Bài cũ: Thủ tướng Phan Văn Khải chính thức xin từ nhiệm
17/06/2006 Dân trí - Đúc rút những điều đã và chưa làm được cùng những day dứt về sự yếu kém còn tồn tại của bộ máy công quyền - Thủ tướng Phan Văn Khải nhận lỗi trước dân, trước Đảng và Quốc hội. “Tôi chính thức xin từ nhiệm sớm một năm để chuyển giao chức vụ cho một ủy viên Bộ Chính trị khác”. Tự đánh giá đây có thể là lần cuối cùng phát biểu trước quốc hội (QH) với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã bộc bạch như vậy trong bài phát biểu chiều 16/6.Đánh giá cán bộ chưa căn cứ vào kết quả công việc
Thủ tướng chỉ ra yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, đó là con người: “Cần chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn, tạo điều kiện cho con người vươn lên phát huy tiềm lực to lớn, đó là nguồn lực không bao giờ cạn của đất nước”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận trong suốt thời gian qua, sự phát huy nguồn lực, tiềm lực con người còn thấp so với khả năng và yêu cầu: "Điều đó thể hiện rõ trong việc xây dựng đội ngũ lao động tay nghề, đội ngũ doanh nhân, cán bộ nghiên cứu khoa học công nghệ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức trong bộ máy Nhà nước. Đây là nguyên nhân quan trọng kìm hãm bước tiến về kinh tế xã hội, khiến cho nước ta chậm thu hẹp những thua kém về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực”.
Theo Thủ tướng, công tác cán bộ chậm đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi sai lầm trong công tác lãnh đạo, mặc dù đất nước không thiếu những con người tài năng và tâm huyết nhưng do thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài: “Người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, sắp xếp công việc dẫn tới lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự căn cứ vào kết quả công việc, tạo môi trường thuận lợi dẫn đến kẽ hở cho nạn chạy chức” - Thủ tướng nhận định.
Cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả
Sau hơn 10 năm thực hiện cải cách hành chính, hiệu quả đạt được chưa thực chất, nhiều công chức vẫn chưa nhìn nhận mình là công bộc của nhân dân. “Chính phủ, từng Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Vấn đề nào có thể công khai minh bạch thì cần công khai, minh bạch, phải phát huy trí tuệ của dân vào công việc hoạch định chủ trương, chính sách.
Ai có trách nhiệm cung cấp thông tin và trả lời báo chí? cơ quan và công chức vi phạm quy chế cung cấp thông tin cho dân sẽ bị chế tài thế nào? Những người nào đưa tin sai sự thật gây thiệt hại cho người khác thì bị xử lý ra sao?... Những điều như thế phải xây dựng thành thể chế thì chúng ta mới có sức mạnh", Thủ tướng đề nghị.
Thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình trên cương vị người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước, Thủ tướng nói: “Tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trước những khuyết điểm và tồn tại. Vấn đề tổ chức cán bộ tuy có vượt khỏi thẩm quyền của Chính phủ nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi. Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là uỷ viên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe doạ tồn vong chế độ".
Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước dân, trước Đảng
“Tôi cũng hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn phát hiện được sớm các vụ nghiêm trọng kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước QH.
Tôi mong rằng, đồng chí kế nhiệm tôi sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những thành công mà cả những khiếm khuyết, thiếu sót của cá nhân tôi và Chính phủ trong thời gian qua", Thủ tướng nói như tâm sự.
Thủ tướng cũng trích dẫn những con số rất cụ thể cho thấy Thủ tướng và các Phó Thủ tướng luôn tràn ngập công việc khiến không còn thời gian dành cho những nhiệm vụ có tính chiến lược, có tầm vóc lâu dài: “Năm 2005, bình quân mỗi tuần làm việc, Thủ tướng và 3 Phó Thủ tướng phải xem xét, ký trình và ký ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, 76 quyết định xử lý công việc, điều hành, chủ trì 8 cuộc họp, không kể đi họp QH, hợp các cơ quan Đảng, đi trong nước, ngoài nước…
Nói vậy để thấy hoạt động của Chính phủ sau này cần nghiên cứu việc gì là của Thủ tướng, việc gì của các Phó Thủ tướng. Muốn vậy phải rà soát, mở rộng quyền của các cơ quan thường trực Chính phủ, phân cấp mạnh hơn cho các Bộ, chính quyền địa phương, hoàn chỉnh hành lang pháp lý về phân cấp, thể chế quản lý”.
Thủ tướng cũng thông báo, BCH TƯ khoá X đã đồng ý cho ông thôi chức Thủ tướng trước khi hết nhiệm kỳ một năm và sẽ chọn một uỷ viên Bộ chính trị để Chủ tịch nước giới thiệu với QH tại kỳ họp lần này.
Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đưa ra nhận xét về 3 ngày chất vấn thành viên Chính phủ: "Các câu hỏi chất vấn của đại biểu QH và trả lời của các Bộ trưởng thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi dài, phạm vi quá rộng khiến người trả lời khó mà nói gọn được. Một số bộ trưởng chưa tách bạch được trách nhiệm của bộ và trách nhiệm cá nhân bộ trưởng”.
Chủ tịch Nguyễn Văn An cũng đề nghị đại biểu nên nghiên cứu kỹ các vấn đề trước khi hỏi để nâng cao hơn nữa chất lượng chất vấn. “Không phải đột nhiên xem báo, nghe đài rồi hỏi mà phải nghiên cứu, tìm hiểu thì chất vấn mới có chất lượng và hữu ích cho cả bộ trưởng” - Chủ tịch Nguyễn Văn An nhắc nhở.
Chủ tịch cũng thông báo ý kiến cử tri và dư luận khen phần trả lời của 3 Bộ trưởng: Trương Đình Tuyển, Đào Đình Bình, Mai Ái Trực.
Đức Hòa
http://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-phan-van-khai-chinh-thuc-xin-tu-nhiem-1150558059.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét