Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Nước cờ kinh tế đắt đỏ của nước Mỹ

Đọc con số đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Trung Quốc tại thời điểm hiện tại là 300 tỷ USD thấy khiếp quá; hơn cả GDP của gần trăm triệu dân VN làm ra trong 1 năm. Chẳng trách tại sao TQ nhanh chóng trở thành cường quốc công nghệ thách thức lại cả Mỹ và tất cả các nước công nghiệp giầu có. Nhìn con số của TQ lại ngậm ngùi nghĩ đến con số của VN. Nhưng tiền chỉ là một chuyện; chuyện quan trọng hơn là người VN tiêu tiền để giả vờ làm công nghệ, còn thực chất là không làm. Dân càng ngu, càng nghèo thì càng dễ quản lý; sau này bảo sát nhập vào Tàu, trở thành công dân Tàu, càng thuận lợi. Vê bài này, rõ ràng chấm dứt hợp tác với TQ thì cả Mỹ, Tàu và thế giới đều thiệt hại; nhưng điều này là vô cùng cần thiết với Mỹ và các nước phương Tây để đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia trong dài hạn.
Nước cờ kinh tế đắt đỏ của nước Mỹ
Việc nghỉ chơi' với Trung Quốc là nước cờ kinh tế đắt đỏ của nước Mỹ. Ngày 3/6, tờ Wall Street Journal đã có bài phân tích cái giá nước Mỹ sẽ phải trả nếu lựa chọn không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc. Cuộc “chia tay” Mỹ-Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ rất “đắt đỏ” và mệt mỏi.

Cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ là một cuộc 
chiến "lưỡng bại câu thương". (Nguồn: SCMP)
Trước tình hình đại dịch và sự nóng lên của vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), ngày càng nhiều các nước phương Tây lên tiếng kêu gọi hạn chế hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố xem xét cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung Quốc, trong khi lãnh đạo nhiều quốc gia như Pháp và Australia bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến tình hình.

Mỹ hiện đang cân nhắc có thể chi tới 25 tỷ USD để đưa các công ty Mỹ trở về nước và đẩy cuộc chiến nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei lên một nấc thang mới. Washington cũng chĩa mũi tấn công vào lĩnh vực hợp tác nhân lực với Trung Quốc bằng cách trì hoãn hoặc dừng cấp phép cho sinh viên Trung Quốc muốn sang học tại các cơ sở giáo dục của Mỹ và những kỹ sư Trung Quốc muốn làm việc trong các công ty công nghệ của Mỹ.

Phụ thuộc lẫn nhau

Tuy nhiên, thị trường rộng lớn của Trung Quốc là yếu tố khó có thể bỏ qua. Theo số liệu của công ty nghiên cứu dữ liệu Rhodium, từ năm 2012, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 15 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, một “dấu chấm hết” cho mối quan hệ này có vẻ như sẽ là điều khó tránh khỏi khi cuộc cạnh tranh địa chính trị, công nghệ và cả hệ tư tưởng giữa hai quốc gia đang nhen nhóm.

Nếu kịch bản đó xảy ra, cái giá cả hai bên phải trả sẽ rất lớn. Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc nhau không chỉ vì thiết bị công nghệ hay khẩu trang. Các công ty của Trung Quốc đều là những khách hàng lớn trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ và chính lực lượng sinh viên Trung Quốc đã giúp các trường đại học ở Mỹ có nguồn tiền đầu tư vào ngành toán học và khoa học cơ bản sau rất nhiều năm thiếu đầu tư triền miên. Chính vì vậy, dù ngân sách liên bang dành cho các trường đại học của Mỹ khá ít ỏi trong suốt thập kỷ qua, các cơ sở này vẫn trụ vững ở vị trí hàng đầu về cách tân khoa học- công nghệ.

Lý do sâu xa là do nhu cầu lớn của người Trung Quốc để có được tấm bằng “đắt giá” từ các trường đại học của Mỹ. Sinh viên Trung Quốc là những “khách hàng” lớn nhất, chiếm tới 1/3 tổng số sinh viên quốc tế học tập tại Mỹ, với số học phí lên tới 13,9 tỷ USD/năm và các khoản chi liên quan khác (theo số liệu năm 2017).

Theo Viện nghiên cứu Pew, số tiền này bằng gần một nửa tổng ngân sách liên bang chi cho các trường đại học Mỹ mỗi năm. Bên cạnh đó, một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc sau khi ra trường quay trở lại làm việc cho các công ty công nghệ của Mỹ, giúp giảm đáng kể chi phí nhân lực.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, lực lượng nhân công giá rẻ ở thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou) thuộc tỉnh Hà Nam, vốn được mệnh danh là “thành phố Iphone”, và nhiều khu kinh tế khác đã giúp hãng Apple có thể liên tục cho ra các sản phẩm mới bởi hãng chỉ cần 1 tuần là đảm bảo nguồn cung linh kiện được sản xuất trên toàn cầu, một yếu tố giúp quay vòng nguồn tiền rất nhanh để đổ vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Trong khi đó, theo số liệu 5 năm trở lại đây, đối thủ Samsung của Apple, vốn tự sản xuất phần lớn linh kiện, thường mất tới 60 ngày mới có đủ linh kiện để cho ra sản phẩm mới.

Quan hệ thương mại ngày càng phát triển của Mỹ với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, như Việt Nam, Mexico hay Đài Loan (Trung Quốc)... có thể giúp Washington đa dạng hóa thêm các chuỗi cung ứng nhưng trước mắt, khó có đối tác nào đủ sức thay thế vị trí và tầm cỡ các chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Từ nhiều thập kỷ nay, Mỹ chi khoảng 2,5% GDP thường niên cho nghiên cứu và phát triển. Nguồn gốc các khoản chi này đã thay đổi đáng kể trong những năm qua. Giai đoạn thập niên 1970-1980, chính quyền liên bang đã từng chi khoảng 1,2% GDP cho nghiên cứu phát triển, nhưng giờ đây con số này chỉ là 0,7% GDP và thành phần kinh tế tư nhân của Mỹ “gánh vác” phần lớn số tiền này.

Việc làm ăn với Trung Quốc, dựa vào lực lượng lao động rất rẻ của nước này, cũng như tâm lý khao khát tấm bằng Đại học Mỹ của người dân quốc gia châu Á này, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có được nguồn tài chính cần thiết để đầu tư cho cách tân công nghệ.

Đôi bên thiệt hại


Việc đình chỉ các giao dịch công nghệ của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc có thể cản được bước tiến của Bắc Kinh, song cũng khiến Mỹ phải gánh chịu hậu quả, nhất là nếu Trung Quốc chuyển hướng tìm mua công nghệ của quốc gia khác.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh nguồn ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Trung Quốc tại thời điểm mới bước sang thế kỷ XXI ước tính chỉ khoảng 10 tỷ USD, song sau 18 năm, con số này đã lên tới gần 300 tỷ USD (2,2% GDP vào năm 2018), chỉ đứng sau nước Mỹ.

Mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến con đường phát triển công nghệ của Trung Quốc gập ghềnh hơn. Tuy nhiên, thực trạng ngân sách đầu tư cho công nghệ của Bắc Kinh cho thấy lời đe dọa “chia tay” của Mỹ ở thời điểm này cũng không ảnh hưởng lắm tới lộ trình phát triển của quốc gia này.

Các chính trị gia Mỹ cần nhận ra rằng, việc “nghỉ chơi” với Trung Quốc, nhất là trên phương diện chuỗi cung ứng và đào tạo nhân lực sẽ khiến chính Mỹ cũng phải trả cái giá khá đắt. Nếu kịch bản Mỹ- Trung “chia tay” xảy ra, chính quyền liên bang sẽ phải chi thêm rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu phát triển, nhất là trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, để lấp được khoảng trống đầu tư.

Điều này rất có thể sẽ dẫn tới khả năng chính quyền liên bang lại tiếp tục phải tăng thuế và có chính sách nhập cư tạo điều kiện thu hút nhân tài từ các quốc gia khác như Ấn Độ để bù vào khoảng trống lực lượng nhân lực chất lượng cao mà người Trung Quốc đã bỏ lại. 

Cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ phải chuẩn bị tinh thần phải trả thêm nhiều tiền hơn để có được nguồn cung đa dạng và an toàn.

Tuy nhiên, từ lâu, Mỹ vẫn luôn là cường quốc số 1 về kinh tế và công nghệ của thế giới. Mỹ có thể sẽ vẫn duy trì được vị trí này kể cả trong trường hợp có nhiều thách thức nổi lên trên thế giới nếu như chính phủ Mỹ và người dân Mỹ chịu được những phí tổn và mở rộng hơn các lựa chọn của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét