Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Hải Dương 8 rút vì Trọng không đi Mỹ?

Hải Dương 8 rút vì Trọng không đi Mỹ?
Phạm Chí Dũng - Vì sao Trung Quốc lại rút tàu Hải Dương 8 về nước vào ngày 24/10/2019? Phải chăng bắc Kinh đã mệt mỏi trong chiến dịch mang tên Bãi Tư Chính, một phần do phản ứng của Mỹ và Liên minh châu Âu? Hay động thái này chỉ thuần túy là ‘nghỉ giải lao giữa hiệp’ và nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn gây hấn mới?

Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)

‘Sống không ra sống, chết không ra chết’

Tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ cho tàu này đã từng khiến giới chóp bu Việt Nam mừng hụt khi rời khỏi Bãi Tư Chính vào tháng 8 và tháng 9 năm 2019, nhưng không phải ‘một đi không trở lại’ mà chỉ đơn giản là quay về đảo Đá Chữ Thập để tiếp liệu và nghỉ ngơi. Sau đó, Hải Dương 8 đã quay trở lại Bãi Tư Chính và còn tỏ ra ‘nguy hiểm hơn xưa’, không chỉ quần thảo ở khu vực này mà còn phô diễn một loạt đường đan áo dọc theo vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, kè sát vùng biển Bình Thuận, Phan Rang, Khánh Hòa, Phú Yên, với cự ly cách đất liền Việt Nam có lúc thu ngắn chỉ còn khoảng 100 - 110 km. Trong suốt hải trình đày đọa ấy, hệ thống tuyên giáo và báo đảng Việt Nam im bặt trong nỗi khiếp nhược khôn tả, còn Bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng và các đồng đảng của ông ta đã không một lần thốt nổi cái tên Bãi Tư Chính hay lên án Trung Quốc.

Đã rất rõ là Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ‘đảng anh’ không hề muốn buông tha ‘đảng em’ một cách êm ái, mà sẽ phải là một kiểu ‘sống không ra sống, chết không ra chết’. Một khi Bắc Kinh đã có thừa thời gian để cho tàu Hải Dương 8 và các tàu hải giám hành hạ tinh thần lẫn thể xác của giới chóp bu Việt Nam đến ba tháng rưỡi trời - lâu hơn hẳn thời gian hơn hai tháng mà giàn khoan Hải Dương 981 ngự trị ở Biển Đông ngay trước mũi Bộ Chính trị đảng Việt Nam vào năm 2014, chẳng có lý do đặc biệt gì để Trung Quốc không tiếp tục chiến dịch gây hấn ở Bãi Tư Chính và còn có thể ở quần đảo Trường Sa trong những tháng tới.

Việc Trung Quốc tự rút tàu Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính và quay trở lại Trung Quốc vào ngày 24/10 cũng bởi thế chẳng có gì đáng tự hào và tự tin cho chính sách ‘đấu tranh khôn khéo’ và ‘vờn tàu’ của Việt Nam.

Thậm chí ngược lại, ba tháng rưỡi là thời gian quá đủ để chứng minh một Việt Nam cô độc tận cùng trên trường quốc tế bởi lối hành xử đu dây ngả ngớn, chính sách ‘Ba Không’ gậy ông đập lưng ông và thói ‘hèn với giặc, ác với dân’, trong khi lại cho thấy Bắc Kinh đã đạt được thành công bước đầu khi dần biến Bãi Tư Chính từ ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ thành ‘khu vực tranh chấp’, trước khi nhốt thẳng cánh vùng biển dồi dào dầu khí này vào ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc’.

Lịch đi Hương Sơn và Trọng không đi Mỹ

Đáng chú ý, vụ rút Hải Dương 8 lại trùng với thời điểm Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam - dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh. Trong phát biểu, Lịch đã chẳng một lần dám đề cập đến vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính mà chỉ nói chung chung về ‘căng thẳng Biển Đông’, nhưng lại được các dư luận viên Việt Nam tung hô là ‘thái độ dũng cảm’.

Việc đích thân Ngô Xuân Lịch, chứ không phải là một cấp thứ trưởng quốc phòng, dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh phải chăng nhằm thỏa mãn yêu sách ‘triệu tập chư hầu’ của Tập Cận Bình, và do đó Trung Quốc đáp lại bằng hành động tạm rút Hải Dương 8 về nước?

Hay phải chăng sau một thời gian cố gắng ‘triệu tập’ Nguyễn Phú Trọng nhưng không được, thay vào đó là những chuyến đi Trung Quốc thay thế của Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân, Bắc Kinh đành tạm hài lòng với sự có mặt bổ sung của Ngô Xuân Lịch?

Hoặc, và trường hợp này có thể là tệ nhất, giới ‘văn dốt võ dát’ Việt Nam đã thông qua Ngô Xuân Lịch, hay qua kênh ngoại giao, để nhượng bộ trước một số yêu sách nào đó của Trung Quốc? Đó là những yêu sách gì?

Một chi tiết khác đáng chú ý là tàu Hải Dương 8 rút về Trung Quốc chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên thú nhận ‘cũng là đang là bệnh nhân’ trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 2019. Trong mắt rất nhiều người, đó là thông điệp gián tiếp về việc ông ta không có khả năng đi Mỹ theo kế hoạch đã hẹn với Donald Trump. Và tất nhiên, việc Trọng ngồi một chỗ sẽ làm cho Trung Quốc hài lòng hơn cả, bởi một trong những mục đích chính của tàu Hải Dương 8 gây hấn ở Bãi Tư Chính là nhằm buộc ‘đảng em’ không rơi vào vòng tay Hoa Kỳ, không có ‘đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ và cũng không tham gia vào liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Ấn - Úc.

Nếu giả thiết trên là đúng, chiến dịch mang tên Hải Dương 8 đã tạm kết thúc, mà về thực chất là hoàn thành thắng lợi giai đoạn đầu: buộc Nguyễn Phú Trọng từ bỏ giấc mơ đi Mỹ.

Tuy nhiên, cơ chế nghỉ giải lao của chiến dịch trên chỉ là tạm thời, trong khi chẳng có gì chắc chắn là Hải Dương 8 là hình ảnh cuối cùng của Bắc Kinh ở Biển Đông và Bãi Tư Chính trong năm 2019 và năm 2020.

Ác mộng còn lâu mới hết

Giờ đây, bất cứ một phương án đi Mỹ của một nhân vật nào khác, được Nguyễn Phú Trọng ủy quyền, cũng rất dễ bị Trung Quốc ‘nổ súng’ để tiếp tục cuộc hành trình trừng phạt của Hải Dương 8, hoặc một tàu khác hay cả giàn khoan khổng lồ - như Đông Phương hay Hải Dương 982 - vào Biển Đông và lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cũng bởi sau sức ép đối với chuyện đi Mỹ của chóp bu Việt Nam, Trung Quốc vẫn còn đó một tham vọng ghê gớm khác: bắt Việt Nam phải ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’ với Trung Quốc, mà thực chất là kế hoạch xông vào nhà người khác ăn cướp.

Trong tình cảnh dầu khí là nguồn tài nguyên thiên nhiên cuối cùng - với trữ lượng còn lại chỉ còn tối đa đến năm 2025 - mang lại ngoại tệ nuôi đảng, yêu sách chia bôi tài sản của Trung Quốc đang đẩy kẻ cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa vào chân tường và không lối thoát.

Sau cơn ác mộng mang tên Hải Dương 8, chính thể độc tài bị xem là ‘hèn với giặc, ác với dân’ sẽ còn phải mất ngủ và đau tim trong những năm tháng tới đây.

Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét