Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Vượt biển do nhà nước tổ chức và chết tang thương

Vượt biển do nhà nước tổ chức và những cái chết tang thương 
Nguyễn Tuấn Khoa 27-10-2019 - Những ngày qua thế giới đang xót thương cho 39 người xấu số trong một nỗ lực thoát nghèo với một cuộc đào thoát khỏi đất nước nhược tiểu. Thế giới cũng đang dồn sự căm phẫn lên lũ buôn người của đất nước Trung Cộng hiếu chiến. Đọc lại “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, tôi nhớ lại những cái chết tang thương giống như vậy trong cuộc vượt biển do nhà cầm quyền Việt Nam tổ chức dưới cái tên Đi Bán Chính Thức.
Thuyền nhân vượt biển sau năm 1975
Đi Bán Chính Thức hay Phương Án II
Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Cộng ngày càng tăng cao. Trung Cộng lên án Việt Nam đàn áp Hoa Kiều và muốn đem Hoa Kiều về nước. Trong khi đó, Trung ương Đảng CSVN coi người Hoa là đạo quân thứ V và muốn “tương kế, tựu kế” để trả họ về cố quốc.

Thêm vào đó, chính sách cải tạo công thương nghiệp đã đẩy người Hoa Chợ Lớn đi đến chỗ khánh kiệt và họ quyết định vượt biên thay vì về với Trung Cộng mà với họ không khác gì xuống địa ngục. Người Hoa ra đi ngày càng nhiều, chết trên biển cả rất nhiều, Việt Nam bị thế giới lên án. Để đối phó, Việt Nam tổ chức cho họ ra đi bán chính thức, người CS gọi là Phương Án II, ban đầu xem ra là một chủ trương thiện chí.

Phương án II là kế hoạch tuyệt mật, phổ biến miệng, chỉ có bí thư, chủ tịch và giám đốc CA thành phố HCM biết, sau kế hoạch này được thực hiện ở các tỉnh thành phía Nam. Đó là chủ trương “đưa đối tượng ra khỏi điểm nóng”. Đối tượng ở đây là hàng triệu người Hoa chủ yếu sống ở Chợ Lớn. Theo đó, công an thu 8-10 lạng vàng cho một đầu người, rồi dùng tiền để mua tàu hay đóng tàu, tổ chức bến bãi rồi đẩy họ ra biển với cam kết không bắt tàu trong lãnh thổ Việt Nam.

Thuyền nhân Việt Nam sau năm 1975. Ảnh trên mạng

Mặt trái của Phương Án II

Khi những thuyền nhân đã đến các trại tỵ nạn an toàn thì Phương Án II không còn giấu được thế giới. Thủ tướng buộc cho dừng vào tháng 12/1978 rồi phải dời sang tháng 5/1979 do số tàu đã đóng cả trăm chiếc từ vàng thu của các thuyền nhân.


Phương Án II bắt đầu biến tướng. Người Việt với giấy tờ của người Hoa ra đi rất nhiều. Các tỉnh không có bờ biển cũng xin được làm Phương Án II. Thấy Phương Án II ngoài tầm kiểm soát, 20/03/1981 ông Trường Chinh (Chủ tịch nước) đã cho lập Ban Kiểm Tra 69 với mục đích chính là kiểm tra việc thu vàng.

Kết quả điều tra của Ban 69 khác xa với báo cáo của Bộ Nội Vụ cho thấy, Phương Án II đã làm hư hỏng công an CS nhanh chóng. Theo Ban 69, từ tháng 8/78 đến tháng 6/79 có 533 thuyền ra đi mang theo 134,322 người, thu được 16,181 kg vàng (16 tấn!) chưa kể ngoại tệ, nhà cửa được đóng thay cho vàng. Có 105 sĩ quan CA bị kỷ luật. Tất cả các tỉnh đều mắc tội gian lận và lập quỹ đen. Nghiêm trọng nhất phải kể đến tỉnh Minh Hải, giấu 48.195 lượng vàng, Cửu Long giấu 27.000 lượng, Nghĩa Bình giấu 27.000 lượng, Phú Khánh 10.987 lượng…

Công an các tỉnh thu vàng nhưng bội tín làm nhiều người mất cả vàng và cả nhà khi theo đuổi Phương Án II, số người lên đến 18.435 người. Phương Án II chỉ thực sự phá sản khi công an giao cho các thuyền nhân những con tàu không an toàn và nhét vào đó số lượng vượt quá tải trọng của con tàu. Tàu chìm ngay khi vừa rời bến làm hàng trăm người chết. Đắm tàu Cát Lái là một trường hợp tiêu biểu của một kiểu buôn người có giấy phép.

Họ ra đi, bỏ hết tất cả để tìm đường sống. Ảnh trên mạng

Tang thương Cát Lái

Một ngày thứ Bảy giữa năm 1979, cảng Cát Lái bất thường với hàng trăm công an canh gác nhiều vòng, trong và ngoài cảng. Bên trong, một con tàu dài 30m, rộng 10m, 3 tầng, sáng bóng vẫn còn mùi sơn mới. Tàu này nguyên thủy là một chiếc tàu kéo với khoang chứa đá để giữ thăng bằng được thay bằng khoang chứa nước. Cấu trúc các khoang được thay đổi để chứa được nhiều người nhất có thể được. Máy được thay mới để tăng sức kéo. Người đóng tàu dường như chỉ quan tâm đến khả năng nhét đủ số người chứ không tính toán khoa học về tải trọng của tàu và sự cân bằng khi hoạt động.

Đúng giờ hẹn, đám đông đã nằm suốt đêm tại cảng bắt đầu sốt ruột và tiến về con tàu. Người trưởng tàu bắt loa điểm danh, chỉ chờ như vậy đám đông lũ lượt nhanh chóng tràn xuống tàu. Với khoảng 280 người, con tàu ngay lập tức mất ổn định. Những thuyền nhân ngồi khoang dưới không chịu nổi nóng bức, khó thở đã leo lên trên mui ngồi làm cho con tàu thêm chao đảo. Tất cả những người trên thuyền, kể cả thuyền trưởng do không có kinh nghiệm sông nước, nên bắt đầu hoảng loạn, tìm đường thoát ra khỏi tàu. Con tàu chúi mũi xuống và từ từ cắm sâu vào trong bùn ở đáy sông. Những người ở tầng 1 và 2 không có đường thoát. Tiếng thét gào trên thuyền và tiếng kêu cứu bất lực trên bờ tạo nên một âm thanh thê lương bao trùm một vùng quê yên bình, để rồi thoáng chốc chỉ còn lại những tiếng khóc nấc nho nhỏ của những cư dân sống rải rác trên bờ sông Cát Lái. Hết rồi! Chết hết cả rồi!

Nhà cầm quyền lúc đó đã cho điều hai cần cẩu 60 tấn từ Vũng Tàu vào. Sau hai ngày di chuyển và ba ngày vật lộn, cần cẩu đã kéo con tàu xấu số lên khỏi mặt nước và cũng từ đây người ta biết chính xác có 227 người chết và hơn 40 người trở về từ cõi chết nhưng tất cả như những người mất trí trước thảm kịch gia đình. Xác chết nối tiếp xác chết, dãy hòm gom vội khắp nơi cùng mùi tử thi khiến người ta phải thốt lên: Ai đã đem một Tết Mậu Thân nữa đến với người dân Sài Gòn hiền hòa?

Những người khâm liệm kể rằng trong số xác được vớt lên, người ta thấy có 4 người mẹ ôm chặt con mình trong lòng như những nỗ lực cuối cùng với hy vọng giữ được đứa con thơ để hai mẹ con cùng nhau đoàn tụ ở bên kia thế giới. Trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, những người khâm liệm đã để cho hai mẹ con yên nghĩ cùng nhau trong một cỗ quan tài khô lạnh. Tất cả những người xấu số đã được an táng tại một khu đất cách cầu Giồng Ông Tố 500m.

Phương Án II không chỉ có một Cát Lái bi thảm. Theo báo cáo của Ban 69, chỉ trong vòng 1 năm có 9 tàu chìm làm chết 902 người khi những con tàu này chưa ra khỏi phao số 0. Thử điểm lại vài trường hợp đau lòng: Bến Tre có 1 tàu chìm với 54 người chết, Long An có 1 tàu chìm với người 38 chết, Nghĩa Bình 1 tàu chìm với 78 người chết nhưng khủng khiếp nhất là Tiền Giang có 3 tàu chìm với 504 người chết.

Những sự kiện của hơn 40 năm về trước đã dự báo chính xác một bức tranh đen tối cho một Việt Nam ngày nay.

Tham khảo: Bên Thắng Cuộc- Huy Đức 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét