Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Tại sao dân Âu Mỹ không dùng vòi vệ sinh (cây xịt đít)?

Tại sao người Mỹ và châu Âu không dùng vòi vệ sinh (cây xịt đít)? 
Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang căng thẳng hiện nay, chắc hẳn anh em đều đã từng đọc tin hay nhìn thấy cảnh tượng người dân ở nhiều nước trên thế giới sốt sắng đi mua giấy vệ sinh như thế nào. Vậy thì, giấy vệ sinh tại sao lại quan trọng với họ như vậy? Câu trả lời là vì chúng là thứ "không thể không có" trong cuộc sống của họ. Họ có thể nhịn ăn bất cứ thứ gì, nhưng khi muốn "đi cầu" thì không thể nào nhịn được. Mà nếu đã "đi cầu", thì phải có giấy vệ sinh, chứ họ nhất quyết không dùng nước để rửa.

Nói một chút về thống kê để anh em dễ hình dung ra sự quan trọng của giấy vệ sinh đối với người Mỹ (và đa số các nước châu Âu). Trung bình một gia đình hoặc đơn vị tiêu thụ (Consumer Unit) ở Mỹ chi ra khoảng $120 mỗi năm cho việc mua giấy vệ sinh các loại. Ở Mỹ có khoảng hơn 130 triệu Consumer Units, lấy 130 triệu nhân với $120, chúng ta sẽ có con số ước lượng là 15,6 tỷ USD. Mỗi năm người Mỹ chi ra khoảng 15,6 tỷ USD cho việc mua giấy "chùi đít", và đây là con số thống kê từ những năm 2017-2018, năm 2020 chắc chắn sẽ cao hơn vì dân số tăng, lạm phát và còn có thêm dịch Covid-19 này nữa. Rất ấn tượng phải không, người Mỹ luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực, và "chùi đít" cũng là một trong số đó! 



Vậy thì lý do gì khiến cho người Mỹ phải dùng nhiều giấy vệ sinh đến như vậy chứ nhất quyết không chịu gắn vòi vệ sinh (cây xịt đít) trong toilet của họ? Mình đã từng sống ở Mỹ một thời gian, thật sự là không thấy nơi nào có trang bị cái vòi xịt đít này, kể cả những toà nhà mới nhất, sang trọng nhất. Chắc hẳn nhiều anh em cũng sẽ có thắc mắc như mình vừa nêu, và những nguyên do dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này của anh em. Kết quả rất là bất ngờ nhé! 



1. Do người Mỹ GATO, nhớ dai và muốn bảo tồn "di sản văn hoá" của cha ông để lại

Người Mỹ họ gọi cái vòi xịt đít này là "Bidet" hay cầu kỳ hơn là "Bidet sprayer". Chữ "Bidet" này có nguồn gốc từ nước Pháp và nó xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ 18. Lúc đó, "Bidet" thật ra không phải là vòi xịt mà nó là một chiếc bồn tương tự như bồn cầu, bên trong đựng nước để vệ sinh bộ phận sinh dục sau khi đi toilet xong (cả tiểu tiện và đại tiện). Cái "Bidet" này được người Pháp sáng tạo ra vào đầu thế kỷ 18 để người dùng (đặc biệt là phụ nữ) có thể ngồi dạng 2 chân lên đó, vẫy nước lên và rửa ráy các "đồ nghề" sau mỗi lần đi vệ sinh xong. (xem hình dưới)



Ngày nay, chiếc bồn rửa này vẫn còn được giữ lại trong nhiều nhà vệ sinh ở Pháp & các nước khác, nhưng nó đã được cải tiến lại cho hiện đại hơn, dưới đáy bồn có lỗ thoát nước và thành bồn có gắn thêm vòi nước giống như lavabo để việc rửa ráy được dễ dàng hơn. Kể thêm chuyện vui này cho anh em nghe, anh em có biết cách sử dụng cái "Bidet" này là như thế nào không? Lần đầu tiên mình thấy cái Bidet là ở một quán cafe boutique nào đó ở Pháp quên mất tiêu rồi, chỉ biết là lúc đó mình ngu mặt ra tự hỏi, không hiểu tại sao trong toilet lại có đến những hai cái bồn cầu? 

Lúc đó trong đầu mình xuất hiện ra một luồng suy nghĩ. Loại truyền thống để đi đại tiện thì biết quá rõ rồi, còn cái bồn bên cạnh có vòi nước như lavabo thì để làm gì? Tất nhiên không phải để ị rồi, vì nó đâu có cái lỗ chứa nước to như cái kia, ị vào thì có mà hốt ra cho hết. Tiếp theo lại nghĩ hay là cái này dùng để cho con nít uống nước? Thấy cũng có lý vì bồn này khá thấp, thiết kế lại giống giống lavabo, thích hợp cho trẻ con uống nước. Nhưng mà ai lại đặt chỗ uống nước trong toilet, mà lại sát bên cái bồn cầu như vậy, gớm bỏ mạ đi được. Cuối cùng, bộ não thông minh của mình cũng đã reo lên: "Ồ, chắc chắn là nó dùng để rửa đít rồi!". Thế là sau khi hành sự, mình liền ngồi xuống cái bồn đó, xả nước rửa mông, mắt lim dim mơ màng theo tiếng nước chảy, đó là lần đi toilet sung sướng nhất của mình ở Pháp...



Quay lại chủ đề, vào năm 1750, một thiết bị phun nước bơm bằng tay đã được thêm vào cái "Bidet" này, và từ đó thì "Bidet à seringue" (nguyên văn tiếng Pháp) - cái vòi xịt đít thần thánh của chúng ta đã ra đời. Thế thì tại sao cái vòi xịt đít thần thánh thế kia, tiện dụng thế kia mà người Mỹ lại không thèm xài?



Lý do chính là vì cái "Bidet" có nguồn gốc từ nước Pháp, mà vào thế kỷ 18 thì giới quý tộc Ăng-Lê ở Anh rất không ưa bọn quý tộc Pháp, vì cho rằng tụi này quá lãng mạn và chảnh (nước Pháp lúc đó khá mạnh về quân sự và kinh tế), nói theo ngôn ngữ teen ở Việt Nam hiện nay là GATO (ghen ăn, tức ở). Đã là quý tộc thì người Pháp tất nhiên phải rửa đít theo phong cách quý tộc, họ chuyên rửa đít bằng cái "Bidet" đó. Mỹ lúc đó là thuộc địa của Anh, giới quý tộc Anh di cư sang Mỹ rất nhiều và tất nhiên không quên mang theo cái bánh GATO to đùng đó và thế là cương quyết không dùng cái "Bidet" đó luôn, mà dùng giấy để chùi, văn hoá chùi giấy của người Mỹ bắt nguồn từ đó. Đã hơn 300 năm kể từ ngày lập quốc, người Mỹ vẫn trung thành với những "di sản văn hoá" của các bậc tiền nhân cha ông để lại và họ muốn bảo tồn nó càng lâu càng tốt.



2. Do hồi ức để lại từ thế chiến thứ 2 và tâm hồn "thanh cao" của người Mỹ

Lý do tiếp theo thì lại liên quan một chút đến lịch sử và chiến tranh. Hồi thế chiến thứ 2, nhóm lính Mỹ sang châu Âu tham chiến có vô những nhà thổ ở Pháp để giải khuây (nhu cầu cao mà lại xa người yêu & vợ con mà), và họ đều thấy có những cái "Bidet" này trong phòng. Và thế là trong tiềm thức của họ, cái "Bidet" này gắn liền với những thứ được cho là "bẩn thỉu & dơ dáy". Bởi họ nghĩ rằng sau khi "hành sự" với khách hàng, các cô gái điếm này sẽ ngồi lên cái chậu "Bidet" đó để rửa... "đồ nghề". Thế rồi, mấy ảnh thấy vậy xong thì đem câu chuyện về lại nước Mỹ, kể cho anh em bạn bè nghe, 1 truyền 10, 10 truyền 100... Và thế là từ đó trong tâm thức của người Mỹ thì chuyện dùng cái "Bidet" này lại càng khó trở thành hiện thực hơn.



3. Do tính bảo thủ và ý thức giữ gìn vệ sinh của người Mỹ

Lý do thứ ba chính là phương thức sử dụng của cái "Bidet" này. Cứ tưởng tượng là, để sử dụng nó thì anh em phải dùng tay trần để vẫy nước lên, kỳ cọ này nọ, xong rồi lại vẫy nước cái nữa để rửa (lúc đó chưa có vòi xịt nước như bây giờ). Nghĩ đến như vậy nên người Mỹ ngại dùng cái này, do họ muốn tay mình sạch sẽ và không bị ướt. Người Mỹ thuộc nhóm người rất thủ cựu và "khó tính" trong vấn đề vệ sinh cá nhân (gốc Anh mà).

Không giống như người Nhật nghĩ rằng đi toilet là để hưởng thụ, người Mỹ từ trong tiềm thức đã nghĩ việc đi vệ sinh là một vấn đề rất "dơ bẩn" và không có gì hay ho. Vì vậy từ "toilet" trong tiếng Anh thì họ lại đổi thành "restroom" hay nhiều người còn gọi là "bathroom". Cần phải biết rằng chuyện "đi cầu" ở Mỹ là một trong những điều cấm kị ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trong một khoảng thời gian rất dài. Điển hình là mãi cho đến năm 1960 thì hình ảnh trong toilet mới được ban kiểm duyệt cho phép xuất hiện trên phim ảnh. Chính vì vậy, người Mỹ ngay từ thời lập quốc đã chọn cách chùi đít bằng giấy vệ sinh, để tay họ luôn được sạch và vẫn có thể "vênh mặt" với người Pháp.



Ngày nay người Mỹ không dùng cây xịt đít là vì thói quen sử dụng giấy đã có từ trước và bản tính thích lưu giữ giá trị truyền thống, chứ không hẳn là có thành kiến với loại vật dụng rất dễ dùng này. Đối với họ, giấy vẫn là thứ thân thiện và dễ sử dụng nhất, và họ cũng không muốn bắt chước nước khác như Nhật hay các nước châu Á.

Chúng ta cũng phải thừa nhận là việc sử dụng vòi xịt hoặc bồn rửa "Bidet" có nhiều cái hay và tiện lợi hơn là dùng giấy vệ sinh. Chẳng hạn như nó mang lại cảm giác sạch sẽ và thuận tiện để thao tác hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, người già, người bị bệnh trĩ, người có cơ địa dễ dị ứng, v.v... Bên cạnh đó, bồn rửa "Bidet" hay vòi xịt còn giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và góp phần bảo vệ môi trường hơn so với việc sử dụng giấy. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 44 tỷ cuộn giấy vệ sinh được tiêu thụ. Và mỗi thành phố lớn tại Mỹ phải chi ra hơn 4 triệu đô la (gần 100 tỷ đồng) mỗi năm chỉ để thông cống tắc nghẽn do giấy vệ sinh gây ra. Hiện nay ở Mỹ có khoảng 19.500 thành phố lớn nhỏ dàn trải khắp đất nước, anh em có thể hình dung và nhẩm ra được con số chi phí khổng lồ này!



Đã có khá nhiều chiến dịch tuyên truyền cho người dân và kêu gọi các nhà quản lý nên lắp đặt và sử dụng cây xịt đít để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, giảm khai thác gỗ, đảm bảo vệ sinh v.v... đồng thời cũng giảm chi phí cho những dịch vụ công ích (đỡ phải đi hút cống). Ở Mỹ cũng đã có vài nơi trang bị bồn cầu hiện đại, có tích hợp chức năng rửa ráy tương tự như Nhật. Loại bồn cầu này được điều khiển bằng remote và đã xuất hiện ở cả những nơi có toilet công cộng, VD như tại sân bay Chicago. Nếu một ngày nào đó anh em tới nước Mỹ chơi, mà thấy trong toilet đã có cả "Bidet" lẫn cái vòi xịt thì cũng đừng ngạc nhiên quá vì Mỹ cũng là một nước tiếp thu văn minh khá nhanh mà!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét