Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo và Phan Nhật Nam

Một nhà văn không cho phép mình đánh đồng thể chế mình không ưa với tổ quốc của mình
Lưu Trọng Văn - Gã có tí toáy viết văn nhưng không nhận mình là nhà...văn. Tuy vậy chuyện văn chương là chuyện rung dây động ...lòng con người nên gã cũng quan tâm nhiều lắm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (bìa trái) và Nhà văn Phan Nhật Nam (bìa phải).
Mới đây nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo một tài thơ đương đại của nước nhà có đưa ra lời bình về việc nhà văn Phan Nhật Nam từ chối thẳng thừng lời mời của nhà thơ Hữu Thỉnh nhân danh Hội NV VN về nước dự diễn đàn các nhà văn hoà giải, hoà hợp dân tộc.

Nói cho nhanh, gã tôn trọng ý kiến của Phan Nhật Nam. Và nói cho nhanh nữa gã không đồng tình bác Tạo cho rằng việc Phan Nhật Nam từ chối lời mời là....quá khắt khe.

Vấn đề của một người như nhà văn Phan Nhật Nam từng trải, đau đời, yêu nước chịu cảnh tha hương không hề là chuyện thù hận cá nhân cái chính thể mà bác Thỉnh đại diện cho nhánh văn chương. Nếu vậy, bác Nam quá nhỏ nhặt, tầm thường.

Vấn đề là với tư cách một nhà văn mà những tư tưởng công bằng, nhân văn, bác ái và nghệ thuật đích thực là tôn chỉ của ngòi bút cùng ngòi bút ấy đứng về nhân dân, dân tộc hay không, bác Nam có quyền có những khắt khe của mình. Bác Nam thậm chí có quyền xem xét đối tượng của mình có thành tâm vì quốc gia dân tộc hay không để nhận lời mời. Đó là niềm kiêu hãnh chính đáng của một nhà văn mà ở VN lâu nay nhiều người mang tiếng là nhà văn nhưng bỏ quên mất.

Vì vậy, khi phê bác Nam không mở lòng với bác Thỉnh, thì bác Tạo đã quên yếu tố là niềm tin. Với nhà văn chân chính niềm tin là thước đo của trang viết và sự nghiệp. Bác Nam không tin bác Thỉnh, thì bác Tạo một thi nhân chả phe phái nào cần đặt câu hỏi vì sao bác Nam lại không tin bác Thỉnh chứ? Vậy thì vấn đề là bác Thỉnh chứ đâu phải là bác Nam.

Tuy vậy bác Phan Nhật Nam kính mến à, nếu bác từ chối về thăm tổ quốc và đồng bào của mình, với gã ,lại là câu chuyện khác đấy nhá.

Một nhà văn không cho phép mình đánh đồng thể chế mình không ưa với tổ quốc của mình.

Một nhà văn không cho phép mình đánh đồng những nhà cai trị mình ghét với đồng bào của mình.

Phạm Duy lớn chính ở điều ấy.

Quốc gia, dân tộc hơn bao giờ hết cần những tác phẩm hay nhất, rạng rỡ nhất cho người Việt , và đó là những giá trị đích thực nhất mà nhà văn cống hiến cho quốc gia,dân tộc của mình.

Vâng, ở góc nhìn đó thì sự tha hương hay sống trên quê hương chỉ là chọn lựa của nhà văn mà thôi,vì nó không hề ảnh hưởng đến sự vĩ đại của nhà văn có cống hiến như thế cho quốc gia dân tộc.

Lưu Trọng Văn
(FB Lưu Trọng Văn)

..............

NGUYỄN TRỌNG TẠO - NGHĨ VỀ LÁ THƯ CỦA NHÀ THƠ HỮU THỈNH VÀ THƯ TRẢ LỜI CỦA NHÀ VĂN PHAN NHẬT NAM.

Câu chuyện này đang gây sự chú ý của giới văn chương cả trong nước và hải ngoại. Lá thư của nhà thơ Hữu Thỉnh với tư cách là Chủ tịch hội Nhà Văn VN mời nhà văn Phan Nhật Nam về nước giao lưu với các nhà văn nhân dịp tổ chức "Cuộc gặp mặt Mùa Thu Hà Nội cùng những giá trị bền vững của tâm hồn Việt... trong khuôn khổ một cuộc gặp mặt của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài"; và lá thư từ chối lời mời này của nhà văn Phan Nhật Nam.

Theo tôi nghĩ, Hữu Thỉnh (1942) và Phan Nhật Nam (1943) là hai nhà văn lính cùng thời, cùng thế hệ ở 2 trận tuyến đối lập trong chiến tranh. Trong cuộc chiến, tất nhiên là hai bên mang 2 ý thức hệ khác nhau, 2 lý tưởng khác nhau. Và cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra. Văn chương cũng vậy, cả 2 văn tài đều viết theo lý tưởng của mình. Và cả 2 người đều nổi tiếng. Chiến tranh kết thúc, cả 2 văn tài này cũng có những số phận khác nhau. Hữu Thỉnh được đi học tiếp và trở thành người lãnh đạo hội Nhà văn VN. Phan Nhật Nam bị cầm tù 9 năm rồi sang Mỹ theo diện HO, thành công dân Mỹ và vẫn tiếp tục viết văn. Mỗi người đều đeo đuổi sự nghiệp văn chương của mình.

Cái đau nhất là sau thống nhất đất nước, dân tộc chưa hòa giải được để lòng người Việt trên khắp thế giới này "qui về một mối". Lỗi ở đâu, lỗi ở ai, sau hơn 4 thập niên, các nhà văn đều biết. Và dù hận thù có kinh hoàng đến đâu từ cả 2 phía, thì điều lớn hơn là đều mong cho "nước nhà thống nhất lòng người".

Tôi cho rằng, hệ thống chính trị/thể chế đã quá lạc hậu với thời cuộc và lương tâm dân tộc sau thống nhất, nhưng việc đó không chỉ do hệ thống, mà chính lòng tự ái hay tự trọng quá lớn của bên thắng bên thua sau cuộc chiến đã làm lóa mắt tất cả. Và hận thù lúc này hay lúc khác vẫn chưa lu mờ trong khi các ý thức hệ vẫn còn tồn tại.

Tôi nghĩ, các tài năng văn chương lớn bao giờ cũng vượt qua tất cả những điều đó, để mang tới cho dân tộc Việt Nam những tác phẩm được người Việt và cả thế giới yêu thích - đó là tinh thần nhân văn cao cả.

Chỉ có những nhà văn không cố chấp mới nắm tay nhau đi tới bến bờ mới của tương lai.

Một lời mời là thiện chí. Một lời từ chối cũng không thiếu thiện chí. Nhưng nếu tất cả các nhà văn 2 phía (quá khứ) đều không mời nhau, không bắt tay nhau, thì đó là sự kéo lùi tương lai về hiện tại, thậm chí về quá khứ.

Đã có 11 phi công Mỹ ném bom Việt Nam đã tới Việt Nam gặp gỡ giao lưu đầy thiện chí; và ngược lại, 11 phi công VN đã tới Mỹ trong sự chào mừng hoan hỉ. Họ nói, ngày xưa tìm cách tấn công nhau trên bầu trời, còn giờ đây là những cái bắt tay thân thiện và khâm phục.

Chả lẽ các nhà văn lại từ chối nhìn mặt nhau. Thật xấu hổ với những "giặc lái" đã trở thành bè bạn.

Ngày xưa, chúng ta đã xẻ chiến hào trên chiến trường, trong văn học, giờ đây lại đào thêm hố sâu ngăn cách giữa các nhà văn, thì còn là nhà văn nữa hay không?

Vì thế, tôi không thích lá thư của nhà văn Phan Nhật Nam, dù anh đòi hỏi nhiều điều mà theo tôi, tất cả các nhà văn chúng ta cần phải làm chứ không chỉ hệ thống chính trị/thể chế hiện thời. Vì điều đó không chỉ anh Nam biết và muốn. Chúng tôi cũng vậy thôi, thậm chí đã nghĩ từ rất lâu và đã viết. Nhưng anh là nhà văn thì anh cũng nên coi những nhà văn khác đều có sứ mệnh như mình. Sứ mệnh này đâu phải chỉ riêng anh.

Và tôi biết nhiều nhà văn nổi tiếng hải Ngoại cũng có thể nghĩ như anh, nhưng họ đã vượt qua cái lằn ranh suy nghĩ ấy. Họ sẽ về gặp mặt với các nhà văn trong nước để tận hưởng những ý nguyện của nhau: Văn chương vì con người, vì dân tộc và vì thế giới.

Tôi tôn trọng ý kiến anh Nam, nhưng tôi không nhất trí với anh. Tôi chỉ nhất trí một điều, anh về hay không về, đó là quyền của riêng anh.

Và lời mới của Hữu Thỉnh, theo tôi vẫn là một lời mời có ý nghĩa sâu xa và đáng tôn trọng trong thời điểm lịch sử này.

Nhớ cách đây 2 năm, trong lễ đón Xuân của Hội Nhà Văn VN, tôi có phát biểu, nên có một/nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn trong nước và hải ngoại, đặc biệt là các nhà văn trước đây từng là "đối phương" của nhau, và tôi đã đọc hai câu thơ cười ra nước mắt của nhà thơ Anh Ngọc (một người lính Bắc Việt tham chiến Quảng Trị):

"Ta già, địch cũng già rồi
Dắt nhau đến trước ông Trời phân bua
Trời cười đã biết hay chưa
Thắng thua thì cũng đều thua ông Trời".

P/S Đọc đầy đủ bài thơ của Anh Ngọc:

https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/…/ta-gia-dich-c…/

- Đọc Thư Hữu Thỉnh và Thư Phan Nhật Nam ở đây:

https://hoingovanchuong.wordpress.com/…/nghi-ve-la-thu-cua…/

Nguyễn Trọng Tạo

(FB Nguyễn Trọng Tạo)

1 nhận xét:

  1. Bài Share này thiếu một đoạn, trong [ ]. Nguyên văn của Lưu Trọng Văn:

    “Một nhà văn không cho phép mình đánh đồng những nhà cai trị mình ghét với đồng bào của mình.

    Phạm Duy lớn chính ở điều ấy.

    [ Và gã được biết năm 2007 bác cũng đã âm thầm về VN đi thăm quê, gặp gỡ những văn nhân, bạn bè mà bác quý mến.]

    Quốc gia, dân tộc hơn bao giờ hết cần những tác phẩm hay làm rạng rỡ cho người Việt, và đó là những giá trị đích thực nhất mà nhà văn cống hiến cho quốc gia, dân tộc của mình.”

    Nguồn FB Lưu Trọng Văn, 26/09/2017: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009457401127&ref=br_rs
    https://i.goopics.net/VdXnv.jpg

    Trả lờiXóa