Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Quang Nghĩa hay Trần Tuấn Anh làm bí thư Đà Nẵng ?

Trần Tuấn Anh không chạy về Đà Nẵng được thì còn đường lên chức Thủ tướng sẽ khá xa. Bí thư Đà Nẵng nhiều khả năng được vào Bộ chính trị.
Rộ tin ông Trương Quang Nghĩa về làm bí thư Đà Nẵng
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 23 Tháng Chín, các nhà báo, nhà quan sát ở Việt Nam đồng loạt dự báo trên mạng xã hội rằng Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Trương Quang Nghĩa sẽ về làm bí thư Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương công bố sai phạm.

Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Trương Quang Nghĩa. (Hình: baochinhphu.vn)
Áp lực Đà Nẵng phải sớm có tân bí thư hiện căng thẳng vì thành phố này sẽ là nơi diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) từ ngày 6 đến 11 Tháng Mười Một, dự trù đón tiếp lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên và khoảng 10,000 đại biểu trong và ngoài nước.

Trước đó, fanpage BBC Vietnamese hôm 21 Tháng Chín viết: “Bốn chính khách đang được đồn đoán là ứng viên về làm tân bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, sau khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nêu vi phạm của Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.”

Theo trang này, đó là các ông Phạm Viết Thanh, bí thư Đảng Ủy khối doanh nghiệp Trung Ương, từng giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Vietnam Airlines, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Hàng không Việt Nam; ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Công Thương, từng là tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco; ông Phan Việt Cường, phó bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam; và ông Trương Quang Nghĩa, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải.

Hôm 23 Tháng Chín, nhà báo Nguyễn Trường Uy của báo Tuổi Trẻ đưa bình luận trên Facebook: “Việc chọn đưa Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Trương Quang Nghĩa trở về Đà Nẵng thay (ông) Xuân Anh làm bí thư Thành Ủy là giải pháp an toàn phù hợp với bối cảnh của thành phố vào thời điểm này.”

“Đà Nẵng đặt mục tiêu là ‘4 an:’ an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Nhưng chữ ‘an’ quan trọng nhất với Đà Nẵng lúc này, sau những bất ổn, chính là an dân,” ông viết.

“An dân bắt đầu từ an lãnh đạo. Ông Nghĩa là người Hội An, em của một cựu lãnh đạo Đà Nẵng hiền lành là ông Trương Quang Được. Ông Nghĩa cũng đã có thời gian làm việc ở Đà Nẵng (hai năm làm giám đốc chi nhánh Vinaconex tại Đà Nẵng, hai năm làm phó bí thư Thành Ủy), sau đó kinh qua ba năm lãnh đạo địa phương ở Sơn La và công tác quản lý kinh tế ở trung ương,” ông viết tiếp.

“Mong là ‘giải pháp an toàn’ Trương Quang Nghĩa sẽ giúp Đà Nẵng ổn định, nhanh chóng trở lại với danh hiệu đẹp đẽ thành phố đáng sống,” ông kỳ vọng.

Cùng ngày, nhà báo Dương Quang của báo Người Lao Động viết trên Facebook: “Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Trương Quang Nghĩa về thay Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là đúng như dự đoán.”

Doanh nhân Lê Trọng Vũ, một cư dân Đà Nẵng, bình luận: “Những việc diễn ra ở Đà Nẵng thời gian qua là ví dụ điển hình của bộ máy nhà nước hoạt động theo kiểu song trùng. Cách tổ chức theo kiểu này tập quyền quá lớn ở trung ương, lại không phân quyền hợp lý ở các địa phương, dẫn đến cấp chính quyền gần dân nhất lại không thể chủ động được và luôn phản ứng chậm chạp với các diễn biến xung quanh mình…”

“…Cả Đà Nẵng đang đồn đoán lãnh đạo mới từ Hà Nội điều về để ổn định tình hình nhưng vấn đề của thành phố này không phải nhân sự mà là cách bộ máy vận hành. Thay vài ‘con ốc’ mà vẫn giữ nguyên ‘hệ điều hành’ thì chỉ là ‘bình mới, rượu cũ.’ Sau những gì diễn ra, trung ương nên mạnh dạn cho phép Đà Nẵng nâng cấp ‘hệ điều hành’ bằng cách thí điểm mô hình Chính Quyền Đô Thị và ‘nhất thể hóa’ chức danh người đứng đầu là thị trưởng và do dân trực tiếp bầu lên,” ông viết.

“Một vị trí chính danh như vậy mới đảm bảo cho họ vị trí chính trị vững chắc, trao cho họ thực quyền bổ nhiệm các viên chức hành pháp (phó thị trưởng, giám đốc sở…) để tạo thành một êkip làm việc hiệu quả. Hầm hay cầu, quảng trường ở đâu hay quy hoạch Sơn Trà thế nào thì thị trưởng chỉ nên chịu trách nhiệm trước cử tri của mình, mất lòng dân thì mất ghế thay vì chỉ tìm cách lấy lòng anh Ba, anh Bảy như hiện nay. Tất nhiên, để tránh quyền lực bị cát cứ, nếu vi phạm pháp luật, Hà Nội vẫn có thể cách chức thị trưởng và tổ chức bầu cử lại,” ông gợi ý.

“Chỉ khi làm được vậy, Đà Nẵng mới mong tìm lại được động lực để phát triển mạnh mẽ. Còn những phương án khác, điều ông này hay bà kia về mà không có ý kiến của nhân dân thì đều vô giá trị,” ông nhận định.

Hôm 23 Tháng Chín, báo điện tử VNExpress dẫn lời Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: “Cán bộ thành phố đừng quan tâm lãnh đạo ai ở, ai đi. Những điều này đã làm công chức Đà Nẵng bị xao lãng, phân tâm trong công việc. Cần tập trung làm tốt công việc của mình vì mục tiêu xây dựng Đà Nẵng.” (T.K)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét