Nguyễn Xuân Anh dưới một góc nhìn khác
Như súng nổ giữa trời quang, bất ngờ UBKT Trung ương Đảng thông báo những sai phạm của bí thư và chủ tịch TP Đà Nẵng và đồng thời Chính Phủ cho thanh tra toàn diện dự án trên bán đảo Sơn Trà và Bộ Công an vào cuộc điều tra 9 dự án, việc mua bán chuyển nhượng tài sản công tại 31 địa chỉ ở Đà Nẵng. Một lần nữa cái tên bí thư Nguyễn Xuân Anh lại trở thành đề tài mà báo chí cũng như mạng xã hội mổ xẻ ở nhiều góc độ. Nào là gia thế, những phát ngôn, chuyện bằng cấp, chuyện nhận nhà, nhận xe…Sở dĩ con đường quan lộ của Nguyễn Xuân Anh thẳng và nhanh là bởi có người cha là cán bộ cao cấp - ông Nguyễn Văn Chi nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm UBKT TW. So với một công chức người bình thường, Nguyễn Xuân Anh cũng như nhiều vị thái tử Đảng khác có bệ đỡ trên con đường làm chính trị. Chính vì vậy nên tuy tuổi còn trẻ nhưng đã giữ chức vụ cao. Đó thật không công bằng. Nhưng ở cơ chế này, chúng ta tạm chấp nhận điều đó như một lẽ thường. Bỏ qua những định kiến, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan, đa chiều về những trường hợp như Nguyên Xuân Anh.
Như chúng ta thấy, từ khi UBKT trung ương thông báo sai phạm của Bí thư và chủ tịch Đà Nẵng. Hàng loạt các tờ báo trong nước lớn điều có bài viết tấn công vào Nguyễn Xuân Anh ở mọi góc độ. Trong khi lại vắng bóng bài viết về Huỳnh Đức Thơ. Điều này khiến không ít người ngờ vực, họ nghĩ về những thuyết âm mưu. Nhưng hãy gác lại chuyện đó, ở đây tôi chỉ muốn viết về Nguyễn Xuân Anh dưới một góc nhìn khác, “lỗi hệ thống”.
Nguyễn Xuân Anh là một người thế nào? Theo lời kể của nhà báo Mạnh Quân, trước khi Nguyễn Xuân Anh dời báo Thanh Niên về Đà Nẵng làm chính trị theo nguyện vọng của gia đình, nhà báo Nguyễn Công Khế đã có lời khuyên ông Nguyễn Văn Chi nên cân nhắc, vì tính cách của Xuân Anh nếu cho làm báo và phát triển lên thì hợp hơn bởi cậu ấy sắc sảo tuy cũng chưa thật chín, lại nhanh nhẹn, thông minh và giỏi tiếng Anh, làm chính trị e không hợp.
Còn nhà báo Lưu Trọng Văn trong một Stt trên facebook có tựa đề “Có cơ hội đâu mà... tiếc” dẫn lời một nhà báo ở Đà Nẵng nhận xét về Xuân Anh “cậu ta nhí nhố lắm”.
Có lẽ, sự thăng tiến qua nhanh đã khiến Nguyễn Xuân Anh không có đủ thời gian cho kinh nghiệm chính trị của mình, hoặc không có tố chất làm chính trị. Điều đó dẫn đến những sai lầm để các đối thủ chính trị của ông khai thác. Và một trong những sai lầm của ông là “phát ngôn”. Chính những phát ngôn mạnh bạo của ông trong 2 năm giữ chức Bí thư Đà Nẵng lại trở thành bằng chứng để người ta quy kết ông cái tội “nói không đi đôi với làm”. Chẳng hạn:
Ngày 7/3/2016, ông điện thoại cho một số lãnh đạo, nói: "Nếu tình trạng tai nạn giao thông không giảm thì sẽ chuyển công tác hoặc cách chức Giám đốc Sở GTVT, Bí thư và Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ”.
Ngày 13/5/2016, ông tuyên bố: "Ở Đà Nẵng, công tác phòng chống tham nhũng tuyệt đối không có vùng cấm. Nếu dính chàm, dù bất cứ người đó là ai, tôi cũng không nể nang hay bao che".
Liên quan đến công tác cán bộ, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI), ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải kiên quyết khắc phục và đi đến loại bỏ mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, quần chúng”.
Khi được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND TP khóa IX, ông phê phán một số lãnh đạo: "Các vị không thể chỉ ngồi đọc báo cáo. Lãnh đạo không tiếp xúc cử tri định kỳ kiểu 'đến hẹn lại lên' mà phải đến tận nơi lắng nghe ý kiến của nhân dân”.
Ngày 20/9/2016, làm việc với lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, ông nói có một số cán bộ nhận tiền chung chi của người dân để xây nhà trái phép. “Xây mỗi nhà trái phép, họ chung chi từ 30 đến 50 triệu đồng cho cán bộ”, ông Xuân Anh nói.
Tháng 12/2106, phát biểu tại hội nghị triển khai chủ trương “thành phố 4 an”, ông nói: "Làm lãnh đạo có to đến mấy, tiền của có nhiều mà con cái nghiện ngập thì coi như thất bại”.
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông than phiền về cơ chế xin cho đang kìm hãm sự phát triển của xã hội. "Cơ chế xin - cho của mình nó lèm nhèm lắm. Ngay như dự án Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, nếu không phải tư nhân làm thì còn lâu mình mới có sân bay". Và ông nghi ngờ ở Đà Nẵng có một số “ông trời con” chuyên vòi vĩnh làm phiền hà người dân và doanh nghiệp. “Có bôi trơn thì hồ sơ của doanh nghiệp mới chạy”.
Rỏ ràng những phát biểu của Nguyễn Xuân Anh thể hiện cá tính của người trẻ - nói thẳng, nói đúng, nói trúng: "Kinh nghiệm anh ấy non, nghĩ sao nói vậy chứ nói chưa đi đôi với làm" - Hồ Việt, Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận xét.
Tại sao Nguyễn Xuân Anh nói mà không làm được? Bởi với cơ chế tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, dù là Bí thư, người lãnh đạo cao nhất của thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh cũng không thể có toàn quyền quyết định mọi việc. Trên thì có Trung ương, dưới thì có nhóm lợi ích chi phối, đó là chưa nói đến sự chống đối của những cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo lớn tuổi.
Nếu đổ lỗi tất cả sai phạm, trì trệ Đà Nẵng lên đầu Xuân Anh thì thật không công bằng. Mà đó là sai lầm từ những người tiền nhiệm, mà Xuân Anh là người thừa kế cái di sản không bền vững ấy. Tác giả Kami trong bài viết “Sai lầm chết người của Nguyễn Bá Thanh” đăng trên RFA, năm 2013 đã đưa ra nhận định: “Đà Nẵng hậu Nguyễn Bá Thanh chưa gì đã báo hiệu nhiều vị đắng", đó là thiếu tiền. Có lẽ đã đến lúc người ta đã hiểu được sự thật những thành tựu của một thành phố lớn của miền Trung hoành tráng được ví ngang hàng với đảo quốc Singapore có được là do từ ngành công nghiệp... bán đất. Và bây giờ hệ lụy của vấn đề này đang mang lại gánh nặng cho ê-kíp lãnh đạo mới của Đà nẵng”. Nhưng thời điểm đó ít ai chú ý.
Xuân Anh non kém về chính trị là một chuyện, nhưng để xử lý những vấn đề có tính lịch sử như ở Đà Nẵng thì Nguyễn Xuân Anh không thể làm được, cho dù có thấy đó, nói ra nhưng cũng bất lực. Với lại Xuân Anh không có uy lực hét ra lửa như Bá Thanh để có thể can thiệt vào hệ thống. Còn việc nhận nhà, nhận xe của doanh nghiệp là một sai lầm chết người, nó cho thấy sự non kém về chính trị. Trước đó ông từng tuyên bố: “Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể từ chức bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi!", nhưng sự thật là ông đã nhận 2 nhà của doanh nghiệp. Đó là gì nếu không phải tham nhũng, nhận hối lộ ? Nhưng nếu so với những lãnh đạo khác, việc nhận nhà, nhận xe của Xuân Anh chỉ là cái móng tay.
Câu chuyện về Nguyễn Xuân Anh sẽ còn được khai thác nhiều trong những ngày tới khi mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nổ súng công phá vào thành trì “lợi ích nhóm” gần như bất khả xâm phạm trong hàng chục năm ở Đà Nẵng. Nhưng cho dù có kỷ luật Xuân Anh thì cái lỗi hệ thống cũng không sửa chữa được. Đất nước này có biết bao nhiêu Xuân Anh mà kể.
Suy cho cùng, cũng chỉ là một con tốt qua sông trong bàn cờ chính trị.
Đ. An
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét