'Đồng bằng sông Cửu Long đang tự chìm rất nhanh'
Biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp, ô nhiễm môi trường đang đe dọa tới tương lai phát triển bền vững ở ĐBSCL. Ngày 26 và 27/9, tại thành phố Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị "Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu". Liên quan tới nội dung này, Báo Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn ThS. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập có hơn 25 năm nghiên cứu về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ở các quốc gia lưu vực sông Mekong - để đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp cơ bản nhất nhằm phát triển theo hướng bền vững ở ĐBSCL.
PV: Thưa ông, hiện nay, vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL được đặt trong bối cảnh như thế nào và có ý nghĩa như thế nào?
ThS. Nguyễn Hữu Thiện: ĐBSCL hiện đang đối diện với 3 thách thức lớn là biến đổi khí hậu, các vấn đề phát triển chưa bền vững trong nội tại, và tác động của thủy điện Mekong từ thượng nguồn.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu đang diễn ra, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất ở ĐBSCL, biểu hiện thông qua sự thay đổi về nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài trong mùa khô, mưa trái mùa, nước biển dâng, và những sự kiện cực đoan như hiện tượng El Nino cực đoan gây hạn trên lưu vực Mekong và xâm nhập mặn gay gắt ở ĐBSCL mùa khô 2016.
Thứ hai, sự phát triển ĐBSCL trong thời gian qua có những cách làm chưa bền vững. Canh tác lúa ba vụ liên tục trong đê bao khép kín làm giảm không gian trữ lũ của các cánh đồng ngập lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.
Nước lũ Mekong không vào đồng ruộng được gây gia tăng ngập ở ngoài đê và các thành phố làng mạc bên dưới và gia tăng khô hạn vào mùa khô.
Việc khai thác nước ngầm quá mức làm cho mặt đất ĐBSCL bị sụt lún, tự chìm rất nhanh.
Trong 25 năm từ 1991-2016, theo báo cáo của Đại học Utretch, Hà Lan, ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm. Báo cáo cũng cho biết tốc độ sụt lún trung bình hiện nay do khai thác nước ngầm theo ước lượng mô hình là 1.1cm/năm, có những nơi sụt lún 2.5cm/năm, cao gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng (khoảng 3mm/năm). Với xu ướng nhu cầu nước ngầm ngày càng tăng ở ĐBSCL, tốc độ sụt lún hiện tại sẽ tăng trong tương lai gần.
Nguyên nhân chính của việc khai thác nước ngầm quá mức là ở ven biển thì khai thác nước ngầm cho sinh hoạt, nuôi thủy sản, và tưới hoa màu còn vùng nội địa thì nước mặt sông rạch quá ô nhiễm từ nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt, và quan trọng nhất là nguồn phân bón, nông dược do canh tác thâm canh ba vụ.
Có thể thấy câu nói nổi tiếng của Samuel Taylor Coleridge, nhà thơ người Anh: “Nước, nước khắp nơi, không một giọt để uống” - hiện nay đã gần đúng với miền sông nước châu thổ Cửu Long. Đa số sông rạch ở đồng bằng không còn bơi lội và dùng cho ăn uống được nữa.
Trong bối cảnh tác động của thủy điện Mekong, việc khai thát cát thiếu kiểm soát ở ĐBSCL đã làm cho bờ sông, bờ biển bị “đói” cát và gia tăng sạt lở.
Thứ ba, tác động của thủy điện Mekong làm giảm lượng phù sa mịn còn 50%, ảnh hưởng độ màu mỡ đất đai, giảm bồi đắp và gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Dự kiến sau này khi 11 đập thủy điện ở Hạ lưu vực hoàn tất thì 100% lượng cát, sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ không thể vượt qua các đập để đi tiếp xuống ĐBSCL. Lượng phù sa mịn còn lại hiện nay sẽ bị giảm 50% một lần nữa. Khi đó bờ biển, bờ sông sẽ thiếu cát nghiêm trọng và sạt lở gia tăng.
Ngoài ra, 11 đập này cũng sẽ chặn đường cá di cư hàng năm. Dự báo 100% lượng cá trắng ĐBSCL sẽ biến mất vì không thể di cư ngược dòng để sinh sản hàng năm. Điều này ảnh hưởng đến dinh dưỡng và thu nhập của người dân, đặc biệt là người nghèo nông thôn và ảnh hưởng đến các loài ăn cá trong hệ sinh thái, nhất là chim, cò, rùa, rắn.
PV: Trong những yếu tố có thể gây tác hại tới sự sinh tồn của ĐBSCL thì đâu là yếu tố nguy hại và đáng lo nhất? Xin ông phân tích rõ.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện: Tất cả các yếu tố trên đề quan trọng, nhưng tác động của thủy điện Mekong là nghiêm trọng nhất và sụt lún là khẩn cấp nhất, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng nghiêm trọng nhưng diễn ra dần dần.
Thủy điện Mekong làm giảm lượng phù sa, cát sỏi về đồng bằng và làm mất nguồn cá trắng là tác động vĩnh viễn, không phục hồi được. Khi không còn phù sa, quá trình bồi đắp tạo nên đồng bằng này trong 6.000 năm qua sẽ dừng lại và quá trình ngược lại, tức sạt lở sẽ diễn ra, không có biện pháp nào tại chỗ ở đồng bằng có thể cưỡng lại được cho đến khi dòng sông tìm được điểm cân bằng mới.
Tốc độ sụt lún gấp gần 10 lần tốc độ nước biển dâng. |
Sụt lún phải được xem là khẩn cấp nhất vì tốc độ sụt lún gấp gần 10 lần nước biển dâng. Đồng bằng đang tự chìm rất nhanh. Đối với sụt lún, không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được. Con đường duy nhất để giảm sụt lún là giảm khai thác nước ngầm mà lời giải nằm ở việc phục hồi nước mặt để có thể sử dụng được như xưa.
PV: Trong bối cảnh đó, theo ông chiến lược phát triển cho ĐBSCL sắp tới nên như thế nào để giải quyết được những thách thức đó và phát triển bền vững?
ThS. Nguyễn Hữu Thiện: Trong bối cảnh đó, việc tìm ra biện pháp phù hợp để thích ứng và phát triển là một thách thức lớn. Hành động thích ứng có thể đúng, mang lại hiệu quả, nhưng mặt khác hành động thích ứng có thể sai, vừa đắt đỏ, vừa tác dụng ngược.
Điều quan trọng nhất trong việc tìm biện pháp thích ứng và chiến lược phát triển cho ĐBSCL là phải hiểu và tôn trọng những quy luật tự nhiên của đồng bằng, tránh cách làm duy ý chí, can thiệp thô bạo vào các quy luật tự nhiên từ cách nhìn ngắn hạn, kiểu “uống thuốc giảm đau”, thấy đâu trị đó, và từ góc nhìn hạn hẹp của một ngành nào đó.
Làm sao để đổi hướng đi cho ĐBSCL? |
Ví dụ, ĐBSCL là hệ thống mở, ăn thông với biển, giao lưu với biển qua hàng trăm cửa sông rạch lớn nhỏ suốt dọc bờ biển. Thủy triểu của biển tạo nên dòng chảy 2 chiều trong sông ngòi đồng bằng, mỗi ngày có nước lớn nước ròng 2 lần trong ngày ở phía biển Đông và 1 lần trong ngày ở phía biển Tây và hàng tháng có 2 lần nước rong (triều cường) và nước kém theo chu kỳ tháng âm lịch.
Cá ở biển cũng phải đi vào đi ra sông ngòi. Nước ngọt sông ngòi chảy ra biển điều hòa độ mặn, độ đục, nhiệt độ, và mang dinh dưỡng ra nước biển.
Nếu từ góc nhìn canh tác bên trong, ta dùng những công trình lớn ngăn mặn, cắt đứt sự giao lưu giữa biển và nội địa thì biển sẽ suy thoái và vùng nội địa cũng sẽ suy thoái.
Đối với biến đổi khí hậu, chúng ta biết biến đổi khí hậu thực sự đang diễn ra, nhưng cần nhớ là các con số dự báo đều do máy tính phỏng đoán, có rất nhiều điều không chắc chắn.
Vậy nên phải hết sức cẩn thận bởi vì hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai mà hành động sai thì đắt đỏ và gây tác động ngược khó sửa.
Ví dụ, ta thấy xâm nhập mặn năm 2016 mà dùng công trình lớn để ngăn mặn như làm đê biển, đắp bít cửa sông thì phản tự nhiên, mất nhiều hơn được và khó sửa chữa. Khi sông ngòi bị tách khỏi biển, không còn tác động triều, không còn nước lớn nước ròng, nước rong, nước kém, thì toàn bộ đồng bằng sẽ bị hủy hoại.
Đối với nông nghiệp, cần chuyển dần từ tư duy “tăng gia sản xuất” sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tức là chuyển từ việc chỉ biết làm ra thật nhiều sang chú trọng chất lượng, thị trường, giữ gìn sức khỏe của đất đai, sông ngòi để cuối cùng là chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với công nghiệp, vì vùng ĐBSCL rất nhạy cảm về môi trường, nhất là môi trường nước, công nghiệp của ĐBSCL chỉ nên ưu tiên đầu tư công nghiệp chế biến để hỗ trợ cho nền nông nghiệp chuyển hướng sang nông nghiệp sạch để nâng cao giá trị của chuỗi giá trị và tránh ô nhiễm nguồn nước mặt và không khí.
Đối với sụt lún, chúng ta đang tự chìm rất nhanh. Đây là vấn đề nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần so với nước biển dâng, cần phải được đặc biệt quan tâm. Vấn đề sụt lún không thể giải quyết bằng biện pháp công trình. Con đường duy nhất để cứu ĐBSCL là phải giảm sử dụng nước ngầm.
Cụ thể, đối với vùng ven biển sử dụng công nghệ (Nano, RO, etc.,.) và chuyển đổi sản xuất sang hệ thống canh tác mặn, lợ, ít phụ thuộc nước ngọt còn đối với vùng nội địa phải giảm ô nhiễm nước mặt từ nguồn công nghiệp, nông nghiệp thâm canh, và nước thải sinh hoạt.
Đối với sạt lở, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên diện rộng của ĐBSCL là do thiếu hụt phù sa mịn và cát, sỏi gây mất cân bằng trên toàn hệ thống.
Xây đê bao để ngăn mặn là phương pháp kém hiệu quả |
Chúng tôi dự báo khuynh hướng sạt lở sẽ diễn biến trầm trọng hơn và sẽ không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể cưỡng lại khuynh hướng này. Cho nên việc cần làm ngay là lập bản đồ rủi ro sạt lở để di dời người dân khỏi những nơi nguy hiểm, quản lý khai thác cát để duy trì bờ sông, bờ biển, không nên dùng ý chí làm trái quy luật tự nhiên, nhất là các biện pháp công trình trái quy luật tự nhiên, vừa đắt đỏ, vừa kém hiệu quả, và trả giá đắt về sau.
Trong bối cảnh những thách thức đó, có những vấn đề từng địa phương sẽ khó giải quyết được, vì vậy cần đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng để một mặt giải quyết những thách thức và mặt khác là cộng lực, tận dụng những cơ hội ở cấp liên tỉnh, trong phạm vi địa lý lớn hơn địa giới hành chính của từng địa phương.
Cúc Phương
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/ban-tuong-lai-dbscl-dong-bang-dang-tu-chim-rat-nhanh-3343739/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét