Rạng sáng ngày 1 tháng 8 năm 2019 bác Nguyễn Hà Phan (sinh năm 1933) qua đời tại số 14 Nguyễn Trãi, phường An Hội, quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ và được an táng tại địa phương. Báo chí và truyền thông chính thống của Việt Nam hoàn toàn không đề cập đến sự ra đi của bác; không hiểu lý do tại sao. Cũng có giả thuyết cho rằng việc không tổ chức tang lễ long trọng và phát tán đưa tin là do ý nguyện cá nhân của bác Phan khi còn sống. Tôi và bác Phan sinh hoạt chung một tổ khi học cùng lớp quản lý kinh tế trung ương khóa 9 (1984) do chuyên gia Liên Xô giảng trong khoảng 4-5 tháng. Nghe nói các khóa học này do Tổng bí thư Lê Duẩn quyết định tổ chức, bắt đầu từ năm 1976, ngay sau khi đồng chí thấy cán bộ sau chiến tranh đều không có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội. Ban tổ chức Trung ương tổ chức mỗi năm một khóa, gồm 4-5 tháng học trong nước và 4 tháng sang Liên Xô học tiếp. Học viên khóa 1 là các Ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư; Học viên khóa 2 là các Ủy viên Trung ương Đảng. Hồi đó, bác Phan làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang. Tôi đã cùng bác và các bác khác trong tổ đã về thăm 2 tỉnh Hậu Giang và An Giang trong các chuyến khảo sát thực tế do lớp tổ chức. Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm rất vui hồi đó, nhất là những ấn tượng về bác Sáu Phan và chị Hai Hạnh (Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, cũng là học viên cùng tổ) vì tôi là thư ký ghi ý kiến thảo luận mỗi khi sinh hoạt tổ. Trước khi bị xử lý kỉ luật khai trừ khỏi Đảng và cách mọi chức vụ trong hệ thống hành chính nhà nước năm 1996, bác Phan đã giữ những chức vụ rất cao: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam... Dù lịch sử bác có vấn đề dẫn tới bị kỷ luật nặng, nhưng giờ bác đi xa, tôi xin được cầu chúc cho linh hồn bác sớm siêu thoát, thanh thản hạnh phúc nơi cực lạc. Xin được đăng lại bài viết “Nguyễn Hà Phan – Bi hay hài”, chương 7e, trong "Hồi ký Lời Ai Điếu" của nhà văn Lê Phú Khải, để mọi người có thêm thông tin về bác Nguyễn Hà Phan và nhiều nhân vật lãnh đạo Việt Nam khác thời cộng sản. Tôi thích đoạn này:"Sáu Phan là một “anh Hai Nam Bộ” thứ thiệt, cởi mở, phóng khoáng, tư duy tân tiến… Ông nổi tiếng là một người giản dị, dễ gần. Ông có thể tì giấy lên đùi để ký vào một văn bản cho một cán bộ cấp dưới ngay trên hè phố… để giải quyết một công việc gấp… Ấn tượng rất mạnh của tôi lần đầu tiên gặp Sáu Phan là, ông chủ tịch một tỉnh lớn nhất đồng bằng này đã đạp xe đạp vào tận một ngõ hẻm để thăm tôi tại Cần Thơ."
“Nguyễn Hà Phan – Bi hay hài”
Lê Phú Khải - Đầu năm 1994, sau chuyến đi Điện Biên Phủ đầu tiên để giúp anh Tuất Việt làm số báo “SGGP – 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, tôi về Hà Nội và đến báo Nhân Dân gặp Mai Phong, Trưởng ban bạn đọc của báo. Tôi bảo với Mai Phong, vừa đi Điện Biên Phủ về, có chai rượu hổ cốt, muốn rủ ông lên chỗ ông Nguyễn Hà Phan ở Ban Kinh tế chơi, gạ ông ấy kiếm ít mồi để nhậu. Anh cho tôi mượn cái điện thoại bàn của anh để gọi cho ông ấy… Mai Phong nhìn chai rượu của tôi, tuy có dán cái “mác” Lai Châu ở vỏ nhưng giá chỉ có 14.000 đồng. Phong nói: ông có đùa không thế, đang giờ làm việc mà đòi lên gặp Bộ Chính trị để nhậu!
“Anh Hai Nam Bộ” Nguyễn Hà Phan
Không cần Mai Phong đồng ý, tôi nhấc điện thoại bàn của anh lên (hồi đó chưa có di động phổ biến như bây giờ) gọi cho ông Sáu Phan. Từ đầu dây đằng kia, ông Sáu Phan kêu tôi “lên ngay!”. Thế là tôi kéo Mai Phong lên số 10 Nguyễn Cảnh Chân, khu Ba Đình. Chỗ Sáu Phan ngồi làm việc là trường Albert Sarraut cũ thời Tây.