Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Đi tìm pho tượng Lê-nin ở Berlin

Đi tìm pho tượng Lê-nin ở Berlin
Kỹ sư Đỗ Quang Nghĩa, Berlin
Ở một năm nào đó hồi thập niên 1980, tôi có đọc trong một cuốn sách của Nguyễn Quân, rằng bức tượng Lê-nin ở Berlin có tính hoành tráng. Ngày ấy, ai mà nghĩ đến có ngày phải tháo dỡ bức tượng. Năm 1991, Đông Đức không còn tồn tại, người ta, dân Đông Đức cũ, muốn xóa đi một phần quá khứ, trong đó có bức tượng kia. Họ gỡ tượng đài thành 129 phần. Riêng cái đầu lãnh tụ là một phần, khoan 4 lỗ trên đỉnh để dễ bề xử lý. Rồi tất cả đem chôn ở một vùng rừng ven Berlin. Ngày tháo bức tượng cũng không ai nghĩ đến ngày lại đào nó lên, bốc mộ!
"Hoành tráng"
Cái hồi tôi ở nước Đức lần đầu, nếu biết về nó, có lẽ tôi đã đi tìm xem. Nhưng hồi đó khái niệm "hoành tráng" trong nghệ thuật còn mờ nhạt lắm. Mà nếu có, một pho tượng lãnh tụ khó mà coi là tác phẩm nghệ thuật, nó nghiêng về phía chính trị, là tuyên truyền.

Cái hồi ở nước Đức, lần đầu tôi còn nhớ là đọc tin trên báo Nhân Dân, tổng bí thư thời đó (là Lê Duẩn?) xúc nhát xẻng đầu tiên để bắt đầu công trình dựng tượng Lê-nin ở Hà Nội.

Sang Đức lần hai, rồi về sống tại Berlin, tôi có ý tìm xem pho tượng này, vẫn là ám ảnh "hoành tráng", chứ không phải để kính viếng một bậc lãnh tụ cộng sản.

Bặt hơi tăm cá! Kinh nghiệm cá nhân tôi cho biết là mình không nên hỏi đồng hương người Việt, về một chuyện như thế.

Sau này, trong một khóa học về làm thuế, tôi hỏi ông giáo viên già người gốc Berlin, ông này, tình cờ sao, lại có họ Marx, rằng ông có họ với ông Karl Marx không.

Ông bảo không! Cuối khóa ông già còn tặng một số bưu thiếp và phong bì thư có dán tem Đông Đức cũ. (Ông bảo, có một mốt sưu tầm tem và cả cái phong bì mà nó cưu mang.) Nhờ ông mà tôi biết cái quảng trường trước đặt tượng Lê-nin nay là quảng trường Liên Hiệp Quốc (Platz der Vereinten Nationen).

Quảng trường đó tôi đã qua lại nhiều lần, giờ mờ nhạt lắm, chẳng còn gì có thể gợi nên hai chữ hoành tráng.

Một lần, lúc qua phố Greifswalder của Berlin, tôi tưởng mình thấy một bức tượng Lê-nin bèn mang máy ảnh đến chụp lia lịa, nhưng hóa ra đó là tượng Ernst Thälmann. Nhìn ảnh thì hai ông khác nhau hoàn toàn, nhưng lên tượng, phải là cái gì lãnh tụ tính, thì họ như sinh đôi cùng trứng.

Thế còn tượng Lê-nin? Sao bảo người ta có hiệp ước thống nhất Đức 4 + 2???

"Cảo thơm lần giở trước đèn"

Tôi lại phải lọ mọ tìm hiểu cái hiệp định bốn cường quốc (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp) và hai nước Đức kia.

A, người ta quy định: quân đội Đức từ 500.000 giảm xuống thành 370.000 và chỉ được giữ ở mức ấy.

Nhánh quân Xô viết phía tây, đóng trên lãnh thổ Đông Đức và Đông Berlin, sẽ về nước, chậm nhất đến cuối năm 1994.

Liên quan đến các tượng đài và nghĩa trang Xô viết là thỏa thuận sau đó hai năm, chúng sẽ được bảo tồn và gìn giữ, có thay đổi gì, phải được sự đồng ý của nước Nga (không Xô viết).

Vậy các bức tượng Lê-nin không nằm trong thỏa ước, mà nếu có thì cũng đã quá muộn.


Tượng Lê-nin tại Công viên Lê-nin ở Hà Nội

"Good Bye Lenin!"

Đó là một bộ phim tâm lý xã hội của Đức, sản xuất vào năm 2003.

Các tác giả muốn phản ánh lịch sử của Đức trong những ngày cuối cùng của Đông Đức qua bi kịch của một gia đình nhỏ ở Đông Berlin. Cuốn phim thành công không phải bởi những cảnh hoành tráng, âm mưu mà bởi người xem xúc động bởi tấm lòng của đứa con trai 21 tuổi dành cho người mẹ đột quỵ của mình. Tấm lòng không bị què quặt bởi một chế độ hà khắc, phi nhân.

Anh ta, vì bà mẹ phải nằm liệt giường, không muốn mẹ phải chịu những căng thẳng thái quá, dựng lại, giữ lại cho bà mẹ trên giường một cuộc sống như thời Đông Đức nay đã là quá khứ.

Một ngày kia, trong lúc anh chàng ngủ gật, người mẹ, đã hồi sức ít nhiều, lẻn ra phố. Ngoài đó bà thấy một chiếc trực thăng, chiếc trực thăng đang đong đưa bức tượng Lê Nin trên bầu trời Berlin.

Đó là ngày 8/11/1991.

"Đi tìm thời gian đã mất"

Kể cũng kỳ lạ, "có nước nào như nước ấy không", mấy triệu công dân Việt lướt sóng qua các chế độ chính trị của lịch sử loài người như đi vào một cuộc chơi mà mình trúng quả.

Trong bộ phim nổi tiếng trên cũng có đến hai lần người Việt ở Berlin, dĩ nhiên, xuất hiện.

Là cái lần nhân vật chính, cùng đồng nghiệp - nay làm nghề lắp ráp "chảo" ăng ten Parabol cho tivi - đi chào hàng các nhà bằng cách cứ bấm cửa các nhà. Một cái cửa như thế mở ra, loáng thoáng bóng mấy thanh niên, một anh hỏi, không lấy gì thân thiện "Các ông muốn gì?" rồi đóng sập! Chắc để giữ tính lịch sử cho phim, người ta giữ nguyên như thế, không dịch, không chú thích!

Bức tượng Lê-nin khánh thành trên 50 năm trước, ngày 19/4/1970, bảy ngày trước 100 năm ngày sinh của ngài.

Bức tượng đặt trên quảng trường Lê-nin, diễn văn khánh thành do W. Ulbricht, Tổng bí thư Cộng sản Đông Đức lúc đó, đọc.

Tham gia đại lễ, dĩ nhiên còn các đại biểu tiên tiến các tầng lớp nhân dân và đại diện các nước XHCN anh em.

Số phận bức tượng, ai ngờ, cũng không ấm chỗ như người khánh thành nó.

Tháng Giêng năm sau, 1971, Ulbricht bị Honneker lật khỏi bệ tổng bí thư.

"Một ngày dài hơn thế kỷ"

Cũng là tháng Tư, nhưng là năm 1917, có một chuyến tàu huyền thoại chở gần 30 nhà cách mạng bôn-sê-vic Nga: Lê-nin, một số người khác, trong đó có Karl Radek, sau sẽ bị Stalin thanh trừng, và bà Nadejda, vợ ông.

Chuyến tàu, khởi hành chiều ngày 9/5 ở Zürich, Thụy Sĩ, qua Mannheim, Đức, ngày 10, rồi Frankfurt am Main và Berlin.

Cái duyên của Berlin với Lê-nin người thực việc thực chắc chỉ ngần ấy. Đoàn người trên còn qua Thụy Điển, rồi mới đón tàu qua Nga, ga Phần Lan, 23h đêm 16/04/1917.

Sau này, Stalin sẽ đòi ghép hình mình vào bức ảnh lịch sử đón Lê-nin ở ga Phần Lan, mà dĩ nhiên là Stalin khi đó không ở đó.

Sau này, Stefan Zweig, nhà văn Áo nổi tiếng về truyện ngắn và các bài khảo cứu tuyệt vời, đã viết về chuyến tàu trên, năm 1927, trong cuốn sách "Những giờ phút trọng đại của nhân loại" (Sternstunden der Menschheit):

Hàng triệu phát súng giết người trong Thế Chiến [Thế Chiến I], nhưng không phát súng nào đi xa hơn, định mệnh hơn, trong lịch sử hiện đại, so với chuyến tàu này, chuyến tàu chở những người cách mạng nguy hiểm nhất, triệt để nhất của thế kỷ, chạy xuyên qua nước Đức, để đến Petrograd mà lật đổ trật tự thời đại.

"Tượng Lê-nin ở Berlin"

Thực là tôi chỉ định tìm một bức tượng Lê-nin ở Berlin, thế nhưng hóa ra còn ít ra ba bức khác.

Có một bức ở Tây Berlin hẳn hoi, mà xúc phạm nhất là không ai còn biết nguồn gốc, đặt thẳng trên đất, không ban bệ, như thể là một anh gác cổng vô danh.

Một bức khác, là tượng bán thân, vốn ở trong vườn trước Đại Sứ quán Liên xô, nay là Nga. Năm 1997, lấy cớ sửa sang khu nhà, người ta chuyển bức tượng vào sân trong.

Một bức khác nữa, bán thân của bán thân, hay còn gọi là phù điêu, gắn trên tường nhà chứa bể bơi phố Behrenstraße, nó đây: bị gỡ lúc nào, trước tháng 2/2011, người ta cũng chẳng rõ.


Đỗ Quang Nghía: "Phù điêu Lê-nin từng được gắn gắn trên tường nhà chứa bể bơi phố Behrenstraße"

Hãy trở lại với bức tượng chính:

Berlin sau Thế Chiến II bị chia làm bốn phần.

Phần Tây Berlin, vốn là của ba cường quốc Anh Pháp Mỹ gộp lại, bị xây bức tường năm 1961, coi như không thay đổi về đất.

Đông Berlin thì phát triển chóng mặt, bởi đó là bộ mặt ngoảnh ra phía Tây của chủ nghĩa xã hội. Quảng trường Lê-nin ra đời 1967, và người ta muốn đặt tượng Lê-nin ở đó.

Tổng công trình sư của quảng trường thực ra chỉ muốn một bức tượng khiêm nhường, "như người thực", nhưng ý chí của các bậc lãnh đạo muốn nó phải phi thường, "hoành tráng".

Chính phủ Đông Đức đặt hàng nhà điêu khắc N. W. Tomski, chủ tịch Viện hàn lâm Nghệ thuật Liên Xô, thực hiện.

Bức tượng hoàn thành cao 19m, gồm cả bệ và là cờ đá đứng sau: 26m.

Bức tượng Lê-nin trên tem Công hòa dân chủ Đức

Ngày ấy, ai mà nghĩ đến có ngày phải tháo dỡ bức tượng.

Năm 1991, Đông Đức không còn tồn tại, người ta, dân Đông Đức cũ, muốn xóa đi một phần quá khứ, trong đó có bức tượng kia.

Người Đức đã không phải là người Đức nếu người ta giật đổ "thần tượng".

Họ gỡ tượng đài thành 129 phần. Riêng cái đầu lãnh tụ là một phần, khoan 4 lỗ trên đỉnh để dễ bề xử lý. Chi phí thời đó là 100.000 D-Mark (tính ra giá hiện thời, khoảng 82.000 euro). Rồi tất cả đem chôn ở một vùng rừng ven Berlin.

"Nhớ ai như nhớ thuốc lào"

Ngày tháo bức tượng cũng không ai nghĩ đến ngày lại đào nó lên, bốc mộ!

Berlin là thủ đô của nhiều thứ, trong đó có văn hóa. Và có một người, bà Andrea Theissen, muốn tổ chức một cuộc triển lãm lớn (tôi tránh nhắc lại chữ hoành tráng): "Enthüllt. Berliner Denkmäler".

Ở đây người ta chơi chữ, Enthüllt là tháo bỏ những gì che giấu, cũng là động tác kéo tấm vải, che một bức tượng để ra mắt công chúng.

Các bức tượng ra mắt trong triển lãm trên đều là các bức tượng vốn bị chôn vùi, vì chiến tranh thế giới thứ hai, đa phần vua chúa Đức, ví như Friedrich Đại đế. Vậy, làm sao mà bà A. Theissen lại nghĩ đến Lê-nin?

Chỉ biết rằng từ lúc có ý định tìm cái đầu bức tượng đến lúc đưa nó về nơi định triển lãm là đã mất sáu năm.

Sáu năm vì lúc đầu chính quyền địa phương lúc đầu không cho phép, rồi khi cho phép lại không hợp tác, rồi khi hợp tác lại không biết nó ở đâu, không còn "tài liệu gốc Thủ Thiêm"!

Rồi đến lúc khai quật lại còn phải chú ý đến chủ nhân chính thức ở đó là những con thằn lằn.

Thằn lằn? Ừ, thằn lằn!

Thằn lằn thích phơi nắng mùa hè, như thế cần mô đất cao. Ẩn náu mùa đông, như thế cần khe đá.

Chỗ chôn vùi bức tượng là một nơi lý tưởng cho thằn lằn, còn ở đâu mà nhiều đá hoa cương Ukraina đến thế, phần đầu bức tượng dưới đất sâu 3m, các phần sau chắc còn sâu hơn.

Để động thổ chỗ đó người ta phải mang các xô nhựa tới, đưa thằn lằn vào đó, rồi kính cẩn chuyển đi chỗ khác, để khỏi kinh động đến các nhà bảo vệ động vật.


Phần đầu của tượng đài Lê-nin khổng lồ nay được khai quật và để trong triển lãm sau một thời gian chôn trong khu rừng ven Berlin

Hiện thì người ta mới đưa ra ánh sáng phần đầu bức tượng, khôi phục ít nhiều, rồi đặt nằm nghiêng trong triển lãm đã nói. Không còn gì liên quan đến Hoành tráng.

"Cơn bão đỏ đi qua địa cầu"

Cơn bão đen Phát-xít kéo dài mười mấy năm, cơn bão đỏ trên bảy mươi năm, và còn đọng lại với những biến hình ở mấy nước "mà ta biết rồi đấy".

Những pho tượng không phải là bóng, là diều, mà nổi chìm phận nước, phận nhân loại.

Những đắng cay thế hệ, và nhân loại, chồng lên các cay đắng phận người.

Ông Lê-nin, con người ham cách mạng, đúng hơn là ham quyền lực, là một vĩ nhân tạo ra một biển máu, lúc sinh thời ở Nga, lúc tử thời ở tất cả các châu lục.

Những pho tượng đồng, những pho tượng đá hoa cương của ông không đi vào bất tử, không phải vì chất liệu tạo ra nó.

Hàng năm, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 (mà thực ra là Tháng 11), chính quyền thành phố Hà Nội vẫn đến đặt hoa bên tượng Lê-nin ở công viên Lê-nin (chính quyền thành phố chứ không phải chính quyền trung ương). Cứ so với các loại lễ lạt khác ở xứ mình thì cũng là khí nhạt đạo.

Chưa rõ pho tượng đó còn ở đấy bao lâu, lịch sử lúc nào cũng dang dở.

Tác giả, kỹ sư Đỗ Quang Nghĩa hiện sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55450618

1 nhận xét:

  1. Bai viet cua mot ke DEPRESSION--Khong hieu ve lich su lai muon chem gio ve lich su---khong phan biet ai la Lenin ,ai la Ernst Thälmann.dac biet Dong duc lam DEO gi co Dang cong san.

    Trả lờiXóa