Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Bản chất của vụ Big C đuổi hàng Việt Nam là gì?

Bài này tôi có nhiều điểm không đồng ý với tác giả. Doanh nghiệp tư nhân lấy mục tiêu đầu tiên là lợi nhuận (vì họ không phải doanh nghiệp công ích). Mua gì bán gì là quyền của họ, họ phải chịu trách nhiệm với đồng tiền của họ và cổ đông góp vốn. Gây áp lực của Nhà nước và Xã hội bắt họ phái thế lọ thế chai là sai. Chính phủ VN phải xem lại cách thức điều hành kinh tế của mình, chứ làm ăn như vừa qua thì cuối cùng sẽ đuổi hết các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN. Về lý BigC đúng nhưng thủ tục làm sai và có thể sai với các hợp đồng BigC ký với các DN VN. Về nguyên tắc, BigC hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu họ sai, các doanh nghiệp may mặc VN cứ việc kiện họ ra tòa, có khi lại kiếm bộn tiền. Nhưng để hợp tác lâu dài và không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, việc đàm phán hòa giải và việc Bộ Công Thương tham gia là đúng. Đến nay, theo thông tin trên báo chính thống thì kết quả rất tốt. Do đó, đừng kích động và đẩy sự việc lên cao nữa như quan điểm và cách dùng từ ngữ trong bài này của TS Chu. Vấn đề cốt lõi vẫn là năng lực cạnh tranh của hàng VN. Nhà nước không thể cần thiệp vào thị trường để bảo vệ DN VN mãi được. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Úc, châu Âu... chất lượng rất OK, được người nước ngoài rất thích nhưng sản phẩm may trong nước thì quá tệ và giá cũng không rẻ. Mua cái áo cái quần hàng VIỆT về phải khâu lại NÚT. Chỉ may toàn loại ĐỂU, mặc vài bữa quần áo rách bung là chuyện rất thường tình. Rồi chuyện chỉ thừa để lòng thòng không cắt, cùng kích cỡ XL nhưng cái to cái nhỏ... Rồi hàng giả, hàng nhái, hàng TQ dán mác VN...
Bản chất của vụ Big C ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam là gì?
FB Nguyễn Ngọc Chu 5-7-2019 - 
Nền kinh tế các nước Đông Nam Á đều bị khuynh đảo bởi các ông chủ gốc Hoa. Những ông chủ gốc Hoa này dù lớn đến đâu cũng có thể bị mua lại bởi một ông chủ gốc Hoa khác lớn hơn đến từ Trung Quốc đại lục. Đừng mơ hồ rằng Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam chỉ vì chất lượng thấp, rằng Big C chỉ muốn đưa đến lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng Việt. Hàng Việt sản xuất không có người mua. Người Việt mua hàng nước ngoài. Cái chết của nền sản xuất Việt có thể nhìn thấy trước.
Các siêu thị Big C Việt Nam dần dần thay hàng Việt bằng hàng Thái
Trước sự mất nguồn sống vô cớ của 200 doanh nghiệp dệt may, và trước sự phẫn nộ của công chúng, Bộ Công Thương đã làm việc với Big C. Kết quả là theo thông báo của Bộ Công Thương chiều 4/7/2019, thì Big C tức thì trở lại nhập hàng của 50 doanh nghiệp ngay hôm nay (5/7), sau hai tuần Big C sẽ nối lại nhập hàng thêm 100 doanh nghiệp nữa. 50 doanh nghiệp còn lại sẽ phải thảo luận tiếp theo. Đây là điều đáng khen cho Bộ Công Thương đã phản ứng kịp thời. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Thế vẫn chưa phải là hồi kết.

Không phải yêu nước mù quáng. Cũng không phải bài xích gốc Tàu. Mà hành xử của ông chủ Big C bất chấp quy luật thương mại. Bản chất là cường quyền Sở Khanh, côn đồ, vô pháp. Xa hơn là những mưu mô còn che đậy.

Hãy tìm thấy những khẳng định vừa rồi qua các thông tin dưới đây

THỜI GIAN NGỪNG NHẬN HÀNG NHƯ THẾ NÀO?

Nhà cung cấp phải nhập vật tư theo từng đợt để đáp ứng đơn hàng của người đặt hàng. Phụ thuộc vào nguồn nhập và phương tiện vận chuyển mà thời gian nhập hàng có thể là 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm…

Không phải cứ thông báo ngừng nhận hàng trước là đủ. Mà phải thông báo ngừng nhận với thời gian cho đến hết khối lượng hàng tồn đã nhập về kho và đã đặt hàng. Như vậy nếu thời gian nhập vật tư là 6 tháng thì người đặt hàng sẽ thông báo thôi nhận hàng tối thiểu trước 6 tháng cho đến 1 năm. Đó là cách làm thông thường trong thương mại.

Đàng này, ông chủ Big C đột ngột thông báo chấm dứt nhập hàng vào tháng 7/2019 (báo trước được mấy tuần!). Ông chủ Big C đã hành xử trái với thông lệ thương mại.

ĐẶT HÀNG MỚI NHƯ THẾ NÀO

Muốn thay đổi sản phẩm với chất lượng cao hơn, người đặt hàng phải đưa ra tiêu chuẩn mẫu mã mới. Với sản phẩm may mặc là chất liệu, mẫu mã, kỹ thuật và chất lượng may. Chất liệu mẫu mới phải là nguồn có thể dễ tìm thấy trên thị trường với số lượng lớn, chứ không thể đơn chiếc.

Người cung cấp phải có thời gian làm hàng mẫu đưa cho người đặt hàng đánh giá. Sửa đổi cho đến khi chấp nhận được.

Nếu phải từ chối do không đáp ứng được chất lượng thì người đặt hàng phải chỉ ra các mẫu hàng đang tồn tại của nhà cung cấp khác, để chứng tỏ yêu cầu đặt hàng là khả thi. Đó là cách làm thương mại thông thường của các bạn hàng đường hoàng Chứ không thể “yêu cầu bắt rồng trên trời” rồi lấy cớ hủy bỏ. Ông chủ Big C hoàn toàn đã không đặt hàng mới cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam theo yêu cầu mà ông cần nâng cao chất lượng.

TẠI SAO LẠI NGỪNG NHẬN TẤT CẢ SẢN PHẨM CỦA MỘT LÚC 200 NHÀ CUNG CẤP?

Nếu có sản phẩm nào của nhà cung cấp nào không đáp ứng yêu cầu thì phải thông báo trước để họ sửa đổi. Không có lý gì mà cả một lúc 200 nhà cung cấp đều không đáp ứng yêu cầu ở tất cả các sản phẩm cùng một lúc, và cùng một lúc bị từ chối không nhập hàng nữa.Việc từ chối nhập hàng phải là một quá trình, khuyến cáo, cảnh cáo, mà không sửa chữa, từ cả hai phía, chứ không thể chỉ là thông báo đột ngột từ một phía. Cách làm của ông chủ Big C là không bình thường. Đàng sau cách hành xử của ông chủ Big C phải có những lý do khác.

HÃY NGÓ VỀ CHÂU ÂU

Liên minh Châu Âu khi từ chối nhập hàng, họ thông báo lý do vi phạm cụ thể. Các lý do đó được chỉ rõ bằng số liệu, điều khoản. Hơn thế nữa họ còn chỉ ra phương thức khắc phục. Ông chủ Big C có làm như thế không?

SỞ KHANH

Những kẻ Sở Khanh khi đạt được mục tiêu luôn tìm cách rũ bỏ. Chỉ với những lý do vớ vẩn và vô lý đến mức phải khinh bỉ cùng cả căm phẫn.

Nhưng Luật lệ thương mại chặt chẽ hơn “Luật lệ” tình yêu. Big C không dễ để trốn chạy như Sở Khanh.

TẠI SAO PHẢI PHẢN ĐỐI

Có người cho rằng trong Big C còn nhiều hàng Việt Nam khác. Tẩy chay Big C sẽ đưa đến thiệt hại cho các nhà cung cấp Việt Nam khác. Và rằng như thế là để các nhà cung cấp Việt Nam phải nâng cao chất lượng, đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế.

Họ quyên mất ông chủ Big C dừng nhận hàng dệt may hôm nay của 200 nhà cung cấp một cách cường quyền, tùy tiện, thì ông ta cũng sẽ hành động như thế với các nhà cung cấp Việt Nam khác ngay trong ngày mai. Họ cũng quên rằng việc dừng nhập hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không bắt nguồn từ chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Nhờ phản đối của công luận mà Bộ Công Thương đã vào cuộc. Kết quả không chỉ Big C phải nhập lại hàng mà quan trọng hơn là Big C không dễ gì hành xử tùy tiện nữa trong tương lai. Và đàng sau gương Big C là bài học cho người khác, trong đó có chúng ta.

CHÚNG TA CÓ THỂ TRẢ ĐŨA TƯƠNG ỨNG KHÔNG?

Big C đột ngột tuyên bố ngừng nhập hàng của 200 doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho một tương lai đưa hàng nước khác thay thế thì Việt Nam có đột ngột tuyên bố ngừng hoạt động Big C để tìm nhà bán lẻ khác được không?

Không. Chúng ta không hành xử như vậy.

Nhưng rồi tương lai, với cớ không đáp ứng chất lượng thì hàng hóa của Việt Nam cứ thưa dần trong Big C, đến một lúc chỉ còn hàng ngoại, thì chúng ta có cần Big C ở Việt Nam nữa không?

Câu trả lời dành cho Bộ Công Thương.

NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý KHÁC

1. Ở các nước có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, luật thương mại rất chặt chẽ. Mọi giao dịch đều có luật điều chỉnh và có tòa án độc lập xét xử.

2. Khác với ở nước ta là nên kinh tế thị trường dị lai, nơi luật pháp chưa hình thành đúng nghĩa, nên kẻ non yếu luôn bị bắt nạt và thua thiệt.

BÀI HỌC

1. Nền dân chủ Âu Châu cho phép ngay trong thương mại họ cũng có cách hành xử đường hoàng gần tới sòng phẳng.

2. Khác xa với các ông chủ châu Á phong kiến di truyền cả ngàn năm, chất chứa đầy những mưu mô lọc lõi, lại kèm theo tính nết cường quyền.

3. Nếu không biết đồng lòng chống lại mánh khóe của những kẻ lọc lõi cường quyền, thì chúng ta luôn là kẻ thứ cấp.

4. Ở mặt khác, chúng ta phải không ngừng tự hoàn thiện để theo kịp chuẩn mực tiên phong của quốc tế.

NHÌN XA THÊM NỮA

Nền kinh tế các nước Đông Nam Á đều bị khuynh đảo bởi các ông chủ gốc Hoa. Những ông chủ gốc Hoa này dù lớn đến đâu cũng có thể bị mua lại bởi một ông chủ gốc Hoa khác lớn hơn đến từ Trung Quốc đại lục.

Đừng mơ hồ rằng Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam chỉ vì chất lượng thấp, rằng Big C chỉ muốn đưa đến lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng Việt.

Hàng Việt sản xuất không có người mua. Người Việt mua hàng nước ngoài. Cái chết của nền sản xuất Việt có thể nhìn thấy trước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét