Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

VN đàm phán vay $1 tỷ bù đắp thâm hụt NS do Covid-19

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ hôm qua 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: "Với nguồn lực dự trữ của Việt Nam hiện nay trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô". Trong số 84 tỷ USD đó chắc chắn một một tỷ lệ là tiền sử dụng ngay được hoặc sắp tới hạn. Do đó nếu đàm phán vay được với lãi suất rất thấp và điều kiện rất ưu đãi thì có thể vay; còn nếu phải vay với lãi suất cao thì nhất định không vay. Bài học quá khứ cho thấy tiêu tiền tự có hiệu quả hơn tiêu tiền vay. Cầm tiền vay, các quan chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước thường nghĩ đây là tiền chùa, cứ tiêu xài thoải mái không cần trả nợ.
Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Việt Nam đàm phán vay $1 tỷ bù đắp thâm hụt ngân sách do Covid-19
10/04/2020 - Hôm 10/4, Việt Nam cho thấy có kế hoạch vay 1 tỷ đô la từ các tổ chức quốc tế trong năm nay vì dự báo rằng mức thâm hụt ngân sách sẽ trầm trọng do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. “Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất. Dự kiến có thể vay với chi phí thấp khoảng 1 tỷ USD”, Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng phát biểu, nêu phương án tài chính tổng thể trước đại dịch trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 10/4.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
chủ trì cuộc họp trực tuyến hôm 10/4/2020.
Dự kiến thâm hụt hơn 5 % GDP
“Khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6%. Tức là ở mức 5-5,1% GDP”, Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng dự báo. Trang Chính phủ cho biết “với phương án tích cực nhất” (dự kiến dịch kết thúc trong quý II/2020), thu ngân sách Việt Nam có thể ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 100.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia tài chánh – kinh tế Bùi Kiến Thành, nêu nhận định của ông về việc chính phủ Việt Nam có kế hoạch vay thêm 1 tỷ đôla để bù thâm hụt ngân sách.

Trong khi Việt Nam còn có thể đi vay được với lãi suất hợp lý thì đó là việc có thể nên làm và cần làm trước khi lãi suất tăng lên. Chuyên gia Bùi Kiến Thành

“Ngân sách của Việt Nam rất eo hẹp. Chi phí để hỗ trợ cho các vấn đề kinh tế vì dịch cúm Covid-19 đòi hỏi phải có sự cố gắng đặc biệt. Trong khi Việt Nam còn có thể đi vay được với lãi suất hợp lý thì đó là việc có thể nên làm và cần làm trước khi lãi suất tăng lên.”

Lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ hôm 10/4/2020. Photo MOF

Ngoại giao khẩu trang

Hôm 10/4, hãng tin Reuters có bài nhận định rằng “Việt Nam đang thách thức sự thống trị của Trung Quốc về ngoại giao trong mùa dịch Covid-19 với việc tặng thiết bị y tế cho các nước châu Âu và Đông Nam Á và thậm chí còn giành được sự khen ngợi từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong việc cung cấp một lô hàng quần áo bảo hộ”.

Việt Nam, mặc dù thiếu nguồn lực so với nước láng giềng Trung Quốc, nhưng đã tặng 550.000 chiếc khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh, và 390.000 chiếc cho Campuchia và 340.000 chiếc cho Lào, vẫn theo Reuters.

Vào tuần trước, Việt Nam chuyển gói trang thiết bị y tế bao gồm khẩu trang, quần áo bảo hộ, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm dịch Covid-19 cho Campuchia và Lào trị giá tổng cộng 14 tỷ đồng.


XEM THÊM: Việt Nam tặng khẩu trang giúp 5 nước EU chống dịch

Nhận định về chính sách “ngoại giao khẩu trang” của Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành nói với VOA:

“Tôi nghĩ việc Việt Nam hỗ trợ cho các nước trong thời kỳ dịch bệnh là một hành động nhân văn rất tốt. Việc chi ra một phần nào để giúp cho các quốc gia lâm nạn để tỏ sự ưu ái, đoàn kết trên toàn thế giới.

“Đây là cơ hội để cho thế giới thấy rằng chúng ta cùng chung sống lúc hoạn nạn với nhau, tránh gây khủng hoảng quá mức về ngoại giao và thương mại…Tuy Việt Nam nghèo nhưng cũng cố gắng buộc bụng để giúp các nước, tôi cho rằng đây là một hành động rất tốt”.

Mặc dù Việt Nam vẫn cần các thiết bị tương tự trong nỗ lực chống lại Covid-19, nhưng họ tặng thiết bị cho các nước láng giềng nơi có nhiều cộng đồng người Việt sinh sống “trên cơ sở tình hữu nghị và quan hệ truyền thống”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói với Reuters.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chánh cũng khuyên rằng Việt Nam về tổng thể nên thận trọng về chi tiêu.

“Nên thận trọng về chi tiêu và bảo toàn ngân sách vì tình hình hiện nay khó có thể tiên đoán mức ảnh hưởng thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra là mấy phần trăm”.

Hôm 01/4, trang Nhịp cầu Đầu tư đăng bài “Thâm hụt ngân sách cao nhất khu vực”, dẫn lời Phó Giáo sư Tiến sĩ Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nói: “Thâm hụt ngân sách và nợ công cao như hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét