Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Số DN rời thị trường chạm mức kỷ lục 100.000/năm

Tôi thật không hiểu tình hình hoạt động của các DN trong năm 2020 rất tồi tệ: Số doanh nghiệp phải rời thị trường đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 chỉ tăng 0,8% so với năm trước. Tiền lương và tiền thưởng của người lao động giảm mạnh. Thu ngân sách chưa đạt kế hoạch trong khi chi cũng phải giảm theo. Các phương án tăng lương, bù giá vào lương... đều bị phá sản. Thị trường chứng khoán èo oặt. Giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh (thường xuyên đi chợ nên tôi thấy rất rõ)... Vậy mà chính phủ ông Phúc lấy đâu ra những con số tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ lạm phát thấp và số việc làm mới được tạo ra quá ấn tượng như trong báo cáo cuối năm thế nhỉ ? Phải chăng ông đang báo cáo chuyện thần tiên trên trời.
Số doanh nghiệp rời thị trường chạm mức kỷ lục 100.000/năm
Lê Hoàng, 28/12/2020, (TBKTSG Online) - Cơn bão đại dịch Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào thế càng lúc càng khó chống đỡ, số doanh nghiệp phải rời thị trường năm nay lên hơn 100.000 doanh nghiệp, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Và đây cũng là lần đầu tiên trong một năm số doanh nghiệp rời thị trường chạm đến mốc sáu con số. 
Ở chiều ngược lại, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp ở tuyến đường 
trung tâm TPHCM phải đóng cửa. Ảnh: Hùng Lê
Tháng 12 khép lại năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, cả nước đã có thêm 8.210 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. So với con số bình quân hơn 8.550 doanh nghiệp/tháng rút khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm, dù con số doanh nghiệp rời thị trường của tháng 12 này có giảm chút ít, nhưng nó cũng đã góp phần ghi danh vào kỷ lục số doanh nghiệp Việt Nam rời thị trường chạm đến mốc số hàng trăm ngàn.

Cụ thể theo số liệu tổng kết mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019.

Đáng chú ý, trong số này, có đến 46.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2% so với năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

So với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng năm ngoái là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí... Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19.

Có thể thấy, sau ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi các chính sách hỗ trợ sắp tới từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Trong giai đoạn này, một số lĩnh vực diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn.


Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề với Covid-19. Trong ảnh là một khách sạn tại TPHCM đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh: Đào Loan.

Đại diện một doanh nghiệp bán tranh cho khách du lịch quốc tế ở quận 10, TPHCM cho biết công ty ông đã đăng ký tạm ngừng hoạt động 1 năm nhằm cắt lỗ và các chi phí hoạt động hàng tháng do khách quốc tế không đến được, trong khi tranh ảnh của công ty ông chủ yếu bán cho những du khách nước ngoài. Ông dự tính sẽ quay trở lại thị trường vào tháng 5 năm tới với niềm hy vọng khi đó khách nước ngoài được phép vào thị trường trong nước khi Covid không còn.

Không riêng doanh nghiệp bán tranh này mà nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đăng ký tạm rời thị trường trong năm nay cũng có kế hoạch tương tự.

Ngoài ra, trong năm nay, cả nước có gần 17.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7% và gần 37.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8% so với năm 2019.

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỉ đồng với con số hơn 30.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức "đề kháng" yếu khó có thể trụ nổi giữa "siêu bão" Covid-19 này.

Doanh nghiệp thành lập giảm nhẹ đạt 134.900

Ở chiều ngược lại, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù vậy, đà giảm đã được hãm lại trong những tháng gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm nay, cả nước có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước.

Mặc dù vậy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỉ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.341.900 tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39.500 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577.600 tỉ đồng, tăng 39,3% so với năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179.000 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

https://www.thesaigontimes.vn/312146/so-doanh-nghiep-viet-nam-roi-thi-truong-cham-muc-ky-luc-100000nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét