Virus corona - Covid-19: Cơ hội để Việt Nam giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc?
19/02/2020 - Thu Hằng - Phải chăng « trong cái rủi có cái may », dịch Covid-19 có lẽ là cơ hội để Việt Nam không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi mậu dịch song phương lên đến 107,6 tỉ đô la.Ảnh minh họa: Công nhân phân loại và đóng gói trái vải để xuất khẩu tại một cơ sở ở phía bắc thành phố Hải Dương, miền Bắc Việt Nam. Theo Tổng Cục Thống Kê, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt mức 75,3 tỉ đô la trong năm 2019, tăng 14% so với năm 2018. Những mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc là tư liệu sản xuất, trong đó có nguyên, nhiên, vật liệu. Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam (sau Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu), đạt 32,5 tỉ đô la tính đến tháng 10/2019, trong đó có nông sản, thủy hải sản…
Tuy nhiên, dường như thị trường Trung Quốc trở nên « khó tính » hơn đối với nông sản Việt Nam. Điều này được thể hiện qua đề nghị « khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam » của phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) hôm 23/10/2019.
Thực vậy, Trung Quốc không còn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, mà hiện tại là Philippines. Nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ trong nước nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Ngoài ra, do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu nên chính phủ phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu. Hậu quả là gạo của Việt Nam bị ép giá. Cuối cùng, thị trường Trung Quốc cũng có những thay đổi : người tiêu dùng có đời sống cao hơn, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng sản phẩm tiêu thụ.
Dịch virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc gây tác động trực tiếp đến trao đổi thương mại với Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 01/2020 chỉ đạt 8,29 tỉ đô la, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài lý do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của hai nước kéo dài và rơi vào tháng Giêng, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hoạt động kinh tế và sản xuất của Trung Quốc gần như bị tê liệt.
Trang bignewsnetwork ngày 17/02 nhận định « giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc) tồn tại một môi trường và điều kiện sản xuất và việc giảm khả năng hoặc nhu cầu từ một nước sẽ tác động đến nước kia ». Một trong những tác động đầu tiên, từng được chính phủ Việt Nam nhắc đến, là thiếu vật liệu để sản xuất khẩu trang ngay đầu mùa dịch Covid-19 khi nhu cầu tăng cao bất thường. Tiếp theo, là trái cây và nông phẩm tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 trong những ngày gần đây, theo trang Petro Times (ngày 19/02).
Dù thủ tướng chính phủ ban hành quyết định 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua hai cửa khẩu phụ này, nhưng thời gian hoàn tất thủ tục thuế, cũng như việc cách ly được cả hai bên áp dụng khiến thời gian giao hàng bị kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng một số sản phẩm tươi như trái cây.
Cũng vì dịch bệnh, thông thương đường sắt và hàng không với Trung Quốc bị giảm khiến Việt Nam không thể nhận được đúng thời hạn nguyên vật liệu, sản phẩm từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng cho bên thứ ba.
Trang The Star (ngày 17/02) của Miến Điện cho rằng dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam tìm ra những nguồn cung cấp vật liệu mới cũng như đầu ra cho nông phẩm. Một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dệt may, đang nghiên cứu nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil để tránh phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.
Trong chuyến công du Ấn Độ vào tuần trước, thứ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Cao Quốc Hùng đã đề nghị New Delhi tăng khối lượng nhập khẩu trái cây Việt Nam (nhãn, vải, mãng cầu, thanh long), cũng như cá nuôi và vải cho ngành dệt may. Từ 5 năm gần gây, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng thêm gần 48%, đạt 13,7 tỉ đô la trong năm 2019, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là đối tác thương mại thứ 4 trong khối ASEAN của Ấn Độ.
Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu, với hiệp định thương mại EVFTA được Nghị Viện Châu Âu thông qua ngày 12/02, là cơ hội để Việt Nam tăng khối lượng trao đổi mậu dịch, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét