Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

TẢN MẠN CHUYỆN VỀ HƯU

TẢN MẠN CHUYỆN VỀ HƯU
Trần Bá Thoại - Mỗi năm có bốn mùa đất trời xoay chuyển: Xuân về hoa nở; Hạ nóng, mưa dông; Thu sang lá vàng rơi rụng; Đông lạnh đón tất niên. Đời người với chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử, và sinh hoạt theo bốn thời đoạn: Lớn lên, Trưởng thành, làm việc và Nghỉ hưu.
nghỉ hưu
Như thế, nghỉ hưu, về hưu, hưu trí, đúng là thời gian nghỉ ngơi sau quá trình làm việc, tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội. Nhưng trong thực tế, không luôn luôn như định nghĩa: (1) Người chưa đến tuổi, chưa đến hạn, đã phải xin hay bị cho nghỉ là “hưu non“. Dân gọi đùa là bị cho (đá) “về vườn“, “về đuổi gà cho vợ“; (2) Người đã về hưu, nhưng thích hoặc “tham công tiếc việc” tiếp tục đi làm, tiếp tục “cày bừa”. Dân gọi đùa là hưu “trâu bò”; (3) Người về hưu quanh quẩn trông nhà, chăm nom cháu chắt như ô-sin. Dân gọi đùa là hưu “chó má”; (4) Người về hưu lên núi trồng cây, mở trang trại, gọi là hưu “nai, khỉ vượn”; Hưu không làm gì cả là hưu “cu ly, cù lần”….

PHẬN VỀ HƯU

Về hưu ngẫm lắm sự đời,
Lên “voi”, xuống “chó”mỗi người khác nhau.
Về hưu đi nhảy, đi câu,
Tham quan, du lịch Tây, Tàu liên miên.

Chẳng lo cơm áo, gạo tiền,
Vô tư, thanh thản không phiền lụy ai.
Đấy là HƯU TRÍ không sai,
Nhưng mà thiên hạ mấy ai có nào ?

Về hưu thậm thụt ra vào,
“Buôn dưa”, hóng chuyện tào lao vỉa hè.
Rượu bia, cá độ, lô đề,
Tối ngày “bám trụ” quán chè làm vui.

Loạn ngôn bất mãn với đời,
Sẵn sàng “đấu khẩu” buông lời khó nghe.
Thích trò “thọc gậy bánh xe”.
Bà con hàng xóm cười chê: HƯU KHÙNG.

Về hưu nổi máu anh hùng,
Xin làm cán bộ “ba cùng” với dân.
Nửa đời chỉ biết làm “quân”,
Nay về làm “tướng” muôn phần oai phong.

Dẹp chợ, cấm, phạt hàng rong,
Bắt dân đóng góp từng đồng vệ sinh.
Làm việc để mất chữ tình,
Vợ con mới bảo rằng mình: HƯU HÂM.

Về hưu lại nổi máu dâm,
“Cưa sừng làm nghé”, sưu tầm gái tơ.
Về già mới học làm thơ,
Đem tiền nuôi gái, ngẩn ngơ tối ngày.

Lưới tình càng mắc càng say,
Thế nên mới gọi hưu này: HƯU DÊ.
Về hưu lại bỏ về quê,
Trồng rau, cuốc đất, chăn dê, nuôi gà.

Kiêng đường, thịt, mỡ, trứng, da,
Bia, rượu, thuốc lá… đàn bà cũng kiêng.
Kiêng ăn, kiêng cả tiêu tiền,
Họ hàng, bè bạn than phiền: HƯU TU.

Về hưu làm việc lu bù,
Kiếm tiền tiết kiệm từng xu, từng đồng.
Hoặc làm thêm đỡ buồn lòng,
Chuốc thêm vất vả long đong tối ngày.

Mọi người bảo là đi cày,
Cho nên mới gọi hưu này: HƯU TRÂU.
Về hưu chẳng dám đi đâu,
Nấu cơm, đi chợ, nhặt rau, quét nhà.

Chăm con, nuôi cháu, trông già.
Kiêm luôn bảo vệ coi nhà, giữ xe.
Thế nên bị gọi khó nghe,
Ấy là: HƯU CHÓ, làm thuê trong nhà.

Về hưu nhưng vẫn chưa già,
Phải về trước tuổi gọi là: HƯU NON.
Về hưu quyền chức không còn,
Bổng lộc hết chẳng rút bòn được ai.

Khi còn đương chức tác oai,
Tham ô, hối lộ, tiêu xài của dân.
Về già mất hết người thân,
Đệ tử, thân tín cũng dần bỏ đi.

Quyền cao chức trọng mà chi.
“Hai năm mươi” cũng xanh rì cỏ thôi.
Gặp dân không dám mở lời,
Hội hè, đình đám mọi người tránh xa.

Bán xe, bán đất, bán nhà,
Bỏ quê trốn lủi gọi là: HƯU MA.
Về hưu chưa kịp dưỡng già,
Đã coi bệnh viện như nhà của riêng.
Bao nhiêu sở thích phải kiêng,
Đái đường, huyết áp, bệnh tim, đại tràng,
Loãng xương, tiền liệt, bàng quang…
Lương vừa mới lĩnh đã mang thuốc rồi.

Cháu con mỗi đứa một nơi.
Gọi là: HƯU HẮT cuối đời cô đơn.
Trời sinh chữ Kém, chữ Hơn,
Chữ Nhân, chữ Quả, chữ Buồn, chữ Vui…

Đắng cay mới có ngọt bùi,
Hết mưa nắng lại rợp trời mây bay.
Đủ năm, đủ tuổi, đến ngày,
Có ai tránh được kiếp này… PHẬN HƯU ?!

Nhật Tiến – Hà Nội, tháng 11 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét