Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Gặp Nguyễn Minh Châu 35 năm trước

Trên trang Nguyễn Minh Châu của Google, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khải nhận xét: "Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc là một trong những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này". Còn tôi thì nhớ mãi ông Lê Đức Thọ lúc đang nắm quyền sinh quyền sát đối với người dân cả nước, đã nhận xét (năm 1980) đại ý Nguyễn Minh Châu là nhà văn xuất sắc nhất viết về người lính trong chiến tranh qua tiểu thuyết "Dấu chân người lính (viết năm 1972)" và là một trong rất ít nhà văn xuất sắc nhất viết về đề tài chiến tranh. Nhưng ông cũng tiếc khi cho là Nguyễn Minh Châu đã phạm sai lầm khi ủng hộ quan điểm văn học phải đạo của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến, dẫn tới nhiều người bị kỷ luật. Thậm chí trước khi Hoàng Ngọc Hiến đăng bài nổi tiếng "Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua", trên tuần báo Văn Nghệ, số 23 ra ngày 9 tháng 6 năm 1979, Nguyễn Minh Châu đã cho đăng trên tờ Văn Nghệ Quân Đội một bài viết nhan đề là "Viết về chiến tranh" vào tháng 11 năm 1978, trong đó Nguyễn Minh Châu nhận định nền văn học Miền Bắc trước năm 1975 và cả Việt Nam sau đó đều chưa hề có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh, vì còn bề bộn sự kiện, nhân vật toàn là lý tưởng, chưa mô tả được các vấn đề đời thường của con người và xã hội trong chiến tranh.... (xem ở đây).
Gặp Nguyễn Minh Châu 35 năm trước
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG - Đó là một chiều thu Hà Nội, tháng 10 năm 1984. Chị Thiếu Mai, người nhiều năm phụ trách trang Lý luận - phê bình của báo Văn Nghệ, hẹn tôi đi thăm nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ở báo Văn Nghệ có hai người mà tôi chịu ơn là nhà văn Từ Sơn và nhà phê bình Thiếu Mai, những người đã ưu ái đăng những bài phê bình đầu tiên của tôi ba năm trước đó. Chị Thiếu Mai biết tôi ra Hà Nội sau khi báo Văn Nghệ đăng bài tôi viết về tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu.
Từ nhà chị Thiếu Mai ở ngõ Hạ Hồi, chúng tôi đạp xe về khu tập thể Văn Nghệ Quân đội gần đường Lý Nam Đế. Hà Nội trong những ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, đường phố rực rỡ cờ hoa, người và xe nhộn nhịp. Hòa bình đã chín năm, lại thêm hai cuộc chiến tranh biên giới, đời sống còn kham khổ, nhưng lòng người vẫn bình tâm và hy vọng một thay đổi sẽ sớm đến với đất nước.

Lòng tôi hồi hộp chờ gặp Nguyễn Minh Châu. Năm năm trước, trong thời gian học ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, khi đến dự buổi nói chuyện của giáo sư Hoàng Như Mai ở Thư viện Hà Nội về tiểu thuyết Miền cháy vừa ra đời, tôi chỉ nhìn thấy nhà văn từ xa mà chưa được nói chuyện với ông.

Nguyễn Minh Châu tiếp chúng tôi thân tình và ân cần ngay từ phút đầu tiên. Đó là một căn hộ tập thể khiêm nhường, hơi ít ánh sáng, nhưng ấm cúng. Bà Nguyễn Thị Doanh, vợ của nhà văn, cũng ngồi tiếp chuyện. Ông hỏi thăm công việc của tôi ở Sài Gòn, nhắc đến những nhà văn mà ông quen biết đã chuyển hẳn vào sống trong đó. Ông hỏi tôi có biết Nguyễn Thanh ở Cà Mau không, ông thích những truyện ngắn viết về đồng bằng sông Cửu Long của nhà văn này. Tôi bảo có biết nhưng chưa gặp. Về sau, gặp gỡ ở Cà Mau, Nguyễn Thanh rất vui khi nghe tôi kể lại chuyện này.

Biết điều tôi quan tâm nhưng không dám nói, chị Thiếu Mai hỏi: “Anh thấy bài Phương 
viết về tập truyện của anh thế nào?”. Ông trả lời không đắn đo: “Đó là một bài viết có văn hóa phê bình. Giá như có nhiều dịp gặp nhau, Phương sẽ hiểu tôi hơn và viết kỹ hơn”. Rồi ông trầm ngâm: “Đọc những bài phê bình như vậy, lòng mình được chia sẻ, được thúc giục tiếp tục cầm bút. Trái lại, có những bài phê bình khiến mình khổ tâm, muốn buông xuôi”.

Khuôn mặt và giọng nói Nguyễn Minh Châu buồn lặng khi ông kể cho chị Thiếu Mai và tôi nghe câu chuyện buổi sáng mà ông trực tiếp tham dự. Đó chính là hôm diễn ra Đại hội Văn nghệ thủ đô Hà Nội. Trong bài phát biểu có tính cách chỉ đạo, một nhà lãnh đạo văn hóa - văn nghệ lúc đó nói trước các đại biểu: “Những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu đăng gần đây trên báo không có ‘vấn đề’ như thường ta hiểu mà đặt ra những vấn đề cho chúng ta phải suy nghĩ. Tuy không đồng đều, nhưng nhìn chung, đó là những truyện ngắn hay. Những suy tư, những nét đi sâu vào tâm lý là những nét khám phá mới của tác giả, riêng tôi hoan nghênh, nhưng tác giả còn ‘ngắm’, chưa thực sự vào cuộc, tham gia với một lòng tin mãnh liệt những vấn đề mà tác giả đặt ra. Nói tóm lại, đứng về một tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì tác giả mới thành công một nửa, còn một nửa, chúng ta chờ đợi[1]. Bài viết này có đăng trên trang nhất báo Văn Nghệ ngày thứ bảy, 06-10-1984, với nhan đề “Văn nghệ Hà Nội, bộ mặt của cả nước” (sic).

Lúc này tôi mới e dè góp tiếng: “Thật ra thì trong ý kiến đó cũng có mặt khẳng định giá trị truyện ngắn của anh. Vả lại, ông ấy phải nói như vậy để cân đối những luồng dư luận trái ngược nhau”. Nguyễn Minh Châu cười: “Phương chỉ sống ở miền Bắc vài năm, chưa hiểu hết thâm ý của phê bình ngoài này. Ông ấy nói như vậy có nghĩa là cho rằng tôi đang đứng bên lề đời sống. Sáng nay tôi ngồi nghe mà như đang bị kiểm điểm, nhiều đồng nghiệp quay lại nhìn mình, vậy là mình được cho điểm 5/10 đó”. Chị Thiếu Mai chen vô: “Vậy là xem như anh đạt điểm trung bình, thi đỗ rồi”. Chúng tôi cùng cười vui vẻ.

Về sau này tôi cứ tiếc mãi là phần vì bận việc, phần vì e ngại mà chị Mai và tôi đã từ chối lời mời của ông bà ở lại dùng cơm tối để nói chuyện nhiều hơn. Hai năm sau, tôi sang học ở Moskva nên không còn dịp gặp lại Nguyễn Minh Châu lần nữa. Ở xa, tôi vẫn đọc kỹ những truyện ngắn mới, những bài bình luận, trả lời phỏng vấn của nhà văn và vẫn thường hỏi thăm nhà phê bình Vương Trí Nhàn về sức khỏe của ông.

Đầu năm 1988, giữa lúc cuộc đổi mới xã hội và đổi mới văn học ở giai đoạn mở đầu đầy hứng khởi, Nguyễn Minh Châu phát hiện bệnh nan y và phải vào miền Nam chữa bệnh. Tháng tư năm đó, từ chùa Pháp Hoa, ông viết bài báo có nhan đề “Hòa đồng cùng nhân loại”. Trong bài báo ấy, nhà văn kể lại một kỷ niệm: khi chiến tranh phá hoại của Mỹ vừa chấm dứt, ở một tỉnh bắc Trung Bộ, ông chứng kiến những người lãnh đạo địa phương phải thức thâu đêm để bàn việc có nên cho phép các xã mở lại chợ hay không, vì e ngại tư tưởng “con buôn” có thể làm hư hỏng những người dân anh hùng của một vùng đất anh hùng. Nhưng mặc cho sự níu kéo của tinh thần duy ý chí, quy luật cuộc sống đã cất lên tiếng nói của nó, như sự ghi nhận của nhà văn: “Không hề chờ đợi nghị quyết của tỉnh ủy, dân trên vùng thượng du lũ lượt, kĩu kịt gánh sắn xuống biển đổi lấy cá, lấy muối, dân làm ruộng bắt đầu tìm nơi rèn thêm lưỡi cày, dao, liềm… Khắp các làng xã, chợ búa cứ sống lại, cứ đông đúc mãi lên như một lời tuyên ngôn của đời sống”. Nhà văn nhận xét: “Chúng ta đang sống trong cái thời những người anh hùng và các đức thánh đang phấn đấu để trở thành người bình thường giữa cõi đời”[2].

Tôi tìm đọc loạt bài “Ngồi buồn viết mà chơi” của Nguyễn Minh Châu, sau này được chọn in trong tập Trang giấy trước đèn. Có một câu chuyện ông kể ám ảnh tôi mãi. Một buổi sáng sớm ông đạp xe từ nhà đến trụ sở Hội Nhà văn, khi đi ngang ga Hàng Cỏ ông nghe thấy một người đàn bà đang kêu khóc. Bà ở quê lên, dẫn theo hai đứa con nhỏ, bảo nó ngồi chờ để mẹ giặt tã, khi bà quay lại thì đứa lớn đã bị bắt cóc. Sân ga nhốn nháo, mọi người nhìn bà thương cảm, nhưng ai cũng dửng dưng vì lo việc của riêng mình. Ông dừng xe đạp đi tìm một người công an nhưng cũng không giúp gì bà được. Trong giờ giải lao cuộc họp, ông kể với mọi người câu chuyện đã thấy và nhận được thái độ khó chịu của một người đồng nghiệp cấp trên[3].

Nghe tin Nguyễn Minh Châu từ trần, tôi có viết một bài tiễn đưa ông. Một tờ báo của người Việt ở Nga, định đặt tên là Lửa Ấm, nhận lời đăng bài đó, nhưng vì thiếu kinh phí, báo không ra được. Tôi nhớ mãi một chi tiết trong bài viết của bà Nguyễn Thị Doanh: một ngày bà đưa ông đi khám bệnh ở Sài Gòn, khi ra về, ông đau quá không đi nổi phải đứng tựa vào một gốc cây trên đường để thở. Tôi hình dung, trong bao nhiêu người Sài Gòn đi đường sáng hôm ấy, liệu có ai tưởng tượng được người đàn ông ốm yếu bên lề đường kia là một văn tài của dân tộc, một người cho đến giây phút cuối đời không rời ngòi bút vì cái Đẹp và điều Thiện.

Về sau này tôi không viết thêm được gì về Nguyễn Minh Châu, nhưng lần gặp năm 1984 đó luôn khắc sâu trong tâm thức tôi. Trong những năm 1990 tôi đã hướng dẫn thành công ba luận văn về sự nghiệp của ông: Vũ Bích Vân viết về truyện ngắn, Lại Thị Hồng Vân viết về tiểu thuyết, Đinh Thị Thanh Thủy viết về bình luận văn học của Nguyễn Minh Châu. Tôi có nhờ giáo sư Tôn Phương Lan chuyển cả ba luận văn đó tặng bà Nguyễn Thị Doanh để làm kỷ niệm.

Trong bài báo “Hòa đồng cùng nhân loại” nói trên, Nguyễn Minh Châu tỏ ra nhạy cảm khi đề phòng điều mà ông gọi là “trò chơi đổi mới” và cảnh báo: “Cuộc ‘thoát xác’ đầy đau đớn, đầy cực nhọc này liệu chúng ta có thể làm được hay chỉ làm hình thức, làm cho có vẻ, và mãi mãi Việt Nam vẫn chỉ là một con ngài nằm khoanh tròn trong chiếc kén, đầy bưng bít, để gặm nhấm đồng thời cả tinh thần tự ti và sự kiêu ngạo”[4].

Sau hơn 30 năm, thực tiễn văn học cho thấy những hạt giống của niềm hy vọng đã được gieo trồng, nhưng nỗi lo của Nguyễn Minh Châu vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp trọn vẹn. Thiết nghĩ đó cũng là lời nhắc nhở cần thiết đối với những người làm văn học hôm nay, khi tưởng niệm 30 năm ngày mất của Nguyễn Minh Châu.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

[1] “Văn nghệ Hà Nội, bộ mặt của cả nước”, Báo Văn Nghệ số 41, ngày 06-10-2014, tr. 10.
[2] Nguyễn Minh Châu: “Hòa đồng cùng nhân loại”, Tạp chí Văn, TP Hồ Chí Minh, số 2, năm 1988, tr. 3.
[3] Nguyễn Minh Châu: “Ngồi buồn viết mà chơi”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 - 1989, tr. 10.
[4] Nguyễn Minh Châu: “Hòa đồng cùng nhân loại”, Bđd, tr. 4.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 11-10-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét