Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Phan Văn Khải: Thủ tướng của doanh nhân, doanh nghiệp

Kính trọng đức độ của Thủ tướng Khải. Bác đã làm việc tốt (cũng chưa phải là rất tốt như bác Kiệt) trong bối cảnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo đường lối phát triển xã hội chủ nghĩa, vẫn chế độ một Đảng, vẫn sở hữu nhà nước làm chủ đạo, DNNN làm nòng cốt, vẫn dựa vào khai thác tài nguyên và vay nước ngoài..., nên phải nói thật dù bác có tiếp tục làm thủ tướng mãi mãi thì đất nước vẫn đi xuống. Thời bác Kiệt (1991-1995), chưa bao giờ đất nước được phát triển tự do như thế, chưa bao giờ tăng trưởng kinh tế lại cao và hiệu quả như thế.
Thủ tướng Phan Văn Khải: Người từ chối ngồi khoang máy bay cao cấp
17/03/2018  - Trong nhiều chuyến đi nước ngoài, bà Phạm Chi Lan chứng kiến nhiều lần ông từ chối ngồi ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng anh em. Thời kỳ ông làm Thủ tướng là thời kỳ rất nhiều biện pháp cải cách được đưa ra. Hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt luật tốt được ra đời như: luật Doanh nghiệp 1999, luật Doanh nghiệp 2005, luật Đầu tư 2005… Các luật này ra đời với tư duy và cách tiếp cận rất mới, rất mạnh dạn so với trước và cũng là kế tiếp tinh thần đổi mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Phan Văn Khải tặng Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bức tranh Bác Hồ với giới công thương Hà Nội nhân dịp công bố "Ngày Doanh nhân Việt Nam" năm 2004. Ảnh: Vneconomy

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ những kỷ niệm, ấn tượng về nguyên Thủ tướng.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông đến dự lễ khai mạc hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội. Khi ấy, với cương vị là Phó Thủ tướng, ông không chỉ phát biểu khai mạc rồi về mà còn đến gian hàng, tận mắt xem các sản phẩm của DN Việt làm ra. Sau đó, ông có cuộc gặp rất thân mật với các doanh nhân trẻ như anh Đặng Lê Nguyên Vũ - cà phê Trung Nguyên, anh Võ Quốc Thắng - gạch Đồng Tâm…

Và nhiều cuộc sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đến với DN một cách bình dị và thực sự lắng nghe...

Trong những buổi làm việc giữa Ban Nghiên cứu với Thủ tướng, ông là người thực sự biết lắng nghe, gần gũi, với không khí làm việc rất dân chủ. Các thành viên của Ban không phải giữ kẽ, không phải e ngại điều này điều kia là cấm kỵ.

Khi phát biểu hay đưa ra một quyết định nào đó, ông đều hỏi ý kiến của các cộng sự xem như vậy có hợp lý không, có tốt không. Không phải lãnh đạo nào cũng tạo cho mình một phong thái học hỏi và mong muốn cải thiện mình như vậy.

Đặc biệt, khi dự thảo các luật, ông luôn đòi hỏi Ban Nghiên cứu phải tham vấn tối đa ý kiến của các cộng đồng liên quan trong xã hội. Thông qua đó, Ban Nghiên cứu đã giúp Thủ tướng thấy rõ lợi ích của đất nước nằm ở đâu, tác động đến kinh tế như thế nào, có những đối tượng nào chịu thua thiệt và làm thế nào để giảm thiểu điều này, nhất là tránh thiết kế những chính sách phục vụ cho lợi ích nhất định mà không phục vụ cho lợi ích chung.

Trong nhiều chuyến đi nước ngoài, tôi chứng kiến nhiều lần ông từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng anh em chuyện trò, kể chuyện tiếu lâm, tạo không khí thân mật, gần gũi giữa người đứng đầu Chính phủ với các DN, với những người giúp việc cho mình.

Đó là một tác phong đáng quý, chiếm được tình cảm của những người làm việc cùng ông.

Món quà tết của Thủ tướng tặng DN


Theo bà, trong gần 2 nhiệm kỳ đứng đầu Chính phủ, đâu là dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?

Nhìn lại qua những năm kinh tế khó khăn, mọi người đều nhìn thấy các con số rất thuyết phục tại thời kỳ ông điều hành. Cụ thể lúc đó kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao, ổn định mà lại không gây ra những vấn đề lớn như nợ công, nợ xấu. Những vấn đề này luôn được ông quan tâm và kiểm soát rất tốt.

Đó cũng là thời kỳ rất nhiều biện pháp cải cách được đưa ra. Hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt luật tốt được ra đời như: luật Doanh nghiệp 1999, luật Doanh nghiệp 2005, luật Đầu tư 2005… Các luật này ra đời với tư duy và cách tiếp cận rất mới, rất mạnh dạn so với trước và cũng là kế tiếp tinh thần đổi mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tôi nghĩ đấy chính là những dấu ấn của ông trong gần 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng. Đối với cá nhân tôi và cộng đồng DN, việc thúc đẩy phát triển cộng đồng DN Việt Nam, nhất là về cơ sở pháp lý là những dấu ấn hết sức mạnh mẽ, dấu ấn rất lớn đối với nền kinh tế nước ta, thực sự đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế sau này.

Việc cắt bỏ hàng loạt giấy phép con những năm 1999-2000 có phải cũng là 1 dấu ấn của nguyên Thủ tướng?

Đây cũng chính là dấu ấn của ông. Trong cách thức làm việc của ông cũng như ông Võ Văn Kiệt là mong muốn các văn bản pháp quy phải biến thành hành động cụ thể.

Khi ra luật Doanh nghiệp 1999, ông cho thành lập ngay tổ thi hành luật Doanh nghiệp, trong đó có 4 thành viên trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Khi chúng tôi đề xuất cắt bỏ hàng loạt giấy phép con, cản trở DN phát triển, không đúng tinh thần “DN được kinh doanh những gì luật pháp không cấm”, Thủ tướng chấp thuận ngay. Tôi còn nhớ, danh mục này được Thủ tướng ký ban hành vào đầu năm 2000, các DN đón nhận rất hồ hởi và coi đó là món quà tết của Thủ tướng tặng DN.

Bà có suy nghĩ gì về việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xin từ nhiệm trước 1 năm?

Việc ông quyết định từ nhiệm sớm là để Thủ tướng mới bắt tay vào làm việc ngay sau Đại hội Đảng chứ phải chờ bầu ĐBQH xong rồi mới bầu Thủ tướng thì phí mất 1 năm trời.

Tôi cho rằng, đây là quyết định mà ít có người làm được.

Theo bà, còn điều gì khiến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trăn trở chưa thể thực hiện?

Trong bài phát biểu trước QH khi từ nhiệm, ông nêu lên một số điều ông tiếc chưa làm được và nhận lỗi với QH, nhân dân. Như tình giải quyết trạng tham nhũng, lãng phí, hiệu quả phát triển kinh tế…

Đấy chính là những gì ông trăn trở và hiện nay các nhà lãnh đạo của chúng ta đang cố gắng làm tiếp.

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-phan-van-khai-nguoi-tu-choi-ngoi-khoang-may-bay-cao-cap-431441.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét