - điểm then chốt ở đây là sự bền vững, lâu dài, và mãi mãi. Quyền lợi của nhóm bòn rút sẽ làm thui chột sức sáng tạo của người dân, gây bất bình và mâu thuẫn trong quần chúng. Một khi quần chúng bất mãn, nền kinh tế sẽ dẫn đến ba giai đoạn: chậm lại, ngưng trệ, và sụp đổ...
Trong một nền dân chủ, người nghèo sẽ có nhiều quyền lực hơn người giàu, bởi vì người nghèo chiếm đa số, và ý chí của đa số là tối thượng. Aristotle (385 BC - 323 BC)
Danh từ “Dân Chủ” bắt nguồn từ thời cổ Hy-lạp. Khái niệm “dân chủ” được khởi xướng bắt đầu năm 507 trước Công nguyên do Cleisthenes, một thủ lãnh của thành phố Athens. Cleisthenes đề nghị cải cách một hệ thống chính trị mới mẻ mang tên “demokratia,” bao gồm “demos” là dân, và “kratos” là quyền lực; gộp chung có nghĩa là “quyền lực của dân.” Nền dân chủ kéo dài được hai thế kỷ rồi chết yểu, và được thay thế bằng các thể chế khác.

Hy Lạp chưa bao giờ là một quốc gia rộng lớn, ngay cả khi Alexander Đại đế xua quân chinh phục thế giới, thiết lập một đế chế trải dài đến tận Pakistan ngày nay. Nhưng di sản của người Hy Lạp lại rất quan trọng đối với lịch sử chính trị. Họ đã khai sáng khái niệm dân chủ và ghi chép chi tiết về nền cộng hoà phôi thai. Hai triết gia cổ Hy lạp Plato và Aristotle sinh ra vào thời kỳ khái niệm “dân chủ” phát triển và áp dụng tại Athens. Công trình của Plato và đặc biệt của Aristotle đã phát minh ra môn khoa học chính trị nhằm nghiên cứu chính thức các thể loại chính phủ. Những gì người Hy Lạp làm cho nền dân chủ và viết ra để lại cho hậu thế có tác động rất lớn đến thế giới phương Tây, và cuối cùng cả toàn cầu. Di sản dân chủ và cộng hoà Hy Lạp tồn tại qua bao thăng trầm và ảnh hưởng đến tư tưởng của giới khoa bảng mãi đến tận ngày nay.

Tư tưởng dân chủ bị chôn vùi và lãng quên qua các thời kỳ nông nô, lãnh chúa, phong kiến, quân chủ. Sau thời kỳ Phục hưng, tư tưởng dân chủ hồi sinh nhưng phải đợi gần một thế kỷ, các cuộc cách mạng biểu dương tinh thần dân chủ mới thành công, đặc biệt là hai cuộc cách mạng tại Hoa kỳ (1776) và Pháp (1789). Lý thuyết gia nổi tiếng về dân chủ John Locke (1632-1704), một triết gia – người tiếp nối tư tưởng dân chủ của Aristotle sau gần 20 thế kỷ – cổ võ sự bình đẳng chính trị, sự tự do cá nhân, dân chủ, và quy tắc đa số. Quan điểm của Locke đặt nền tảng triết học mạnh mẽ cho các lý luận và chính trị dân chủ sau này, mở đường cho những lý thuyết gia dân chủ khác như Montesquieu, David Hume, Thomas Jefferson, James Madison, Jean-Jacques Rousseau, Marquis of Condorcet, John Stuart Mill, Alexis de Tocqueville, John Dewey, Jurgen Habermas v.v... cổ xuý những quyền tự do căn bản của con người.

Luồng gió tư tưởng dân chủ thổi vào phương Đông từ cuối thế kỷ 19, và Trung hoa là nước châu Á đầu tiên đón nhận nồng nhiệt. Học giả Lương Khải Siêu là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào dân chủ ở Trung hoa. Năm 1895, ông tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên yêu cầu các vua quan nhà Thanh trao quyền cho người dân tham gia chính trị ở Bắc Kinh. Một nhà chính trị khác, Tôn Dật Tiên, đề ra 3 nguyên tắc chính: dân tộc, dân chủ, và dân sinh, dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh, thành lập nước Cộng hoà Trung hoa đầu tiên. Các sinh viên Trung hoa khao khát dân chủ, cùng với Trần Độc Tú đứng sau phong trào ngày 4 tháng 5 (thường gọi là Phong trào Ngũ Tứ), thành lập năm 1919, yêu cầu “tư tưởng Khổng Tử” nhường chỗ cho “tư tưởng Dân chủ” và “tư tưởng Khoa học.”

Như thế, đừng nghĩ tư tưởng dân chủ là một “đặc sản” của nền văn minh Tây phương – như Amartya Sen, triết gia và kinh tế gia, đoạt Nobel Kinh tế năm 1998, đã khuyến cáo – nhưng cần hiểu “dân chủ” chính là biểu tượng cho các quyền tự do căn bản của bất cứ người dân nào được hiến pháp của quốc gia đó tôn trọng và bảo đảm, như Locke từng nói, "các quyền tự nhiên quan trọng nhất là Sống, Tự do và sở hữu Tài sản." Sau này, trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, các vị lập quốc đổi thành “quyền Sống, quyền Tự do, và quyền Mưu cầu Hạnh phúc.”

Đó là cái nhìn bao quát về “dân chủ,” còn quan niệm về “thịnh vượng” như thế nào? Thịnh vượng được hiểu như là sự thành công trong cuộc sống mà người ta thường nghĩ ngay đến tiền bạc, của cải vật chất; gọi chung là tài lộc hay giàu có. Mãi về sau, thịnh vượng có cái nhìn rộng lớn hơn, trên bình diện quốc gia hơn là một cá nhân, một gia đình. Dĩ nhiên, dân giàu thì nước mạnh, hay nói cách khác, nước giàu thì dân cũng giàu theo. Khái niệm thịnh vượng bắt đầu đề cập nhiều từ sau cuộc Cách mạng Kỹ nghệ vào hậu bán thế kỷ 18 (1760), mở ra một kỷ nguyên vàng son của chủ nghĩa tư bản, và phát triển mãi đến ngày nay. Sự giàu có và sung túc lớn dần của tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển là một biểu tượng cho sự thịnh vượng. Ngày nay, thịnh vượng được hiểu sâu xa hơn – không chỉ đơn thuần là giàu có – mà còn bao gồm cả những phúc lợi xã hội như Hạnh phúc và Sức khoẻ. Nói chung, thịnh vượng gộp cả Phúc, Lộc, và Thọ.

I. Tương quan giữa thịnh vượng và dân chủ

Từ sau Thế chiến II, các cơ quan tài chính và tổ chức trên thế giới đặc biệt lưu tâm đến các nước chậm tiến. Sự tài trợ nhân lực và vật lực cho các nước nghèo qua nhiều hình thức nhằm thúc đẩy nền kinh tế của những nước này vươn lên và phát triển. Mới đây, nhóm Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ tập trung vào hai mục tiêu bao quát trên toàn thế giới: (1) chấm dứt sự nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và (2) thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Muốn xoá đói giảm nghèo, điều kiện tiên quyết là quốc gia đó phải thịnh vượng, hay ít nhất nền kinh tế tiến triển.

Muốn nền kinh tế tiến triển các vị lãnh đạo quốc gia cần phải làm gì? Câu hỏi then chốt này là tiền đề dẫn đến sự nghiên cứu mối tương quan giữa “Dân Chủ” và “Thịnh Vượng,” bắt đầu từ khoảng đầu thế kỷ 20, và nở rộ sau Thế chiến II, khi các đế quốc trao trả độc lập cho các quốc gia đô hộ, chấm dứt thời kỳ thực dân.

Sự xuất hiện về hai khái niệm “Dân Chủ” và “Thịnh Vượng” cách nhau hơn hai thiên niên kỷ. Thế mà các học giả – xã hội học, chính trị, kinh tế – lại liên kết chúng lại với nhau thành một phạm trù thật đặc thù: phạm trù Nhân Quả. Sự liên hệ chặt chẽ của hai khái niệm dẫn đến các nghiên cứu, biện luận, minh chứng cho lý thuyết của từng nhóm.

Trong nhiều thập niên, bắt đầu từ giữa thế kỷ 20, giới ưu tú thuộc các Học viện và Đại học nổi tiếng phương Tây đã bỏ nhiều công sức để khảo cứu mối quan hệ đặc biệt này, và để tìm ra một đường hướng (hoặc công thức) cụ thể nhằm giúp các nước kém phát triển nhanh chóng xoá đói giảm nghèo. Ngày nay, hầu như không còn ai phủ nhận sự tương quan mật thiết giữa hai khái niệm này nhưng giới tinh hoa vẫn loay hoay xếp đặt chúng cái nào trước, cái nào sau. Cái có trước là “nguyên nhân,” dẫn đến cái sau là “hậu quả.” Như vấn nạn “con gà và quả trứng” của Mác, cái nào có trước? Giống như thế, Dân Chủ dẫn đến Thịnh Vượng hay Thịnh Vượng dẫn đến Dân Chủ? cái nào là Nhân, cái nào là Quả?



II. Thịnh vượng dẫn đến dân chủ

Quay ngược thời gian vào giữa thế kỷ 20, sau Thế chiến II, mở đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Một trong những khuôn mặt nổi tiếng trong giới trí thức Hoa kỳ là Gs. Xã hội học Seymour Lipset thuộc Đh. Berkeley. Trang bị một tư tưởng xã hội gần giống như Trotsky, vào năm 1959 ông đề ra lý thuyết: dân chủ là kết quả của nền kinh tế thịnh vượng. Hay nói khác đi, một khi kinh tế phát triển, chính phủ sẽ tự động phải dân chủ hóa.

Khảo cứu của Lipset dựa trên 48 nước. Ông chia làm 2 nhóm: nhóm một gồm 28 nước Âu châu và các nước nói tiếng Anh, nhóm hai gồm 20 nước Châu Mỹ Latinh. Lipset nhận thấy lợi tức bình quân của người dân thuộc nhóm một cao gấp đôi trong 13 nước dân chủ vững vàng và 15 nước có nền dân chủ vừa phải và độc tài. Còn lợi tức bình quân của người dân thuộc 20 nước Châu Mỹ Latinh thua sút bất cứ quốc gia nào thuộc nhóm một. Phân tích sâu hơn trong nhóm hai, Lipset cũng nhận ra người dân thuộc 7 nước Châu Mỹ Latinh có nền dân chủ hoặc tương đối độc tài có lợi tức bình quân cao hơn 40% so với người dân thuộc 13 nước độc tài toàn diện trong nhóm hai. Ông nhận thấy các nước có nền kinh tế hiện đại – dẫn đến thịnh vượng và lợi tức bình quân cao – người dân được hưởng một nền dân chủ tự do đáng kể. Nhất là các nước Âu-châu, khi chuyển đổi từ chế độ quân chủ sang tư bản, người dân được hưởng một số quyền lợi thích đáng tượng trưng cho dân chủ. Quốc gia càng phát triển, tầng lớp trung lưu càng đông và lớn mạnh, họ dần dần có tiếng nói trong các nghị trường, và chính tầng lớp này đề ra những dân quyền làm nền tảng cho nền dân chủ. Trong khi tại các nước nghèo, sự độc tài toàn trị vẫn là yếu tố cốt lõi dẫn đến sự trì trệ kinh tế. 

Cuộc khảo cứu của Lipset dẫn đến lý thuyết: cần phải phát triển kinh tế và tự động chính phủ bắt buộc phải dân chủ hóa theo cho phù hợp với lòng dân. Lipset trình bày 2 sự kiện này trong tương quan Nhân Quả; trong đó Nhân chính là sự thịnh vượng kinh tế, và dẫn đến Quả là nền dân chủ của xã hội.

Vào hậu bán thế kỷ 20, hầu như ai cũng tin tưởng mãnh liệt vào mô hình của Lipset. Tóm tắt mô hình của ông như sau.

Chính mô hình này ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa kỳ vào thập niên 1960 & 1970. Nixon, muốn bắt tay với Trung cộng (gọi là Trung hoa Đại lục, khác với Trung hoa Dân quốc là Đài Loan) để chống Liên Xô, và hy vọng khi nền kinh tế thịnh vượng, Bắc Kinh sẽ bỏ chủ nghĩa cộng sản và dân chủ hóa theo đúng lý thuyết của Lipset. Thật ra Mỹ chẳng ưa hai nước cộng sản này, nhưng giữa hai cái xấu, chọn cái ít xấu hơn. Kéo một trong hai cái xấu về phía mình vẫn lợi hơn là để chúng đoàn kết chống lại mình. Hơn nữa, trong thời chiến tranh lạnh, cả hệ thống tư bản Tây phương đều nỗ lực chống Liên Xô. Một chế độ cộng sản vô thần, tượng trưng cho cái ác đến nỗi TT Reagan gọi đích danh là “đế quốc ma quỷ” (evil empire). 

Dưới con mắt các nhà quan sát Tây phương, Trung hoa Đại lục xem như "tốt" hơn Liên Xô. Năm 1972, TT Nixon đích thân sang Bắc Kinh gặp Mao bàn chuyện đứng chung một chiến tuyến, dọn đường cho Mỹ chính thức rút quân khỏi miền Nam qua Hiệp định Paris ký kết vào ngày 27/1/1973. Hậu quả gần là Mỹ bán đứng miền Nam cho Đại lục. Hồ sơ được bạch hóa cho thấy Việt nam là món quà hồi môn trong cuộc "lương duyên' giữa Washington và Bắc Kinh. Thân phận của một nước nhược tiểu chỉ bằng con chốt thí qua chính sách đối ngoại của Mỹ. Việt nam như một con chuột bạch trong phòng thí nghiệm Lipset. Hậu quả xa là cả một thế giới biến động khi miền Nam mất, và sự bất ổn hiện nay tại biển Đông, khi Trung hoa Đại lục vênh vang xâm chiếm các quần đảo làm bàn đạp với tham vọng kiểm soát toàn bộ Thái bình Dương, với ước mơ bá chủ thế giới.

Trong suốt 3 thập niên (1980-2010), các nhà quan sát vẫn chờ đợi một biến động dân chủ hoá từ các nước độc tài. Giới tinh hoa Tây phương vẫn tin tưởng sự thịnh vượng về kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ. Hay nói ngược lại, theo cách tiêu cực, thì nền kinh tế của những quốc gia độc tài sẽ mãi èo uột, chứ đừng nói đến thịnh vượng. Nói rõ hơn, độc tài dẫn đến nghèo đói.

Nhìn về phương Đông, nền kinh tế của những quốc gia dưới chế độ độc tài toàn trị vẫn ì ạch, không thể phát triển – đúng với lý thuyết “độc tài dẫn đến nghèo đói” – nhưng một vài quốc gia khác tuy vẫn duy trì chế độ độc tài (phi dân chủ) mà nền kinh tế vẫn phát triển đều đặn, mức sống người dân tuy không sung túc như ở phương Tây nhưng cuộc sống khá no đủ, nếu không nói là đầy đủ.

Cuối thế kỷ 20, ngoài Nhật bản, vùng châu Á-Thái bình dương có “Tứ Hổ” về kinh tế. Đó là Tân Gia Ba, Hồng-kông, Nam Hàn, và Đài Loan. Trừ Hồng-kông – thuộc địa của Anh từ 1841-1997, nên hấp thụ tư tưởng dân chủ của Tây phương dễ dàng – là một trung tâm tài chánh quan trọng, còn lại 3 quốc gia kia là những trường hợp đặc biệt khiến giới quan sát Tây phương lắc đầu khó hiểu.

1. Đài Loan

Đài Loan, hay còn gọi là Trung hoa Dân quốc, một hòn đảo với diện tích 36 nghìn km2 và nằm cách Trung hoa Đại lục một eo biển. Năm 1949, tướng Tưởng Giới Thạch bị Mao đánh bại trong đại lục, kéo theo hơn 2 triệu người ra hòn đảo để lánh nạn cộng sản. Họ Tưởng thiết lập chế độ quân luật ngay từ ngày đầu và theo chế độ độc đảng, không hề có đối thủ. Trong suốt 30 năm (1945-1975) cầm quyền, Tưởng Giới Thạch áp đặt một thể chế khá khắc nghiệt, tự do của người dân bị hạn chế. Tuy vậy, ông áp dụng chính sách cải cách ruộng đất, mua lại điền thổ của các điền chủ và bán lại cho 800.000 tá điền. Tiền lời và thuế vẫn phải trả bằng thóc gạo, nhưng sau một thời gian ngắn, nông dân làm chủ được mảnh đất trồng trọt. Luật canh tác cấm không một người nào sở hữu trên 7.7 mẫu đất.

Nền kinh tế của Đài Loan èo uột trong suốt thập niên 1950 nhưng đến giữa thập niên 1960, mức độ phát triển tăng vọt đến nỗi giới quan sát phương Tây gọi là “phép mầu kinh tế.” Kỹ nghệ Đài Loan phát triển dưới sự dìu dắt của họ Tưởng, dẫn đến sự sản xuất mạnh mẽ các mặt hàng tiêu dùng. Nền kinh tế lớn dần và chiếm ngôi vị trong vùng châu Á-Thái bình dương. Năm 1988, tổng sản lượng của Đài Loan đạt 95 tỷ USD, và lợi tức bình quân đầu người là 4.800 USD cho khoảng 20 triệu dân, gấp 10 lần lợi tức của dân Đại lục.

Tuy vậy, Đài Loan vẫn theo chế độ độc tài. Chức vụ tổng thống đều do Quốc hội chọn, người dân hầu như không có tiếng nói, không được bỏ phiếu chọn lựa ứng viên. Quốc dân đảng vẫn là đảng duy nhất, họ Tưởng vẫn giữ thể chế quân luật, thế mà nền kinh tế của Đài Loan vẫn tiến triển nhịp nhàng và vững chắc.

Mãi cho đến tháng 7, 1987, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc mới chính thức bãi bỏ chế độ quân luật sau 38 năm chế độ độc tài thống trị. Hiến pháp Đài Loan cho phép thành lập các đảng phái, mở đầu một kỷ nguyên dân chủ. Nhưng phải đợi đến năm 1996, người dân mới chính thức được chọn lựa người tài giỏi qua lá phiếu của mình, và Lý Đăng Huy là tổng thống đầu tiên do dân chọn bầu. Các chức vụ hành chính cấp tỉnh, huyện, phường đều do dân chọn lựa những người xứng đáng. Từ ngày dân chủ hoá đất nước, Trung hoa Dân quốc tiến triển không ngừng và nền kinh tế lại thêm cơ hội để bùng phát. Ngày nay, nền kinh tế Đài Loan đứng hạng 5 trong số 42 nước thuộc vùng châu Á-Thái bình dương.

2. Nam Hàn

Bán đảo Triều tiên chia đôi theo vĩ tuyến 38, Bắc Hàn theo cộng sản, Nam Hàn theo chế độ cộng hoà. Lý Thừa Vãn là tổng thống đầu tiên của Nam Hàn. Tuy theo thể chế cộng hoà nhưng họ Lý vẫn duy trì độc đảng, hạn chế các quyền tự do của người dân. Năm 1961, tướng Phác Chánh Hy đảo chánh, truất phế Lý Thừa Vãn, nhưng họ Phác vẫn áp dụng chế độ độc tài. Năm 1963, ông bắt đầu kế hoạch ngũ niên thứ nhất, chú trọng vào cuộc cách mạng kỹ nghệ mang lại một nền kinh tế khả quan cho đất nước Hàn. Theo một khảo cứu của Học viện Kellogg mang tên “The Korean Miracle (1962-1980) Revisited” (Hồ sơ #166, tháng 11, 1991) thành phần nghèo giảm từ 40,9% vào năm 1965 xuống còn 9,8% vào năm 1981, và chỉ còn 5,1% vào năm 1987. Cuộc cải cách ruộng đất đưa tầng lớp tá điền từ 42% xuống 5%, và giúp người dân sở hữu ruộng đất từ 16,2% tăng lên 72%. Tổng sản lượng tăng trưởng vững bền với 3,4% từ 1953-1960. Trong hai thập niên 1960 và 1970, nền kinh tế tăng đều đặn 8% mỗi năm. Riêng cuối thập niên 1980, tổng sản lượng tăng nhảy vọt 12,5%, với 204 tỷ (1989) và nâng lợi tức bình quân đầu người từ 120$ (1962) lên 5.310$ (1989), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Chỉ cần sau 5 kế hoạch Ngũ niên, dưới chế độ độc tài qua 3 đời tổng thống, Nam Hàn trở thành một con hổ kinh tế của vùng châu Á-Thái bình dương. Và đó cũng là lý do Nam Hàn được chọn là nơi tổ chức Thế vận hội XXIV năm 1988.

Họ Phác áp dụng thể chế độc tài từ năm 1961, duy trì độc đảng. Ông áp đặt tình trạng thiết quân luật năm 1972 nhằm trấn áp những đòi hỏi tự do của người dân, nhất là giới sinh viên. Phác Chánh-hy bị ám sát chết năm 1979, và tướng Toàn Đẩu Hoán lên nắm quyền và vẫn duy trì thể chế độc tài. Tuy vậy, ông bãi bỏ và chấm dứt tình trạng thiết quân luật sau 18 năm (1961-1979). Người dân bắt đầu có tự do đôi chút.

Cần nói thêm, người dân Nam Hàn luôn khao khát tự do dân chủ, đòi hỏi chính phủ phải cải tổ và tôn trọng dân quyền. Đầu thập niên 1960, sinh viên Nam Hàn biểu tình phản đối sự gian lận bầu cử nhưng họ Phác thẳng tay đàn áp. Lòng dân luôn sôi sục đòi hỏi tự do và TT Phác Chánh Hy vẫn không chịu nhượng bộ. Năm 1987, phong trào dân chủ của sinh viên lại bùng phát dữ dội, và cái chết của sinh viên Park Jong-chu là giọt nước tràn ly. Chính sự kiện này đã đẩy họ Toàn khỏi chức vụ tổng thống. Tướng Lư Thái Ngu lên nắm quyền, tuy vẫn độc tài, nhưng ông cải tổ hệ thống chính trị và ban hành nhiều luật lệ nhằm bảo đảm quyền tự do của người dân. 

Mãi đến năm 1993, người dân Nam Hàn mới chính thức cầm lá phiếu để bầu cho tổng thống Kim Vịnh Tam. Họ Kim là tổng thống đầu tiên do dân bầu sau 30 năm nằm dưới sự cai trị độc tài của quân đội. Từ đó, nền dân chủ Nam Hàn ngày càng vững mạnh và, dĩ nhiên, nền kinh tế ngày càng phát triển theo tỷ lệ thuận. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tổng sản lượng của Nam Hàn vào năm 2018 là 1.619 tỷ và lợi tức bình quân đầu người là 30.600$. So với lợi tức bình quân 120$/người vào năm 1962, sau gần 6 thập niên, lợi tức của người dân Nam Hàn tăng gấp 255 lần. Một sự tăng trưởng khổng lồ.

3. Tân Gia Ba (Singapore)

Lãnh thổ của hòn đảo Sư tử chỉ vỏn vẹn 724km2 với hơn 5,5 triệu dân, và lợi tức bình quân đầu người năm 2018 lại cao thứ nhì (chỉ thua Macao) trong các nước châu Á-Thái bình dương với 58.770$ – cao hơn cả Nhật bản – nhờ vào nền kinh tế phồn thịnh vượt bực. Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Tân Gia Ba năm 1959, là một người có tài kinh bang tế thế, hết lòng vì dân. Ông được các nước Tây phương kính trọng, và mỗi khi nhắc đến Lý Quang Diệu, sách báo đều nói ông là một nhà lãnh đạo chuyên quyền nhân từ (benevolent autocrat). Trên thực tế, đất nước Tân Gia Ba tôn trọng tự do của người dân gần như tuyệt đối nhưng luật lệ cũng rất nghiêm minh. Sở dĩ gọi là chuyên quyền vì Tân Gia Ba chỉ có một đảng Nhân dân Hành động duy nhất khuynh loát nền chính trị. Tuy cũng có đảng đối lập, nhưng ảnh hưởng không đáng kể.

Đảng Nhân dân Hành động của Lý Quang Diệu cầm quyền từ ngày thành lập quốc gia cho đến nay – riêng ông cầm quyền suốt 31 năm (1959-1990) – và đưa đất nước Tân Gia Ba thịnh vượng nhất nhì châu Á. Lý Quang Diệu và đảng Nhân dân Hành động đã biến hòn đảo được mệnh danh Sư tử (Merlion) trở thành con Rồng kinh tế của vùng châu Á-Thái bình dương. Cần biết thêm Tân Gia Ba là một quốc gia thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên trầm trọng, ngay cả nguồn nước ngọt phải nhập từ Mã Lai – gần 1 triệu m3/ngày – rồi mới hiểu được sự thành công kinh tế của hòn đảo Sư tử là một điều phi thường.

Ngoài những nước độc tài phát triển kể trên, phải kể thêm một số nhà lãnh đạo độc tài khác xây dựng nền kinh tế thành công như Augusto Pinochet của Chilê, Suharto của Nam dương, and Mahathir Mohamad của Mã lai. Nền dân chủ tại các nước này rất hạn chế – thường do các tướng lãnh đảo chánh và áp dụng chuyên quyền – người dân không hưởng được những quyền tự do phong phú như ở các nước Tây phương, thế mà nền kinh tế vẫn phát triển đều đặn. Thực tế cho thấy, vào các thập niên 70, 80, và 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế thịnh vượng của những chế độ độc tài chuyên quyền tại Nam Hàn, Trung hoa Đại lục, Nam dương, Đài Loan, Tân Gia Ba, Mã lai giúp dân chúng xoá đói giảm nghèo hơn hẳn các nước dân chủ như Phi-luật-tân và Ấn độ. Hay nói cách khác, tất cả người dân Đài Loan, Tân Gia Ba, và Nam Hàn trở nên giàu có và sống sung túc dưới chế độ độc tài.

Tuy thế, lý thuyết “thịnh vượng dẫn đến dân chủ” không hẳn sai hoàn toàn. Thật vậy, hầu hết các nước có thu nhập cao ngày nay đều đặt thể chế trên nền tảng dân chủ, mặc dù có vài trường hợp ngoại lệ rõ rệt – như các nước giàu dầu mỏ thuộc Vịnh Ba Tư. Như đã trình bày ở phần đầu, nếu lý thuyết của Lipset hiểu theo nghĩa tiêu cực “độc tài dẫn đến nghèo đói” – ngoại trừ một vài quốc gia đặc biệt kể trên – thì đa số lại đúng ở các nước độc tài khác. Rất nhiều kẻ độc tài làm lụn bại nền kinh tế quốc gia như Robert Mugabe của Zimbabwe, Kim Il-sung và dòng họ Kim của Bắc Hàn, Mohammar Qaddafi của Libia, Daniel Ortega của Nicaragua, Joseph Mobutu của Zaire, Ferdinand Marcos của Phi-luật-tân, Kenneth Kaunda của Zambia, Jean-Bedel Bokassa của Central African Republic, Julius Nyerere của Tanzania, Hội đồng quân nhân tại Miến điện, và còn nhiều nước nhỏ độc tài chuyên quyền khác như Eritrea, Turkmenistan, Uzbekistan, Bahrain, Azerbaijan, Laos, Eswatini, Tajikistan, Yemen, Angola, Burundi, Chad, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Nigeria, Republic of Congo Brazzaville, Rwanda, Somalia, Sudan, Uganda, và Sierra Leone không đáng nói đến. Tất cả đều dẫn đến một thảm họa về kinh tế, và hậu quả là đến tận ngày nay các quốc gia độc tài này vẫn chìm đắm trong nghèo đói.

Đến đây, chúng ta phải nhìn nhận cái tâm của một vài nhà lãnh đạo. Tuy chuyên quyền, duy trì chế độ độc tài, nhưng họ một lòng vì dân vì nước, và điểm nổi bật là họ thật sự có tài. Họ thấy xa, hiểu rộng, và đem hết tâm trí quyết xây dựng đất nước vững mạnh. Hàng trăm nước trên thế giới chỉ đặc biệt được vài nước như Tân Gia Ba, Đài Loan, và Nam Hàn – độc tài chuyên quyền nhưng kinh tế vững mạnh. Hơn 7 tỷ người trên trái đất chỉ được vài chục người như Lý Quang Diệu, Tưởng Giới Thạch, và Phác Chánh Hy. Vì thế, giới tinh hoa vẫn muốn tìm ra một phương thức hữu hiệu để xiển dương và truyền bá tư tưởng dân chủ – một biểu tượng của phương Tây trong suốt 200 năm qua – đặc biệt đến các nước kém phát triển thuộc thế giới thứ ba.

Tân Gia Ba độc đảng nhưng dân quyền được tôn trọng và bảo đảm. Đài Loan độc tài chuyên quyền nhưng nền kinh tế phát triển, cuối cùng là nền dân chủ hoàn toàn, và dẫn đến sự thịnh vượng. Thể chế tại Nam Hàn cũng có tiến trình tương tự như Đài Loan và nền kinh tế phồn thịnh như một phép mầu. Riêng Trung hoa Đại lục là một bài toán mà giới quan sát phương Tây vẫn chưa tìm được đáp số. Sau cuộc cách mạng chính trị thành công do Đặng Tiểu Bình phát động – cho phép người dân có quyền tư hữu – nền kinh tế Trung hoa Đại lục tăng trưởng nhảy vọt, trung bình 10% mỗi năm. Chỉ cần gần 4 thập niên (1980-2019) với chính sách kinh tế đổi mới "không cần biết mèo trắng hay đen, miễn là bắt được chuột," tổng sản lượng Trung hoa Đại lục vượt lên đứng nhì, chỉ sau Hoa kỳ. Nhưng chế độ chuyên chính vẫn như cũ, nếu không nói trên một vài phương diện có phần khốc liệt hơn thời Mao. Trường hợp của Trung hoa Đại lục gây nhức nhối cho giới tinh hoa và bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ 3, các nhà kinh tế và xã hội bắt đầu xét lại lý thuyết Lipset.

Vào thập niên cuối của thế kỷ trước, theo sau Lipset, có khá nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc và khoa học của các học giả và giới khoa bảng về tương quan giữa dân chủ và thịnh vượng. Hiện đại hoá trước rồi dân chủ tất nhiên đến hay ngược lại, dân chủ hoá trước rồi nền kinh tế sẽ phồn thịnh?

Công trình khảo cứu lớn lao của Gs. Kinh tế Vĩ mô Robert Barro thuộc Đh. Harvard xác định quan hệ nhân quả giữa dân chủ và thịnh vượng nhưng lại khá phức tạp. Ông khảo cứu 100 quốc gia trong thời gian 30 năm (1960-1990) và trình bày kết quả qua tiểu luận “Democracy and Growth” (1994) cho thấy những nước có nền dân chủ thấp nếu tăng quyền lợi của người dân (dân chủ hơn) đều dẫn đến sự tăng trưởng về kinh tế – tiêu biểu là Trung hoa Đại lục, Việt nam, và các nước trước đây thuộc khối Xô-viết. Ngược lại, những nước đã có một nền dân chủ khá vững chắc (mid-level democracy), tăng dân quyền lại không tăng sự thịnh vượng, đôi khi lại tạo ra trì trệ chỉ vì mối lo ngại về sự tái phân phối lợi tức (income re-distribution). Ngoài khảo cứu của Gs. Barro nói lên tương quan phức tạp giữa dân chủ và thịnh vượng, còn lại rất nhiều khảo cứu khác lại dẫn đến một kết quả hầu như đi ngược lại lý thuyết của Lipset.

Phải kể đến những khảo cứu nổi bật sau đây:

- Ts. Joseph Siegle, giám đốc Trung tâm Phi châu chuyên Nghiên cứu Chiến lược nhận xét mối tương quan giữa Kinh tế & Dân chủ – qua tiểu luận “Tại sao Dân chủ là Trung tâm dẫn đến Thịnh vượng và Ổn định” – đôi khi không tác động hỗ tương theo tỷ lệ thuận. Siegle nhận ra có 9 nước độc tài - Bhutan, China, Egypt, Indonesia, Singapore, South Korea, Taiwan, Tunisia, và Việt nam – giữ vững sự phát triển kinh tế ít nhất trong một thập niên kể từ 1980. Nếu vậy, không hẳn dân chủ mới dẫn đến sự thịnh vượng, vì ngay cả độc tài vẫn đưa đến sự thịnh vượng trong một thời gian ngắn. Như trường hợp của 9 nước trên thì thời gian đó kéo dài ít nhất một thập niên. Nhưng trường hợp đáng bàn nhất vẫn là Trung hoa Đại lục vì sự thịnh vượng kéo dài hơn 3 thập niên và vẫn kéo dài mãi đến tận ngày nay. Thế mà Đại lục vẫn độc tài, họ vẫn duy trì độc đảng, họ Tập đã sửa đổi hiến pháp để tiếp tục làm "vua" trong nhiều nhiệm kỳ và có thể đến mãn đời.

Siegle quay ngược lịch sử Trung hoa Đại lục và so sánh 2 thời kỳ mỗi 30 năm gồm 1950-1980 (bao cấp, chủ nghĩa xã hội), và 1980-2010 (cởi mở, tự do kinh doanh) và nhận ra xã hội Trung hoa Đại lục có một sự tiến bộ đáng kể về dân chủ, đặc biệt quyền tư hữu, mọi người đều được quyền làm giàu. Dân chúng hưởng một bầu khí tự do hơn, dân quyền được tôn trọng hơn so với thời Mao. Nhà cầm quyền cho phép người dân tự do làm ăn, buôn bán, kinh doanh. Như thế, tuy nền dân chủ & sự phát triển kinh tế không song hành (theo tỷ lệ thuận) nhưng rõ ràng chúng vẫn có một mối tương quan mật thiết. Ông kết luận, "...rõ ràng nền dân chủ hỗ trợ việc phát triển kinh tế hoặc ít nhất giữ vững mức độ tăng trưởng."

- Gs. Kinh tế nổi tiếng Torsten Persson thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế của Đh. Kinh tế Luân-đôn và Gs. Guido Tabellini thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế của Đh. Bocconi (Ý) viết chung tiểu luận “Constitutions and Economic Policy” nhìn nhận sự tương quan mật thiết giữa Hiến pháp và Chính sách Kinh tế. Chính Hiến pháp bảo đảm dân quyền của một quốc gia quyết định sự phát triển nền kinh tế của quốc gia đó.

· Trung tâm Khảo cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Center for Strategic and International Studies) và Trung tâm Phát triển Hoa kỳ (CAP, Center for American Progress) xác nhận, qua báo cáo “Why Promoting Democracy is Smart and Right,” cho đến bây giờ, thế kỷ 21 của nền văn minh nhân loại, trên thế giới vẫn còn một số quốc gia không hề biết thế nào là tự do dân chủ, và tiếp tục đàn áp người dân thật dã man. Amartya Sen, kinh tế gia, minh định rằng “các quyền tự do kinh tế và tự do chính trị có tác dụng hỗ tương và cần song hành.” Thêm vào đó, một số nghiên cứu nghiêm túc chứng minh tầm quan trọng tối hậu của tự do chính trị (dân chủ) và một chính quyền minh bạch sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế lâu dài.

Có thể tóm lược học thuyết trên như sau: một khi các quyền tự do của người dân được tôn trọng và bảo đảm, nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phát triển. Hay nói ngắn gọn hơn, dân chủ sẽ dẫn đến thịnh vượng.

Kết quả các khảo cứu trên rõ ràng đi ngược lại lý thuyết “Thịnh vượng dẫn đến Dân chủ” của Lipset.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét