Vụ Big C - Doanh nghiệp Thái sẽ nuốt chửng thị trường Việt?
Việc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam thông báo ngưng nhập hàng may mặc Việt cùng trào lưu tỷ phú Thái đổ xô vào đầu tư ở Việt Nam làm dấy lên lo ngại thị trường Việt sẽ bị Thái nuốt chửng. Sự việc bắt đầu hôm 2/7, khi Central Group Việt Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Big C VN), chi nhánh của Central Group Thái Lan, gửi thông báo tới các đối tác cung cấp hàng may mặc rằng sẽ ngừng đặt hàng của họ từ tháng 7/2019. Thông báo này khiến nhiều người đã tập trung bên ngoài văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM hôm 3/7 để phản đối quyết định trên.Đại diện các doanh nghiệp cũng gặp đại diện Central Group ở TP HCM để trao đổi về sự việc. Theo các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, hành động này đã đẩy ngành dệt may Việt Nam vào khó khăn. Đồng thời bày tỏ lo ngại rằng ngoài thiệt hại về tài chính cho riêng ngành dệt may, hệ thống siêu thị big C sẽ dần dần đẩy toàn bộ hàng hóa của Việt Nam để nhường chỗ cho hàng Thái Lan hoặc các sản phẩm nhập ngoại khác.
Trước các phản ứng nói trên, Big C Việt Nam cho hay hôm 3/7 rằng đây chỉ là quyết định 'tạm thời' do đang trong quá trình phát triển các thương hiệu mới.
"Tìm kiếm các nguồn cung ứng từ nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó," thông cáo của Big C cho hay.
Bộ Công thương Việt Nam cũng cho biết sẽ làm việc với Big C về vấn đề này.
Tuy nhiên một vị lãnh đạo Bộ Công thương nói với tờ Pháp luật Việt Nam rằng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các siêu thị này, "không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích..."
Việt Nam mất thị trường cho Thái Lan ngay trên sân nhà?
Các tập đoàn lớn của Thái bao gồm CP, ThaiBev, Central, Boon Rawd, PTT và SCG đã đầu tư hàng trăm tỷ baht tại Việt Nam, theo The Nation.
Hiện hai đại gia Thái Lan là tập đoàn Central Group và tập đoàn BCJ Group đã sở hữu hơn 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.
Central Group của gia đình tỷ phú Chirathivat người Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam năm 2016, với tổng số 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ đô la. Central Group cũng mua phần lớn cổ phần của Công ty Điện máy Nguyễn Kim.
BCJ Group thì mua lại Mertro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu đô la.
Trong lĩnh vực đồ uống, tỷ phú Thái của tập đoàn ThaiBev đã thâu tóm Sài Gòn Beers (Sabeco) vào năm 2017.
Berli Jucker, một công ty con của ThaiBev, đã đầu tư nhiều tỷ baht vào một nhà máy chai thủy tinh và các khoản đầu tư khác tại Việt Nam.
Tập đoàn CP thì đang mở rộng kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp tại Việt Nam với kế hoạch đầu tư 250 triệu đôla Mỹ để nuôi và chế biến gà.
PTT và SCG đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng cũng như các lĩnh vực năng lượng và hóa dầu, trong khi Boon Rawd đã đầu tư 40 tỷ baht vào ngành công nghiệp nước giải khát của Việt Nam.
Các nhà đầu tư lớn khác của Thái Lan bao gồm tập đoàn Amata trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp; Gulf trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn Wha ở các khu công nghiệp và B Grimm trong năng lượng tái tạo.
Dường như chưa có thống kê về lợi nhuận Việt Nam đạt được kể từ sau khi Thái Lan đổ xô vào đầu tư.
Tuy nhiên riêng trong lĩnh vực thị trường bán lẻ, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại cho hàng Việt.
Các doanh nghiệp cho truyền thông Việt Nam hay rằng sau khi các tỷ phú Thái mua xong siêu thị Việt Nam, họ dần dần đưa hàng Thái Lan vào, đẩy hàng Việt Nam ra khỏi kệ.
Các siêu thị Big C tại Việt Nam từ thời điểm 2016 đã tràn ngập hàng Thái Lan, từ nước giặt, nước xả vải, đồ gia dụng, nước mắm, giầy dép, gạo, bánh kẹo..., đến tăm, theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Trí.
Vì sao Việt Nam hút đầu tư từ Thái Lan?
Theo phân tích của The Nation, Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư Thái Lan này có một tương lai tươi sáng. Việt Nam đã mở cửa kinh tế cho thế giới chỉ vài thập kỷ trước.
Thái Lan, mặt khác, đang phải đối mặt với một xã hội già hóa nhanh chóng và một cuộc khủng hoảng nhân lực xuất phát từ hàng thập kỷ kế hoạch hóa gia đình và tỷ lệ sinh thấp.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ ổn định chính trị với thể chế độc đảng. Trong khi Thái Lan đã trải qua nhiều năm đấu tranh chính trị - góp phần khiến tăng trưởng kinh tế và đầu tư tư nhân bị chậm lại.
Mạng xã hội nói gì?
Cây bút Bạch Hoàn viết: "Việc Big C tạm ngừng thu mua và bày bán hàng may mặc Việt Nam mà không thông báo kế hoạch tái kinh doanh cho thấy, khi hệ thống phân phối rơi vào tay nhà đầu tư ngoại là khi doanh nghiệp nội mất thị trường. Đó không còn là dự báo mà đã là hiện thực."
"Đây cũng là nguy cơ của cả nền kinh tế."
"Có những thứ Nhà nước không còn có thể thò tay vào được nữa."
Cây bút Lê Xuân Thọ bình luận rằng "chúng ta đã trở thành những kẻ làm thuê trên đất của mình."
Facebooker Ngô Thu thì kêu gọi tẩy chay Siêu thị Big C và và ngừng uống bia Sài Gòn, thậm chí tẩy chay du lịch Thái Lan vì người Thái "ăn no rồi quẹt mỏ".
Doanh nhân Lê Hoài Anh cũng cho hay bà sẽ có các hành động tẩy chay tương tự, và viết: "Đừng tưởng đặt chân được vào thị trường Việt rồi thì muốn bắt nạt người Việt sao cũng được, nhưng mà doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hoá nếu chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì bán đâu cũng được, không có big C thì thôi."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét