Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Để kiểm soát BOT tốt hơn: Ba vấn đề

Để kiểm soát BOT tốt hơn: Ba vấn đề quan sát được
Nguyễn Quang Đồng, 22/9/2017, Người dân đã đóng thuế, đóng phí đường bộ hàng năm và Nhà nước dùng tiền đó để đầu tư xây dựng quốc lộ. Đó cũng là nguyên tắc căn bản để chống biến công lộ thành tư lộ. Còn việc triển khai các dự án BOT giao thông như hiện nay, thẳng thắn mà nói là vi phạm quyền cơ bản của người dân. Ảnh TL

(TBKTSG) - Làm thế nào để kiểm soát tốt hơn các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông là câu hỏi tiếp tục thu hút sự thảo luận rộng rãi, không chỉ từ người dân, chuyên gia, mà còn từ bản thân các cơ quan nhà nước.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ góc độ kiểm soát quyền lực cũng vừa vào cuộc, coi “BOT” như hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và muốn có hướng tiếp cận phù hợp để kiểm soát. Ghi nhận và tóm tắt lại những thảo luận thời gian qua, ba vấn đề có thể được rút ra, như là những gợi ý để kiểm soát BOT tốt hơn.

Thứ nhất, các dự án BOT là cần, nhưng quyền tự do đi lại của người dân là cao nhất. Việc quyết định cho triển khai dự án BOT trước hết phải đặt trên nguyên tắc: Nhà nước trước tiên bảo đảm quyền đi lại cho người dân như là quyền cơ bản. Cụ thể, đối với những quốc lộ chính, không thể cho phép làm BOT mà cần đầu tư trực tiếp từ ngân sách. Như thông lệ mọi quốc gia khác, hạ tầng (đường/cầu/hầm...) BOT chỉ được xây như là phương án bổ sung thêm cho một hạ tầng giao thông sẵn có. Nhu cầu đi lại cơ bản của tất cả công dân được đáp ứng bằng các quốc lộ. Những ai muốn đi nhanh hơn thì trả thêm tiền để đi cao tốc/đi hầm ngầm BOT do tư nhân bỏ vốn xây. 

Thực tế cho thấy người dân không phản ứng đối với những “trạm BOT” như hầm qua đèo Hải Vân, hầm đèo Cả... Người dân hiểu lợi ích của những BOT như vậy và sẵn sàng trả phí.

Người dân đã đóng thuế, đóng phí đường bộ hàng năm và Nhà nước dùng tiền đó để đầu tư xây dựng quốc lộ. Đó là trách nhiệm chính đáng của Nhà nước để đảm bảo quyền cơ bản: quyền đi lại của mọi người dân. Đó cũng là nguyên tắc căn bản để chống biến công lộ thành tư lộ. Còn việc triển khai các dự án BOT giao thông như hiện nay, thẳng thắn mà nói là vi phạm quyền cơ bản của người dân. Do đó, tư duy chính sách mới, trước hết cần đặt trên nguyên tắc vừa nêu.

Thứ hai, thực hiện ba công khai để kiểm soát BOT. Đó là: 

(i) Công khai gọi thầu và đấu thầu. Mọi gói thầu BOT cần mời thầu rộng rãi, đấu thầu công khai. Chỉ định thầu là nguyên nhân trực tiếp cho tham nhũng, lợi ích nhóm trong suốt thời gian qua. Vì thế, cần tuyệt đối cấm việc chỉ định thầu. 

(ii) Công khai hợp đồng BOT. Bản chất BOT là đưa tài sản công (đất đai, một phần chi phí ngân sách) cho tư nhân khai thác kinh doah trong một thời gian nhất định. Người dân cần biết hợp đồng đó có những điều khoản cụ thể gì để giám sát. Hợp đồng BOT không thể là hợp đồng mật như một hợp đồng thương mại thông thường. 

Và (iii) công khai kết quả kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước cần tham gia kiểm toán kết quả kinh doanh và công khai kết quả đó với báo chí, với người dân.

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, doanh nghiệp là cách thức tốt nhất để chống tham nhũng. Do đó, hô hào “kiểm soát quyền lực” mà không cho báo chí, các tổ chức xã hội đại diện cho người dân được biết về quy trình đấu thầu, về hợp đồng, về kết quả kiểm toán thì mọi nỗ lực sẽ trở thành khẩu hiệu trên giấy. Kiểm soát quyền lực thực chất không chỉ là kiểm soát từ trong nội bộ bộ máy nhà nước. Kiểm soát từ bên ngoài bộ máy - tức giám sát của báo chí, của xã hội - cũng quan trọng không kém. Hai “chân” này cần đi song song với nhau.

Thứ ba, khẩn trương có khung pháp lý mới cho hợp tác công - tư (PPP: Private - Public Partnership). Các dự án/hợp đồng BOT là phần được quan tâm nhiều nhất, nhưng không phải là hình thức duy nhất trong hợp tác giữa Nhà nước (công) và doanh nghiệp tư nhân (tư) liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng. Cần khẩn trương xây dựng một khung khổ chính sách có hệ thống để huy động tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng nhưng trước tiên, đi cùng với đó ta phải có những quy định pháp lý hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn để luật hóa mối quan hệ Nhà nước và tư nhân trong quan hệ hợp đồng đặc biệt này. Công việc này chắc chắn là phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực của nhiều bên: áp lực từ Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ, sự tham gia của giới chuyên gia, người dân và báo chí.

Việc chỉ rõ những “nhóm lợi ích”, những cá nhân sai phạm trong các dự án BOT như gần đây là tín hiệu rất đáng hoan nghênh. Đó là điều kiện cần để kiểm soát vấn đề BOT tốt hơn. Nhưng những nỗ lực này sẽ không thành công nếu thiếu điều kiện đủ: hình thành được khung pháp lý và thực thi được nó, để BOT nói riêng, PPP nói chung trở thành công cụ hiệu quả trong phát triển hạ tầng cho đất nước.

http://www.thesaigontimes.vn/164791/De-kiem-soat-BOT-tot-hon-Ba-van-de-quan-sat-duoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét