Ông Trump ra đi, dân túy châu Âu tan rã?
Lê Mạnh Hùng, gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Berlin
27 tháng 12 2020 - Bầu cử Mỹ 2020 kết thúc, đương kim Tổng thống Donald Trump đang bực bội vì kết quả ngoài ý muốn thì có một Donald khác lại reo lên sung sướng. Đó là Donald Tusk - cựu Thủ tướng Ba Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu 2014 - 2019 với dòng trạng thái trên Twitter hôm 07/11: "Thất bại của Donald Trump có thể là khởi đầu cho sự kết thúc chiến thắng của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu."Một cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân túy tại Gdansk, Ba Lan, hồi tháng 9/2020, nhằm đối trọng lại với phong trào 'Black Life Matters'.
Phong trào dân túy đang suy yếu
Chủ tịch Quốc hội Đức Wolfgang Schäuble đã từng cảnh báo sau cuộc bầu cử Mỹ tháng 10/2016: Châu Âu đang gặp nguy.
Nhưng chủ nghĩa dân túy, mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự tự do quốc tế và nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trên toàn cầu mấy thập kỷ qua, hiện đang suy yếu.
Giấc mơ một liên minh cánh hữu hùng mạnh Donald Trump, Boris Johnson, Salvini, Orbán, và những người chung chí hướng khác nhằm thay đổi cả châu Âu đã không thành. Người hùng của phong trào dân túy - Donald Trump đã chịu thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020.
Trên thực tế, Boris Johnson, Salvini, Meuthen & Co. đã suy yếu từ nhiều tháng nay.
Đại dịch Covid-19 giáng thêm đòn nặng vào phong trào dân túy châu Âu. Một cuộc thăm dò trên YouGov toàn cầu vào mùa hè năm nay cho thấy xu hướng dân túy ở nhiều quốc gia đã giảm rõ rệt. Đó bao gồm ở các nước Đức, Anh, Đan Mạch, Pháp và Ý.
Tại đại hội toàn quốc đảng thiên hữu AfD ở Đức vào cuối tháng 11, Chủ tịch đảng Jörg Meuthen thất vọng: "Những thành công trước đây đang bị rủi ro hơn bao giờ hết". Một đảng viên khác: "Chúng ta đang châm lửa đốt chính căn nhà của mình."
Đại dịch thu hút sự tập trung chú ý của toàn xã hội. Cách tiếp cận vận động những người dân thấp cổ bé họng chống lại giới tinh hoa nắm quyền lực của lực lượng dân túy tỏ ra kém hiệu quả. Cách diễn giải về đại dịch của các nhà dân túy không hợp với giới khoa học, không được nhiều công chúng ủng hộ.
Khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã giúp nhiều chính phủ củng cố vị thế của mình. Họ liên tiếp đưa ra các biện pháp tháo gỡ, trở thành những người nhân hậu, phân phối tiền tỷ cứu rỗi. Các chính phủ này dường như đang trải qua một thời kỳ phục hưng thần kỳ.
Thủ tướng Angela Merkel hiện đang dẫn đầu danh sách chính trị gia đáng tin cậy nhất của Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng CDU / CSU ở Đức đã gặt hái mức tăng phiếu tín nhiệm từ 26% trong tháng Hai lên 37% vào đầu tháng 12/2020. Bà Merkel hiện đang dẫn đầu danh sách chính trị gia đáng tin cậy nhất của Đức.
Các phê phán, chỉ trích về di cư, chủ nghĩa Hồi giáo và sự hoài nghi đối với nhà nước mà các nhà dân túy cố gắng lớn tiếng đã bị che phủ.
Ở những nơi do người theo chủ nghĩa dân túy nắm quyền, không chỉ có Donald Trump đưa ra một kỷ lục về sự lãnh đạo hỗn loạn với tỷ lệ tử vong cao do Covid-19, đồng minh người Anh là Boris Johnson cũng trông tựa như một người đang bị mất phương hướng.
Recep Tayyip Erdogan hủy hoại cật lực hệ thống dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì quyền lực.
Ỷ thế châu Âu cần Thổ để ngăn chặn dòng người tị nạn, với 16 năm cầm quyền, Erdogan đã tung hoành ngang dọc, nhưng cũng không thể đi trái mãi quy luật tự nhiên của chính trị.
Bầu cử đã thay đổi lãnh đạo ở một số thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara và Istanbul đã vào tay phe đối lập, bất chấp sự kiểm soát hoàn toàn truyền thông của Erdogan. Chiến thuật đổ vạ suy thoái kinh tế cho "các thế lực nước ngoài" không còn có tác dụng. Người dân Thổ cho thấy họ có thể bẻ gẫy cánh một chính trị gia thế lực như Erdogan.
Nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng: "Với thời gian và các bước đi của mình, Putin với nước Nga ngày càng cô độc hơn trong châu Âu"
Tiên phong cho chủ nghĩa dân túy châu Âu phải là Putin của Nga.
Là người đầu tiên tìm thấy kẽ hở trong trật tự dân chủ tự do của phương Tây, triệt để lợi dụng nó, Putin và Nga rất tích cực trong việc hỗ trợ cho các phong trào dân túy ở châu Âu. Báo cáo của Mueller cũng nói rằng Nga có quan hệ với Tổng thống Trump. Phương Tây mô tả Nga luôn muốn làm EU mất đòan kết, suy yếu, thậm chí tan rã để trục lợi.
Sử dụng bàn tay sắt, thanh toán lạnh lùng những người đi đầu phía đối lập là đặc điểm nổi trội của thời kỳ Putin. Phong cách ông trùm của Putin tạo ấn tượng bí hiểm, trái ngược hoàn toàn với một Donald Trump xốc nổi, lớn tiếng, nhiều lời.
Với thời gian và các bước đi của mình, Putin với nước Nga ngày càng cô độc hơn trong châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, những khó khăn kinh tế trong nước bị trầm trọng thêm bởi Covid-19 khiến hình ảnh Putin càng tệ hơn, thách thức sự vững chãi chiếc ngai vàng của Putin. Tìm cách củng cố quyền lực và trốn tránh trừng phạt trách nhiệm tới khi chết là một biểu hiện của sự sợ hãi.
Tồn tại nhưng không có tương lai
Loài người chắc chắn sẽ còn nhìn thấy xuất hiện thêm các hình ảnh cởi trần, phi ngựa, cầm súng liên thanh, lái xe tăng, máy bay, nghe thêm những phát biểu cộc lốc, ngốc nghếch, ngang tàng, chứng kiến thêm những thái độ bất chấp, phá phách của các chính trị gia dân túy trong tương lai.
Chủ nghĩa dân túy châu Âu đang suy yếu ở mức trầm trọng, nhưng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại bởi chủ đề ban đầu của nó không biến mất.
Marine Le Pen lại đang đề cập đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và nhập cư, sau các cuộc tấn công ở Pháp trong những tháng gần đây. Việc chừng mực hơn trong giọng điệu dường như đã giúp ích cho nữ chính trị gia Pháp này ít nhiều.
Các cuộc thăm dò cho thấy đối đầu với Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 sẽ là phe dân túy cánh hữu Pháp.
Lega bên Ý của Salvini vẫn là đảng mạnh nhất trong các cuộc thăm dò ở Ý, với 23 đến 25%.
Orbán và Kaczynski chày bửa về vấn đề nhà nước pháp quyền ở Hungary và Balan, sẵn sàng "chơi rắn" khi đàm phán với quan chức EU về ngân sách 2021 và khoản tiền cứu trợ chống Covid-19. Họ vẫn thắng bởi biết thóp lãnh đạo EU phải nhượng bộ vì mong muốn sự ổn định trong khối.
Dẫu vậy, sự tiếp quản Nhà Trắng của Joe Biden chắc chắn sẽ đem tới nhiều hỗ trợ cho EU, khuyến khích Liên minh châu Âu gây áp lực lên chính phủ Budapest và Warsaw để chấm dứt việc phá hoại nhà nước pháp quyền ở các quốc gia này.
Sự ra đi của Donald Trump khiến giảm bớt sự bảo trợ từ Mỹ cho những ý tưởng cực đoan không chỉ của lãnh đạo hai quốc gia Đông Âu cũ trên mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Ivo H. Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nói với Wall Street Journal: "Mọi thứ đang thay đổi về cơ bản."
Khủng hoảng kinh tế và xã hội vì đại dịch Covid-19 cũng có thể sẽ tạo ra ít nhiều cơ hội cho chủ nghĩa dân túy, bởi nó khơi gợi sự giận dữ đối với các nền chính trị truyền thống, kích hoạt việc chống lại giới tinh hoa với lập luận rằng giới này đã thất bại trong việc chống dịch.
Nếu hiểu chủ nghĩa dân túy một cách nôm na là "làm cho dân chúng say sưa", nắm bắt và đáp ứng thật nhanh khao khát của một bộ phận dân chúng nào đó bằng những chính sách ngắn hạn, mang lại cái lợi nhãn tiền, khiến họ hài lòng, thì quả thật những gì Donald Trump hứa hẹn là "chủ nghĩa dân tộc quốc gia cộng với chủ nghĩa dân túy kinh tế" đã trở thành một công thức, được chứng minh khá được ưa chuộng ở không ít quốc gia.
Trung Quốc "đả hổ diệt ruồi" còn ở Việt Nam có "chiến dịch đốt lò"
Cũng có thể thử tham khảo qua châu Á để thấy chủ nghĩa dân túy đã lan rộng ra toàn cầu và vẫn còn cơ hội tồn tại như thế nào.
Chỉ với các khẩu hiệu thật đơn giản "Đả hổ, diệt ruồi", "Chiến dịch đốt lò" ở Trung Quốc và Việt Nam, số đông dân chúng dường như đã quên hẳn sự cần thiết phải xây dựng một nhà nước thực sự pháp quyền, có cơ chế tự động giám sát, phát hiện và trừng trị tham nhũng thường xuyên, hiệu quả, cho dù kẻ phạm lỗi là thủ tướng, tổng thống hay chủ tịch nước (như từng diễn ra với tổng thống thứ 10 của Đức Christian Wulff vào năm 2012).
Dân chỉ hân hoan mỗi khi một quan tham bị trừng trị theo chỉ thị, một "củi gộc" bị đưa vào lò mà đâu có hay còn có biết bao nhiêu vụ tham nhũng khác sẽ không thể bị phát hiện. Những người khởi xướng các chiến dịch chống tham nhũng đâu có sống mãi để thi thoảng lại phát động một chiến dịch, đôn đốc thực hiện nó.
Với châu Âu thì sự bất hợp lý trong phân chia lợi nhuận đối với tầng lớp trung lưu và giới lao động, những bất cập của nền dân chủ, tự do và chính trị truyền thống khiến các bộ máy chính phủ hoạt động trì trệ, yếu kém, vấn đề bản sắc dân tộc được coi là bị đe dọa bởi làn sóng nhập cư... là ba nhân tố chính vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy tồn tại và tiếp tục khuynh đảo châu Âu trong một thời gian nhất định.
Chủ nghĩa dân túy châu Âu thông qua các chính trị gia dân túy đã bộc lộ khá rõ bản chất thật của mình, đó là chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ, phân biệt chủng tộc và cùng với sự tôn vinh lãnh tụ cá nhân, phá hủy các định chế dân chủ, nhà nước pháp quyền, báo chí độc lập, tự do, con đường dẫn tới độc tài chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nếu ai để ý sẽ dễ thấy, cách tuyên truyền của chủ nghĩa dân túy nặng về khai thác các vấn đề của xã hội, thiếu vắng các sáng kiến có tính xây dựng. Điển hình là làn sóng chế biến và phát tán fake news rầm rộ, gây xáo trộn xã hội trong thời gian gần đây.
Các hành động trong thực tiễn của chủ nghĩa dân túy ngày càng tiến gần hơn tới xu hướng cực đoan, gây rối, phá họai. Các cuộc biếu tình chống các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 lây lan ở Đức và việc cho người xông vào tận bên trong trụ sở Quốc hội Đức lăng mạ, đe dọa các đại biểu dân cử của Đức gần đây là một thí dụ rõ nét.
Chủ nghĩa dân túy cũng tựa như mốt, nó đến rồi nó sẽ đi. Nền dân chủ phương Tây được hình thành và thử thách cả trăm năm nay có khả năng phản ứng tự vệ. Việc chống chủ nghĩa dân túy sẽ giúp các nền dân chủ hòan thiện mình hơn, đến gần với dân hơn.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã vững chãi, tự tin nhấn mạnh trên tờ "Frankfurter Allgemeine Zeitung" hôm 08/11 rằng: "Lý trí và sự tin tưởng vào nền dân chủ đang trở lại."
Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do sống tại thủ đô Berlin, Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55459541
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét