Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Phát hiện tham nhũng dân vui sao gọi là “nguy hiểm”?

Phát hiện cán bộ tham nhũng dân vui mừng sao lại gọi là “nguy hiểm”?
Dương Ngạn - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban tư pháp Quốc hội diễn ra ngày 5/9 (Hà Nội), ông Nguyễn Mai Bộ, uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng, An ninh nói: “Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng” (http://plo.vn/thoi-su/noi-thang-su-that-moi-chong-tham-nhung-duoc-725416.html).
Càng hô hào chống, chống, tham nhũng càng trở nên nghiêm trọng.
Thật khó hiểu lời ông Bộ nói, phát hiện cán bộ tham nhũng dân vui mừng sao lại gọi là “nguy hiểm”. Nguy hiểm ở chổ nào? Tham nhũng là giặc nội xâm, vậy người dân vui khi diệt giặc nội xâm có gì là sai. Chẳng lẽ, trong nhà nuôi đầy tớ, lương thưởng trả đầy đủ, điều kiện làm việc tốt nhưng nó vẫn ăn cắp tài sản của mình, không phải một lần mà nhiều lần, khi phát hiện được nên buồn hay vui?

Hãy nghĩ xem, cuộc sống người dân thì cơ cực, gánh nặng thuế phí đè nặng trong khi cán bộ lãnh đạo nhiều người sống như vua chúa: biệt thự, xe hơi, con cái du học. Trái ngược như vậy hỏi sao dân không bất bình cho được?

Thực trạng tham nhũng thì đã nhìn rõ, hậu quả cũng đã thấy rõ. Nói thẳng sự thật, cũng nói nhiều nhưng bao nhiêu năm nay có làm được đâu. Đã có biết bao người vì đứng lên tố cáo tham nhũng để rồi chính mình lại trở thành nạn nhân, mà cái giá phải trả là quá đắt. Để tìm hiểu thêm xin hãy đọc bài báo dưới đây: https://laodong.vn/phong-su/nghe-an-bat-luc-voi-nan-tra-thu-nguoi-chong-tham-nhung-526090.ldo.

Nói thật, bây giờ người ta sợ tham nhũng. Vì bây giờ tham nhũng là số đông chứ không phải số ít như trước kia. Ví dụ, nếu trước đây trong một cơ quan, đơn vị 10 người, chỉ 1 hoặc 2 tham nhũng còn đấu tranh được, bây giờ thì hết 9 người tham nhũng, đâu tranh thế nào? Với lại đấu tranh với một tập thể tham nhũng là khó vô cùng. Trong một xã hội mà môi trường để phản biện độc lập không có thì mọi lời nói thật, nói thẳng rất dễ bị quy chụp vào rất nhiều tội, chẳng hạn như: Vi phạm nội quy, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, bội nhọ lãnh đạo, phản ánh sai sự thật, chống đối, phá hoại, thậm chí là phản động… Là đảng viên có thể bị quy là vi phạm điều lệ Đảng.

Muốn tham nhũng phải có chức, có quyền. Người đứng đầu một cơ quan, đơn vị nhà nước vừa là bí thư chi bộ, thủ trưởng cơ quan lại kiêm luôn trưởng ban phòng chống tham nhũng thì chống cái nổi gì? Chủ tịch tỉnh hoặc Bí thư tỉnh lại là trưởng ban chống tham nhũng của tỉnh thì chống ai, ai chống? Mâu thẫu của công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là ở chỗ đó.

Tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có, vậy mà các báo cáo phòng chống tham nhũng hàng năm của các bộ ngành, địa phương và cả chính phủ chỉ phát hiện được vài vụ lẻ tẻ. Chẳng hạn: Yên Bái, một tỉnh nổi tiếng về những vụ phá rừng, biệt phủ của quan chức nhưng 7 năm chỉ tự phát hiện một công chức xã tham nhũng. Bộ Công Thương 10 năm chưa phát hiện được một vụ tham nhũng. Bộ Tài Chính 10 năm, phát hiện 125 vụ tham nhũng nhưng truy tố chỉ 7 vụ. TP.HCM, kiểm tra bội bộ 1 năm, phát hiện 1 vụ tham nhũng... Chỉ lược sơ qua như vậy cũng đủ thấy, thành tích chống tham nhũng và thực trạng tham nhũng chênh nhau như thế nào. Dối trá, bao che, dung túng cho tham nhũng như thế thì bảo dân tin là tin cái gì?

Chung quy lại tất cả là do sự độc tài mà ra. Và đáng sợ hơn nữa, đó lại là sự độc tài tập thể.

Dương Ngạn
Dân luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét