Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Tượng đài “Bác Hồ với... ” ở Thái Bình: dân cần được biết

Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” ở Thái Bình: dân cần được biết.
fb Diễm My - Ngày 12-12-2020 tỉnh Thái Bình khánh thành tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thường trực Ban bí thư Trung Ương Đảng Trần Quốc Vượng. Một công trình đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã thống nhất chủ trương cho Thái Bình xây dựng từ năm 2013. Công trình này được xây dựng bắt đầu từ năm 2014 và cho đến khi khánh thành, giá thành của công trình là bao nhiêu cho đến nay vẫn là điều bí mật.
Dân cần được biết số kinh phí xây tượng để tránh tiền lệ giấu nhẹm kinh phí tượng đài Thái Bình. Có nhiều ý kiến cho rằng vì sợ bị chỉ trích như tỉnh nghèo Sơn La với công trình tượng đài 1.400 tỷ mà lãnh đạo Thái Bình đã chọn thái độ im lặng để đặt dư luận vào chuyện đã rồi.

Sáng ngày 28-5-2014, TP.Thái Bình tổ chức Lễ động thổ xây dựng công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân”. Theo thiết kế, tượng đài được xây dựng trong quần thể Quảng trường Thái Bình gắn liền với Công viên văn hóa sinh thái nằm trên địa bàn phường Hoàng Diệu.

Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” được xây dựng hài hòa với không gian, cảnh quan Quảng trường Thái Bình và Công viên sinh thái với diện tích gần 92ha, có 5 ngọn núi, độ cao từ 17 đến 27 mét và Đền thờ Bác hồ cùng với các công trình Nhà triển lãm, Nhà Bảo tàng, hồ nước, hệ thống giao thông và cây xanh.

Theo thông tin từ trang đấu thầu, gói thầu Xây lắp công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình thuộc dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài ‘”Bác Hồ với nông dân” được mang ra đấu thầu tháng 11-2014 với giá 148, 939 tỷ và công ty TNHH Lam Ninh đã trúng thầu với giá sát sao là 148, 868 tỷ đồng và sau đó thực hiện với giá 165,195 tỷ.

Việc công ty TNHH Lam Ninh trúng thầu liên tiếp ở Thái Bình cũng đã làm dấy lên nghi ngờ đây là sân sau của một nhóm lợi ích nào đó nhưng vụ việc đã bị chìm vào quên lãng.

Thánh 5-2017, cũng tại khu công trình này cũng đã dự định xây tiếp Tháp Thái Bình gần 300 tỷ đồng, được huy động từ nguồn xã hội hoá. Công trình cao 25 tầng này được cho sẽ là có Tổng diện tích sàn xây dựng 16.870 m2, chiều cao công trình từ cốt sân lên đỉnh mái 126,39 m.

Đền thờ bác hồ với diện tích 3.500m2 trong khu quần thể này cũng đã được thi công từ năm 2014 và được hoàn thành năm 2018 với nguồn vốn xã hội hoá, trong đó phần đóng góp lớn là từ Vingroup. Đền thờ được biết được trang trí nội thất bằng gỗ vàng tâm sơn son thếp vàng.

Phù điêu được khánh thành ngày 12.12.2020 được khắc từ đá xanh có kích thước và vị trí cao nhất là 15,3 m, vị trí thấp nhất là 8,6 m; chiều dài tổng thể 108 m. Trong đó nhóm tượng 13 nhân vật trung tâm có chiều cao cao nhất là 5,04m và thấp nhất là 4,6m

Chỉ nhìn từ giá của công trình vặt là công trình hạ tầng bao gồm san lấp mặt bằng, đắp núi tạo cảnh quang cho khu quảng trường đã có giá trên 165 tỷ đồng, thì có thể dễ dàng suy đoán giá của công trình chính sẽ sẽ xấp xỉ giá của Sơn La là 1,400 tỷ.

Hãy thôi phí phạm tiền thuế của dân

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 26/5/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030: “Trước mắt, chỉ xây dựng các công trình Tượng đài tại các địa phương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng có ý kiến chỉ đạo và Thủ Tướng Chính phủ đã đồng ý”.

Theo đó có 14 địa phương “được ưu tiên xây dựng hệ thống tượng đài” là : Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Tất cả các công trình xây dựng tượng đài hoành tráng đều được cho là nhằm để đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, Đảng viên, nhân dân đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Tiêu chí xác định địa phương đã được quy định rõ: “ Địa phương gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác; có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; địa phương là quê hương, nơi Bác đã sống, học tập, địa phương Bác đến thăm và làm việc.”

Trong số 14 địa phương được phép xây dựng tượng đài chỉ có 3 địa phương ở miền Nam là Bình Định, Đà Nẵng và Kiên Giang. Cả 3 tỉnh này hoàn toàn không đáp ứng tiêu chí xác định địa phương tuy nhiên vẫn được cấp phép xây dựng.

Trong khi các tỉnh nghèo được phép xây tượng đài nghìn tỷ trên khuôn viên có diện tích hàng chục hec ta đất, thì ở những nơi đó vẫn còn có hàng chục hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ để xoá nghèo bền vững.

Các tỉnh thành giàu có ở trung tâm kinh tế hay vựa lúa phía Nam vẫn phải nai lưng ra làm gom góp hết tiền thu ngân sách gửi về Trung ương để chi cho các công trình phí phạm tiền thuế của người dân thay vì được tái sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, khoa học để tạo thêm nhiều của cải cho xã hội.

Đã là quyết định mang tính quy hoạch về xây dựng tượng đài của chính phủ vậy tại sao Thái Bình lại không dám công khai chi phí đầu tư, xây dựng, cũng như tỷ lệ huy động từ nguồn xã hội hoá?

Thế thì liệu tất cả các công trình lớn từ ngân sách nhà nước, hay các khoản chi công từ lớn đến nhỏ sẽ có theo tiền lệ của Thái Bình để giấu nhẹm đi tránh chuyện ồn ào khó xử cho quan chức các cấp?

Người dân cần có sự minh bạch từ phía chính phủ!

Dân có quyền được biết!

Hãy thôi phí phạm tiền thuế của dân!

* 14 địa phương được cho phép xây dựng tượng đài được xếp hạng về nghèo như sau: Sơn La hạng 3, Điện Biên hạng 10, Bình Định hạng 12, Thái Nguyên hạng 24, Kiên Giang hạng 26, Hải Dương hạng 27, Quảng Bình hạng 30, Thái Bình hạng 32, Bắc Kạn hạng 45, Hải Phòng hạng 47, Vĩnh Phúc hạng 56, Bắc Ninh hạng 57, và Đà Nẵng hạng 58.
----------------------

Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam

12-12-2020 - 
Tối 12-12, tại Quảng trường Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức trọng thể Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Tới dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam (Ảnh: TTXVN).

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, báo cáo quá trình xây dựng tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Theo đó, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự nhất trí của Trung ương, công trình Đền thờ Bác Hồ được tỉnh Thái Bình khởi công xây dựng ngày 25-8-2014 và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được triển khai xây dựng từ tháng 10-2018 đến nay đã hoàn thành.

Công trình Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình thuộc phường Hoàng Diệu (TP Thái Bình). Đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống của đồng bằng sông Hồng, đồng thời mang hơi thở của thời đại mới. Diện tích 3.500 m2, Đền tọa lạc trên đỉnh đồi cao, uy nghiêm và tạo được nhiều lớp kiến trúc gồm Nghi môn, gian tiền tế, đại bái và hậu cung đền thiết kế theo phong cách truyền thống.

Đền thờ Bác Hồ mang phong cách Á Đông, gần gũi, trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là công trình tâm linh để nhân dân, nhất là bà con nông dân cả nước, du khách gần xa có dịp bày tỏ lòng biết ơn, niềm thành kính, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị cha già dân tộc.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình được làm bằng chất liệu đá xanh. Hình ảnh Bác được đặt ở vị trí trung tâm, chung quanh là các hình tượng cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em... đang hướng về Bác, thể hiện sự kính yêu vô bờ bến. Bằng tất cả các đường nét hài hòa, tinh tế, tượng đài đã thể hiện đậm nét và sinh động những tình cảm mà lúc sinh thời, Bác dành cho giai cấp nông dân và mỗi người nông dân đối với Bác.

Chung quanh tượng đài là các mảng phù điêu thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của nông dân Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là hình ảnh làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước... những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thái Bình đã vinh dự được năm lần đón Bác về thăm. Mỗi lần Bác về thăm là mở ra một chặng đường lịch sử mới, tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh.

Trong nhiều năm theo dõi Báo “Thái Bình tiến lên”, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt việc tốt; khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác đã hai lần gửi Thư khen Hợp tác xã Tân Phong, Đông Bình cách chăn nuôi trâu, bò giỏi; khen ngợi Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi, khen đội Thủy lợi Quang Trung làm thủy lợi giỏi. Bác gửi Tỉnh ủy ba tấm ảnh có chữ ký của Người làm phần thưởng. Đầu năm 1969, cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy được vào thăm và chụp ảnh với Bác.

Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân tại Thái Bình là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thái Bình, thể hiện được tình cảm của Bác Hồ dành cho người dân Thái Bình, cũng như tình cảm, lòng kính yêu và sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ kính yêu.

Nhân đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tất cả người dân hãy cùng nhau lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần ý chí, khát vọng mạnh mẽ về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Nông dân Việt Nam chiếm hơn 1/2 dân số, vì vậy chúng ta cần gắng sức để làm cho đời sống người nông dân tiến nhanh hơn cùng với cả nước.

Thủ tướng mong muốn, cần phải hình thành một lớp người nông dân mới, lớp nhà nông 4.0. Đó là lớp nhà nông có ý chí tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại. Cần thay đổi tư duy về vai trò, vị thế của người nông dân trong xã hội, người nông dân phải thay đổi tư duy về sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất hiện đại trên nền tảng học hỏi và tiếp thu các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất và thu nhập một cách bền vững. 

Toàn cảnh lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam.

Kết thúc lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Thái Bình, đất tỏa danh hương” thời lượng 45 phút, gồm ba chương. Chương 1: Thái Bình, miền đất cổ ngàn năm văn hiến; chương hai: Thái Bình, vùng quê cách mạng và chương 3: Thái Bình, tiềm năng, hội tụ và phát triển do nam nữ diễn viên Trung ương và địa phương biểu diễn.

MAI TÚ

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khanh-thanh-tuong-dai-bac-ho-voi-nong-dan-viet-nam-627949/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét