Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

(1) Sai lầm của ông Chung: Điều chỉnh QH Khu NGĐ

Nhãn mới: "Sai lầm của ông Chung: Điều chỉnh quy hoạch Khu Ngoại giao đoàn". Tuổi già, thích yên tĩnh, thoáng mát... nên tôi quyết định mua căn hộ trên cao để ở. Tôi đã chọn khu Ngoại giao đoàn vì nơi đây có mật độ xây dựng thấp, có nhiều công viên, vườn hoa, sân thể thao... Khi cần bán căn hộ, chủ đầu tư khu (Tổng Cty Xây dựng Hà Nội) và các chủ đầu tư thứ cấp (chủ ĐT các tòa nhà) đều vẽ ra cho dân thấy vô số ưu điểm của khu này. Tuy nhiên, đúng như cơ chế vận hành của mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa thời man di mọi rợ. Sau khi bán xong hầu hết các tòa nhà, chủ đầu tư thông đồng với các Sở, ban của UBND thành phố Hà Nội, trình Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký quyết định số 2905/QĐ-QHKT ngày 22/5/2017 xóa bỏ hàng loạt các công trình tiện ích cho dân, thay vào đó là hàng loạt tòa nhà cao tầng sẽ mọc lên. Nhìn vào quy hoạch mới, có thể nói khu NGĐ sẽ thực sự trở thành một Linh Đàm thứ 2. Không thể dùng từ ngữ nào khác ngoài từ lợi ích nhóm. Cả một đường dây từ cấp thấp nhất (phường) đến cấp cao nhất là ông Nguyễn Đức Chung đã vì lợi ích riêng, âm thầm thực hiện các quy định của pháp luật về "quy trình" để hợp pháp hóa hành vi cướp đất, cướp các tiện ích của hàng chục nghìn cư dân khu Ngoại giao đoàn. Đây là một hành vi đáng nguyền rủa, giống như chúng đã và đang được làm và bị dân chửi ở khắp nơi trên cả nước, cả Hà Nội. Trước tình hình trên, một mặt chúng tôi kêu gọi người dân cả nước ủng hộ chúng tôi đấu tranh phản đối quyết định sai trái trên của ông Chung. Mặt khác, chúng tôi mở thêm chuyên mục và nhãn mới này để từ nay đăng các bài tố cáo hành vi, gọi nhẹ là sai lầm, gọi nặng là ăn cướp, của ông Chung đối với cư dân khu NGĐ chúng tôi.
Khu đô thị điểm nhấn của Thủ đô: Lúng túng kết nối giao thông
25-09-2017 - Những tưởng được ở khu đô thị đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô nhưng người dân đang sinh sống tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nay phải luyến tiếc vì chót trả rất nhiều tiền để mua căn hộ ở đây vì khu đô thị có nguy cơ bị băm nát khi điều chỉnh quy hoạch trong khi người dân khổ sở vì không được mở đường đi.

Tăng mật độ xây dựng, nâng tầng
Khu đô thị Ngoại giao đoàn nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… Dự án do Tổng Cty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội… Chính vì vậy mà dù tốc độ xây dựng các tòa nhà tại khu đô thị này không rầm rộ nhưng người dân vẫn quan tâm và mua.



Thế nhưng sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn vào năm 2010, mới đây nhất ngày 22/5/2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Như ô đất ký hiệu CC2 được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5% nay được điều chỉnh với mật độ xây dựng tăng 40%.

Ô đất CC3-4 được phê duyệt chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình 5 tầng. Nay điều chỉnh mật độ lên 35% và tầng cao nâng lên 15 tầng +3 tầng hầm. Ô đất CC5 có chức năng công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình 7 tầng được chiều chỉnh lên 27 tầng+ 3 tầng hầm. Dân số khoảng 1.505 người. Ô đất ĐMKT1 có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) không xác định tầng cao mật độ nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng+ 2 tầng hầm.

Khổ vì không thông đường

Theo phản ánh của anh Tuấn Đức sinh sống tại Khu Ngoại giao đoàn, khi mua nhà ở đây, người dân được chủ đầu tư giới thiệu các tuyến đường thông ra đường Võ Chí Công, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, hiện tại cả khu đô thị này chỉ có một con đường duy nhất là đường Đỗ Nhuận dẫn ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào thành phố. Chính vì vậy, việc đi lại của người dân rất khó khăn vì hằng ngày nhiều người phải đi vòng khoảng gần 20 km mới có thể về nhà.

“Mới đây, chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây giáp ranh Khu đô thị Ngoại giao đoàn đã hoàn thiện một con đường dẫn ra đường Võ Chí Công, chúng tôi rất mừng và hy vọng sẽ sớm được đi con đường này. Bởi vì, nếu được đi qua con đường nội khu này, người dân chỉ mất 5 phút để ra đường Võ Chí Công và cũng tránh được cảnh tắc đường hàng giờ tại con đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, con đường này đã được hoàn thành từ tháng 7 nhưng họ không cho cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn sử dụng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư nhưng vẫn không nhận được câu trả lời”, anh Đức nói.

Còn chị Bích Thủy cũng sinh sống trong khu đô thị cho rằng, cả khu đô thị hiện có khoảng 11 tòa nhà đi vào bàn giao với số lượng 2.000 dân cư đã đi vào ở. Tuy nhiên, toàn bộ Khu đô thị Ngoại giao đoàn chỉ có một lối đi duy nhất là đi ra đường Đỗ Nhuận sau đó ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào nội đô. Trong khi tuyến đường Phạm Văn Đồng chật hẹp, thường xuyên ách tắc, nhiều tai nạn. Vì vậy, hằng ngày người dân đối mặt tình trạng tắc đường hàng giờ, rất mệt mỏi. Do đó, người dân kiến nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện các tuyến đường kết nối các khu vực lân cận để cuộc sống của người dân được đảm bảo.

Trước thực trạng này, đại diện Ban quản lý dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn cho biết, con đường nội khu giáp 2 đô thị Tây Hồ Tây và Ngoại giao đoàn là do chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây thực hiện, không phải do chủ đầu tư Khu đô thị Ngoại giao đoàn làm. Gần đây, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều buổi làm việc với hai chủ đầu tư để đẩy nhanh việc thông tuyến đường 60m nối từ Phạm Văn Đồng ra Võ Chí Công. Trong đó, các con đường Khu đô thị Ngoại giao đoàn đều đã được chủ đầu tư hoàn thành, sẵn sàng cho việc kết nối khu đô thị Tây Hồ Tây. Phần đường còn lại do chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây làm. Việc có cho thông đường hay không phụ thuộc hoàn toàn ở chủ đầu tư này. “Sau khi nhận được kiến nghị của các cư dân, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên UBND quận Bắc Từ Liêm để làm thế nào đề nghị chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây sớm kết nối tuyến đường tạo điều kiện cho người dân đi lại”, vị này nói.

Hiện tại, cả khu đô thị chỉ có một con đường là đường Đỗ Nhuận dẫn ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào thành phố. Chính vì vậy, việc đi lại của người dân rất khó khăn vì hằng ngày nhiều người phải đi vòng khoảng gần 20 km mới có thể về nhà.

Theo Ngọc Mai
Tiền Phong
http://cafef.vn/khu-do-thi-diem-nhan-cua-thu-do-lung-tung-ket-noi-giao-thong-20170925084745148.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét