Vui mừng vì hoãn ngày thơ
06/02/2020 Vì virus Corona vẫn chưa được khống chế hữu hiệu, Ngày Thơ Việt Nam 2020 phải hoãn trên phạm vi toàn quốc. Cũng rơi vào hoàn cảnh giống như những lễ hội khác, nhưng việc hủy tổ chức Ngày Thơ Việt Nam 2020 lại khiến nhiều người cầm bút bày tỏ sự vui mừng! Hy vọng sau một năm tạm nghỉ, Ngày Thơ Việt Nam sẽ trở lại lợi hại hơn vào năm sau!
Thả thơ lên trời, khiến nhiều người băn khoăn!
Sau khi Hội Nhà văn VN thông báo chính thức không diễn ra Ngày Thơ Việt Nam 2020 tại Văn Miếu - Hà Nội, không ít nhà văn, nhà thơ đã “hoan hô” trên trang Facebook. Có vẻ trân trọng và hiếu lễ hơn, Hội Nhà văn TPHCM đã có cuộc gặp mặt các đơn vị từng nhận lời tham gia Ngày Thơ Việt Nam tại đô thị phương Nam, để cáo lỗi và hẹn gặp vào dịp 30/4.Vì sao Hội Nhà văn TPHCM phải khiêm cung như vậy? Vì Hội Nhà văn VN đăng cai Ngày Thơ Việt Nam chỉ dùng chi phí từ ngân sách, còn Hội Nhà văn TPHCM nhiều năm nay đã có chủ trương xã hội hóa Ngày Thơ Việt Nam, với sự chung tay của nhiều câu lạc bộ và trung tâm văn hóa các quận trên địa bàn.
Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ: “Né tránh đại dịch là chuyện tất yếu, nhưng người ta đã tốn tiền bạc và công sức để chuẩn bị mọi thứ, mình muốn tạm ngưng cũng phải có vài lời ngắn dài giải thích cho phải đạo!”.
Ngày Thơ Việt Nam được bắt đầu từ năm 2003, lấy bài thơ “Nguyên Tiêu” của Hồ Chí Minh làm nền tảng, nên luôn tổ chức vào rằm tháng giêng. Phong trào hào hứng từ trung ương thì dĩ nhiên lan tỏa mạnh mẽ về địa phương. Tỉnh nào cũng lên kế hoạch nhân sự và tài chính cho Ngày Thơ Việt Nam.
Thậm chí, nhiều nơi cao hứng còn bung nở thêm Ngày Thơ Việt Nam ở cấp huyện và ở cấp xã. Vì vậy, Ngày Thơ Việt Nam trở thành dịp vui hiếm hoi cho thơ bay lơ lửng, người khoe xiêm áo, cờ phướn rộn ràng, kèn trống hân hoan.
Tuy nhiên, qua 17 lần tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam đã bộc lộ sự đơn điệu và nhàm chán. Lý do ư? Tình yêu của giới mộ điệu vẫn sôi sục, nhưng ý tưởng của những người thực hiện đã phai mòn. Quanh đi quẩn lại, chỉ có cái sân khấu với các nhà thơ nối bước lên đọc thơ, rồi vỗ tay, rồi tan hàng.
“Chiêu” rất ít, mà “trò” cũng nhạt. Ngay tại Hà Nội, tiết mục cột mấy câu thơ vào bong bóng rồi thả lên trời, cũng khiến nhiều người băn khoăn. Bởi lẽ, động thái ấy chẳng có cơ sở nào để khẳng định ý nghĩa định tính hoặc định lượng cho quan niệm tôn vinh thi ca.
Ngày Thơ Việt Nam 2020 vắng bóng vì nCoV đe dọa khắp nơi. Người yêu thơ đích thực, không những không thấy buồn, mà còn xem đây là cơ hội để Hội Nhà văn VN có thời gian suy ngẫm đường đi tương lai cho Ngày Thơ Việt Nam. Không thể cứ tiếp tục đến hẹn lại lên một cách rập khuôn và khiên cưỡng.
Cần phải thay đổi theo xu hướng mới mẻ hơn và hấp dẫn hơn. Hãy nhớ rằng Ngày Thơ Việt Nam là một ngày hội cho công chúng, chứ không phải một ngày cho riêng những người làm thơ. Đọc thơ, ngâm thơ, vịnh thơ… chỉ nên là một phần quan trọng, chứ không thể là phần duy nhất trong Ngày Thơ Việt Nam.
Phải nhìn nhận Ngày Thơ Việt Nam như thế nào cho thuyết phục? Nếu ví von Thơ là một chiến mã, thì Ngày Thơ Việt Nam là dịp để người ta đi xem… con ngựa vằn. Không ai đến Ngày Thơ Việt Nam để đoán định về một con ngựa có khả năng tung vó vạn dặm thiên lý, mà người ta muốn thấy nét vằn của con ngựa.
Cho nên, dáng ngựa và sức ngựa đều không quyến rũ bằng nét vằn. Muốn có lễ hội ngựa vằn thì phải lưu ý đến nhu cầu của đám đông, phải có tổng đạo diễn để chất “lễ” chan hòa chất “hội”.
Triển lãm thơ, trưng bày thơ, sắp đặt thơ, video-art thơ… dễ tạo hưng phấn hơn cho những người xúng xính đến Ngày Thơ Việt Nam. Còn muốn bàn chuyện thơ hay ho, thơ tuyệt vời, thơ xuất sắc, thơ lâm ly, thơ cường tráng… thì chuyển qua hội thảo, tọa đàm những nhà chuyên môn.
Còn nói về quy mô, tại sao mỗi tỉnh đều tổ chức riêng mà không liên kết với nhau? Thi ca vốn không có ranh giới hành chính và cũng không chia đều tài năng cho mỗi vùng đất. Có những tỉnh rất ít nhà thơ, thì Ngày Thơ Việt Nam cũng thưa thớt và nao núng. Chẳng hạn, các đồng bằng sông Cửu Long có thể tổ chức chung một Ngày Thơ Việt Nam của khu vực sông nước Nam bộ, và luân phiên đăng cai. Vừa tăng khí thế tưng bừng vừa mở rộng giao lưu học hỏi lẫn nhau!
Không ai phủ nhận người Việt yêu thơ. Có được Ngày Thơ Việt Nam cũng là một dấu hiệu tích cực cho đời sống tinh thần. Thế nhưng, công chúng bây giờ đã có trình độ thẩm mỹ khác xưa, nên Ngày Thơ Việt Nam cũng phải cải thiện chất lượng để đáp ứng đòi hỏi tích cực từ phía cộng đồng.
Hy vọng sau một năm tạm nghỉ, Ngày Thơ Việt Nam sẽ trở lại lợi hại hơn vào năm sau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét