Điều gì xảy ra khi hủy hợp đồng MobiFone-AVG?
14/3/2018 - (PL)- Nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái tích cực của các bên nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước nhưng điều đó không đồng nghĩa với thoát các trách nhiệm (nếu có sai phạm). Chiều 13-3, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã phát đi thông cáo báo chí về việc chấm dứt hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG mà các bên đạt được năm 2015.Bộ TT&TT: Đúng pháp luật, thu hồi được tài sản
Theo đó, Bộ TT&TT (cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp này) cho hay do việc thanh tra toàn diện thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu mà MobiFone chưa thực hiện thanh toán nốt 5% giá trị chuyển nhượng theo đúng tiến độ cam kết. Đây chính là một căn cứ để ngày 12-3, nhóm cổ đông AVG và MobiFone họp, thảo luận, thống nhất chấm dứt thỏa thuận năm 2015 về việc chuyển nhượng cổ phần này.
Vấn đề đặt ra ở đây là trong bối cảnh vụ việc đang bị thanh tra toàn diện thì việc chấm dứt hợp đồng trên có phù hợp với quy định pháp luật không?
Về vấn đề này, trong thông cáo trên, Bộ TT&TT cho rằng căn cứ vào chỉ đạo của Ban Bí thư và trong điều kiện thỏa thuận mua 95% cổ phần AVG chưa thực hiện xong thì giải pháp mà hai doanh nghiệp đạt được là tối ưu, đúng quy định pháp luật, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn mà MobiFone đã đầu tư, không làm thất thoát vốn của doanh nghiệp cũng như của Nhà nước.
Thông tin cho hay ngày 13-3, Bộ TT&TT đã báo cáo vấn đề này cho Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ.
Các nội dung, kết quả thỏa thuận đạt được này, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đã trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và mong muốn diễn biến mới ấy sẽ được đoàn thanh tra xem xét, bổ sung trước khi ra kết luận chính thức, theo đúng Điều 35 Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ ban hành năm 2014.
Một nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Tài chính cũng cho biết việc MobiFone và AVG hủy hợp đồng chuyển nhượng là chuyện bình thường trong giao dịch dân sự và được điều chỉnh theo các điều khoản trong hợp đồng. “Trong quy định của từng hợp đồng sẽ có điều khoản bất khả kháng phải hủy hợp đồng, hai bên sẽ căn cứ vào đó thỏa thuận với nhau” - vị này nói.
Việc MobiFone và AVG ký kết thỏa thuận thống nhất thanh lý, hủy bỏ hợp đồng mua bán cổ phần doanh nghiệp AVG là phù hợp với quy định pháp luật dân sự. Ảnh: HTD
Nếu có vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm
Đồng ý với các ý kiến trên, luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư Long An) cho rằng việc MobiFone và AVG ký kết thỏa thuận thống nhất thanh lý, hủy bỏ hợp đồng mua bán cổ phần doanh nghiệp AVG là phù hợp với quy định pháp luật dân sự (các nguyên tắc được đưa ra tại Điều 3 BLDS 2015), phải được pháp luật công nhận và có hiệu lực thi hành giữa các bên. Đây là quyền tự do ký kết hợp đồng trên cơ sở tự nguyện và không trái pháp luật.
“Tuy nhiên, mọi cam kết thỏa thuận phải có điều kiện là không vi phạm lợi ích công, không trái đạo đức xã hội và phải được các chủ thể khác tôn trọng” - luật sư Thư cho biết.
“Có ý kiến cho rằng hợp đồng mua bán AVG giữa các bên đang bị thanh tra nên việc hủy bỏ hợp đồng này là không có giá trị?”. Về vấn đề này, luật sư Thư cho rằng: Quan điểm này là không xác đáng vì việc thanh tra MobiFone và việc các bên thanh lý hợp đồng mua bán AVG là không làm thiệt hại đến quyền lợi nhà nước mà chỉ khắc phục việc vi phạm pháp luật (nếu có) xảy ra trước đó mà thôi. “Mặt khác, cho đến thời điểm hiện tại (hai bên thực hiện thỏa thuận), chưa có kết luận thanh tra và chưa hề có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền cấm hoặc không cho phép các bên không được thanh lý hợp đồng này” - luật sư Thư phân tích.
Tuy nhiên, vị luật sư này cũng lưu ý: Cần phải nhấn mạnh rằng việc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng và bên chuyển nhượng trả lại số tiền chuyển nhượng không làm cho hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) xảy ra do việc mua bán này được miễn truy cứu trách nhiệm pháp lý. Có chăng chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ do hậu quả đã được khắc phục mà thôi.
“Do vậy, mọi lo ngại các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thông qua động thái thanh lý hợp đồng này để né tránh bị xử lý trách nhiệm pháp lý do phi vụ mua bán gây ra là thiếu cơ sở” - luật sư Thư nhấn mạnh.
“Giá trị nhận lại của MobiFone lớn hơn lúc chi ra”
Theo thông cáo của Bộ TT&TT, khi chấm dứt hợp đồng như vậy, nhóm cổ đông sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền mà MobiFone đã thanh toán khi mua cổ phiếu, cộng với tiền lãi và chi phí liên quan. Do đó, giá trị nhận lại sẽ lớn hơn giá trị mà MobiFone chi ra khi thực hiện thỏa thuận trước đây.
Ngược lại, trường hợp mà MobiFone không chấp nhận chấm dứt hợp đồng, nhóm cổ đông AVG vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật và khi đó MobiFone có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng.
Như tin đã đưa, đến lúc này, MobiFone đang thiếu nợ của ông Phạm Nhật Vũ - cổ đông lớn của AVG 450 tỉ đồng giá trị chuyển nhượng cổ phần, tương ứng 5% tổng giá trị thương vụ. Như vậy, với giá trị hợp đồng chuyển nhượng đã được thông tin trước đây là 8.889,8 tỉ đồng, số tiền MobiFone bị phạt có thể tương đương hơn 711 tỉ đồng.
Cũng tại cuộc làm việc của nhóm cổ đông AVG và MobiFone ngày 12-3, ông Phạm Nhật Vũ - cổ đông chính của AVG cam kết không yêu cầu phạt, bồi thường với MobiFone do thỏa thuận năm 2015 bị hủy bỏ, đồng thời chấp nhận dùng khoản tiền 450 tỉ đồng mà MobiFone đang nợ mình để đặt cọc cho cam kết mới này.
Các nguồn tin chứng kiến thỏa thuận mới giữa AVG-MobiFone hôm qua cho hay ông Phạm Nhật Vũ giải thích lý do đồng ý hủy thỏa thuận năm 2015 là do nay đã đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động ấp ủ từ lâu của mình nên sẵn sàng nhận lại số cổ phần đã bán.
P.LOAN - T.PHƯƠNG - N.NHÂN
http://plo.vn/thoi-su/dieu-gi-xay-ra-khi-huy-hop-dong-mobifoneavg-759449.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét