Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Trump và tin vịt đã giúp đỡ các chính quyền độc tài...

Bài này hay. Các chính thể độc tài rất cần những người như ông Trump để lôi kéo dư luận trong nước quan tâm đến chuyện nước Mỹ hơn là tới những chuyện vi phạm nhân quyền trong nước. Chính những người đấu tranh cho nhân quyền trong nước cũng buồn và chán vì tình hình nhân quyền trong nước ngày càng xấu hơn, trong khi họ không thể làm gì để thay đổi, nên đành phải dành thời gian nói nhiều về nước Mỹ để mở mang dân trí cho người trong nước, qua đó khuyến khích người dân quan tâm tới chính trị hơn. Tôi chỉ không đồng ý với tác giả bài này là coi những thông tin do Trump và người ủng hộ ông đưa ra là tin vịt. Tôi thì không tin tất cả chúng đều là tin vịt vì có rất nhiều thông tin thực sự đã tồn tại và chính xác, có điều một là quy mô của chúng quá nhỏ nên không được tòa án coi trọng và hai là chính nhiều thẩm phán cũng bị mua chuộc hoặc vì bảo vệ đảng phái hay nhóm lợi ích nên nhắm mắt bỏ qua; hậu quả là ông Trump thua kiện liên tục ở các nơi. Kết luận lại là đất nước muốn thay đổi thì trước hết phải dựa vào người dân trong nước muốn thay đổi chứ không thể dựa vào bên ngoài. Bên ngoài chỉ tạo ra cơ hội để các thay đổi trong nước diễn ra dễ dàng hơn. Thế nên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói đúng "nếu làm không tốt công tác cán bộ, chúng ta sẽ tự lật đổ chứ không phải do kẻ thù".
Trump và tin vịt đã giúp đỡ các chính quyền độc tài như thế nào?
Joaquin Nguyễn Hòa 22-12-2020 - Một tác giả người Việt Nam, cô Mai Trương, nghiên cứu sinh khoa học chính trị từ đại học Arizona, có bài phân tích trên tạp chí The Diplomat, nói rằng nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ của ông Donald Trump và diễn biến cuộc bầu cử 2020 đã giúp các quốc gia độc tài châu Á giải quyết được sự chống đối chế độ độc tài từ người dân trong nước.
Hình ảnh có thể có: Le Van Nap
Tác giả Mai Trương mở đầu bài phân tích của mình bằng nhận xét rằng, với sự cầm quyền của Joseph Biden tới đây, các chính quyền độc tài sẽ bị tăng sức ép về dân chủ và nhân quyền từ Mỹ, nhưng họ không cần quá lo lắng vì bốn năm cầm quyền của ông Trump cho thấy rằng, dân chúng ở các nước này thích một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn là một nền dân chủ mạnh mẽ, và dân chúng rất dễ bị thao túng bởi tin vịt.

Phân tích của cô Mai Trương chủ yếu dựa trên quan sát tại ba quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Việt Nam và Hồng Kông. Tác giả nêu ba ý chính:

Thứ nhất, việc ông Trump không chấp nhận kết quả thua cuộc, cứ nằng nặc nói rằng cuộc bầu cử gian lận, là một món quà tuyệt vời cho các chế độ độc tài Đông Á. Các chế độ này xưa nay vốn lo lắng về mô hình dân chủ phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ, hấp dẫn công dân của họ, kích thích họ phản đối, thách thức các biện pháp độc tài. Nay những lời buộc tội, dù vô căn cứ của ông Trump, giúp cho các chính quyền độc tài Đông Á, chứng minh cho dân chúng của họ thấy rằng, nền chính trị dân chủ Mỹ và phương Tây là yếu kém.

Tác giả nêu ví dụ về việc lần lữa không chúc mừng ông Biden thắng cử của nhà cầm quyền Việt Nam. Ngoài việc tính toán ngoại giao (ông O’Brien cố vấn an ninh của ông Trump lúc ấy đang thăm Việt Nam), có thể nhà cầm quyền Việt Nam cũng nghĩ rằng, kết quả có thể đảo ngược, và nếu nó xảy ra, có nghĩa là mô hình dân chủ là một mô hình yếu kém.

Song song với việc lần lữa đó, báo chí do nhà nước Việt Nam quản lý, liên tục đưa tin về các cáo buộc do phe ông Trump đưa ra, mà lại không đưa ra kết quả của những phiên tòa bác bỏ các cáo buộc này. Hình ảnh đó, trước mắt công chúng Việt Nam chứng tỏ dân chủ ở Mỹ chỉ là dân chủ giả hiệu.

Điều thứ hai, theo tác giả Mai Trương, hình ảnh của ông Trump hấp dẫn một số đông công chúng ở Hồng Kông, Hoa Lục và Việt Nam. Đây là hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sẵn sàng tất công cả các định chế hợp pháp. Đây chính là điều mà các chính quyền độc tài Đông Á xiển dương bấy lâu nay. Các nhà nước độc đoán này thường đưa hình ảnh các lãnh tụ mạnh mẽ lên trên hết (Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Jong Un, Tập Cận Bình, Hunsen…)

Một lý do nữa mà dân chúng Đông Á ủng hộ ông Trump, nhất là đối với Hồng Kông và Việt Nam, chính là lời lẽ cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, kẻ thù hiện nay của dân chúng Hồng Kông và Việt Nam. Lý do này cũng là lý do mà những nhà đối kháng ở những nơi này yêu thích ông Trump. Từ đó các chính quyền độc tài Đông Á mới phát hiện ra rằng, những lý do phản kháng của giới bất đồng chính kiến là chủ nghĩa dân tộc, quan trọng hơn là những giá trị dân chủ nhân quyền. Các chính quyền này thấy rằng, hóa ra họ và những người chống lại họ có cùng mục đích, thế thì tốt quá, miễn sao là đừng để cho giới bất đồng chính kiến ấy lên cầm quyền.

Điều thứ ba là hiện tượng tin vịt trong bốn năm cầm quyền của Trump và nhất là tin tức xoay quanh kết quả cuộc bầu cử. Tác giả Mai Trương cho rằng, hiện tượng này giúp cho các nhà cầm quyền độc tài hai cách để định hướng dư luận có lợi cho họ. Đầu tiên là họ thấy rằng, các nguồn tin vịt giúp họ thao túng được dư luận, sau đó là các nguồn tin vịt này làm cho người đọc bị lẫn lộn không biết đâu là thực, hư.

Những nguồn tin vịt xoay quanh cuộc bầu cử được người Việt và người Trung Quốc khai thác triệt để từ Epoch Times và các trang phụ của nó. Hệ thống này vốn của nhóm Pháp Luân Công chủ trương, nhằm chỉ trích chính quyền Trung Quốc, nhưng hiện nay là nơi phát tán tin vịt bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Việt rất nhiều.

Người đọc tiếng Việt trong nước tiếp cận với Epoch Times rất dễ, qua phiên bản tiếng Việt là Đại Kỷ Nguyên, cũng như những phụ bản của nó như Trí Thức Việt, Tân Đường Nhân, mà lẽ ra, với các nhãn hiệu chống cộng, nó phải bị nhà cầm quyền cộng sản cấm và ngăn chận.

Tôi có dịp nói chuyện với một viên chức ngoại giao Việt Nam về các kênh này của người Việt ở hải ngoại. Mặc dù không nói ra, nhưng viên chức này cười với vẻ rất thích thú.

Một điều khác cũng rất tế nhị trong việc chính quyền cộng sản không ngăn chặn các kênh tin vịt mà tác giả Mai Trương chưa đề cập đến, là đối với nhóm độc giả có thể phân biệt tin thật và tin giả, sự tồn tại của các kênh tin vịt ở hải ngoại là một phản ví dụ cho nhóm độc giả này thấy rằng, báo chí trong nước có khi lại đáng tin hơn.

Kết thúc bài phân tích, Mai Trương cho rằng sức ép của chính quyền Biden của Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên, nhưng chuyện nội tại của các quốc gia độc tài là quan trọng hơn, và lịch sử đã chứng minh rằng, những yếu tố nội bộ (dân chúng) cho phép các chính thể này sống còn ngay cả trong điều kiện bị áp lực rất mạnh từ bên ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét