Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Hà Văn Nam, BOT và những cú đấm thép

Buồn vì mình bận không đến dự phiên tòa xử phúc thẩm anh Hà Văn Nam được. Mong phiên toà được thực hiện thật công tâm và khách quan. Nếu xử đúng lý đúng tình thì chắc chắn không chỉ Hà Văn Nam mà tất cả các anh đã bị xử tù trong vụ này đều phải được trả lại tự do ! Hà Văn Nam và các bạn anh đều vô tội.

Mất niềm tin là mất tất!
Hà Văn Nam, BOT và những cú đấm thép
FB Đoàn Kiên Giang 13-10-2019 - Quyền tự do đi lại hiến định và quyền chọn sử dụng/ từ chối sử dụng dịch vụ đường xá của người dân có được bảo vệ, bảo đảm? Tôi lo rằng, nếu không quan tâm, giao thông tiếp tục có nguy cơ ách tắc (BOT Cai Lậy, BOT QL91 – trạm T2…), khả năng thu hút đầu tư, sức cạnh tranh của nền kinh tế từ đó bị thiệt hại. Và nữa, mất niềm tin là mất tất.
Trong hình ảnh có thể có: văn bản
1. Hà Văn Nam 30 tháng tù
BOT có lẽ là chủ đề khó với báo chí và người dân lúc này. Có nhiều lý do, lặt vặt như trầy da tróc vảy; tấn công mạng;… Và nữa, BOT về chủ trương, không sai. Anh bạn tôi (Thắng) mới trải nghiệm BOT Hoa Kỳ. Tôi cũng thấy BOT tại Hàn Quốc.

Ngày 18/10/2019, TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ xử phúc thẩm vụ án “gây rối trật tự công cộng” đối với Hà Văn Nam và một số tài xế phản đối BOT. Trước đó, ngày 30/7/2019, TAND huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã xử sơ thẩm và tuyên phạt: Nguyễn Quỳnh Phong (Hải Dương) 36 tháng tù; Lê Văn Khiển (Hải Dương) và Hà Văn Nam (Hà Nội) 30 tháng tù; 4 người khác bị từ 18 đến 24 tháng, cùng về tội gây rối trật tự công cộng.

Theo kết luận điều tra, BOT Phả Lại trên QL 18 thuộc huyện Quế Võ được thu phí từ 24/12/2018. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng thu phí với tài xế ở địa phương là sai nên tập trung phản đối.

Ngày 29/12/2018, Nam gọi điện cho Phong nói đã xem clip người dân phản đối, hẹn khi rảnh sẽ về giúp.

Hai ngày sau, 31/12, Nam về Quế Võ…

Tôi có coi LiveStream, thấy cảnh Nam cùng một số người vào trụ sở BOT Phả Lại chất vấn chủ đầu tư. Và tới giờ, vẫn chưa thực sự rõ vì sao Nam lại bị khép tội gây rối trật tự công cộng?

Đáng chú ý, trước khi CA Quế Võ thông báo bắt giữ Nam (5/3/2019), thì vào 09h sáng 28/1/2019, Nam bị 1 nhóm lạ mặt bắt cóc khi đang livestream và hút thuốc lào gần nhà.

Sau khi tra tấn, quân thú vật đã ném Nam ở vị trí gần một bệnh viện. Cũng may, chúng không ném Nam vào rừng. Vụ án tới nay chưa tìm ra được kẻ bắt cóc, còn Nam thì bị đem ra xử trước.

Vì sao Hà Văn Nam lại được quan tâm?

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi

Như đã nói, với nhiều tài xế, người dân, Nam như một người hùng. Nam là thủ khoa 30/30 của 02 đại học danh tiếng là Bách khoa và Nông nghiệp. Nam là tấm gương startup. Nam đi từ thiện, hiến máu đều đặn…

Người ta thậm chí ví Nam là Lục Vân Tiên giữa đời sống mà đạo đức, phẩm hạnh, nghĩa khí,… đang băng hoại.

2. Hà Văn Nam là cái tên gắn nhiều với các dự án BOT giao thông phía Bắc.

Hồi ít ai biết BOT là gì, cộng đồng (có Nam) cùng với báo chí mò mẫm và đã đi tới điểm gần như xa nhất của sự thật về loại hình này trên thực tiễn.

Nếu chưa rõ, hay muốn phản biện, hãy cùng trao đổi: BOT nào tốt? BOT nào không đặt trên quốc lộ hiện hữu độc đạo? BOT nào không vay từ 70-85% (hoặc hơn) vốn ngân hàng? BOT nào đúng luật và minh bạch tuyệt đối trong đấu thầu, phê duyêt vị trí đặt trạm, tổ chức thu phí? BOT nào dân kiểm tra, giám sát?…

Xin nhắc lại: BOT về chủ trương là đúng, có đóng góp nhất định vào phát triển hạ tầng.

3. Tôi hay lượm nhặt các góc nhìn về “vốn liếng niềm tin”, mà thấy rằng mất niềm tin là mất hết.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một bài báo gần đây, đã nhắc tới cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, với lời tuyên bố: “Xin hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân”, và “Tôi sẽ trừng trị bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng…”

Câu nói của ông Park là điều ta mong đợi sẽ áp dụng triệt để, để níu giữ, củng cố niềm tin của nhân dân vào thể chế.

Những năm gần đây, hàng loạt cán bộ bị bắt, bị kỷ luật; hàng loạt dự án được ví là “cú đấm thép” trở đầu táng thẳng vào mặt nhân dân…

Và cần nhớ, giao thông được gọi là lĩnh vực “tiền tấn” (Cát Linh – Hà Đông 18.000 tỷ, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 34.000 tỷ…). Nên nếu không được phê duyệt, đấu thầu công khai minh bạch, kiểm tra giám sát chặt chẽ,… thì ngoài việc tạo kẽ hở để các “nhóm lợi ích” hình thành, đục khoét, chúng còn có thể thành cú đấm thép táng thẳng vào mặt nhân dân.

Lúc này, một câu hỏi mà nhà quản lý nên đặt để: Quyền tự do đi lại hiến định và quyền chọn sử dụng/ từ chối sử dụng dịch vụ đường xá của người dân có được bảo vệ, bảo đảm?

Tôi lo rằng, nếu không quan tâm, giao thông tiếp tục có nguy cơ ách tắc (BOT Cai Lậy, BOT QL91 – trạm T2…), khả năng thu hút đầu tư, sức cạnh tranh của nền kinh tế từ đó bị thiệt hại.

Và nữa, mất niềm tin là mất tất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét