Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Người Việt có nghèo hay không?

Người Việt có nghèo hay không?
Khi đứng trước một cuộc sống bị tạo ra quá nhiều áp lực, và người ta không tin nhau, càng lúc mỗi người càng trở nên sợ hãi, hoang mang. Những nỗi sợ như sợ bệnh tật, sợ tai ương, sợ những túng quẫn bất ngờ, và nỗi cô độc bủa vây. Trong khi đức tin lành mạnh vào sự thiện lành không được thừa nhận, thì người ta lại đổ đi xem tướng, coi tử vi…, cúng sao giải hạn, hầu đồng xin sức khoẻ-tài-lộc, đi “vay” đền bà Chúa Kho, cầu lộc ông Hoàng Bảy v.v.. Càng cầu cúng người ta càng sợ hãi, sợ tới mức cuồng tín, sợ bỏ qua “thần linh” khiến “thần quở” nên một con rắn đi qua cũng cúng, một con cá ngoi lên ngoi xuống cũng cầu.

Chim phóng sinh. (Ảnh minh họa/Tom Hoàng)
Vì phí là phí tham quan danh thắng chứ không phải phí đi lễ chùa nên tỉnh đồng ý cho Ban quản lý di tích thu. Nhưng khu di tích lại là một quần thể kiến trúc đồ sộ gồm 11 chùa, hàng trăm am, tháp, bia, tượng, đặt trong tổng thể cảnh quan thiên nhiên tạo thành khu di tích lịch sử và danh thắng kỳ vĩ trải dài gần 20km. Phần lớn những ngôi chùa, am, tháp do nhiều thế hệ người Việt xây dựng nên từ thế kỷ thứ 10, tập trung lớn vào các thế kỷ 12, 13, 14.

Vậy nhưng phí vẫn được thu, và người dân vẫn đóng. Tình cảnh ấy đang diễn ra tại Khu di tích Yên Tử. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định việc thu phí là đúng quy định. Theo thống kê của Ban quản lý, chỉ trong gần hai tháng, Yên Tử thu về tổng số tiền trên 10,5 tỷ đồng.

Cách đó gần 200km về phía tây bắc, tại Hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) năm nay, để không bị đưa vào danh sách “lễ hội bị thương mại hóa”, đơn vị tổ chức theo công văn của Bộ VHTTDL thông báo không thu tiền vé, mở cửa cho người dân vào xem. Để rồi khi bất lực trước lượng người xem tăng vọt, người ta lấy mức tiền công đức (trên 300.000/người) để làm tiêu chuẩn cho ai được vào. Người dân thì càng trở nên bực tức khi không thể “công đức” để có giấy chứng nhận vào sân.

Tại tỉnh Quảng Bình đầu năm nay, trong 7 ngày xuất hiện hai con rắn ở ngôi mộ vô danh, hàng nghìn người đổ về hương khói, dâng cúng vì cho rằng vong người đã mất trong ngôi mộ hiển linh. Số tiền cúng lên tới 280 triệu đồng, trung bình mỗi ngày có tới 40 triệu đồng được “dâng”.

Với số tiền hàng triệu đồng, tỷ đồng đang được thể hiện một cách dồi dào trong dân ấy, đó có phải một dấu hiệu tốt cho thấy đời sống của người dân đang trở nên giàu có và thoải mái hơn? Nhưng xã hội Việt có thực sự phồn vinh?

Gạo cứu đói và ‘cơn say’ lạm thu thuế phí


Trong cơn cuồng phong về tâm linh và lễ hội kéo dài cả tháng sau Tết, đầu tháng 3, Việt Nam thông báo nhận viện trợ 10.000 tấn gạo từ Chính phủ Hàn Quốc để khắc phục thiên tai trong năm 2017. Số gạo được dự tính phân bổ cho 10 tỉnh, gồm Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk (đợt 1), và Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị (đợt 2). Trước Tết, 7 tỉnh đã nhận hơn 5.504 tấn gạo cứu đói, gồm Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định, Đắk Nông, Đắk Lắk, Sóc Trăng và Kon Tum. Tỉnh Quảng Bình – nơi người dân vừa dâng 280 triệu cúng hai con rắn – nhận hơn 1.300 tấn.

Thực trạng người dân đói không còn là điều mà chính phủ che giấu. Từ hàng thập kỷ qua, những con số gạo cứu đói được công bố định kỳ 2 lần một năm (giáp hạt và giáp Tết) như một cách nêu công. Cuối năm 2017, cơ quan thống kê nhà nước – Tổng cục thống kê cho biết cả nước có 746,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói. Con số này được tính toán đã giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước – năm 2016, cả nước thậm chí đã có hơn 1 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 16,4% so với năm 2015. Trong một năm 2017, 22,8 nghìn tấn lương thực và hơn 1,1 tỷ đồng được chi để hỗ trợ thiếu đói – cơ quan thống kê cho hay.

Tỉ lệ dân số trong nhóm 40% thu nhập thấp nhất – bản đồ do WB Việt Nam lập theo kết quả Tổng điều tra dân số và hộ gia đình Việt Nam 2009. Tỉ lệ nghèo tập trung cao nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, khu vực Tây Nam Bộ. 3/64 tỉnh thành, gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội (lần lượt) có tỉ lệ người nằm trong diện 40% nghèo nhất ở mức dưới 20%. (Nguồn: worldbank.org)

Tuy nhiên, trong năm 2017, hơn 1 triệu tỷ đồng tiền thuế đã được thu từ trong dân. Sang đầu năm 2018, Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, nếu được thông qua sẽ áp dụng từ tháng 7/2018. Lý do được Vụ trưởng vụ chính sách thuế Phạm Đình Thi cho hay là để bù hụt thu do thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là để “cơ cấu lại ngân sách nhà nước“… Nhưng ngân sách hụt thu do hội nhập (!?), hay do tình trạng nợ công và bội chi ngân sách đáng báo động?

Chưa hết, trong một cuộc họp chiều 2/3, Bộ Giao thông vận tải cho hay sẽ đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị để thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT, dán tem xe toàn quốc để xe vừa mới sản xuất, bán ra là đã có thể đóng tiền (qua tài khoản) khi đi qua trạm. “Đến năm 2019 là trên toàn quốc luôn, tất cả trạm phải thu phí tự động toàn bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay. Nhưng những con số 100% dự án BOT là chỉ định thầu, 8 trạm BOT đặt sai vị trí chưa kể 31/87 trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km… không được Bộ nhắc tới trước thời hạn năm 2019. Khi những sai phạm chưa được sửa chữa, việc áp dụng quy trình tự động hóa chẳng phải là việc hợp lý hóa những bất hợp lý tại các trạm BOT, triệt tiêu khả năng bất tuân dân sự của người dân trước tình trạng lạm thu, “chặn” thu?

Và niềm tin bị bào mòn

Nay trở về với câu hỏi cơ bản: Người Việt có nghèo không? Câu trả lời có thể là Không nếu nhìn vào số tiền người ta sẵn sàng bỏ ra công đức, dâng cúng, tiền “phí đi chùa” có thể lên tới nhiều triệu đồng, nhiều tỷ đồng. Hơn 10,5 tỷ đồng tiền thu trong gần 2 tháng tại Yên Tử tương đương với mức hỗ trợ cứu đói cho 746,1 nghìn lượt nhân khẩu trong 10 năm, theo con số nhà nước đã chi trong năm 2017.

Nhưng người Việt có nghèo không, nếu như thiếu đói không phải chỉ có nghĩa là không có gì ăn, không có gì mặc? Người Việt thực sự nghèo, nếu nhìn vào đời sống tinh thần đang bị làm cho méo lệch, tự do tư duy bị làm cho trở thành một thứ kỳ dị nếu bất cứ ai có suy nghĩ rằng cần phải thay đổi.

Những quy định như công văn 82 của Thủ tướng Chính phủ về việc cần “lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT” song trong toàn văn bản không một chữ nào nhắc tới quyền được đi trên quốc lộ của người dân, những chữ như “gây rối, chống phá, phản động” lại được lặp lại nhiều lần; những thông tin bị nghi gây loãng công luận như cải cách tiếng Việt khi hai lần công bố gây ồn ào để rồi chìm tự lúc nào không hay; những sự việc như hơn 1.200 người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS trong năm 2017 – con số lớn kỷ lục để rồi tân PGS bị phát hiện đạo văn, 94 hồ sơ nghi không đủ điều kiện lại được công bố xét lại… – Những sự việc tương tự như trên xảy ra liên tiếp với các giá trị thật-giả lẫn lộn. Để thích nghi, người ta luôn phải cảnh giác. Thế nhưng trường kỳ sống bằng lòng hoài nghi khiến con người trở nên mệt mỏi, bị bào mòn niềm tin.

Niềm tin của người dân dần bị bào mòn khi áp lực trấn áp hữu hình khi những gọng kìm vẫn liên tục được tỏa ra ngay tại những dự án sai phạm rõ ràng như các dự án BOT. Niềm tin bị bào mòn khi có một bộ phận được gọi là trí thức song khi hàm GS, PGS vừa được phong thì liền sau đó sự thật thầy đạo văn trò được chỉ ra. Kết hợp với giá xăng tăng, giá điện tăng, giá nước cũng tăng, những nỗi lo thường trực hơn về tai nạn giao thông, về thực phẩm bẩn, con bị bạo hành… liệu có ai vững tinh thần để suy nghĩ về những điều tưởng chừng như nằm ngoài cuộc sống? 

Đã có nhiều người đặt dấu hỏi về tình trạng “khủng hoảng niềm tin” trong xã hội. Đó phải chăng đơn giản là việc con người đánh mất niềm tin, khi cái sai vẫn tiếp tục tồn tại, người làm sai tiếp tục vung quyền, trong khi người lên tiếng vì lẽ phải lại bị gắn tên “phản động”. Ở một nơi người với người không còn tin nhau, nhìn nơi đâu cũng thấy bế tắc, sự chán nản dễ dẫn tư duy của con người đi sang trạng thái bàng quang. Ở đó, nỗi sợ hãi bị bọc trong tình trạng mất niềm tin mà thờ ơ là một biểu hiện.

Đi đâu để tìm ra đời sống cho chính mình?

Trong những ngày qua, câu chuyện về bé Hải An như một ánh tinh tú trong đêm. Trong nơi tăm tối nhất, khi tia hy vọng chữa khỏi bệnh cho cô bé dần tắt, thì lòng thiện lương của em vụt trở nên sáng rõ, đẹp thuần khiết hơn bao giờ hết. Cô bé ấy nay trở thành thiên thần giàu có bởi lòng vị tha em ban tặng. Câu chuyện hiến giác mạc của bé An, câu chuyện về hai người đàn ông vượt 200km để hiến máu cứu người trong đêm, hay câu chuyện về người phụ nữ trả lại hơn 17 triệu cho bạn trẻ đánh rơi… – những câu chuyện giàu lòng nhân ái ấy đang là những hạt giống để gieo thêm niềm tin vào lòng xã hội.

Có lẽ sẽ có người đặt câu hỏi, làm người tốt thật khó, và những câu chuyện như trên chỉ là điều hy hữu trong xã hội. Nếu câu hỏi đó được đặt ra, thì bạn thật nghèo tinh thần. Lại có người hỏi nghèo tinh thần có đáng sợ không? Vì sao cần làm giàu đời sống tinh thần trong khi đời sống đã đang đầy rẫy căng thẳng với những đòi hỏi thường xuyên về vật chất? Làm một điều tốt liệu có giúp người ta sống tốt hơn không? Nhưng có một hiện thực thế này, lạ lùng thay, khi đức tin của con người từ chối được lấp đầy bằng lòng hòa ái, khoan dung, chúng sẽ dễ dàng bị vây kín bằng sự hoài nghi với những nỗi lo vô hình. 

Khi đứng trước một cuộc sống bị tạo ra quá nhiều áp lực, và người ta không tin nhau, càng lúc mỗi người càng trở nên sợ hãi, hoang mang. Những nỗi sợ như sợ bệnh tật, sợ tai ương, sợ những túng quẫn bất ngờ, và nỗi cô độc bủa vây. Có thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 15% dân số đang mắc ít nhất 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Trong khi đức tin lành mạnh vào sự thiện lành không được thừa nhận, thì người ta lại đổ đi xem tướng, coi tử vi…, cúng sao giải hạn, hầu đồng xin sức khoẻ-tài-lộc, đi “vay” đền bà Chúa Kho, cầu lộc ông Hoàng Bảy v.v.. Càng cầu cúng người ta càng sợ hãi, sợ tới mức cuồng tín, sợ bỏ qua “thần linh” khiến “thần quở” nên một con rắn đi qua cũng cúng, một con cá ngoi lên ngoi xuống cũng cầu.

Người dân Việt có nghèo không? Câu trả lời tới lúc này có lẽ nên thay bằng việc suy ngẫm xem nên làm gì giữa cơn “khủng hoảng niềm tin”, mỗi người nên tự tìm thấy lối ra như thế nào, thay vì bị mất phương hướng trong những phân biệt đúng-sai, tốt-xấu, thiện-ác – vốn là những chân niệm giản đơn song lại đang từng bước bị làm cho suy đồi khi các giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức bị xâm phạm.

Cần làm sao để cho giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức được hồi phục trở lại? Câu trả lời nằm trong lương tri và trong sự nỗ lực tìm kiếm, trau dồi hiểu biết của mỗi người. Để những sự việc như cô giáo bị ép quỳ 40 phút không tiếp tục trở thành một điểm tối khác, để xã hội thôi không đứt gãy, trong khi mỗi người thay vì tự biến mình thành những nạn nhân bị thao túng, đã luôn được trao tặng một cơ hội để sống tự do trên nền tảng tri thức và luân lý.

Lê Trai
(Trí thức VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét