Cần nhanh chóng làm rõ ông Đỗ Trọng Hưng có oan, có bị người ta hãm hại không?
QUỐC TOẢN 20/03/18 (GDVN) - Cơ quan quản lý cán bộ cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý, loại bỏ những thông tin mang tính chất xấu, độc làm ảnh hưởng tới uy tín cán bộ. Trước đó ngày 19/3, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa có “bồ nhí”. Cụ thể, các thông tin này kèm theo hình ảnh và số điện thoại được cho là của ông Hưng cùng với nhiều tin nhắn qua lại một cô gái mang hình thể “hot girl” rất nhạy cảm khiến dư luận hết sức hoang mang.
Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Quang.
LTS: Không hiếm để bắt gặp những thông tin về đời tư của cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao được công khai, lan truyền trên mạng xã hội, gây tác động không nhỏ trong dư luận, nhân dân. Câu chuyện đồn thổi về việc ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí” cách đây không lâu là minh chứng khá rõ nét cho nhận định trên. Những thông tin này lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội ngay lập tức nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cư dân mạng.Không ít người trong số đó tỏ thái độ kích động, thậm chí lên án cán bộ trước những thông tin chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu vu khống cán bộ.
Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề về ứng xử trên mạng xã hội và sự phản ứng của cơ quan có thẩm quyền trước những thông tin độc hại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín cán bộ.
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Phải bác bỏ những thông tin sai lệch
Thông tin được đăng tải trên mạng xã hội dù đúng, dù sai đều là con dao hai lưỡi. Do đó, những người tham gia mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước những thông tin đã công bố.
Điều rất đáng quan tâm là việc những thông tin này chưa được kiểm chứng rõ ràng, dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía cư dân mạng và nhân dân.
Người dùng mạng xã hội đang thiếu những thông tin định hướng một cách kịp thời dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc trước những thông tin bán tín, bán nghi.
Tại sao chúng ta không công khai, minh bạch thông tin cán bộ trước những sự việc có liên quan để phủ định ngay những thông tin xấu, độc, có dấu hiệu vu khống làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cán bộ.
Việc công khai, minh bạch là cách để bảo vệ danh dự thật của cán bộ.
Bảo vệ cán bộ chính cũng chính là bảo vệ hệ thống chính trị trước những tác động có tính tiêu cực từ mạng xã hội.
Ông Lê Nam, nguyên Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa: “Phản ứng của cơ quan có thẩm quyền cần nhanh hơn”
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, do vậy, việc kiểm soát và xử lý những thông tin có tính xấu, độc trên mạng xã hội không phải chuyện dễ, mặc dù, Quốc hội đã bàn nhiều về vấn đề này.
Nếu nhìn bằng mắt thường, những thông tin xấu, độc, có tính xuyên tạc sẽ rất dễ nhận ra. Các kỹ năng, kỹ thuật khi thực hiện tin nhắn, hình ảnh đều không trung thực.
Nhưng cơ quan nào khẳng định những thông tin đó là giả, vu khống thì chưa có.
Trong khi đó người dân hiếu kỳ lại rất quan tâm và bình luận theo chiều hướng tiêu cực trước những luồng thông tin chưa được kiểm chứng.
Và khi những thông tin chưa được kiểm chứng đúng, sai, thì những thông tin lan truyền trên mạng xã hội tác động tiêu cực không nhỏ tới uy tín, danh dự của cán bộ. Đây rõ ràng là vấn đề cần xem xét, xử lý.
Do đó, câu chuyện phản ứng thế nào trước thông tin có dấu hiệu xuyên tạc, vu khống trên mạng xã hội cần phải được quan tâm.
Ông Lê Nam, nguyên Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Ảnh: vov. |
Tôi nghĩ trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc làm rõ những cá nhân đăng tải những thông tin có dấu hiệu vu khống, hạ bệ uy tín cá nhân kiểu này.
Còn chuyện có hay không câu chuyện đời tư liên quan tới cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa theo phản ứng của mạng xã hội thì trước mắt cơ quan có thẩm quyền phải khẳng định ngay để định hướng dư luận để họ nhận thức được sự đúng đắn về thông tin trên mạng xã hội.
Nói như Kiểm tra, Thanh tra Thanh Hóa thì bộ máy Nhà nước còn đâu kỷ cương nữa! |
Bản thân những người bị tác động tiêu cực bởi thông tin từ mạng xã hội cũng rất mệt, bởi họ không thể tự xử lý cho mình được. Ai rơi vào hoàn cảnh đó là rất đau đầu.
Theo nguyên tắc, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm thì cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ mới vào cuộc kiểm tra.
Những thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội nhiều khi không phải là dấu hiệu vi phạm.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ cần phải có cơ chế, nhanh chóng vào cuộc để xử lý, loại bỏ những thông tin mang tính chất xấu, độc.
Còn bây giờ cứ trông chờ vào cơ chế cũ thì không đủ sức xử lý những tác động tiêu cực từ phía mạng xã hội trong thời đại hiện nay.
Đây không phải chỉ là vấn đề về công tác cán bộ, mà nó liên quan tới công tác xây dựng Đảng, uy tín, hoạt động của tổ chức Đảng ở địa phương chứ không phải riêng gì một cá nhân.
Trước đó ngày 19/3, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa có “bồ nhí”.
Cụ thể, các thông tin này kèm theo hình ảnh và số điện thoại được cho là của ông Hưng cùng với nhiều tin nhắn qua lại một cô gái mang hình thể “hot girl” rất nhạy cảm khiến dư luận hết sức hoang mang.
Trước đó, hồi tháng 9/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng có công văn gửi Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí bác bỏ thông tin "vu khống, bịa đặt, bôi nhọ" người đứng đầu của tỉnh này là ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Hiện cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc để làm rõ những thông tin liên quan tới vụ việc nói trên.
|
QUỐC TOẢN
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Can-nhanh-chong-lam-ro-ong-Do-Trong-Hung-co-oan-co-bi-nguoi-ta-ham-hai-khong-post184614.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét