Chủ nghĩa hiện thực phải đạo
2000-02-27 - Hoàng Ngọc Hiến: "Chế độ chuyên chế bắt buộc họ phải viết cho đúng chủ trương chính sách của nhà nước, viết cho 'phải đạo', trong khi lương tâm cầm bút của họ muốn họ viết những điều chân thật". Trong bài thơ nổi tiếng "Lời Mẹ Dặn" đăng trên tờ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956, thi sĩ Phùng Quán khẳng định thái độ cầm bút của mình: "Tôi muốn làm nhà văn chân thật chân thật suốt đời Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã Bút giấy tôi ai cướp giật đi Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Nhà văn bộ đội Nguyễn Minh Châu, lúc còn sinh thời, có lần chua chát nói rằng: "Dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh. Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn. Cái sợ đã làm mình hèn." Nhưng cũng có nhiều người không hèn, dám phát biểu suy nghĩ của mình, cho dù phải diễn đạt lập lờ.
Nguyễn Tuân lừng lẫy với "Vang Bóng Một Thời" mà còn thú nhận rằng mình sống sót được là nhờ hèn. Nên dám nói đã là một sự can đảm, dù cách nói phải quanh co, như trường hợp Hòang Ngọc Hiến mà Mục Những Tiếng Nói Độc Lập tuần này xin giới thiệu...
Tháng 11 năm 1978, nhà văn bộ đội Nguyễn Minh Châu cho đăng trên tờ Văn Nghệ Quân Đội một bài viết nhan đề là "Viết về chiến tranh". Trong bài này, Nguyễn Minh Châu nhận định rằng nền văn học Miền Bắc trước năm 1975 và cả Việt Nam sau đó đều chưa hề có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh, vì còn bề bộn sự kiện, nhân vật toàn là lý tưởng, chưa mô tả được các vấn đề đời thường của con người và xã hội trong chiến tranh.
Khi tờ Văn Nghệ Quân Đội đăng bài của Nguyễn Minh Châu, thì Hoàng Ngọc Hiến đang phụ trách giảng dậy về lý luận phê bình tại đại học tập hợp Hà Nội, và đồng thời cũng là hiệu trưởng trường đào tạo các cây bút trẻ. Hoàng Ngọc Hiến từng du học tại Liên Xô và tốt nghiệp tiến sĩ về lý luận phê bình văn nghệ. Dù được đào tạo tại cái nôi của vô sản thế giới và đang có địa vị trong giới cầm bút, Hoàng Ngọc Hiến cũng phải dựa vào bài "Viết về chiến tranh" của Nguyễn Minh Châu để phát biểu những suy nghĩ của mình về nền văn học xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của ông được phản ảnh trong bài viết tựa là "Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua", đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 23 ra ngày 9 tháng 6 năm 1979.
Sau khi tóm lược ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến viết như sau, chúng tôi xin trích nguyên văn: "Hình như, Nguyễn Minh Châu viết, trong ý niệm sâu xa nhất của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống cho phải đạo, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại, thì mối quan tâm hàng đầu là mô tả sao cho chân thật.
Đọc một số tác phẩm, chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là chủ nghĩa hiện thực phải đạo". Đối với một số người, cách phát biểu như trên của Hoàng Ngọc Hiến vẫn chưa nói thẳng vào vấn đề, vì còn mang tính trường ốc dưới chế độ cộng sản.
Thái độ này của Hoàng Ngọc Hiến đã được tác giả bộ trường thiên tiểu thuyết nổi tiếng "Sông Côn Mùa Lũ" là nhà văn Nguyễn Mộng Giác lý giải như sau:
"Khi đã quen với lối nói lập lờ hàng hai của hạng trí thức cần giữ mình dưới chế độ chuyên chế, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được điều Hoàng Ngọc Hiến muốn nói. Sự thực đơn giản thôi: đó là sự mâu thuẫn nội tâm từng dầy vò tất cả những nhà văn còn chút liêm khiết trí thức dưới chế độ cộng sản. Chế độ chuyên chế bắt buộc họ phải viết cho đúng chủ trương chính sách của nhà nước, viết cho 'phải đạo', trong khi lương tâm cầm bút của họ muốn họ viết những điều chân thật. Khốn thay, điều chân thật lại khác với điều phải đạo. Vì vậy, Hoàng Ngọc Hiến không muốn dùng những chữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như cách nói của các quan ngự sử văn nghệ trong đảng, mà lại chính danh ra thành chủ nghĩa hiện thực phải đạo.
Cụm từ này đã mau chóng trở nên phổ biến trong các cuộc luận đàm của giới văn nghệ sau năm 1975 và đã khiến cho giới lãnh đạo tuyên huấn của đảng giận dữ. Nhưng thế nào là chủ nghĩa hiện thực phải đạo?
Hoàng Ngọc Hiến giải thích: Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do qui luật của thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người phải đạo với những cung cách suy nghĩ, nói năng ứng xử được xem là phải đạo. Chủ nghĩa hiện thực chân chính đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết phân biệt đâu là những hình thức phải đạo và đâu là những nội dung chân lý phù hợp với qui luật phát triển cách mạng của bản thân cuộc sống".
Đoạn văn nói trên của Hoàng Ngọc Hiến hiểu một cách đơn giản, là dưới chế độ cộng sản, vì đảng và nhà nước kiểm soát chặt chẽ đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nên muốn sống sót, mọi người đều phải sống hai mặt: nghĩ một đàng, nói một nẻo.
Nói cho hay, cho suôi tai lãnh đạo, nhưng khi làm thì hành xử khác đi. Nói ở chỗ công khai để biểu diễn lập trường khác với những lời tâm sự cùng bạn bè vợ con. Lối sống hai mặt đó phát sinh ra mẫu người mà Hoàng Ngọc Hiến gọi là kiểu người phải đạo, lúc nào cũng phải giả vờ lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước.
Loại người này, nhà văn nữ Dương Thu Hương gọi là sản phẩm của một chế độ lưu manh, vừa dứt lời ca ngợi Đảng Bác, ra quán cà phê là chửi Đảng Bác không tiếc lời. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã nhận định như sau về bài Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến: "Bài của Hoàng Ngọc Hiến tuy ngắn nhưng đã soi rọi tận gốc rễ tất cả sự giả tạo của nền văn học nghệ thuật gọi là cách mạng dưới chế độ cộng sản Việt Nam bao nhiêu năm qua, đảo ngược mọi thành kiến và áp lực để bắt người nghệ sĩ chân chính phải xét lại mình, xét lại tác phẩm của mình. Bài viết này đã đảo ngược quan điểm truyền thống và dám phủ nhận căn bản giá trị của cả một nền văn nghệ dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Hoàng Ngọc Hiến đã đánh vào ngay bản chất của nền văn nghệ đó"
Tháng 10 năm 1987, trong bài viết tựa đề là "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa", nhà văn Nguyễn Minh Châu buồn bã tâm sự rằng nỗi sợ hãi đã làm cho chính ông và bạn bè cầm bút của ông trở thành những kẻ hèn nhát, "y như kẻ gian phi", lúc nào cũng dáo dác nhìn trước nhìn sau như đang "lén lút thu giấu cái gì trong cạp quần hay túi áo".
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên cũng lên tiếng về thái độ hèn nhát này của giới cầm bút dưới chế độ cộng sản. Ông nói rằng "không khí không thuận lợi cho người cầm bút, buộc họ phải luôn sợ hãi, nơm nớp cho số phận mình, từ đó đưa đến cái hèn của nhân cách người viết".
Trong một xã hội lúc nào tinh thần người dân nói chúng và giới cầm bút nói riêng cũng nơm nớp lo sợ như thế, vậy mà Hoàng Ngọc Hiến dám lên tiếng phê phán và gọi nền văn học do đảng chỉ đạo "đã tạo ra toàn những kiểu người phải đạo, với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là phải đạo", thì ông xứng đáng được xem là biểu tượng của một nhà văn có lương tâm cầm bút, khác hẳn hình ảnh khép nép vâng dạ của nhiều người cầm bút khác dưới chế độ cộng sản./.
https://www.rfa.org/vietnamese/binhluan/26713-20000227.html
https://www.rfa.org/vietnamese/binhluan/26713-20000227.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét