Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Hàng trăm tài xế Grab phản đối hãng tăng chiết khấu...

Dã man. Hiếm có chính phủ nào đối xử với tầng lớp lao động nghèo tàn nhẫn như chính phủ ông Phúc. Tất cả các chính phủ khi thu thuế đều phải tìm mọi cách có thể để tránh đánh thuế vào người nghèo vì thu nhập của họ chưa đủ nuôi sống họ và gia đình họ thì làm sao còn tiền đóng thuế. Thu thuế người nghèo tức là đẩy họ vào con đường cùng, biến họ thành trộm cướp, gian lận, chạy ẩu... để có tiền tồn tại. Dã man ở đây là từ ngày 5/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Nhắc lại 10% trên doanh thu chứ không phải trên thu nhập của họ, tức là cứ có doanh thu là mất 10% vào tay chính phủ bất kể chi phí xăng dầu, khấu hao xe máy, đóng bảo hiểm cho lái xe và cho hành khách... lớn bao nhiêu. Trong khi đó thuế thu nhập cá nhân đánh vào người có thu nhập cao thì bằng 0 nếu thu nhập của cá nhân đó dưới 9 triệu đồng (chưa tính trừ gia cảnh, người phụ thuộc...) mỗi tháng, tức chỉ khi thu nhập hàng tháng cao hơn 9 triệu đồng mới phải đóng 10% đối với số thu nhập dôi dư. Vậy tỷ lệ 10% trên doanh thu trên có quá bất công với tài xế Grab không ?
Phản đối hãng tăng chiết khấu, hàng trăm tài xế Grab đồng loạt tắt ứng dụng, 'vây' trụ sở
Khôi Nguyên • 07/12/20• Trước việc Grab thông báo tăng giá cước từ hơn 28% lên gần 33%, nhiều tài xế đã tắt ứng dụng, tập trung rất đông tại trụ sở ở Hà Nội để phản đối. Truyền thông Việt Nam cho biết, sáng 7/12, hàng trăm tài xế đã tập trung phía bên ngoài tòa nhà trụ sở Grab trên đường Duy Tân, Hà Nội để phản đối mức khấu trừ mới sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe. Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế quy định, từ ngày 5/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%.

Nhiều tài xế tắt ứng dụng, tập trung trước tòa nhà trụ sở Grab tại Hà Nội để phản đối việc tăng chiết khấu. (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, theo thông báo mới từ Grab, từ ngày 5/12, tỷ lệ chiết khấu mới mà tài xế Grabcar phải chịu gồm: Phí sử dụng ứng dụng + Thuế VAT + Thuế TNCN = 32,841% tiền cuốc xe (với trường hợp phí sử dụng ứng dụng là 25%). Tỷ lệ này trước đó là 28,375%.

Với trường hợp phí sử dụng ứng dụng ở mức 20% (GrabBike), chiết khấu trước ngày 5/12 là 23,6%, thì tỷ lệ chiết khấu từ 11:00 ngày 5/12 sẽ là 28,364%.

Mức tăng mới này đang vấp phải sự phản đối của rất nhiều tài xế công nghệ. Đến sáng 7/12, các tài xế đã tắt ứng dụng, không nhận cuốc xe từ sáng sớm, tập trung trước tòa nhà trụ sở Grab trên đường Duy Tân, Cầu Giấy để phản đối mức tăng tỉ lệ khấu trừ mới.

Do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, lực lượng chức năng đã ra nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự. Nhiều tài xế cho biết, họ sẽ di chuyển sang địa điểm khác, tiếp tục thể hiện thái độ phản đối cho đến khi có cuộc gặp, trao đổi với đại diện Grab.

Đại diện truyền thông Grab cho biết, đã nắm được thông tin sự việc, phía Grab đã cắt cử người để nói chuyện và giải thích cho tài xế hiểu, đây là quy định của nhà nước chứ Grab không tự ý tăng như vậy.

Trước đó, trên các hội nhóm tài xế công nghệ, rất nhiều tài khoản cùng kêu gọi phản đối chính sách tăng chiết khấu của Grab. Nhiều tài xế tính đến phương án bán xe.

Tài xế Ngô Bá Tạ (25 tuổi) cho biết, gần 2 năm nay anh gắn bó với công việc Grab. Khi nghe tin Grab tăng giá cước, anh không đồng tình.

Anh Nguyễn Minh Tú (26 tuổi, tài xế Grabcar tại Hà Nội) cho biết, việc tăng mức khấu trừ như vậy thật sự bất công với anh em chạy xe.

Các tài xế Grabbike khác cho rằng, việc "cắt máu" của hãng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập.

Anh Quang (25 tuổi, tài xế Grab bike trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đặt câu hỏi: Dù rằng Grab nói là tăng cước phí thu của khách để đảm bảo thu nhập cho cánh lái xe, nhưng thực sự việc tăng này liệu có khiến chúng tôi ít khách đi không?".

Một tài xế cho biết, anh và nhiều đồng nghiệp khá lo lắng vì thu nhập cuối năm có thể giảm vì chính sách mới.

Trình, một tài xế than thở: "Hoặc là tắt ứng dụng, chuyển qua bên khác làm, hai là chấp nhận cắt máu để kiếm sống, sắp Tết đến nơi rồi".

Đây không phải lần đầu các lái xe công nghệ biểu tình phản đối các điều chỉnh mới của hãng xe. Trước đó, hồi tháng 1/2018, nhiều tài xế cũng đã tập trung để phản đối việc Grab tăng chiết khấu từ 20% lên 23,6%.

Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế quy định, từ ngày 5/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét