Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Gạc Ma: Không được nổ súng - Đâu là sự thật lịch sử

Cần trả lại sự thật lịch sử
Liên quan đến sự kiện Gạc Ma, bài viết của tác giả Trần Quốc Quân đưa ra quan điểm gây tranh cãi về những phát biểu của tướng Lê Mã Lương, tại Hội thảo Minh Triết Biển Đông ngày 14/6/2014. Tướng Lương nói: “Bởi vì có một câu chuyện như thế này: Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh cho bộ đội ta không được nổ súng nếu như (Trung Quốc) đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa, không được nổ súng. Và sau này có một câu chuyện và tài liệu đã rõ rồi, cho nên trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đập bàn và nói: Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?” Mời xem lại clip phát biểu của tướng Lê Mã Lương:
Bài viết của tác giả Trần Quốc Quân dưới đây cho rằng thông tin trên không đúng. Tác giả còn khẳng định, “tôi dám chắc Thiếu tướng Lê Mã Lương không đưa ra được bằng chứng“. Thật ra, để chứng minh những điều tướng Lương nói cũng không khó lắm, bởi vì cho dù đã có 64 chiến sĩ nằm xuống trong trận Gạc Ma, nhưng vẫn còn nhiều người lính sống sót. Họ là những nhân chứng sống, có thể cung cấp thông tin, xác nhận những điều tướng Lương nói.




Hôm nay 14/3/2018 tròn 30 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm đảo đá Gạc Ma (14/3/1988) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tôi muốn nhân cơ hội này bàn về một vấn đề nhạy cảm được lan truyền nhiều năm nay trong dư luận là, có hay không việc cấp cao nhất trong quân đội ta đã ra lệnh không được nổ súng vào địch trong trận chiến cụ thể bảo vệ đảo đá Gạc Ma?

Theo tôi được biết, nguồn tin đặc biệt quan trọng này được thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tàng lịch sử Quân đội đưa ra và được lan truyền không chính thức trong dư luận nhiều năm qua.

Về nguyên tắc, một tin có tính xác thực phải dẫn được nguồn, không thể nói vu vơ để gây ngờ vực, hoang mang trong dư luận. Về điều này, tôi dám chắc Thiếu tướng Lê Mã Lương không đưa ra được bằng chứng.

Về nguyên tắc, Bộ trưởng Quốc phòng không bao giờ chỉ huy trực tiếp từng trận đánh cụ thể dưới tầm chiến lược, chiến dịch.

Về nguyên tắc, thời điểm diễn ra sự kiện Gạc Ma, Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh nên không thể có lệnh (ở tầm chiến lược) là không được nổ súng vào kẻ địch ở nơi này hay nơi khác.

Thông thường, để tránh xung đột đẫm máu, hai bên đều cố kiềm chế để không nổ súng trước, trừ khi không thể tránh khỏi. Điều này càng đúng khi lực lượng quân đội ta trên đảo đá Gạc Ma hầu hết là lính công binh, xây dựng, trong tay hầu như chỉ có cuốc, xẻng. Để tránh đổ máu trong thế chênh lệch quá lớn về lực lượng, có thể cấp chỉ huy trực tiếp của ta ra lệnh cho chiến sĩ không được để kẻ địch có cớ nổ súng.

Để mọi người đánh giá khách quan sự việc, tôi xin giới thiệu qua về nhân vật Lê Mã Lương, người tự ý phát tán nguồn tin này. Từ thời trẻ, chúng tôi được biết, Lê Mã Lương là nhân vật mà bộ máy tuyên truyền của đảng và quân đội dựng lên như một người anh hùng chống Mỹ. Câu nói nổi tiếng của huyền thoại này “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” mà các thế hệ trẻ sau này rất nghi ngờ về tính xác thực trong suy nghĩ của tác giả. 

Cần làm rõ thêm, Lê Mã Lương là người cùng họ Lê và cùng quê Thanh Hóa với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với thân nhân như vậy, chúng ta có quyền nghi ngờ động cơ phát ngôn tin nhạy cảm không dẫn được nguồn từ tướng Lê Mã Lương.

Chúng ta từng phê phán fake news trong việc dựng lên các tấm gương Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Bé… thì cũng không thể sử dụng một nguồn tin không xác thực để bóp méo sự thật nhằm phục vụ mục đích đen tối.

Khác với dã sử và huyền thoại, lịch sử cần phải được ghi lại một cách trung thực, khách quan.

Trần Quốc Quân
FB Trần Quốc Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét