Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Tàu khảo sát của TQ lại vào vùng đặc quyền của VN

Tàu khảo sát của Trung Quốc lại vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
RFA 2020-06-16 - Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý hôm thứ Ba, ngày 16 tháng Sáu. Đài Á Châu Tự Do sử dụng hai phần mềm định vị xác định Hải Dương 4 đã tiến đến vùng biển của Việt Nam hôm 14/6 sau khi đi qua căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Dữ liệu định vị mới nhất vào sáng ngày 16/6 cho thấy tàu này nằm hoàn toàn trong vùng 200 hải lý từ bờ biển của Việt Nam.
Bản đồ cho thấy đường đi của tàu Hải Dương 4 so sánh với khoảng cách từ bờ biển của Việt Nam và lô dầu khí ở phía tây nam hôm 16/6/2020 - Photo: RFA

Hiện không rõ nguyên nhân vì sao Trung Quốc điều tàu Hải Dương 4 vào vùng biển của Việt Nam vào lúc này. Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều chưa lên tiếng gì về động thái này.

Tuy nhiên vào khoảng nửa cuối năm 2019, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh vào quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô dầu khí 06 -01 trong liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính.

Lập trường của Trung Quốc là phản đối việc các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực Biển Đông hợp tác với các công ty quốc tế ngoài khu vực để khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Theo các phần mềm theo dõi hàng hải, dường như Hải Dương 4 lần này không đi cùng với các tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam. Chỉ có tàu hải cảnh Haijing 5202 hiện đang đậu ở Đá Chữ Thập gần đó.

Việc Hải Dương 4 lần này vào vùng biển Việt Nam cũng có thể liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.

Truyền thông trong nước cho biết, giàn khoan dầu Clyde Boudraux của một công ty có trụ sở ở Anh theo dự định sẽ hoạt động trong khu vực này. Giàn khoan đã được kéo về cảng Vũng Tàu hôm 22/4 nhưng theo dữ liệu phần mềm định vị thì giàn khoan này vẫn chưa rời cảng.

Trung Quốc cũng đã từng đe doạ Việt Nam trong những hoạt động khoan thăm dò dầu khí trước đây với công ty Repsol của Tây Ban Nha hồi năm 2017 và 2018.

Hôm 13/6 vừa qua, công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng các cổ phần của công ty này ở 3 lô dầu khí ngoài khơi phía đông nam Việt Nam cho PetroVietnam với lý do khó khăn do bị sức ép từ Trung Quốc hồi năm 2018.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-survey-vessel-venturing-near-vn-eez-06162020170652.html
-----------

Tàu khảo sát của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Đăng ngày: 17/06/2020

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), nơi Trung Quốc xây dựng ồ ạt, mở rộng diện tích khoảng 110 ngàn mét vuông, Biển Đông. Ảnh vệ tinh của AMTI. WESTCOM/AFP/File
Thanh Phương

Một tàu khảo sát của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một hành động có thể gây thêm căng thẳng trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Hãng tin Mỹ BenarNews hôm nay, 17/06/2020, cho biết, theo các dữ liệu định vị, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ Chủ nhật 14/06/2020 và đến hôm qua, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý.

Hiện giờ chưa rõ tàu Hải Dương 4 được điều đến đây nhằm mục đích gì. Bắc Kinh chưa có thông báo, và phía Hà Nội cũng chưa lên tiếng về vụ xâm nhập này. Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa tàu khảo sát vào vùng biển của các nước khác để khẳng định điều mà họ gọi là quyền khảo sát tài nguyên ở Biển Đông.

Theo phỏng đoán của BenarNews, việc tàu Hải Dương 4 xâm nhập vùng biển Việt Nam cũng có thể liên quan đến các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác quốc tế tại khu vực này.

Vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một công ty dầu khí của Nga.

Lần này, theo các dữ liệu định vị, dường như tàu Hải Dương Địa Chất 4 không đi cùng với các tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam, tuy rằng tàu Hải Cảnh (Haijing) 5202 được nhìn thấy đang đậu ở Đá Chữ Thập gần đó.

Trong những tuần qua, quan hệ Việt – Trung lại nóng lên do tình hình Biển Đông. Vào tuần trước, Hà Nội đã phản đối việc Trung Quốc lắp đặt cáp ngầm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo các chuyên gia được Benarnews trích dẫn, hệ thống cáp được dùng vào mục đích quân sự. Cũng vào tuần trước, Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc lại đâm vào một tàu cá Việt Nam tại khu vực đảo Lin Côn ở quần đảo Hoàng Sa.

Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post hôm qua, trích dẫn một nguồn tin trong giới quân sự Trung Quốc, tàu của hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc đã suýt đụng nhau trên vùng Biển Đông vào tháng 4 vừa qua, cụ thể là chỉ cách nhau có 100 mét. Nhưng nguồn tin này không nói rõ đó là những chiến hạm nào.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200617-t%C3%A0u-kh%E1%BA%A3o-s%C3%A1t-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A1i-x%C3%A2m-nh%E1%BA%ADp-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BA%B7c-quy%E1%BB%81n-kinh-t%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét