TÀU ĐỊNH MỆNH hay ĐM TÀU
Tôi quen em trong cái lần đang đạp xe đi học thì một mẩu bê tông từ tuyến đường sắt trên trời đang thi công rơi xuống, không trúng tôi mà lại trúng bẹn em đi phía sau. Tôi quay lại, thấy em ôm bẹn mặt tái dại. Tôi dìu em vào vệ đường, kiểm tra vết thương – em mặc váy nên kiểm tra khá dễ. Mẩu bê tông làm bẹn em sưng hồng hào, múp rụp. Tôi đưa tay xoa xoa quanh chỗ sưng, em chắc vẫn đau, miệng há ra, kêu “ư… ư…”. Chiều hôm đó em ngỏ lời yêu tôi. Hôm kỉ niệm 49 ngày yêu, tôi chỉ lên cái công trình đường sắt trên trời định mệnh ấy, bảo: “Khi nào tàu chạy, anh hứa sẽ mua vé để hai đứa mình dạo vài vòng”… Và giờ, khi cái công trình định mệnh ấy chuẩn bị đi vào hoạt động, tôi biết đã đến lúc mình phải thực hiện lời hứa với em. Tôi lái con Mercedes S600 đến nhà em, bấm chuông. Cửa mở, em đứng đó… cùng một gã đàn ông.
“Đây là chồng em!” – em chỉ vào gã giới thiệu, xong lại chỉ sang tôi, em tiếp lời: “Còn đây là người yêu cũ của em, anh ấy đến để thực hiện lời hứa năm xưa”. Chồng em cười bắt tay tôi thân thiện: “Bạn là Hùng, Minh, Tuấn, hay Dũng nhỉ?”. Tôi ngơ ngác, chồng em liền giải thích: “Vợ tớ xăm mấy cái tên ấy ở mông, bảo đó là tên những người yêu cũ của vợ”. Tôi và chồng em – không ai bảo ai - đều nhìn em như chờ một lời giải thích, em cười khúc khích: “Ai yêu trên một năm thì em mới xăm, chứ vài ba tháng cũng xăm thì em thành Hulk da xanh à?”.
Mời tôi vào nhà, rót nước pha trà, chồng em cất giọng thật thà: “Đợt này, đứa lớn nhà tớ đang thi hết cấp hai, đứa thứ hai chuẩn bị vào lớp một, vợ tớ lại đang mang bầu đứa thứ ba, ốm nghén mệt nhọc, đúng ra tớ không cho vợ đi tàu nhanh với bạn đâu. Nhưng vì rất quý những người biết giữ lời hứa và có trách nhiệm như bạn, nên tớ mới đồng ý!”.
Đúng ngày hẹn, tôi đến nhà ga. Tới nơi, đã thấy em cùng một đám vài chục người nữa lố nhố. Em cười hô hố chỉ vào mấy gã đàn ông bên cạnh rồi giới thiệu: “Đây là anh Hùng, anh Minh, anh Tuấn, anh Dũng, anh Hải, anh Trung, anh Mạnh, anh Cường, anh Long, anh Đạt… người yêu cũ của em. Các anh ấy ngày xưa cũng hứa với em giống anh, nên em sắp xếp các anh ấy đi cùng luôn cho tiện”. Rồi lần lượt các anh ấy bắt tay tôi rất lịch sự, xong các anh lại giới thiệu các em Giang, Mai, Hoa, Liễu, Ninh, Dương, Lan, Ngọc… là người yêu cũ của các anh ấy, hôm nay các anh cũng dẫn tới đây để thực hiện lời hứa năm xưa luôn cho tiện…
Chúng tôi đội mũ bảo hiểm, mặc đồ bảo hộ, đeo bịt gối, bịt khuỷu, hân hoan lên tàu. Đoàn tàu lăn bánh rời bến, còi tàu thét vang màn đêm, à nhầm, thét vang thôi, đang ban ngày mà. Chúng tôi không phân biệt ai là người yêu của ai nữa, tất cả vai tựa vai, tay nắm tay, cùng ngắm quang cảnh hai bên đường, nhớ lại những kỷ niệm xưa…
Đằng kia là cái cây hồi mới yêu tôi đã trồng để làm chứng nhân tình yêu cho hai đứa. Trồng buổi sáng thì buổi chiều đi qua đã thấy mấy gã xe ôm vạch quần đái xối xả vào cái “chứng nhân tình yêu” ấy, thành ra cái cây cứ khật khà khật khừ mãi, tưởng chết bất đắc kỳ tử. Nào ngờ, giờ nó đã thành cái cây cổ thụ thân to bự, ngoài nhiệm vụ giúp mấy chú công an núp bắn tốc độ, nó còn là kênh truyền thông 0 đồng cho các doanh nghiệp khoan cắt bê tông, thông bể phốt, lắp internet, truyền hình cáp, cho vay nặng lãi không thế chấp…
Còn cái khu kia nữa, trước là cái bãi tha ma. Thời sinh viên, cuối tháng đói ăn quá, tôi thường lượn ra xem có mộ nào thắp hương chuối, oản, xôi, gà là nhặt; rồi 8.3, Valentine, sinh nhật… tôi cũng ra đó trộm hoa cúng về làm quà tặng em. Xưa thôi, chứ giờ mà vào trộm đồ là bị đánh cho lên bàn thờ ăn gà ăn oản, bởi nó đã thành một chung cư cao cấp cho giới nhà giàu, camera an ninh 24/24, bảo vệ canh tứ phía…
Còn chỗ này, trước là cái quán cà phê lụp xụp, ế ẩm. Ông chủ quán có cái âm-ly cũ, gọi đồng nát vào bán, nó cân lên, xong trả mười nghìn, ông cay quá, mua thêm hai cái mic, một đôi loa (cũng mua lại của bọn đồng nát), để ra quán cho khách hát, rồi ghi thêm câu slogan là “Hát cho nhau nghe” treo trước quán. Vậy mà khách kéo đến cực đông, hát cả ngày ông ổng. Giờ - có lẽ bị hàng xóm ném cứt nhiều quá – chủ quán đã chuyển đổi mô hình kinh doanh: xây hẳn toà nhà 4 tầng làm dịch vụ mát-xa thư giãn. Chắc vẫn luyến tiếc cái slogan ngày xưa, nên ông không nỡ bỏ đi, mà chỉ sửa lại chút, thành “Xóc cho nhau phê”…
Cuộc sống phát triển, đổi thay nhanh quá, những thứ đã từng thân quen giờ đều trở nên xa lạ, may mà còn cái công trình định mệnh này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ được nét hoang sơ thuở nào, nó khiến chúng tôi nghẹn ngào như đang được trở về những ngày xưa ấy. Chả vậy mà cả bọn: mắt đứa nào cũng ướt nhoè, sống mũi cay cay…
Trong khi đám chúng tôi vai tựa vai, tay cầm tay, thì tôi thấy phía cuối dãy: một bác trai đùi kẹp cái vô lăng hỏng, tay trái bác quay quay cái vô lăng hệt như đang lái tàu, tay phải bác trai ôm tấm ảnh một cụ ông. Tất nhiên là mắt bác trai cũng đang ướt nhoè…
Tôi lại gần bác, chỉ vào tấm ảnh, hỏi giọng lễ phép: “Đây cũng là người yêu cũ của bác hả?”. Bác trai quệt dòng lệ trên má, lắc đầu: “Không! Đây là bố bác. Ngày xưa, bác là sinh viên xuất sắc nhất của khoa lái tàu, được người ta đến tận trường săn đón, hứa rằng khi tuyến đường sắt trên trời này đi vào hoạt động, sẽ tuyển bác vào làm lái tàu. Bố bác tự hào về bác lắm. Bác đã hứa với bố: khi công trình hoàn thành, đích thân bác sẽ lái tàu chở bố đi dạo vài vòng. Thế mà…” – Bác trai nói đến đấy thì ôm ghì tấm ảnh khóc rưng rức, vừa khóc vừa quay tay với cái vô lăng, như đang lái tàu, rồi xoay ảnh bố ra cho bố nhìn, giọng nấc nghẹn: “Bố ơi, con đã thực hiện được lời hứa với bố rồi!”.
Tôi vừa sụt sùi, vừa hỏi: “Họ đã hứa tàu chạy sẽ tuyển bác vào làm lái tàu mà, sao bác phải ngồi đây lái giả vờ?”. Bác vừa cười vừa liếm giọt nước mắt đang chảy ngang môi: “Đến tuổi về hưu rồi, còn làm cái mẹ gì nữa cháu!”.
Tôi chợt nhận ra bác giống với chúng tôi quá: đều là người biết giữ lời hứa, và đều đang khóc. Giá ai cũng biết giữ lời hứa, và có trách nhiệm với những gì mình đã hứa như chúng tôi, thì có lẽ hôm nay bác và chúng tôi đã không phải vừa cười vừa liếm nước mắt trên môi.
Tôi vẫn gọi đây là TÀU ĐỊNH MỆNH, viết tắt là TÀU ĐM cho gọn, đỡ lãng phí data của bạn đọc (chúng ta bị tổn thất, lãng phí nhiều quá rồi, nên giờ tiết kiệm được gì thì cứ tiết kiệm). Mà hình như tàu này nước ngoài làm, nếu nước ngoài thì trật tự sắp xếp từ của nó sẽ ngược với chúng ta, thế nên, có lẽ nói thế này mới phải: ĐM TÀU!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
Ảnh diễn tập tháo chạy khi tàu bị sự cố
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét